Buổi lễ có sự tham gia của đông đảo người thân, bạn bè, đồng nghiệp, học trò của GS.TS Đinh Xuân Dũng và nhiều nhà khoa học đang làm việc cùng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Về phía Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam có PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Giám đốc chuyên môn Trung tâm; Bà Võ Ngọc Lan – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Công nghệ và Xét nghiệm y học MEDLATEC, đơn vị chủ quản của Trung tâm; cùng toàn thể cán bộ, nhân viên của Trung tâm.
GS.TS. Đại tá Đinh Xuân Dũng là nhà khoa học có nhiều đóng góp trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Đặc biệt, với gần 25 năm gắn bó trong quân đội, ông đã góp phần vào việc xác định lại chức năng nhiệm vụ, quy mô và quan hệ của nhà nước với những hoạt động văn hóa của quân đội sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và nhất là trong thời kì đổi mới, hội nhập quốc tế.
Tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Văn Huy thay mặt Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam xúc động phát biểu: “Trung tâm vinh dự được GS Đinh Xuân Dũng giao hơn 13.000 đầu tài liệu hiện vật mà theo ông đó là kết quả của “mồ hôi, nước mắt, là những đêm thức trắng và là tài sản quý cả cuộc đời” của ông. Khối tài sản bao gồm sổ công tác, bản thảo công trình, thư từ, bài giảng, luận án, hồ sơ, giấy tờ cá nhân, sách, ảnh… Năm 2013, GS Đinh Xuân Dũng bị ốm nặng, có lúc tưởng chừng như đã tuyệt vọng. Ông tâm sự “bước sang tuổi 69, tôi gặp bạo bệnh. Nhưng tôi luôn ý thức rõ, nếu không làm việc thì sức khỏe cũng yếu đi. Vì vậy, vừa làm việc, tôi vừa chữa bệnh, và thật may là càng chữa bệnh thì càng được việc! Nằm trên giường bệnh, tôi vẫn đọc, vẫn viết, viết ở trong tim óc mình hoặc nói, nhờ người ghi lại”. Chỉ chi tiết này thôi đã làm chúng ta cảm phục ý chí và nghị lực của một con người hết mình vì khoa học”.
GS.TS Phùng Hữu Phú – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chia sẻ hai nét ấn tượng nhất về người thầy, người đồng nghiệp của mình: “Điều thứ nhất, GS.TS Đinh Xuân Dũng là một người có tri thức tổng hợp rất phong phú, đó là tri thức hàn lâm và tri thức thực tiễn. Và sự tích hợp đó chính là nền tảng tri thức vững chắc để ông sáng tạo… Điều thứ hai đáng quý ở GS.Đại tá Đinh Xuân Dũng là lòng đam mê và ý thức trách nhiệm. Ở ông, làm việc là vấn đề tự thân, không thể làm việc, sống mà không suy nghĩ, không sáng tạo. Lòng đam mê đã ngấm vào máu thịt của ông và lòng đam mê ấy có giá trị ở chỗ nó gắn với tinh thần trách nhiệm. Cho nên các công trình của ông không chỉ có giá trị về mặt học thuật, mà đằng sau học thuật, bên trong học thuật, trong từng câu chữ mang nặng ý thức trách nhiệm của một kẻ sĩ đối với đời, một chiến sĩ đối với nhân dân, với Đảng”.
Trong không khí trang trọng nhưng thân tình, ấm cúng, GS.TS Đinh Xuân Dũng xúc động bày tỏ: “Lúc đầu Trung tâm đề nghị tôi trao tặng tài liệu hiện vật nhưng tôi không dám nhận vì cảm thấy thực sự mình chưa làm được bao nhiêu. Và khi gặp lãnh đạo, các cán bộ trẻ của Trung tâm, tôi rất trân trọng, cảm phục. Tôi nhận ra tài liệu hiện vật của cá nhân tôi không phải để tôn vinh tôi mà đó thực sự là một sáng kiến lớn hết sức độc đáo để tôn vinh các nhà khoa học Việt Nam, những người đã làm việc một cách thầm lặng, kiên trì, chung thủy với hoạt động của mình”.
Hơn 13.000 đầu tài liệu hiện vật GS.TS Đinh Xuân Dũng trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam không chỉ phản ánh cuộc đời cùng sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học của GS.TS Đinh Xuân Dũng, mà còn có giá trị để tìm hiểu về lịch sử các chuyên ngành, các cơ quan mà ông từng gắn bó.
Dưới đây là một vài hình ảnh của buổi lễ:
GS.TS Đinh Xuân Dũng và PGS.TS Nguyễn Văn Huy ký biên bản bàn giao tài liệu
Những cử chỉ chân tình và đầy xúc động tại buổi lễ
GS.TS Đinh Xuân Dũng bày tỏ sự cảm phục ý tưởng, hoạt động của Trung tâm
PGS.TS Nguyễn Thị Chiến, phu nhân của GS Đinh Xuân Dũng xúc động khi nghe
PGS.TS Nguyễn Văn Huy phát biểu
GS.TS Đinh Xuân Dũng chụp ảnh lưu niệm cùng đồng nghiệp và bạn bè
Gia đình GS.TS Đinh Xuân Dũng và cán bộ Trung tâm
Bích Phương