Ở tuổi ngoài 80, mái đầu đã bạc trắng, nhưng GS Đặng Hanh Đệ, nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật lồng ngực và tim mạch, vẫn còn khắc ghi từng chi tiết về chuyến đi phục vụ mặt trận biên giới phía Bắc cách đây đã 4 thập kỷ. Nhớ về một sự kiện lịch sử gian lao và ly kỳ, nhưng cũng rất đáng tự hào của những “chiến sĩ áo trắng” ngày đó, được GS Đặng Hanh Đệ kể lại đầy cảm xúc, chân thực.
***
Ngày 17-2-1979, phía Trung Quốc cho quân tràn xuống đánh chiếm 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt
Trơ lại 5 cán bộ y tế từ Hà Nội lên, gay go quá, phải làm gì? Đi một đoạn chúng tôi thấy có 5 người bị thương trong lán. Tôi lo lắng làm sao chuyển những người này đi được, vì mọi người đã di tản cả, mà nghe nói có thể tầm trưa quân Tàu sẽ ập tới đây. Tôi yêu cầu cậu Hoàng, sinh viên Y6 ra đường lớn, vẫy bất kỳ xe nào không chở gì xin đi nhờ. Chắc chắn lái xe sẽ không từ chối giúp đỡ nạn nhân chiến tranh. Họ mà không chở thì ghi số xe lại, báo cho cơ quan hữu quan. May quá, có xe tải dừng lại và họ theo chúng tôi. Chúng tôi khiêng 5 nạn nhân lên xe và đi xuôi đến huyện Ngân Sơn, địa phận Bắc Cạn, cách Tài Hồ Sìn khoảng 20-30 cây số, nơi có bệnh viện huyện.
GS Đặng Hanh Đệ
Gọi là bệnh viện chứ cơ sở vật chất rất tuềnh toàng. Chúng tôi phối hợp bệnh viện để giải quyết công việc. Khoảng 2 hôm sau thì có một Tiểu đoàn quân y của Cao Bằng cũng tập trung về Ngân Sơn. Gọi là Tiểu đoàn quân y nhưng chỉ có một bác sĩ, còn lại cũng chưa phải là điều dưỡng, y tá, gọi là dân công thì đúng hơn.
Chúng tôi ở bệnh viện huyện Ngân Sơn suốt những ngày diễn ra cuộc chiến. Ba đơn vị kết hợp làm việc rất hiệu quả. Tiểu đoàn quân y cung cấp lực lượng khiêng người bị nạn. Bệnh viện huyện là cơ sở tốt để triển khai công việc, từ phòng mổ, phòng bệnh, nơi để thuốc. Tôi phụ trách chuyên môn. Tiểu đoàn phó của Tiểu đoàn quân y là một bác sĩ, còn Tiểu đoàn trưởng là một y sĩ phụ trách tổ chức. Những ca phẫu thuật do tôi chỉ định, bác sĩ Tô chuyên môn mổ sọ não, anh Hoàng là sinh viên Y6 phụ mổ rất tốt, còn chị Liên là bác sĩ gây mê. Ở đó, thuốc men chả có nên phần lớn là gây tê để tiến hành mổ. Mỗi đêm chúng tôi phẫu thuật từ 5-6 người. Chúng tôi phẫu thuật nhiều ca, một số ca nặng phải chuyển về tuyến sau. Thực hiện công việc như thế trong khoảng độ 15 ngày thì vãn bệnh nhân. Độ 5 ngày có một tuyến xe từ Thái Nguyên đón bệnh nhân bị thương nặng về Phổ Yên để điều trị. Những ngày phục vụ chiến trường, ngoài làm chuyên môn tôi cũng cố gắng, tranh thủ bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ của Tiểu đoàn quân y.
Ở bệnh viện huyện, số lượng huyết thanh có hạn, mà phần lớn nạn nhân phải truyền huyết thanh. Lượng huyết thanh chỉ dùng độ 4-5 ngày thì hết, đợi mang lên từ Hà Nội thì lâu quá, chúng tôi không biết phải xoay sở thế nào? Tôi nghĩ phải tự chế huyết thanh. Tôi hỏi cô dược sĩ của bệnh viện thì biết ở đó chưa từng làm, chỉ có bộ chưng cất nước. Trong điều kiện khó khăn thì phải tự biên tự diễn vậy. Tôi đề nghị cô dược sĩ vào làng mua thỏ, trong khi đó ở bệnh viện chưng cất một vài lít nước và pha muối theo tỉ lệ huyết thanh mặn. Chị dược sĩ làm đúng thế. Khi có nước cất và thỏ rồi, chúng tôi thử nghiệm truyền nước trên con thỏ. Truyền thấy thỏ không có phản ứng gì, mồm mép, 4 chân vẫn bình thường, tôi nghĩ rằng huyết thanh tự trưng cất đạt yêu cầu. Thế là thương binh, nạn nhân lúc đó lại có huyết thanh để dùng.
Ấn tượng để lại trong tôi là điều kiện làm việc ở đấy, ngoài phòng tiểu phẫu, thay băng còn có phòng mổ độ 15 mét vuông. Mấy cửa kính thì vỡ sạch. Thời điểm ấy rét lắm, gió thổi hun hút. Trước khi đi, mang áo bông được mua từ cửa hàng mậu dịch ở Hàng Đào, áo dày màu xanh công nhân, mặc vào vẫn rét. Mình cởi áo bông ra mặc áo blouse thì rét lắm. Bàn mổ làm bằng đá granito, làm gì có đệm. Tôi cứ tưởng tượng, nếu bây giờ nằm phẫu thuật trong điều kiện như thế cũng đủ rét cóng, nhưng làm sao được. Rét lắm nên phải cố mổ khẩn trương rồi đưa bệnh nhân về buồng. Sau đó, bao giờ tôi cũng thăm khám lại bệnh nhân. Còn một ấn tượng lần đầu tôi thấy. Với thời tiết và điều kiện của bệnh viện, bệnh nhân mổ xong thường rét run cầm cập, Tiểu đoàn quân y phân công nhau đi lấy củi để đốt, mà lấy đâu toàn củi khô, củi vẫn còn tươi, hoặc ẩm vẫn phải dùng. Khi vào buồng bệnh thì ngạt thở vì khói mù mịt. Thế này thì không chết vì vết thương cũng chết vì ngạt thở. Tôi bàn với anh Tiểu đoàn phó rằng phải thu gom chăn đắp cho họ, không đốt củi nữa.
Chúng tôi làm nhiệm vụ ở Bắc Cạn gần một tháng, mọi thứ đều thô sơ, công việc cứ đến, chúng tôi cứ khẩn trương cứu chữa bộ đội, dân lành bị thương không màng đến thời giờ, hoàn cảnh. Trước khi về Hà Nội, chúng tôi vào Ty Y tế Cao Bằng, thấy tan hoang, chẳng nhà nào ra hồn, bàn ghế lổng chổng, mấy cái quạt trần treo bị quân Tàu bẻ cong, thỉnh thoảng có con lợn, con chó chạy ở bãi hoang của nhà dân.
Nhớ hôm từ Hà Nội ra đi vào buổi chiều, thì sáng hôm sau ở Bệnh viện Việt Đức nghe được tin một xe của Bộ Y tế đi nửa đường lao xuống vực. Đúng là có một xe bị lao xuống vực, vì trên đường về Hà Nội tôi thấy có xe vẫn nằm dưới vực. Ở nhà vợ tưởng tôi chết rồi, khóc sướt mướt.Thời gian tôi đi phục vụ chiến trường phía Bắc còn có tin tôi bị quân Tàu bắt sang Trung Quốc. Bạn tôi là bác sĩ Đỗ Đức Vân, trưởng nhóm công tác ở Lạng Sơn cũng tưởng tôi đã hi sinh, nên họp nhóm làm lễ tưởng niệm, truy điệu, thay mặt đoàn ở Lạng Sơn thề trả thù cho tôi. Khi về, anh ấy kể lại, tôi cười bảo may quá vẫn còn sống.
Cuộc chiến rồi cũng kết thúc, thắng lợi dành cho nhân dân Việt
Nguyễn Thanh Hóa (ghi)
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam