Chiếc vali này là một trong số kỷ vật đặc biệt quý đối với GS.TS Nguyễn Viết Tùng, bởi đây là vali của bố cho từ lúc khởi nghiệp và nó đã gắn bó với ông trong những thời kỳ gian khó nhất. Cho đến khi nó đã hỏng khóa, sờn mặt, long nắp, ông vẫn giữ gìn, vẫn dùng để đựng những tài liệu cá nhân. Ông tâm sự:Mỗi lần nhìn thấy chiếc vali, tôi lại nhớ đến bố tôi, nhớ cả những lời khuyên của bố dành cho tôi[1]. Vài năm trở lại đây, thỉnh thoảng ông lại nhắn nhủ con cháu phải giữ gìn những kỷ vật gia đình, trong đó có chiếc vali này. Tuy nhiên, khi đến tham quan Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam hồi tháng 8-2015, được tận mắt thấy những kỷ vật của các nhà khoa học, trong đó có cả những chiếc vali, suy nghĩ của ông đã thay đổi. Nhưng ông cũng vẫn đắn đo mãi rồi mới quyết định tặng chiếc vali của mình cho Trung tâm.
Nhớ về lịch sử của chiếc vali này, GS Nguyễn Viết Tùng chia sẻ: Đây là chiếc vali được bố tôi mua và sử dụng từ những năm 30 và trao lại cho tôi sử dụng từ những ngày đầu tốt nghiệp Học viện Nông lâm, tức là năm 1964[2].
Ngày còn nhỏ, vốn tính tò mò nên Nguyễn Viết Tùng hay để ý đến những đồ đạc trong nhà. Đặc biệt, cậu thấy bố rất quý chiếc vali đặt trong phòng làm việc và luôn mang theo trong những chuyến công tác xa nhà. Một lần, khi bố đang lau chùi chiếc vali, cậu hỏi về lai lịch của nó. Chiều lòng con trai, cụ Nguyễn Viết Nghi đã kể về chiếc vali này.
Vì mồ côi bố mẹ từ nhỏ, sống nhờ vào sự cưu mang của họ hàng, nên tuổi thơ của cụ Nghi khá vất vả, phải sớm nghỉ học để tìm kiếm việc làm. Đầu những năm 30 của thế kỷ trước, sau khi kết hôn, cụ Nghi đã theo người anh vợ rời thành phố Vinh – Bến Thủy[3] đến vùng Tân Ấp và La Trọng ở Hà Tĩnh để làm công cho một nhà thầu xây dựng của Pháp, họ đang mở đường số 8 từ khu vực thị xã Hồng Lĩnh ngày nay sang Lào. Để chuẩn bị cho chuyến tha phương đầu đời này, cụ Nghi đã sử dụng số tiền dành dụm ít ỏi để chọn mua cho mình một chiếc vali gỗ giản dị dùng đựng hành lý. Khi mới mua, chiếc vali có khung gỗ phong rất nhẹ và chắc chắn, trên nắp có etiquet ghi thông tin hãng sản xuất ở Pháp. Về sau, theo thời gian, etiquet đã bị bong và rơi mất, đến nay GS Nguyễn Viết Tùng không còn nhớ hãng sản xuất chiếc vali này.
Bề mặt của chiếc vali có dán một lớp giấy bồi màu xám sẫm với những ô vuông nhỏ màu vàng kem, còn mặt trong được dán loại giấy trắng bóng như lụa. Có lẽ nhờ vậy nên chiếc vali chất liệu gỗ tuy hơi cục mịch nhưng trông cũng khá bắt mắt và không kém phần sang trọng.
Chiếc vali đã gắn bó với cụ thân sinh của GS Nguyễn Viết Tùng trong suốt thời gian cụ làm việc tại Tân Ấp và La Trọng ở Hà Tĩnh, cũng như các chuyến đi xa sau đó; gắn bó với cụ cả trong thời gian đi tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp tại vùng núi Anh Sơn, Nghệ An.
Sau ngày hòa bình lập lại (1954), cụ Nghi được điều động ra Hà Nội làm việc. Ngày đó, việc đi lại từ Vinh ra Hà Nội còn khó khăn, chỉ có một loại phương tiện duy nhất là những chiếc xe khách cổ lỗ, chật chội, mỗi ngày vài chuyến. Trong điều kiện như vậy, khi chuyển ra Hà Nội, cụ Nghi và gia đình phải để lại ở quê nhà hầu như toàn bộ những đồ đạc cồng kềnh, riêng chiếc vali gỗ thì cụ nhất quyết mang theo.
Vào làm việc tại Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, cụ Nghi được giao nhiệm vụ phục chế các tài liệu lịch sử bị hư hỏng. Suốt thời gian dài khi chưa có tủ tài liệu riêng, cụ đã mang chiếc vali gỗ lên cơ quan để cất giữ những hiện vật quý trong quá trình tác nghiệp.
Năm 1964, sau khi tốt nghiệp Học viện Nông lâm, Nguyễn Viết Tùng được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại bộ môn Côn trùng. Theo quy định lúc bấy giờ, cán bộ trẻ mới ra trường phải trải qua thời gian đi thực tế 6 tháng tại địa phương, nên anh được nhà trường cử đi tham gia chỉ đạo sản xuất tại Ty Nông nghiệp tỉnh Cao Bằng.
Khi biết tin con trai được cử đi công tác ở Cao Bằng, cụ Nghi động viên: Ừ, tốt, thanh niên bây giờ cũng phải “đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”[4]. Cụ dọn vali, chuyển tài liệu để ra chỗ khác và giao lại chiếc vali cho con trai. Đồng thời, cụ giảng giải về tiện ích của vali, về hành trang lập nghiệp và cụ cũng gửi gắm cả niềm tin, hy vọng của một người cha.
Giảng viên trẻ Nguyễn Viết Tùng khi ấy cũng giống như bao thanh niên khác, không thích những vật dụng cồng kềnh, chỉ muốn một chiếc ba lô để xách đi cho tiện. Nhưng cụ Nghi đã khuyên: Con nên xách vali đi, vì ngoài quần áo, con có thể để thêm sách vở mà không sợ bị nhàu nát. Nếu đến đó không có bàn làm việc thì con có thể dùng vali làm bàn. Ngày xưa cậu cũng nghĩ ra cách này khi đi làm[5]. Tuy vậy, Nguyễn Viết Tùng vẫn muốn từ chối: Nhưng mà chiếc vali của cậu bây giờ đã bị bong tróc gần hết rồi[6]. Cụ Nghi vẫn kiên trì: Cậu đã giao cho con thì tùy óc thẩm mĩ của con mà sửa chữa cho phù hợp[7]. Cuối cùng, Nguyễn Viết Tùng thuận theo ý bố và mặc cả: Nếu thế thì cậu đồng ý cho con bóc hết lớp giấy kia để sơn lại nhé![8]. Cụ Nghi nghĩ ngợi một lúc rồi miễn cưỡng trả lời: Cũng được, song nên nhớ người Pháp trước đây dùng màu giấy rất nhã nhặn, con nên chọn màu sơn sao cho phù hợp![9].
Bấy giờ, chiếc vali đã cũ, hỏng khóa, mất quai xách, lớp giấy bọc ngoài bị bong tróc nhiều chỗ. GS Nguyễn Viết Tùng còn nhớ: Lúc đó, tôi đã bóc hết phần giấy bồi ở mặt trong và ngoài vali, sau đó đạp xe đến cửa hàng mậu dịch Bách hóa ngũ kim (bấy giờ nằm đối diện Nhà hát lớn Hà Nội) chọn mua hai hộp sơn để sơn lại chiếc vali của bố[10]. GS Nguyễn Viết Tùng cho biết thêm, ông đã sử dụng hộp sơn màu xám nhạt để sơn mặt ngoài và hộp sơn màu trắng ngà để sơn mặt trong của chiếc vali, nhưng vẫn cố gắng giữ lại một phần lớp giấy bọc ở dưới khóa cài và các góc để làm “chứng tích lịch sử”. Thêm nữa, ông đi tìm loại thắt lưng bằng vải bạt từ hàng quân dụng Trung Quốc, cắt lấy một đoạn khoảng 20cm rồi dùng kim khâu giầy để khâu lại thành chiếc quai xách mới cho chiếc vali, đồng thời sửa lại khóa bằng cách uốn hai chiếc móc sắt và đóng vào mép của nắp và miệng vali.
Chiếc vali đã “tân trang” được thầy giáo trẻ Nguyễn Viết Tùng dùng đựng quần áo và sách vở cho chuyến hành trình lên Cao Bằng. GS Nguyễn Viết Tùng nhớ như in, đó là một ngày giữa tháng 7-1964, cụ Nghi gọi ông dậy lúc 4 giờ sáng để ông ăn uống và chuẩn bị đồ đạc, rồi cụ lấy xe đạp đèo ông ra ga Hàng Cỏ cho kịp chuyến tàu Hà Nội – Lạng Sơn. Trong khi nhiều hành khách đeo ba lô, chàng trai Viết Tùng khá nổi bật bởi chiếc vali gỗ chẳng giống ai.
Sau khi xuống tàu ở Lạng Sơn, thầy giáo Viết Tùng mua vé xe khách lên Cao Bằng. Tới nơi, sau khi ổn định nơi làm việc, ngay hôm sau anh đã khoác ba lô đi thực tế. GS Nguyễn Viết Tùng cho biết: Bấy giờ, tôi là cán bộ có trình độ kỹ sư bảo vệ thực vật đầu tiên về được điều về Cao Bằng. Trước đó cũng có một số cán bộ trung cấp về Cao Bằng và nơi đây đã hình thành mạng lưới hai trạm bảo vệ thực vật đặt tại huyện Hoà An và Quảng Uyên[11].
Chiếc vali của GS.TS Nguyễn Viết Tùng
Tại Cao Bằng, KS Nguyễn Viết Tùng được phân công tập huấn giúp người dân đối phó với loài bọ xít hại lúa đang gây dịch tại hai huyện Phục Hòa và Hạ Lang – hai vùng có diện tích canh tác bị bọ xít gây hại nhiều nhất tỉnh lúc đó. Ty Nông nghiệp cấp cho anh giấy giới thiệu đặc biệt về địa phương chống dịch. Trong điều kiện đường sá khó khăn, phương tiện đi lại duy nhất là ô tô khách mà cũng ít chuyến, tờ giấy giới thiệu này rất có giá trị. Khi ra bến xe, anh chỉ cần xuất trình giấy giới thiệu là được xếp chỗ để đi về huyện.
Thời gian đó đang là vụ lúa mùa. Qua tìm hiểu và khảo sát thực tế, KS Nguyễn Viết Tùng nhận diện được đối tượng gây hại cho lúa là loài bọ xít thân dài, có mùi hôi, dân địa phương quen gọi là con "mành khành".
Bằng vốn hiểu biết và tra cứu thêm tài liệu mang theo, anh xác định đây là loài bọ xít dài Leptocorisa acuta rất nguy hiểm, thường phát dịch ở trung du và miền núi, nơi đồng ruộng xen kẽ giữa rừng núi. Bình thường loài bọ xít này sinh sống trong rừng, khi lúa trổ bông do hương thơm phát tán nên thu hút sự chú ý của chúng. Khi đó, bọ xít từ trong rừng bay ra, đậu kín các đám ruộng, hút hết chất dinh dưỡng của các bông lúa non, gây mất mùa cho người nông dân. Sau khi tàn phá mùa màng, loài bọ xít này lại quay về rừng trú đông.
Kỹ sư Nguyễn Viết Tùng đã phối hợp với cán bộ địa phương để tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con cách phòng chống loài bọ xít này một cách đơn giản và dễ hiểu. Trong các buổi tập huấn, anh động viên bà con không quá lo lắng và bi quan; anh giải thích về quy luật phát sinh, phát triển của bọ xít, nơi sinh sống của chúng, cách thức phòng và chống lại chúng. GS Nguyễn Viết Tùng kể lại: Bấy giờ, tôi có nói với bà con là loài bọ xít này thích mùi chất đạm đang phân hủy. Bà con có thể nhìn thấy chúng tụ tập quanh các lều nuôi vịt, hoặc trên xác chết động vật. Đồng bào Tây Bắc đã biết cách thu hút chúng bằng cách bắt vài con cua, đập chết, lấy que xiên qua rồi cắm ở bờ ruộng. Xác cua chết sẽ tỏa ra mùi hôi, hấp dẫn loài bọ xít này. Ngoài ra, cũng có thể lấy các bó rơm rạ phơi khô, tẩm nước đã hòa ruột cá rồi đem cắm ở bờ ruộng để thu hút loài bọ xít này[12].
Đồng thời, KS Nguyễn Viết Tùng thảo luận với cán bộ địa phương để tìm các biện pháp trực tiếp tiêu diệt bọ xít. Có thể sử dụng loại thuốc trừ sâu rất thông dụng khi ấy là 666, nhưng biện pháp này không khả thi, bởi kinh phí mua thuốc phun trên diện rộng sẽ rất tốn kém, chưa kể thuốc trừ sâu gây độc hại cho người sử dụng và cho cây lúa, do có hàm lượng clo cao.
Qua nghiên cứu, anh nảy ra ý định dùng bẫy đèn để tiêu diệt bọ xít hại lúa. Nhưng giải pháp này cũng không thuận tiện, như GS Nguyễn Viết Tùng cho biết: Ban đầu, biện pháp này gặp khó khăn trong hoàn cảnh chưa có điện, sử dụng đèn dầu thì hiệu quả không cao, đèn măng xông không có, đèn hoa kỳ thì cường độ sáng không đủ[13]. Cuối cùng, chàng kỹ sư trẻ bày cách cho bà con vào rừng lấy những cây nứa khô về đập giập, tẩm dầu vào rồi bó lại thành những cây đuốc. Buổi tối, người dân chia làm hai tốp ra cánh đồng: một tốp đốt đuốc lên, một tốp dùng sào khua trên mặt ruộng lúa để đuổi bọ xít. Khi chúng bay lên và nhao đến chỗ có ánh sáng, gặp lửa, bị cháy cánh và rơi xuống, tiết ra mùi hôi, kích thích những con bọ xít khác tiếp tục bay lên để lao vào lửa.
Trong buổi đầu thí điểm ở xã Cô Ngân, huyện Hạ Lang, KS Nguyễn Viết Tùng đã cùng với Chủ tịch huyện là ông Hà Văn Hầu trực tiếp chỉ dẫn cho người dân thực hiện thành công việc dùng đuốc để diệt bọ xít. Sau đó, biện pháp này được phổ biến rộng ra khắp hai huyện Hạ Lang và Phục Hòa. Kết quả rất đáng mừng, phần lớn bọ xít hại lúa đã bị tiêu diệt trước khi gây hại mùa màng.
Đa số dân cư ở huyện Phục Hòa và Hạ Lang là người Tày, người Nùng, phong tục tập quán khác người Kinh. Do đó, trong thời gian đầu, KS Nguyễn Viết Tùng gặp không ít khó khăn trong việc giao tiếp và thích ứng với điều kiện sinh hoạt tại bản làng. Trong hoàn cảnh không có điện, và gần như cách biệt về mặt thông tin, hàng ngày anh ăn món “nửa cơm, nửa cháo” được nấu từ gạo, còn thức ăn chủ yếu là ngọn bí, nấu theo kiểu dở xào, dở canh. Mắt mũi thì cay xè vì mùi nước đái và phân của gia súc nuôi nhốt bên dưới gầm sàn nhà. Không có bàn ghế, nên nhiều khi cần làm việc ban ngày, anh đặt chiếc vali lên đùi để làm bàn viết, theo cách của bố đã bày cho.
Vốn là người ưa khám phá, tìm tòi, thích sống hòa mình với thiên nhiên, lại đang hăng hái ở tuổi thanh niên, nên KS Nguyễn Viết Tùng nhanh bắt nhịp được với cuộc sống có nhiều điều mới lạ cùng những khó khăn và thử thách. Sau 2 tháng, anh đã võ vẽ giao tiếp được bằng tiếng Tày, Nùng, để hòa nhập với người dân sở tại, vì thế được bà con yêu mến.
Tháng 12-1964, sau khi kết thúc thời gian công tác tại Cao Bằng, KS Nguyễn Viết Tùng trở về Hà Nội tiếp tục giảng dạy tại trường Đại học Nông nghiệp (được tách ra từ Học viện Nông Lâm). Từ đó, anh không mang theo chiếc vali cồng kềnh trong các chuyến đi công tác nữa, nhưng vẫn dùng nó để lưu giữ những tài liệu cá nhân quan trọng tại cơ quan.
GS Nguyễn Viết Tùng cho biết, ông đã mua và sử dụng nhiều loại vali. Trải qua những đợt sơ tán, chuyển nhà, nhiều chiếc vali ông mua trong thời gian nghiên cứu sinh ở Rumani (1969-1973) hay khi đi công tác ở Mỹ và Hà Lan đã bị thất lạc hoặc loại bỏ, nhưng ông luôn trân trọng giữ gìn chiếc vali là kỷ vật của bố. Dù sau này khi kinh tế gia đình đã khá giả, có hòm, tủ… để lưu trữ tài liệu tiện lợi hơn, nhưng ông vẫn không bỏ chiếc vali gỗ cũ kỹ này.
Trước khi trao tặng chiếc vali cho nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam hồi tháng 3-2016, GS Nguyễn Viết Tùng đã lau sạch sẽ và gói bọc chiếc vali một cách cẩn thận. Ông vỗ nhẹ vào nắp vali và khẽ vén lớp nilon bọc ngoài rồi ghé môi hôn từ biệt nó. Chiếc vali này không đơn thuần là một vật dụng – đồ đựng, mà nó đã như một thành viên gắn bó thân thiết với hai thế hệ trong gia đình ông.
Phạm Ngọc Hải
_________________________
*GS.TS Nguyễn Viết Tùng, chuyên ngành Nông nghiệp, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam).
[1] Hỏi thông tin GS Nguyễn Viết Tùng ngày 17-3-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Hỏi thông tin GS Nguyễn Viết Tùng ngày 17-3-2016, tài liệu đã dẫn; Học viện Nông lâm là tên gọi trước kia của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, thời kỳ 1958-1964.
[3] Tên gọi của thành phố Vinh ở Nghệ An trong giai đoạn 1927-1945.
[4] Hỏi thông tin GS.TS Nguyễn Viết Tùng ngày 17-3-2016, tài liệu đã dẫn.
[5] Hỏi thông tin GS Nguyễn Viết Tùng ngày 17-3-2016, tài liệu đã dẫn.
[6] Hỏi thông tin GS Nguyễn Viết Tùng ngày 17-3-2016, tài liệu đã dẫn.
[7] Hỏi thông tin GS Nguyễn Viết Tùng ngày 17-3-2016, tài liệu đã dẫn.
[8] Hỏi thông tin GS Nguyễn Viết Tùng ngày 17-3-2016, tài liệu đã dẫn.
[9] Hỏi thông tin GS Nguyễn Viết Tùng ngày 17-3-2016, tài liệu đã dẫn.
[10] Hỏi thông tin GS Nguyễn Viết Tùng ngày 17-3-2016, tài liệu đã dẫn.
[11] Phỏng vấn GS Nguyễn Viết Tùng ngày 24-1-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN.
[12] Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Viết Tùng ngày 24-1-2016, tài liệu đã dẫn.
[13] Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Viết Tùng ngày 24-1-2016, tài liệu đã dẫn.