Khởi nguồn hành trình nghiên cứu bọ cạp Việt Nam của TS Lê Xuân Huệ là từ năm 1990, khi ông nhận lời mời hợp tác của PTS Hoàng Ngọc Anh – một cán bộ của Viện Hóa học, Viện Khoa học Việt Nam[1]. Khi ấy, bà Hoàng Ngọc Anh vừa bảo vệ luận án phó tiến sĩ ở Liên Xô trở về và dự định thực hiện một đề tài liên quan đến việc phân tích thành phần hóa học của nọc bọ cạp Việt Nam. Vì bà không có chuyên môn sâu về côn trùng học, nên khi biết TS Lê Xuân Huệ là chuyên gia về côn trùng, bà đến mời ông hợp tác nghiên cứu. Theo đề nghị của PTS Hoàng Ngọc Anh, ông Huệ đảm nhiệm việc sưu tầm bọ cạp và tách lấy nọc, bà sẽ cung cấp chiếc “máy” tách nọc bọ cạp mang về từ Liên Xô, đồng thời cung cấp kinh phí cho các chuyến đi thực địa. TS Lê Xuân Huệ là người say mê lĩnh vực côn trùng học, nên cảm thấy khá hứng thú với công việc này.
Thuở còn ở khoa Sinh học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sinh viên Lê Xuân Huệ được trang bị kiến thức cơ bản nhất về bọ cạp thông qua những bài giảng của thầy Phạm Bình Quyền[2] và từ tài liệu đọc được. Ông mới chỉ biết ở Việt Nam có hai loại bọ cạp phổ biến là bọ cạp nâu (Lychas mucronatus) và bọ cạp đen (Heteromchtrus (H.) Spinifer), nọc của chúng có giá trị rất lớn trong y học. Từ lâu, dân gian đã lưu truyền bài thuốc sử dụng bọ cạp làm thuốc bôi ngoài da, thuốc chữa bệnh kinh phong, thiên đầu thống… Tuy nhiên, theo ông tìm hiểu thì đó đều là bọ cạp Buthus marten sii mang về từ Trung Quốc. Với mong muốn tìm hiểu kỹ hơn về bọ cạp ở Việt Nam và biến nó từ một loài mà nhiều người cho là “gớm ghiếc” trở nên có ích, thay thế bọ cạp của Trung Quốc, ông đã hợp tác với PTS Hoàng Ngọc Anh.
Thời điểm năm 1990, không nhiều người biết cụ thể bọ cạp phân bố ở những đâu trên lãnh thổ Việt Nam. TS Lê Xuân Huệ cũng chỉ biết nó sống ở nơi nhiều cây cối, nhất là những chỗ có gỗ mục. Vì vậy, ông cùng các cộng sự đã thực hiện một chuyến khảo sát ở vùng rừng núi Mộc Châu, tỉnh Sơn La, với hy vọng tìm thấy nhiều bọ cạp ở đó. Nhưng mất hơn 2 tháng, chỉ bắt được vài con bọ cạp đen, nên cả nhóm đành quay về Hà Nội. Chuyến đi đầu tiên hầu như thất bại! Không nản chí, TS Huệ tiếp tục tìm đọc tài liệu và hiểu thêm rằng bọ cạp ưa khí hậu nóng. Vì thế, ông quyết định chuyển hướng sang điều tra, khảo sát ở miền Trung, từ Nghệ An, Hà Tĩnh rồi tiến dần vào các tỉnh phía Nam.
Năm 1991, với mục đích gia tăng kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, TS Lê Xuân Huệ đề xuất thực hiện đề tài “Nghiên cứu loài bọ cạp Việt Nam” và được Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật chấp nhận. Ông Huệ làm chủ nhiệm đề tài, có 5 thành viên khác của Viện cùng tham gia: Đặng Đức Khương, Hoàng Vũ Trụ, Phạm Đình Sắc và hai cán bộ nữ là Ngô Thị Cát (vợ ông Huệ), Phạm Quỳnh Mai. Theo phân công, ông Huệ và ông Khương phụ trách chính công tác điều tra, khảo sát; các thành viên còn lại chủ yếu làm việc ở phòng thí nghiệm. Ban đầu, kinh phí mỗi năm cho đề tài là 1.000.000 đồng. Về sau, ông Huệ viết thư đề nghị Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam Nguyễn Văn Hiệu nên được cấp thêm 500.000 đồng/năm.
Sau khi khảo sát ở Nghệ An và Hà Tĩnh, theo gợi ý của PTS Hoàng Ngọc Anh, TS Lê Xuân Huệ và ông Đặng Đức Khương vào Tây Ninh. Dù đã mang theo giấy đi đường, nhưng khi tới xã thì chính quyền vẫn yêu cầu hai ông phải làm việc trước với huyện. Vì vậy, các ông vào ngủ nhờ nhà dân, chờ sáng hôm sau lên Ủy ban huyện xin phép khảo sát. Khi đi xe khách lên huyện, một thanh niên trẻ tên là Lượng sống ở Bình Phước tình cờ nghe được ông Huệ và ông Khương nói với nhau về việc tìm bọ cạp, nên đã khuyên hai ông sang Bình Phước, vì ở đó có nhiều bọ cạp. Hai ông hết sức vui mừng và theo chân anh thanh niên này về nhà ở xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú. Nhờ có sự hướng dẫn của anh Lượng, công việc khảo sát tại xã Tân Lợi và mấy xã lân cận như Tân Hòa, Tân Hưng… diễn ra thuận lợi. Đúng là bọ cạp ở đây rất nhiều, bắt không xuể. Tuy nhiên, bắt bọ cạp cũng không đơn giản, như ông Huệ kể lại: Lúc đầu không quen nên việc bắt bọ cạp gặp khó khăn bởi chỉ sợ nó chích. Tôi cũng bị nó chích nhiều lần, có lần vết chích bị sưng tấy, gây sốt cao, nhưng sau thì cũng quen, vì độc tố trong nọc bọ cạp Việt Nam không quá cao[3]. Thấy tự mình làm không xuể, hai ông thuê dân địa phương bắt bọ cạp với giá mỗi con 1.000 đồng. Bọ cạp được nhốt vào hộp gỗ – loại hộp chuyên dụng đã đặt đóng từ trước. Hơn một tháng sau, hai ông hào hứng mang khoảng 200-300 con bọ cạp về Hà Nội. Sau lần ấy, ông Huệ còn quay trở lại Bình Phước nhiều lần để bắt bọ cạp về nghiên cứu. Bởi vậy, hình ảnh một ông già đội chiếc mũ vải rộng vành, vai vác chiếc vợt to như cái vó đã trở nên quen thuộc với nhiều đứa trẻ ở xã Tân Lợi, và chúng thường gọi ông là “ông bọ cạp”. Ông Huệ cho hay, chiếc vợt đó dùng để bắt một số loài côn trùng làm thức ăn cho bọ cạp.
Chiếc “máy” tách nọc bọ cạp của PGS Lê Xuân Huệ
TS Lê Xuân Huệ cho biết, khi rời Hà Nội đi khảo sát, ngoài những vật dụng cần thiết như quần áo, chăn màn… còn phải mang theo vợt, hộp đựng bọ cạp, dụng cụ thí nghiệm, thỉnh thoảng mang theo cả chiếc “máy” tách nọc để nếu cần sẽ kiểm tra mẫu nọc ngay tại thực địa. Ban đầu, các ông sử dụng chiếc “máy” tách nọc do PTS Hoàng Ngọc Anh mang về từ Liên Xô. Nhưng trong một chuyến đi khảo sát, mặc dù đã cất riêng nó vào một cái túi và để trên ngăn đựng đồ trong xe khách, vậy mà khi xuống xe thì không thấy nữa. Ông Huệ cho rằng có ai đó đã lấy đi mất, vì thấy bọc gói cẩn thận nên tưởng là đồ gì quý giá. Việc tách nọc bọ cạp để nghiên cứu không thể dừng lại, vì vậy, khoảng giữa năm 1991 ông Khương chế tạo một dụng cụ khác có hình thức và cơ chế hoạt động tương tự chiếc “máy” đã bị mất. Dù nay không nhớ chính xác hình dạng chiếc “máy” của Liên Xô, nhưng theo ông Huệ, chiếc “máy” tự chế này giống đến 80%. Chiếc “máy” gồm hai bộ phận: một bộ phận làm chức năng biến thế, kích thước 6,4cm x 9,8cm x 4cm, có dây điện và phích cắm để lấy điện nguồn 220V, còn đầu ra có hai đoạn dây điện lõi đồng được nối với hộp biến thế kia, phần đầu của hai dây đồng đã làm cho nhọn đi; bộ phận còn lại là chiếc bẫy chuột, kích thước 8,5cm x 22cm, có gắn thêm một miếng mica tròn để tạo thành bàn kẹp con bọ cạp khi tách nọc nó. Sau đó ông Khương còn làm thêm một chiếc “máy” nữa để đền cho bà Hoàng Ngọc Anh.
Khi lấy nọc, cần đặt con bọ cạp lên bàn kẹp, sao cho đuôi của nó vào đúng vị trí của miếng mica. Sau khi cắm điện, dí đầu nhọn của hai đoạn dây điện vào hai đốt cuối ở đuôi của con bọ cạp, dòng điện khoảng 3-4V sẽ kích thích khiến nó tiết ra khoảng 1ml nọc. Sau mấy phút, khi nọc khô lại, dùng con dao nhỏ cạo lấy và cho vào cốc thủy tinh, rồi bảo quản trong tủ lạnh âm chuyên dụng với nhiệt độ khoảng -200C. Vì nọc bọ cạp cần được bảo quản như vậy nên ông Huệ chủ yếu dùng “máy” tách nọc trong phòng thí nghiệm của Viện.
Mỗi khi bọ cạp được đưa từ các nơi về đến Hà Nội, nhóm nghiên cứu thường khẩn trương sử dụng “máy” để tách lấy nọc. Họ đã tách nọc hàng nghìn con, mà như TS Lê Xuân Huệ cho biết: Mỗi con bọ cạp, cứ cách khoảng 10-15 ngày có thể lấy nọc một lần[4]. Bà Ngô Thị Cát cũng chia sẻ: Cơ chế hoạt động của chiếc máy rất đơn giản mà hữu hiệu, nên công việc của chúng tôi cũng thuận lợi [5]. Nhóm nghiên cứu phối hợp với GS.TS Nguyễn Tài Lương[6], khi ấy là Giám đốc Trung tâm Sinh lý – Hóa sinh người và động vật, để phân tích thành phần hóa học của nọc bọ cạp. Qua đó phát hiện có thể sử dụng nọc bọ cạp để chữa bệnh xương khớp. Ông Huệ còn ngâm một bình bọ cạp với cồn, dùng xoa bóp chữa bệnh xương khớp của chính mình, hoặc chữa bỏng nước sôi, đều thấy khá hiệu quả. Ông cho biết: Bản thân tôi, mỗi lần đi công tác (đi rừng núi) đều đem theo cồn bọ cạp để phòng chữa ngã, sái chân, đau bụng gió và xoa các vết do côn trùng cắn[7]. Có lần, một người bạn bị trật khớp chân, ông đem cồn bọ cạp cho dùng thử, chỉ xoa một vài hôm đã đỡ đau.
Sau hơn một năm thực hiện, đề tài “Nghiên cứu loài bọ cạp Việt Nam” do TS Lê Xuân Huệ làm chủ nhiệm được Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật nghiệm thu năm 1992. Nhóm tác giả đã giới thiệu một cách tổng quan những đặc điểm hình thái, sinh thái học của bọ cạp và khẳng định giá trị của nọc bọ cạp trong y học. Dựa trên số nọc bọ cạp mà ông Lê Xuân Huệ và các cộng sự tách được, bà Hoàng Ngọc Anh tiếp tục phân tích thành phần hóa học để sử dụng cho đề tài của mình. Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Cát, bà ấy sử dụng như thế nào thì chúng tôi không nắm được[8].
Sau đó, TS Lê Xuân Huệ đề nghị phát triển đề tài cấp Viện này thành đề tài khoa học cơ bản cấp Bộ, vẫn giữ tên gọi “Nghiên cứu loài bọ cạp Việt Nam” và ông tiếp tục làm chủ nhiệm, được cấp kinh phí mỗi năm 4.500.000 đồng. Các thành viên tham gia thực hiện đề tài trước kia vẫn đồng hành cùng ông Huệ. Chiếc “máy” tách nọc bọ cạp do ông Khương chế tạo cũng tiếp tục được sử dụng. Đến giai đoạn này, bên cạnh việc phân tích nọc, nhóm nghiên cứu còn tiến hành nuôi bọ cạp để chủ động về mẫu. Bắt được bọ cạp đã khó, nhưng để nuôi được nó cũng không dễ. Ông Huệ lại phải mày mò, lục tìm tài liệu nói về bọ cạp. Rồi ông tìm ra được phương pháp nuôi bọ cạp và áp dụng thành công. Đó là nuôi bọ cạp trong hộp gỗ hoặc lọ thủy tinh có chứa gỗ vụn, miệng lọ bịt vải xô, đặt trong phòng thoáng và sạch. Phòng cần có lưới che kín để bọ cạp không thoát ra ngoài. Thức ăn của bọ cạp là châu chấu, cào cào, mối, nhện, gián đất, sâu non của bướm… Nhóm nghiên cứu thường bắt châu chấu ở vườn cây của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật để nuôi bọ cạp. Một khó khăn gặp phải là tập tính bọ cạp con bám trên lưng mẹ để chờ lột xác, sau khoảng 10 ngày mà nó không kịp rời đi thì sẽ bị bọ cạp mẹ ăn thịt. Vì vậy, phải thường xuyên kiểm tra, đến ngày thứ 10 nếu bọ cạp con chưa rời lưng mẹ thì gắp nó ra và nuôi riêng.
Cứ kiên trì như vậy, số lượng bọ cạp của nhóm nghiên cứu nuôi được tăng dần, từ 200, 300 lên 500 con, có thời điểm lên đến 2.000 con. Ông Huệ mải mê với công việc: Ngày đó, mọi người trong Viện thường bảo ông là “lão gàn”, vì ông quá say mê nghiên cứu bọ cạp. Ngày này qua ngày khác, ông cứ cặm cụi ở phòng nuôi bọ cạp, nâng niu, chăm sóc từng con một, rồi chích hút, lấy nọc của chúng đem về nghiên cứu, phân tích. Có hôm ông ngủ quên ở phòng nuôi lúc nào chẳng hay[9]. Nhưng năm 1997, trong mùa đông lạnh giá, bọ cạp lần lượt lăn ra chết. Không từ bỏ quyết tâm nghiên cứu, ông Huệ và các cộng sự tiếp tục sử dụng số nọc đã tách từ trước đó để điều chế thành thuốc chữa bệnh. Ông kết hợp với GS.TS Đái Duy Ban, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hóa sinh ứng dụng, nhằm nghiên cứu tác dụng của nọc bọ cạp trong việc chữa trị ung thư. Khi thử nghiệm thuốc trên chuột bạch, bệnh của chúng thuyên giảm, nhưng sau đó vẫn tái phát. Khoảng năm 2000, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật xét thấy đề tài của ông không khả thi nên cắt toàn bộ kinh phí. Dù vậy, ông Huệ vẫn tiếp tục cặm cụi làm việc một mình, nhưng không thu được kết quả nào có tính đột phá.
PGS Lê Xuân Huệ trong phòng nuôi bọ cạp, khoảng năm 1996-2002
Sau khi nghỉ hưu (2010), PGS Lê Xuân Huệ được một số cơ quan mời tham gia các chuyến điều tra, khảo sát về côn trùng. Trong mỗi chuyến đi ông đều sưu tầm thêm bọ cạp để nghiên cứu. Lúc này, các cộng sự ở Viện không nghiên cứu bọ cạp nữa nên không dùng tới chiếc “máy” tách nọc, ông Lê Xuân Huệ mang về nhà để phục vụ cho việc tự nghiên cứu của mình. Việc nghiên cứu thêm này đã giúp ông bổ sung tư liệu và biên soạn cuốn sách Đặc điểm bọ cạp Việt Nam (Arachria, Scorpionides), hướng nghiên cứu nuôi và sử dụng chúng[10]Ông khẳng định: Có thể sử dụng bọ cạp nâu của Việt Nam để thay thế bọ cạp Buthus marten sii trong việc điều chế cồn bọ cạp thành thuốc bôi ngoài chữa bệnh[11]. Năm 2012, ông mắc phải bạo bệnh, sức khỏe suy giảm và không thể tiếp tục làm việc được nữa. Do kinh phí hạn hẹp nên ông cũng chưa xuất bản được cuốn sách của mình viết về bọ cạp như kể trên. Ông phải dừng lại, nhưng ông vẫn mong thế hệ trẻ sẽ có ai đó say mê để tiếp tục nghiên cứu về bọ cạp Việt Nam.
Chiếc “máy” tách nọc bọ cạp được PGS Lê Xuân Huệ cất giữ trong chiếc hòm tôn đựng các tài liệu và dụng cụ phục vụ công việc nghiên cứu của ông. Đến năm 2016, khi định tặng tài liệu và hiện vật cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam thì ông phát hiện chiếc “máy” không còn bộ phận bàn kẹp. Vì vậy, ông mua một chiếc bẫy chuột và tìm một miếng mica để làm bàn kẹp mới, cùng với cái biến thế có sẵn tạo thành chiếc “máy” tách nọc bọ cạp hoàn chỉnh. PGS Lê Xuân Huệ nói thêm khi trao hiện vật này cho chúng tôi: Thuở đó, có được chiếc “máy” này là rất quý. Nhờ có nó chúng tôi mới hiện thực hóa được quyết tâm nghiên cứu về bọ cạp Việt Nam[12].
Lê Thị Lợi
________________________
* PGS.TSKH Lê Xuân Huệ, chuyên ngành Sinh học, nguyên Trưởng phòng Hệ thống học côn trùng, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
[1] Nay là Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam.
[2] Ông Phạm Bình Quyền sau là Phó giáo sư – Tiến sĩ, Phó viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển bền vững.
[3] Tài liệu ghi âm PGS.TSKH Lê Xuân Huệ, 27-6-2020, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[4] Tài liệu ghi âm PGS.TSKH Lê Xuân Huệ, 19-11-2016, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[5] Tài liệu ghi âm PGS.TSKH Lê Xuân Huệ, 27-6-2020, đã dẫn.
[6] Ông Nguyễn Tài Lương sau là Giáo sư – Tiến sĩ khoa học.
[7] PGS.TSKH Lê Xuân Huệ, bản thảo sách Đặc điểm bọ cạp Việt Nam (Arachria, Scorpionides), hướng nghiên cứu nuôi và sử dụng chúng, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tr. 77.
[8] Tài liệu ghi âm PGS.TSKH Lê Xuân Huệ, 27-6-2020, đã dẫn.
[9] Lê Vân Trường, “Ước mơ của ông “vua” bọ cạp”, báo An ninh thế giới, 13-2-2005.
[10] Bản thảo cuốn sách đang lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[11] PGS.TSKH Lê Xuân Huệ, bản thảo sách Đặc điểm bọ cạp Việt Nam (Arachria, Scorpionides), hướng nghiên cứu nuôi và sử dụng chúng, đã dẫn, tr. 4.
[12] Tài liệu ghi âm PGS.TSKH Lê Xuân Huệ, 27-6-2020, đã dẫn.