Chiếc xe đạp và câu chuyện hơn 60 năm

Chuyện bắt đầu từ cụ Nguyễn Tý, bố vợ của PGS.TS Lê Đình Anh. Cụ sinh ra trong một gia đình tư sản giàu có ở Hà Nội. Sau khi có bằng Diplôm, cụ làm thư ký ở kho bạc Ngân hàng Đông Dương[1] chi nhánh Bắc kỳ. Theo PGS.TS Lê Đình Anh chia sẻ, cụ "là người rất khó tính, ăn chơi và hút thuốc phiện"[2].

Nguyễn Thúy Quỳnh là con gái đầu của cụ Tý với người vợ hai, cô sinh năm 1941 và khi 9 tuổi đã mồ côi mẹ. Năm 1953, Nguyễn Thúy Quỳnh chuyển từ trường Saint Marie sang học ở trường Trung học Albert Sarraut[3]. Từ nhà ở số 15 – Hàng Vôi đến trường khoảng 3km, thương con đi học vất vả nên cụ Tý mua chiếc xe đạp Peugeot cho cô. Đó là chiếc xe nữ, khung sơn màu xanh, đôi chắn bùn làm bằng nhôm, chiếc giỏ đựng đồ màu đen gắn ở phía trước tay lái càng làm cho chiếc xe thêm vẻ nữ tính. Đến bây giờ, bà Quỳnh không còn nhớ giá tiền mua chiếc xe là bao nhiêu, chỉ biết rằng rất đắt; lúc đó phố Hàng Vôi có nhiều nhà giàu nhưng cả phố chỉ có 2 chiếc xe đạp, kể cả chiếc Peugeot này.

Tháng 10-1954, Hà Nội được giải phóng, những công chức người Việt từng phục vụ cho chính quyền Pháp vẫn được giữ lại làm việc, gọi là công chức lưu dung. Năm 1955, tình hình miền Bắc đi vào ổn định, các công chức lưu dung được cho nghỉ việc, cụ Tý mất việc ở Ngân hàng Đông Dương. Cụ vốn quen ăn chơi và nghiện thuốc phiện, nên gia đình rơi vào cảnh túng quẫn, phải bán đi nhiều tài sản có giá trị trong nhà như đồ cổ, đồ sứ Giang Tây (Trung Quốc),sập gụ, tràng kỷ…, đến cả phần đất khoảng hơn 20m2 ở mặt trước nhà cũng phải bán để lấy tiền trang trải cuộc sống. Không chỉ thế, gia đình cụ Tý còn phải trông trẻ và bán nước mắm để mưu sinh. Tuy vậy, dù chiếc xe đạp là tài sản giá trị nhất trong nhà, nhưng là xe mua cho con gái Nguyễn Thúy Quỳnh đi học nên cụ Tý không bán.

Duyên số đã khiến Nguyễn Thúy Quỳnh và Lê Đình Anh gặp nhau rồi nên vợ nên chồng. Bố của Lê Đình Anh là luật sư Lê Đình Chi[4], rất có uy tín ở Sài Gòn những năm 1939-1945 và cụ sớm tham gia cách mạng. Từ nhỏ, Lê Đình Anh được mẹ là Nguyễn Thị Trang đưa vào Sài Gòn ở với bố. Năm 1945, cả gia đình chuyển ra vùng kháng chiến, cuộc sống rất vất vả. Năm 1946, cụ Chi quyết định cho vợ và con trở về Sài Gòn, để mình dành toàn tâm toàn sức phục vụ kháng chiến. Năm 1949, cụ Chi hy sinh trong một trận càn của giặc Pháp. Năm 1953, cụ Trang đưa con ra Bắc và ở nhờ các chị gái ở Hà Nội. Năm 1955, mấy mẹ con chuyển đến nhà cụ Thục, cũng là một chị gái của cụ Trang. Cụ Thục là mẹ già của Nguyễn Thúy Quỳnh, nhưng không có con nên coi Thúy Quỳnh như con đẻ.

Hàng ngày, cụ Trang đi bán hàng ở chợ Đông Xuân, còn Lê Đình Anh đi học ở trường Chu Văn An. Khi rảnh rỗi, Đình Anh hay dạy Thúy Quỳnh học tiếng Pháp và các môn tự nhiên. Kể về thời kỳ ấy, PGS.TS Lê Đình Anh cho biết: lúc đầu, ông nghĩ Thúy Quỳnh được học trường Pháp từ nhỏ nên chắc phải rất giỏi tiếng Pháp, nhưng rồi thấy tiếng Pháp của Thúy Quỳnh còn hạn chế nên có ý chê. Cụ Tý biết vậy và không hài lòng, chỉ sau khi kiểm tra thấy trình độ tiếng Pháp của Đình Anh tốt thì cụ mới đồng ý cho dạy Thúy Quỳnh. Ngoài thời gian học, hai người cũng hay cùng nhau đi chơi, rồi có tình cảm với nhau lúc nào không hay.

Từ lúc còn là bạn bè đến khi yêu nhau, chiếc xe đã là bạn đồng hành trong những dịp hai người đi chơi, nhất là những lần lên hồ Tây bởi nơi đây còn hoang sơ và thơ mộng. PGS Lê Đình Anh tiết lộ: yêu nhau ban đầu phải bí mật, nên thường chọn những chỗ vắng và xa nhà một chút. Ông thường chở bà Quỳnh từ nhà lên hồ Tây, sau đó hai người đi dạo quanh hồ hay ngồi ghế đá tâm sự; có khi lại khóa xe và để trên bờ rồi cùng mọi người chèo thuyền ngắm cảnh hoặc hái sen. Ông cũng thường chở bà Quỳnh dạo quanh khu phố cổ và ra chợ Đồng Xuân ăn quà, đặc biệt thích món bún thang. Năm 1958, khi 17 tuổi, bà Quỳnh tốt nghiệp trường Trưng Vương và đi dạy ở trường Nguyễn Công Trứ ở khu Ba Đình để phụ giúp kinh tế cho gia đình. Vài năm sau, bà Quỳnh chuyển về dạy ở trường Trưng Nhị ở khu Hoàn Kiếm. Lê Đình Anh thì thi đỗ vào khoa Điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đến năm 1962 ông tốt nghiệp và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy ở bộ môn Điện khí hóa xí nghiệp công nghiệp.

Bà Nguyễn Thúy Quỳnh và chiếc xe đạp, khoảng những năm 1960

Ngày 14-7-1963, đám cưới của cô dâu Nguyễn Thúy Quỳnh và chú rể Lê Đình Anh tổ chức ở hội trường 1-5 của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Từ đó chiếc xe đạp trở thành tài sản chung của hai người. Theo quy định thời ấy, xe đạp phải đăng ký và đeo biển số. Năm 1964, hai ông bà đi làm thủ tục đăng ký xe, bà Nguyễn Thúy Quỳnh đứng tên chủ sở hữu. Giấy đăng ký xe có số D 6197, còn biển kiểm soát mang số C1.771 được treo ở khung xe (chiếc biển số này đã mất, nay không còn nữa).

Giấy đăng ký xe được cấp lại ngày 14-9-1974

Năm 1965, khi không quân Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, vợ chồng ông cũng phải đi sơ tán như bao người khác ở Hà Nội. Ông mang theo chiếc xe đạp cùng các đồng nghiệp của trường Đại học Bách khoa Hà Nội sơ tán lên tỉnh Lạng Sơn. Bà theo trường Trưng Nhị sơ tán về khu vực Trần Phú (Hà Đông), Duyên Hà (Thanh Trì)…

Ở trên Lạng Sơn công tác, thường cứ thứ 7 là ông đạp xe về nơi vợ con sơ tán ở khu vực Thanh Xuân (Hà Đông, nay là Hà Nội) và chiều chủ nhật thường đi tàu lên Lạng Sơn. Như ông kể, thời ấy có câu vè phổ biến: "Cắt cơm, bơm xe, nghe thời tiết, liếc đồng hồ, vồ xe đạp, đạp về nhà", nghĩa là: trước khi về thăm nhà, phải báo để cắt cơm ở cơ quan; tiếp theo phải kiểm tra xe đạp, nếu bánh xe non hơi thì phải bơm; rồi còn phải nghe ngóng thời tiết để có sự chuẩn bị khi đi đường… Đồng thời, ông luôn mang phòng xa một số phụ tùng như chiếc bơm, miếng vá săm… để sửa khi xe gặp sự cố trên đường Ngày cuối tuần, ông mong ngóng đến giờ được nghỉ để đạp xe về thăm gia đình, nhất là hồi năm 1966, khi vợ ông sinh con trai đầu lòng. Có một lần, ông đạp xe từ rạng sáng ở Lạng Sơn về, đạp thật nhanh để mau chóng được gặp vợ con. Trời còn chưa sáng rõ, bỗng nghe thấy tiếng lao xao phía trước vọng lại, sợ có chuyện gì nên ông vội phanh gấp xe và thấy vài dân công đang đào một hào rộng cắt ngang đường đi, bánh trước chỉ còn cách mép hào gần 1m. Ông bảo: "May là phanh xe tốt, dừng kịp thời, nếu không thì tôi không biết sẽ xảy ra chuyện gì nữa!" [5].

Những chuyến đi lại như con thoi giữa hai nơi sơ tán – một ở Hà Nội và một ở Lạng Sơn – đã trở thành một phần cuộc sống của ông trong thời kỳ ấy. Ông cho biết: chiếc xe đạp này do hãng Peugeot của Pháp sản xuất, dùng rất tốt, ông đi nhiều thế mà chưa bao giờ bị hỏng trên đường. Trong vô vàn ký ức, ông đặc biệt nhắc đến một chuyến lên Lạng Sơn: "Lần ấy, tôi đi chuyến tàu đêm từ ga Hà Nội, để kịp sáng hôm sau lên lớp giảng cho sinh viên, nhưng không biết vì lý do gì mà đến gần sáng tàu mới chạy. Khi đến khu vực Đồng Mỏ thì nghe tiếng còi báo động có máy bay địch. Mọi người vội lấy đồ đạc và rời tàu, tôi cũng chạy xuống toa hàng hóa và lấy xe đạp đem theo tìm chỗ trú ẩn. Tôi đang vác xe chạy đến giữa ruộng thì tiếng súng bắn máy bay nổ vang rất gần, bèn vội tìm chỗ nấp. May sao, ngay gần đó có một cái hố khá rộng và tôi nhảy ào xuống, gác chiếc xe đạp và ba lô lên trên để che đầu. Dứt tiếng súng, tôi mới để ý và nhận ra chỗ mình đứng là huyệt mộ cũ, nước bì bõm dưới chân. Sau đó, còi báo yên và mọi người trở lại tàu để đi tiếp" [6].

Đầu năm 1967, ông được đi học tiếng Nga ở trường Đại học Ngoại ngữ để chuẩn bị sang Liên Xô làm thực tập sinh (về sau chuyển sang nghiên cứu sinh). Trường Đại học Ngoại ngữ lúc này đang sơ tán ở vùng Kênh Vàng (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), gần Hà Nội hơn nhiều so với Lạng Sơn. Thương vợ và nhớ con trai Lê Anh Quân, cuối tuần ông thường xin cô giáo cho nghỉ sớm hơn các học viên khác để đạp xe về nhà. Dịp nghỉ hè năm 1967, ông đạp xe chở hai mẹ con cùng với một số đồ đạc về ở Kênh Vàng. Khu vực này gần trạm bơm nước, người dân bắt được nhiều cá và bán khá rẻ nên ông thường mua về bồi dưỡng cho con trong mấy tháng hè. Tháng 8-1968, ông lên đường sang Liên Xô học 4 năm, bà Quỳnh ở nhà sử dụng chiếc xe đạp, thường là đi dạy học hàng ngày.

Năm 1972, ông hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ ở Liên Xô và trở về trường Đại học Bách khoa Hà Nội giảng dạy. Hàng ngày, đúng 7 giờ sáng, ông đạp xe từ nhà ở phố Hàng Vôi, qua đường Ngô Quyền hai bên rợp bóng cây…, rồi theo đường Đại Cồ Việt tới trường. Ấn tượng còn đọng lại trong ông là: “đường từ nhà đến trường cứ thẳng tắp mà đi, mùa hè rợp bóng mát”[7. Mất khoảng 20 phút để tới trường, ông cất xe và đúng 7h25 vào đến lớp, không bao giờ đến muộn và cũng không đến sớm. Năm 1976, sau 3 tháng thỉnh giảng cho khoa Điện tử, trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, ông ra Hà Nội và mua thêm một chiếc xe đạp có khung bằng ống nước. Do đường xấu và chất lượng xe không tốt, nên mới đi được vài tháng mà xe đã hỏng. Ông thấy chỉ có chiếc xe đạp Peugeot “già nua” là chắc chắn và bền. Năm 1985, khi đi làm chuyên gia ở Angieri, ông mua xe máy của Nhật (loại xe bãi) gửi về cho vợ, từ đó bà Quỳnh đi xe máy nên không dùng đến chiếc xe đạp này nữa.

Sau này, các con ông nhiều lần tỏ ý chê cười chiếc xe đạp cũ và khuyên bố bán đi, nhưng ông kiên quyết giữ lại. Bởi lẽ, như ông tâm sự: “Chiếc xe đạp đã là người bạn đồng hành và chứng kiến hết cuộc đời thăng trầm của hai ông bà từ khi yêu nhau đến bây giờ”[8], và chính vì tình cảm sâu nặng đó mà ông không nỡ bán nó. Còn bà Quỳnh rất quý chiếc xe bởi đây là kỷ vật mà bố mua cho từ ngày bé, nên càng không muốn rời xa nó. PGS.TS Lê Đình Anh chia sẻ thêm: “Chỉ có những người sử dụng chiếc xe đạp này mới hiểu và quý trọng giá trị của nó”[9].

Ông có ý định cứ giữ lại chiếc xe, rồi lúc về già sẽ sửa lại để đi, vừa nâng cao sức khỏe, vừa có phần an toàn khi đi lại ở Hà Nội. Song, qua các buổi làm việc với nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, PGS.TS Lê Đình Anh chuyển ý, ông thuyết phục bà Nguyễn Thúy Quỳnh, và ngày 21-5-2015 ông bà tặng cho Trung tâm chiếc xe đạp đã gắn bó suốt hơn 60 năm, kèm theo có cả giấy đăng ký xe được cấp lại vào năm 1974.

Ngô Văn Hiển

___________________

[1] Ngân hàng Đông Dương ở Bắc Kỳ (1887-1953) là cơ quan phát hành đồng bạc Đông Dương sử dụng ở cả Việt Nam, Lào, Campuchia dưới thới Pháp thuộc.

[2] Phỏng vấn PGS.TS Lê Đình Anh ngày 7-5-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Trường Trung học Albert Sarraut thành lập 1919 và giải tán năm 1965, nay là trường Trung học phổ thông Trần Phú ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

[4] Luật sư Lê Đình Chi (1912-1949) từng là Giám đốc Nha quân pháp, trực thuộc Bộ Tư lệnh Nam bộ. Xem thêm bài "Lê Đình Chi – người đứng đầu ngành quân pháp Nam bộ", Nguyệt san Pháp luật, số 50, tháng 2-2001.

[5] Phỏng vấn PGS.TS Lê Đình Anh ngày 6-7-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[6] Phỏng vấn PGS.TS Lê Đình Anh ngày 14-5-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[7] Phỏng vấn PGS.TS Lê Đình Anh ngày 21-5-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[8] Phỏng vấn PGS.TS Lê Đình Anh ngày 14-5-2015, tài liệu đã dẫn.

[9] Phỏng vấn PGS.TS Lê Đình Anh ngày 6-7-2015, tài liệu đã dẫn.