Chiếc vali là kỷ vật “cao tuổi” nhất của Giáo sư Trần Linh Sơn, gắn bó với ông suốt những năm tháng hoạt động khoa học và công tác.
Đã hơn 30 năm, kể từ khi Giáo sư Trần Linh Sơn mất, chiếc vali được bà Phan Việt Liên, vợ ông, lưu giữ cẩn thận như kỷ vật vô giá. Sau những lần trao đổi, hiểu rõ mục đích những công việc mà Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đang thực hiện, bà đã giao kỷ vật đã giữ bên mình mấy chục năm cho chúng tôi, “sau khi đã thắp hương xin phép ông” – bà Phan Việt Liên nói.
Trần Linh Sơn, tên thật là Trần Văn Sinh, sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ là Việt kiều yêu nước, buôn bán và sinh sống ở Lào, Thái Lan. Tốt nghiệp tiểu học, ông được gia đình cho về Huế học tiếp chương trình Trung học. Ngày lên đường đi học, ông được bố mua cho một chiếc vali nhỏ bằng da do Pháp sản xuất, đựng quần áo và đồ dùng cá nhân. Từ đó, chiếc vali trở thành người bạn đồng hành luôn bên cạnh ông trong những chuyến trở lại Lào nghỉ hè, từ Lào về Huế… Từ năm 1942, nó theo ông ra Hà Nội khi ông học tại Khoa Luật trường Đại học Đông Dương (1942-1945). Thời gian này ông tích cực tham gia trong phong trào yêu nước diễn ra tại Hà Nội. Tháng 8-1945, ông trở về Lào và tham gia cách mạng cùng với những thanh niên Việt kiều tại Lào, đảm trách nhiều nhiệm vụ: Thời gian từ 1947-1948, ông hoạt động ở miền Thượng du Thanh Hóa. Sau đó ông lên Việt Bắc công tác tại Văn phòng của Tổng Bí thư Trường Chinh, phụ trách về kinh tế, tài chính. Tháng 7-1951,Trần Linh Sơn được cử đi học tại Học viện Tài chính Moskva (Liên Xô), là một trong số 21 cán bộ đầu tiên được Trung ương Đảng cử đi Liên Xô đào tạo về khoa học kỹ thuật sau này về xây dựng đất nước. Sau chuyến đi học tập ở Liên Xô lần thứ nhất (1951-1956), ông còn trở lại đây bảo vệ luận án Phó tiến sĩ kinh tế vào năm 1962. Chiếc vali nhỏ bé lại theo ông cùng trải qua những năm tháng học tập, rèn luyện và tu dưỡng ở xứ sở Bạch Dương. Nó cũ kỹ, “già đi” theo thời gian, lớp vải carô đỏ lót bên trong đã thủng vài chỗ. Riêng hai chiếc khóa cài vali được làm bằng loại thép không gỉ cực tốt thì vẫn sáng bóng không một vết xước, như thách thức với thời gian hơn nửa thế kỷ.
Chiếc vali màu xanh lá úa đã sờn da vì năm tháng. Theo hồi tưởng của bà Phan Việt Liên, khi còn sống ông Trần Linh Sơn thường đặt chiếc vali ngay ngắn ở cạnh giá sách bên bàn làm việc, ông vẫn dùng để đựng những đồ dùng cá nhân. Thỉnh thoảng ông lại mở ra ngắm nghía chúng một cách trìu mến xen lẫn bâng khuâng như gặp lại những người bạn cũ. Có lẽ trong ông đang sống lại những ký ức một thời tuổi trẻ trong sáng, tràn căng nhựa sống và sẵn sàng dâng hiến cho Tổ quốc không một chút tính toán so đo. Những đồ vật như những vật thể có hồn, bình dị, gần gũi, gắn bó suốt cuộc đời ông – người được các học trò gọi một cách trân trọng: Người “khai hoang” ngành Ngân hàng Việt Nam.