Chiếc xe đạp của cha

 Sang Congo làm chuyên gia

Năm 1985, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Việt Nam nhận được công văn của Bộ Đại học Cộng hòa Congo đề nghị cử GS Trần Văn Hà sang trường Đại học Marien-Ngouabi làm chuyên gia. Ông được mời giảng dạy về nông nghiệp và giáo dục với phương pháp giải quyết vấn đề, phương pháp xử lý tình huống – hành động (phương pháp MASI/A)[1]. Lời đề nghị này xuất phát từ cuộc gặp của GS Trần Văn Hà với một cán bộ người Congo tại cuộc hội thảo quốc tế từ hai năm trước.

Đó là cuộc hội thảo “Phát triển nông thôn tổng hợp” do Tổ chức Hợp tác văn hóa và kỹ thuật các nước sử dụng tiếng Pháp (ACCT) tổ chức ở Cộng hòa Guinea-Bissau, từ ngày 7 đến 31-7-1983. Ngay trong buổi khai mạc, bài tham luận của GS Trần Văn Hà được nhiều người đánh giá cao. Bài có tiêu đề “Từ phát triển kinh tế nông nghiệp gia đình với những hệ thống hình thái VAC (Vườn-Ao-Chuồng) đến phát triển nông thôn tổng hợp trong các hợp tác xã nông nghiệp Việt Nam theo phương pháp MASI/A”. Trong đó, ông nêu ra hai trường hợp là xã Quảng Hải (Quảng Xương, Thanh Hóa) và huyện Nam Sách (Hải Dương) đã dùng mô hình VAC để thoát nghèo, phát triển kinh tế tổng hợp. Những người dự hội thảo chú ý đến việc ông sử dụng phương pháp MASI/A, tức là đưa ra những trường hợp, tình huống đã nảy sinh trong thực tế ở nông thôn Việt Nam và đề xuất phương án giải quyết tối ưu. Tối hôm đó, hai vị đồng Chủ tịch Ban tổ chức hội thảo đến gặp và đề nghị ông tham gia điều khiển các phiên thảo luận tiếp theo; họ còn ngỏ ý sẽ dành riêng cho ông hai buổi để trình bày về sự vận dụng phương pháp MASI/A trong phát triển nông thôn và giáo dục ở Việt Nam, cũng như giới thiệu về  lịch sử và văn hóa Việt Nam. Cũng trong cuộc hội thảo ấy, vị đại diện đoàn Congo đặt vấn đề mời GS Trần Văn Hà sang làm chuyên gia giáo dục. Việc này cần có sự trao đổi chính thức giữa chính phủ hai nước, nên ông Hà cảm ơn nhưng chưa dám nhận lời. Sau đó, vị đại diện này đã đề nghị chính phủ Congo gửi công văn sang Việt Nam.

 

GS Trần Văn Hà (giữa) tham gia Đoàn chủ tịch cuộc hội thảo tại Cộng hòa Guinea-Bissau, 1983

Nhận được công văn, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thông báo để GS Trần Văn Hà chuẩn bị bài giảng bằng tiếng Pháp và trình bày trước một hội đồng do Bộ thành lập. Như vậy, khác với nhiều nhà khoa học Việt Nam đi làm chuyên gia giáo dục vào thời điểm đó, GS Trần Văn Hà không phải thi ngoại ngữ tại Đại sứ quán theo quy định, nhưng lại phải trải qua cuộc khảo hạch riêng. Với vốn kiến thức chuyên môn vững vàng và trình độ tiếng Pháp thông thạo từ thời học trường Bưởi, ông biên soạn bài giảng bằng tiếng Pháp. Hội đồng có khoảng 10 thành viên, do Thứ trưởng – GS Mai Hữu Khuê làm Chủ tịch. GS Trần Văn Hà sử dụng tiếng Pháp trình bày khái quát nội dung mình dự định giảng dạy tại Congo, về mô hình VAC, phương pháp MASI/A và phương pháp giải quyết vấn đề. Hội đồng cũng hỏi một số câu tiếng Pháp để ông làm sáng tỏ hơn về hai phương pháp nói trên và các vấn đề chuyên môn.

Tháng 10-1985, GS Trần Văn Hà khởi hành từ sân bay Nội Bài, quá cảnh tại sân bay Charles de Gaulle (Pháp) rồi bay tiếp xuống thủ đô Brazzaville của Congo. Đến sân bay Maya-Maya, có cán bộ Đại sứ quán Việt Nam đón và đưa ông tới Học viện Phát triển nông thôn tổng hợp (IDR), thuộc Đại học Marien-Ngouabi. Tại đây, ông được sắp xếp ở cùng khu với các chuyên gia Việt Nam đã sang Congo giảng dạy từ trước.

Trong học kỳ đầu tiên, IDR tổ chức đưa GS Trần Văn Hà đi nghiên cứu khắp các vùng miền của Congo. Đi nhiều như thế là để thu thập những tình huống liên quan đến nông nghiệp, nông thôn của nước sở tại, nhằm bổ sung vào giáo trình trước khi giảng cho học viên. TS Sampamila – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đào tạo của Bộ Đại học, kiêm Chủ nhiệm khoa Kinh tế nông thôn của Học viện được cử đi cùng GS Hà.

Qua việc phỏng vấn người dân, kết hợp đọc báo chí địa phương, GS Trần Văn Hà thu thập được trên 300 tình huống thực tế. Ông sử dụng hơn một nửa số đó để minh họa cho các bài giảng về phương pháp MASI/A và phương pháp giải quyết vấn đề của mình. Nhờ vậy, bài giảng của ông trở nên hấp dẫn, phong phú hơn, thu hút cả nhiều sinh viên lớp khác và một số giảng viên trong Học viện đến nghe. Ông viết trong hồi ký: Các buổi thuyết giảng của tôi thường được kết thúc bằng những tràng pháo tay rất dài của các bạn trẻ. Điều này khiến tôi càng cố gắng chuẩn bị kỹ hơn trước mỗi buổi lên lớp, chọn ra những tình huống đắt giá cho mỗi bài giảng[2]. Bên cạnh việc giảng dạy, ông còn bồi dưỡng phương pháp MASI/A và phương pháp giải quyết vấn đề cho hai cán bộ của Học viện là TS Henry Bocolu (Chủ nhiệm khoa Xã hội học nông thôn) và TS Sampamila.

GS Trần Văn Hà (hàng đứng trước, thứ hai từ phải)

cùng các giáo sư Congo và quốc tế tại trường Đại học Marien-Ngouabi

Tháng 6-1987, GS Trần Văn Hà là chuyên gia Việt Nam duy nhất được mời tham gia cuộc họp cuối năm học của các giáo sư Pháp đang giảng dạy tại trường Marien-Ngouabi. Tại cuộc họp, Giám đốc trường là GS.TS Abili trao tặng huy chương của trường cho GS Trần Văn Hà và phát biểu: Ngài là vị giáo sư quốc tế thứ hai mà tôi được trân trọng trao tặng huy chương Đại học Marien-Ngouabi… Ngài đã có công trình khoa học giáo dục sáng tạo: “Dạy học đại học theo phương pháp giải quyết vấn đề, phương pháp MASI/A” và bồi dưỡng hai tiến sĩ – chủ nhiệm khoa về khuyến nông theo phương pháp giáo dục hiện đại, phương pháp tình huống. Vì vậy, trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình, chúng tôi xin được phép làm giấy chứng nhận Ngài đã giảng dạy tại Đại học Marien-Ngouabi với tư cách là giáo sư – tiến sĩ Pháp[3]. Với giấy chứng nhận này, ông được hưởng mức lương theo ngạch của giáo sư – tiến sĩ Pháp. Trong gần hai năm qua, ông đã nhận lương theo mức của chuyên gia Việt Nam, vì vậy ông được truy lĩnh 3000 USD. Ngay sau khi nhận số tiền này, ông nghĩ đến việc sẽ sử dụng để mua quà cho gia đình, như ông viết trong hồi ký: Bố nghĩ rằng, bố sẽ dùng số tiền thưởng này để mua cho các con, mỗi người một đồ vật có giá trị kỷ niệm, để các con nhớ về quãng đường phấn đấu từ gian khổ đến thành công trong sự nghiệp cách mạng và giảng dạy, đào tạo của bố[4].

Hết nhiệm kỳ, ngày 7-7-1987, GS Trần Văn Hà cùng một số chuyên gia Việt Nam tại Congo trở về nước.

Huy chương của trường Đại học Marien-Ngouabi tặng GS Trần n Hà

 Xe đạp – món quà mơ ước

Trên đường về Việt Nam, sang đến sân bay Charles de Gaulle, GS Trần Văn Hà ở lại Pháp để thăm bạn bè và tham quan thủ đô Paris. Ông cũng nhờ những người quen ở đây tư vấn trong việc dùng số tiền 3000 USD nói trên kết hợp với khoản tiền tiết kiệm được trong hai năm làm chuyên gia để mua quà và một số đồ dùng cho gia đình.

Hồi thập niên 80 của thế kỷ XX, chiếc xe đạp không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là tài sản giá trị lớn của mỗi gia đình ở Việt Nam. Vì vậy, GS Trần Văn Hà nghĩ ngay đến việc mua xe đạp. Xe Peugeot của Pháp, đặc biệt kiểu xe khung nữ rất được dân ta ưa chuộng. Ông đặt mua 4 chiếc xe như thế, để tặng cho 3 con trai và dành một chiếc cho mình. Mua xe nữ, như vậy cũng sẽ tiện cho cả vợ và các con dâu sử dụng. Đây là thế hệ xe sản xuất vào đầu thập niên 80. Khung xe màu đỏ, dòng chữ Peugeot màu trắng; có đầy đủ chuông, khóa xe, có cả túi đựng phụ tùng làm bằng da. Cùng với 4 chiếc xe đạp, GS Trần Văn Hà còn mua thêm nhiều đồ dùng sinh hoạt khác cho gia đình và đồ lưu niệm để tặng người thân, anh em, bạn bè. Ông đặt mua đồ dùng sinh hoạt tại những cửa hàng khác nhau, chỉ cần ghi lại địa chỉ ở Hà Nội để họ gửi về theo đường biển.

Sau đó, GS Trần Văn Hà đến thành phố Orléans thăm cháu rể, rồi sang Liên Xô thăm con trai cả đang làm nghiên cứu sinh tại Moskva. Cuối tháng 7-1987 ông về Hà Nội. Khoảng hai tháng sau, theo giấy thông báo của Hải quan gửi về nhà ở khu tập thể Phương Mai, hai con trai ông cầm tờ giấy đó cùng với chứng minh thư và sổ hộ khẩu tới địa chỉ số 209 – phố Giảng Võ nhận xe đạp gửi từ Pháp về. Cả 4 chiếc xe được đóng vừa vặn vào một thùng gỗ, mỗi chiếc có hộp carton riêng. Hai anh em thuê hai chiếc xích lô đem xe về nhà. Đến nay, ThS Trần Việt Thắng vẫn nhớ: Lần đầu tiên nhìn thấy 4 chiếc xe, tôi có cảm giác giống như mình đang mơ, không nghĩ rằng mình có thể sở hữu tài sản lớn như vậy. Thuở đó, một chiếc xe Peugeot có giá khoảng 6-7 chỉ vàng. Nếu dùng số tiền đó để mua các loại xe máy tân trang như Cub 81, Cub 82 thì khi về Việt Nam bán sẽ được 2-3 cây vàng, mà số vàng này đủ để mua một mảnh đất 100-200m2 ở Hà Nội[5].

Chiếc xe đạp của GS Trần Văn Hà

Chiếc xe – bạn đồng hành

Có chiếc xe đạp Peugeot, nhưng GS Trần Văn Hà thường chỉ sử dụng vào dịp cuối tuần, khi đi thăm anh em, bạn bè ở gần nhà. Từ năm 1989, ông nghỉ hưu, chiếc xe đạp trở thành bạn đồng hành của ông trên nhiều cung đường ở Hà Nội. Ông đạp xe đến tham dự buổi họp mặt hàng tháng với các bạn từng tham gia tổ chức Đoàn Rồng ở trường Bưởi ngày xưa[6]; họp Hội Tư duy khoa học giáo dục cùng các ông Vũ Văn Tảo, Lâm Quang Thiệp, Dương Xuân Nghiên[7]…; có khi đến đàm đạo chuyện văn chương với nhà văn Sơn Tùng, hay sinh hoạt Câu lạc bộ Thăng Long, hoặc đi họp Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam[8]. Đặc biệt, trong hơn 20 năm, với chiếc xe đạp này, vợ chồng ông cùng nhau ra công viên Thống Nhất tập thể dục đều đặn mỗi sáng.

Dù nghỉ hưu, GS Trần Văn Hà vẫn được nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng[9] mời làm cố vấn. Mỗi tháng cụ Phạm Văn Đồng cho thư ký Nguyễn Tiến Năng cùng lái xe đón ông Hà đến trao đổi một lần. Nếu được hẹn gặp lúc 2 giờ chiều, ông đi xe đạp tới nhà riêng của cụ Đồng, làm việc xong thì ra Câu lạc bộ Ba Đình ở gần đó tập thể dục. Bình thường, mỗi tuần ông đạp xe lên Câu lạc bộ Ba Đình tập thể dục 3-4 lần.

GS Trần Văn Hà thường đạp xe từ nhà ở khu tập thể Phương Mai ra phố Trung Tự để photocopy tài liệu. Chiếc giỏ xe ông lắp thêm rất tiện, nhất là dùng đựng tài liệu khi đi photocopy. ThS Trần Việt Thắng kể lại: Có lần, ông đi photocopy, đến hơn 10 giờ tối vẫn chưa về. Cả nhà đi khắp nơi tìm, vào cả một số bệnh viện hỏi thăm. Hơn 11 giờ ông mới về, hóa ra là do chờ quán photocopy sửa máy[10]. Người trong gia đình thường hỏi trêu ông: Mỗi ngày ông không đạp xe ra ngoài đường thì chắc khó chịu lắm?[11].

Sau hơn 20 năm sử dụng, chiếc xe Peugeot không còn nguyên vẹn như thuở ban đầu. Đôi săm đã thủng, lốp bị mòn, xích bị hỏng, phải thay. Chiếc yên xe Peugeot cũng không còn, được thay bằng yên xe Thống nhất. Về chuyện thay yên xe, ThS Trần Việt Thắng cho biết: Một hôm, ông đạp xe đến thăm bạn ở gần chợ Giời. Do chợ đông, ông xuống dắt bộ. Thấy cảnh buôn bán tại chợ, ông nảy ra ý định viết một bài báo về hoạt động của chợ. Ông mải nghĩ, mải quan sát. Khi đến nhà bạn, được một người cháu nhắc nhở thì mới biết chiếc yên xe đã “không cánh mà bay” vì bị ai đó trộm mất. Do vậy, ông đành ra cửa hàng sửa chữa xe đạp gần đó nhờ họ lắp cho yên xe mới[12]. Một lần khác, chiếc xe đạp của GS Trần Văn Hà suýt bị mất trộm. Hôm ấy, ông có việc đi ra ngoài, lúc về thì thấy cổng mở, chiếc xe đạp để ở sân đã bị phá khóa, mất túi đựng phụ tùng và cả chuông xe. May là trước đó ông đã dùng thêm khóa dây để khóa xe vào cột, vì thế kẻ gian chưa lấy được xe. Hóa ra, anh con trai đi đâu về quên khóa cổng, nên kẻ trộm vào định nẫng chiếc xe.

Năm 2009, dù đã 87 tuổi nhưng GS Trần Văn Hà vẫn tự đạp xe ra ngoài mỗi khi có việc. Một lần, ông Hà đến thăm bạn Trần Lâm[13] bị tai nạn. Ông Lâm cho biết mình đi bộ trên vỉa hè mà bị xe máy đâm vào, do đó khuyên ông Hà không nên đi xe đạp nữa, bởi đạp xe trên đường dễ gặp nguy hiểm. Nhân đó, các con cháu cũng khuyên nhủ thêm, nên ông Hà mới không đạp xe đi xa nữa. Dù vậy, năm 2014, khi cả gia đình chuyển sang nhà mới ở phố Trúc, khu đô thị Ecopark, ngoài 50 thùng tài liệu và sổ sách, ông còn bảo con trai nhất định phải mang theo chiếc xe đạp: Dù bố không đi xe nữa thì vẫn phải giữ lại, sau cho cháu nội dùng đi học. Con nhớ không được bán, vì chiếc Peugeot này gắn bó với bố rất nhiều kỷ niệm! [14].

Chiếc xe đạp Peugeot đã đồng hành cùng GS Trần Văn Hà trong chặng đường hơn 20 năm nghỉ hưu. Ông mất năm 2017. Ghi nhớ lời cha dặn, ThS Trần Việt Thắng và cả nhà tiếp tục giữ gìn cẩn thận chiếc xe. Năm 2018, đến tham dự lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ThS Trần Việt Thắng rất vui mừng khi biết Trung tâm là nơi lưu giữ và phát huy di sản của các nhà khoa học Việt Nam. Vì vậy, ông bàn với gia đình và sau đó trao tặng hàng trăm tài liệu, hiện vật gắn với quá trình học tập, công tác của GS Trần Văn Hà, trong đó có chiếc xe đạp Peugeot.

ThS Trần Việt Thắng (cầm ghi-đông xe) trao tặng chiếc xe của cha

cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

Trong bữa cơm cùng với nghiên cứu viên của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam hôm 17-7-2019, ThS Trần Việt Thắng bày tỏ tiếc nuối về những kỷ vật của cha: Để trao tất cả các kỷ vật rất thiêng liêng và gắn bó của bố cho Trung tâm, đối với gia đình tôi, đó là cả một quá trình suy nghĩ, trăn trở. Mỗi kỷ vật đều gắn bó với bố tôi rất lâu, giống như máu thịt vậy[15]. Ông Thắng hy vọng Trung tâm sẽ thay gia đình lưu giữ và phát huy thật tốt giá trị của những kỷ vật này.

Nông Thị Thúy Nga – Lê Thị Lợi

___________________________

* GS Trần Văn Hà, chuyên ngành Chăn nuôi, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Chăn nuôi.

** Đó là cuốn Ditcionarie Anglais Francais (Từ điển Anh – Pháp) ông Trần Văn Hà mua năm 1949 tại Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) và cuốn Nouveau Petit Larousse Illustre (Từ điển Larousse nhỏ có minh họa).

[1] MASI/A là viết tắt từ Methode Analytique et Synthétique des Incidents reels et concrets/Action. Đây là phương pháp phân tích và tổng hơp những tình huống có thật và cụ thể rồi chuyển sang hành động.

[2] GS Trần Văn Hà, Hồi ký, ThS Trần Việt Thắng lưu giữ.

[3] GS Trần Văn Hà, Hồi ký, ThS Trần Việt Thắng lưu giữ.

[4] GS Trần Văn Hà, Hồi ký, ThS Trần Việt Thắng lưu giữ.

[5] Tài liệu ghi âm ThS Trần Việt Thắng, 31-8-2021, đã dẫn.

[6] Đoàn Rồng là một tổ chức của học sinh trường Bưởi, hoạt động để tuyên truyền cách mạng.

[7] PGS.PTS Vũ Văn Tảo lúc đó là Trưởng ban Đại học, Viện Nghiên cứu Đại học và Trung học chuyên nghiệp, sau làm trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Dương Xuân Nghiên có thời kỳ làm Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam; ông Lâm Quang Thiệp sau là Giáo sư – Tiến sĩ khoa học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

[8] GS Trần Văn Hà là ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hai nhiệm kỳ, từ năm 1999 đến 2009.

[9] Thời kì đó, Thủ tướng Phạm n Đồng đã nghỉ hưu, nhưng vẫn là Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng.

[10] Tài liệu ghi âm ThS Trần Việt Thắng, 27-8-2019, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[11] Tài liệu ghi âm ThS Trần Việt Thắng, 27-8-2019, đã dẫn.

[12] Tài liệu ghi âm ThS Trần Việt Thắng, 27-8-2019, đã dẫn.

[13] Ông Trần Lâm, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam.

[14] Tài liệu ghi âm ThS Trần Việt Thắng, 17-7-2019, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. 

[15] Tài liệu ghi âm ThS Trần Việt Thắng, 17-7-2019, đã dẫn.