Chiếc vali và những kỷ vật nhỏ

Những dòng tâm sự này được viết trong một cuốn Tùy bút, đặt ngay ngắn bên trong chiếc vali da màu xanh lá úa, đã bợt màu gợn những vết sờn do thời gian. Lật mở chiếc vali – kỷ vật “cao tuổi” nhất của GS Trần Linh Sơn, chúng tôi ngỡ ngàng vì những đồ vật bên trong nó thật bình dị, nhưng rất đặc biệt bởi chúng đã gắn bó suốt những năm tháng hoạt động của nhà khoa học – GS.TS Trần Linh Sơn, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

GS.TS Trần Linh Sơn

Đã hơn 20 năm, kể từ khi GS.TS Trần Linh Sơn mất (1989), chiếc vali được bà Phan Việt Liên, vợ ông, lưu giữ cẩn thận như kỷ vật vô giá. Sau những lần trao đổi, hiểu rõ mục đích những công việc mà Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đang thực hiện, bà đã giao kỷ vật đã giữ bên mình mấy chục năm cho chúng tôi, “sau khi đã thắp hương xin phép ông” – bà Phan Việt Liên nói.

Chiếc vali và những kỷ vật nhỏ

Trần Linh Sơn, tên thật là Trần Văn Sinh, sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ là Việt kiều yêu nước, buôn bán và sinh sống ở Lào, Thái Lan. Tốt nghiệp tiểu học, ông được gia đình cho về Huế học tiếp chương trình Trung học. Ngày lên đường đi học, ông được bố mua cho một chiếc vali nhỏ bằng da do Pháp sản xuất, đựng quần áo và đồ dùng cá nhân. Từ đó, chiếc vali trở thành người bạn đồng hành luôn bên cạnh ông trong những chuyến trở lại Lào nghỉ hè, từ Lào về Huế… Từ năm 1942, nó theo ông ra Hà Nội khi ông học tại Khoa Luật trường Đại học Đông Dương (1942-1945). Thời gian này ông tích cực tham gia trong phong trào yêu nước diễn ra tại Hà Nội. Tháng 8-1945, ông trở về Lào và tham gia cách mạng cùng với những thanh niên Việt kiều tại Lào, đảm trách nhiều nhiệm vụ: Ủy viên Ban Chấp ủy Hội Việt kiều cứu quốc và Ủy viên Ủy ban Lào độc lập tỉnh Savanakhet (19-8-1945 đến 23-10-1945); Chính trị chỉ đạo viên Liên quân Lào-Việt Mặt trận đường số 9 (11-1945 đến 6-3-1946);…Thời gian từ 1947-1948, ông hoạt động ở miền Thượng du Thanh Hóa. Sau đó ông lên Việt Bắc công tác tại Văn phòng của Tổng Bí thư Trường Chinh, phụ trách về kinh tế, tài chính. Tháng 7-1951,Trần Linh Sơn được cử đi học tại Học viện Tài chính Mátxcơva (Liên Xô), là một trong số 21 cán bộ trí thức đầu tiên được Trung ương Đảng cử đi Liên Xô đào tạo về khoa học kỹ thuật sau này về xây dựng đất nước. Sau chuyến đi học tập ở Liên Xô lần thứ nhất (1951-1956), ông còn trở lại đây bảo vệ luận án Phó tiến sĩ kinh tế vào năm 1962. Chiếc vali nhỏ bé lại theo ông cùng trải qua những năm tháng học tập, rèn luyện và tu dưỡng ở xứ sở Bạch Dương. Nó cũ kỹ, “già đi” theo thời gian, lớp vải carô đỏ lót bên trong đã thủng vài chỗ. Riêng hai chiếc khóa cài vali được làm bằng loại thép không gỉ cực tốt thì vẫn sáng bóng không một vết xước, như thách thức với thời gian hơn nửa thế kỷ.

Bà Phan Việt Liên kể lại rằng, chiếc vali đã gắn bó với rất nhiều kỷ niệm của ông Trần Linh Sơn, đặc biệt là những ngày hoạt động ở Lào, miền Thượng du Thanh Hóa. Mở chiếc vali cũ ra, điều khiến tôi chú ý là cuốn “Tùy bút: Theo dòng thời gian – ý nghĩ và cảm xúc”. Lật mở những trang giấy màu xanh nhạt rất đẹp, ông mang từ Liên Xô về, dừng lại ở đoạn ông nhớ về những ngày tháng hoạt động của mình: “… Bỗng nhiên nhớ đến những ngày đã qua: những ngày chiến đấu gian khổ ở Mặt trận đường số 9, những ngày xông pha ở Thượng du Thanh Hóa giữa bao nhiêu nguy hiểm, những ngày sống trong rừng sâu Việt Bắc để thực hiện ý chí sau khi được ánh sáng mới của Cách mạng tháng VIII bừng chói. Tự hào đã thấy được chân lý một cách tương đối dễ dàng, không bị cái cũ ràng buộc và đã vươn mình lên kịp với thời đại mới…" [1]

Ở một góc của vali là 2 chiếc kính cận đặt trong hai hộp kính màu trắng bạc, một chiếc bị nứt một bên mắt. Những chiếc kính này đã gắn bó với Trần Linh Sơn mấy chục năm, thậm chí cứ nhắc tới GS Trần Linh Sơn là các học trò cũ lại nhớ tới cặp kính cận to với một niềm yêu mến. Trong bài viết “Chung dòng tưởng nhớ” của Thanh Duy, in trong tập Hồi ký “40 mùa sen nở”, Kỷ niệm 40 năm thành lập ngành Ngân hàng, tác giả chia sẻ: “Ai đã từng qua các lớp trung học Ngân hàng ở Hải Phòng từ năm 1957-1958 hẳn còn nhớ rất rõ những bài giảng về thời kỳ quá độ, về tiền tệ, về tín dụng, kinh tế chính trị học, triết học… mà thầy giáo Trần Linh Sơn dịch giảng đến đâu thì nhóm thư ký ghi chép và biên tập đến đó, in rất nhanh thành sách cho học viên và cán bộ trong ngành nghiên cứu, tìm hiểu… Chúng tôi lên lớp háo hức nghe giảng. Anh giảng chưa hay, chưa hấp dẫn lắm vì anh vừa mới bước chân vào nghề. Mặt khác khoa học tiền tệ, tín dụng đã khó lại mới với chúng tôi; Anh cũng chưa có mấy thực tiễn Việt Nam; lời Việt nhưng văn Tây do anh vừa dịch vừa giảng, với tốc độ nói như “liên thanh”, có đoạn ở tập này lại nhảy qua tập khác, dưới cặp kính cận, anh cứ lần lượt dở sột soạt, toát cả mồ hôi sau khi xong một tiết học, một buổi giảng, khác nào công sức vật lộn của người “khai hoang”, cố bằng mọi cách truyền kiến thức Ngân hàng xã hội chủ nghĩa vào ngành ta, vào nước ta”.

Bên cạnh cuốn Tùy bút là những cuốn lịch tay ghi kín các ngày trong năm mà Trần Linh Sơn ghi chép công việc và sự kiện chính từ năm 1971 đến năm 1975. Lịch thứ 6 và thứ 7, ngày 1 và 2-1-1971 ghi: “Công tác ở Kiến Xương, Thái Bình, về nghiên cứu kế hoạch của Hợp tác xã Nam Hồng, xã Nam Cao (Thủy lợi, giống, kỹ thuật). Đi Tiền Hải thăm Hợp tác xã Nam Cường trồng cói (sau 10 năm): Kế hoạch về quyết định phương hướng sản xuất cói, lúa… Làm việc với chi nhánh Trung tâm Thái Bình và nói một số dự kiến chủ trương. 11 giờ về chi nhánh Nam Hà và đi Hợp tác xã Hải Lý (muối) ở Hải Hậu: Vấn đề kinh tế sau chiến tranh, vùng công giáo… [2] Rồi nữa, một chiếc bút máy Paker cũ để trong một chiếc bao bằng sợi đan có nút thắt; một con dao cạo râu và những chiếc thẻ tham gia các câu lạc bộ từ những năm 1970 đã bị ố vàng, vài chiếc bật lửa dùng đá cũ kỹ…

Tất cả những kỷ vật đó đều được đặt ngay ngắn trong chiếc vali màu xanh lá úa đã sờn da vì năm tháng. Theo hồi tưởng của bà Phan Việt Liên, khi còn sống GS Trần Linh Sơn thường đặt chiếc vali ngay ngắn ở cạnh giá sách bên bàn làm việc, ông vẫn dùng để đựng những đồ dùng cá nhân. Thỉnh thoảng ông lại mở ra ngắm nghía chúng một cách trìu mến xen lẫn bâng khuâng như gặp lại những người bạn cũ. Có lẽ trong ông đang sống lại những ký ức một thời tuổi trẻ trong sáng, tràn căng nhựa sống và sẵn sàng dâng hiến cho Tổ quốc không một chút tính toán so đo. Những đồ vật như những vật thể có hồn, bình dị, gần gũi, gắn bó suốt cuộc đời ông – người được các học trò gọi một cách trân trọng: Người “khai hoang” ngành Ngân hàng Việt Nam.

 

 

GS.TS Trần Linh Sơn sinh 1923 tại Savanakhet, Lào.

1942-1945: Học tại Khoa Luật của trường Đại học Đông Dương.

19-8-1945 đến 23-10-1945: Ủy viên Ban Chấp ủy Hội Việt kiều cứu quốc và Ủy viên Ủy ban Lào độc lập tỉnh Savanakhet.

11-1945 đến 6-3-1946: Chính trị chỉ đạo viên Liên quân Lào-Việt Mặt trận đường số 9.

6-1946 đến 9-1946:Phái viên Bộ Nội vụ điều tra tình hình Việt kiều ở Lào.

10-1946 đến 1-1947: Công tác trong Đoàn xung phong sản xuất thuộc Tổng bộ Việt Minh ở Thanh Hóa.

2-1947 đến 7-1948: Đặc phái viên Ủy ban kháng chiến tỉnh Thanh Hóa ở Thượng du Thanh Hóa.

15-3-1949 đến 30-4-1949: Công tác ở Văn phòng Tổng Bí thư Trường Chinh.

1-5 đến 15-6-1949: Học tại trường Nguyễn Ái Quốc.

15-6-1949 đến 13-4-1951: Công tác ở Văn phòng Tổng Bí thư Trường Chinh, phụ trách về kinh tế, tài chính.

14-4 đến 3-7-1951: Công tác ở Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, Phó phòng Nghiệp vụ.

7-1951 đến 4-1956: Học tại Học viện Tài chính Mátxcơva.

1961 – 1962: Bảo vệ Luận án Phó tiến sĩ tại Học viện Tài chính Mátxcơva.

1962 – 1977: Vụ trưởng Vụ Kinh tế và Kế hoạch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

1977 – 1985: Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

1985 – 1989: Cố vấn về Chính sách tiền tệ, tín dụng, chiến lược kinh tế giúp Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước.

1989: Mất tại Hà Nội.

 

Nguyễn Thanh Hóa

___________________________

[1]. Tùy bút ghi ngày 28-11-1960

[2]. Lịch tay năm 1971, những cuốn sổ này hiện đang được lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.