Chiếc thùng nhôm – Kỷ vật của một thời gian khó

PGS.TS Lê Văn Truyền sinh năm 1941 tại Huế. Ông nguyên là Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa IX. Ông có nhiều đóng góp xây dựng chính sách thuốc có giá trị chỉ đạo xuyên suốt nhiều thập kỷ đối với ngành Dược Việt Nam. Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, PGS.TS Lê Văn Truyền đã công bố hàng trăm bài báo nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành, báo cáo tại các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế.

Thời kỳ bao cấp, đặc biệt sau 1975, do bị bao vây cấm vận và đối phó chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Nam, kinh tế đất nước rất khó khăn. Bộ Đại học cho phép các trường đại học dựa trên thế mạnh khoa học-kỹ thuật của mình được tham gia sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm và thực hiện các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật.

Bộ môn Bào chế, trường Đại học Dược Hà Nội tổ chức sản xuất một số dược phẩm thiết yếu rất khan hiếm trên thị trường. Một dược phẩm được Bộ môn tổ chức sản xuất là thuốc mỡ tra mắt Tetracyclin 1% cung cấp cho chương trình y tế học đường do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tài trợ.

Chiếc thùng nhôm này đựng nguyên liệu kháng sinh Tetracycline của Liên Xô bán cho Việt Nam. Sau khi sử dụng nguyên liệu Tetracycline để sản xuất thuốc mỡ tra mắt, Bộ môn chia phân cho cán bộ nhân viên chiếc thùng nhôm. PTS Lê Văn Truyền – cán bộ giảng dạy tại Bộ môn bào chế được phân cho 2 chiếc thùng nhôm dùng để đựng gạo, mì sợi… Thời đó, công ty lương thực bán gạo, mì sợi… theo từng đợt cho mỗi gia đình, mỗi đợt 5-10 kg . Gạo và mì sợi đựng trong bao tải có khi ẩm, mốc… nên chiếc thùng nhôm này dùng đựng gạo, mì sợi rất tốt.

Chiếc thùng nhôm được mang theo gia đình ông về Huế (1986-1990) và sau đó ra Hà Nội và được sử dụng, chủ yếu là để đựng gạo, cho đến hiện nay. Có lần, vợ chồng ông ngỏ ý cho con gái Lê Hương Giang một chiếc nhưng con gái không lấy vì đã có vật dụng khác để đựng gạo. 

Ngày 22-10-2021, ông đã tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam chiếc thùng nhôm kể trên, chiếc còn lại gia đình ông giữ, sử dụng để đựng gạo.

Ban biên tập