Sinh ngày 9/8/1922 ở Nam Định, nhưng quê gốc ở Tiên Lữ, Hưng Yên, cả cuộc đời của GS Vũ Văn Chuyên đã gắn trọn với ngành Thực vật học và Dược học Việt Nam. Giác ngộ cách mạng từ sớm, khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công, cậu học trò trường Albert Sarraut ngày nào đã trở thành giảng viên của Trường Cao đẳng Khoa học Hà Nội. Cũng từ đó, cuộc đời ông gắn liền với những nghiên cứu về Thực vật học và Dược học, trở thành người thầy giáo đánh kính của nhiều thế hệ học trò đã thành danh ở Việt Nam từ chính trị đến khoa học như Trần Đức Lương, Lương Ngọc Toản, Dương Thị Cương, Dương Đức Tiến, Nguyễn Lân Dũng…
Sự nghiệp nghiên cứu khoa học và giảng dạy của GS Vũ Văn Chuyên trải dài từ Trường Cao đẳng khoa học Hà Nội (1945-1946) qua các trường, lớp trong Kháng chiến chống Pháp, rồi Đại học Y Dược Hà Nội (1955-1977), Đại học Dược Hà Nội (1977-1995) và trải rộng từ Vạn vật học, Thực vật học đến Dược học, dạy các ngoại ngữ như tiếng Latinh, tiếng Bồ Đào Nha… Đến khi về hưu, ông vẫn tiếp tục làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Dược liệu. Rồi ở tuổi bát tuần ông còn được tin tưởng mời làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Điều trị bệnh hiểm nghèo. Ông là nhân tố chủ đạo trong nghiên cứu sử dụng thuốc cai nghiện CEDEMEX đang được kiểm nghiệm để đưa vào sử dụng giúp cắt cơn cho người nghiện ma túy.
"Trong lòng chúng tôi luôn kính trọng, ngưỡng mộ và rất thương thầy"
(Các cựu sinh viên khóa 20 (1965-1970) Đại học Dược Hà Nội chúc mừng thầy 90 tuổi)
Giác ngộ và tham gia cách mạng từ rất sớm, nhiều thành công trong sự nghiệp song cuộc đời ông cũng gặp nhiều thăng trầm, gian khổ. Sống trong một căn phòng chật hẹp ở tầng 2 trên phố Nhà Chung (Hà Nội), tuổi già sức yếu, lên xuống cầu thang rất khó khăn nhưng quanh ông là trùng điệp sách vở về khoa học. Những bó bản thảo nghiên cứu thực vật học chất chứa tâm huyết của ông suốt bao năm vẫn nằm đó, phải xếp đầy dưới gầm giường… Ông đau lòng mà không biết làm gì hơn! Những năm gần đây, nhờ sự tác động của nhiều cấp chính quyền, cô con gái Vũ Hồng Chi đã thu xếp để hai cha con chuyển về ở một căn hộ chung cư tại nhà B7 Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội.
Với một cái đầu uyên bác và con tim đam mê nghiên cứu thực vật, ông vẫn thường đi dạo một mình giữa Hà Nội để xem xét, nghiên cứu về các loại cây cỏ. Từ vườn Bách thảo đến Công viên Thủ Lệ, những con đường, khu phố nhiều cây cỏ đều in dấu chân ông trong nhiều năm với hình ảnh một ông già vai đeo chiếc túi nhỏ, tay cầm một chiếc gậy vừa đi vừa xem xét từng chiếc lá, cành cây, săm soi trong những đám cỏ… chắc không ít người hiểu lầm mục tiêu công việc của ông có phần kỳ quặc như một người hành khất.
"Thầy còn nhớ ngày xưa đi sơ tán chúng em lẽo đẽo theo thầy để hỏi thầy về các loài thực vật không ạ?"
Nhớ 4 năm trước, khi ông và gia đình gửi tặng những di sản khoa học quý giá, gồm những cuốn sổ ghi chép, giấy tờ cá nhân, bài viết, nhật ký, bài báo…của ông cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ, bảo quản, ông còn say sưa nói về khoa học, về cuộc sống, về suy nghĩ của một người trọn đời phụng sự… Chỉ 2 năm sau, trên chiếc xe đẩy, ông cười nhìn chúng tôi rồi lặng lẽ ngủ ngon lành cho dù khách vẫn còn ngồi trước mặt. Như bà Vũ Hồng Chi, người con gái đang chăm sóc ông hàng ngày, nói: “Nhịp sinh học của ông cụ giờ bị đảo lộn rồi, không còn bình thường nữa”. Ông vẫn có thể đọc và trò chuyện. Nhưng trí lực chẳng còn lại bao nhiêu.
Hôm nay, nhân ngày sinh nhật của ông, các thế hệ học trò cùng đến thăm thầy và ôn lại những kỷ niệm không thể quên của tình thầy trò. Như các học trò Khóa 20 trường Đại học Dược Hà Nội tâm sự: “Khi vào trường năm 1965, chúng tôi phải đi sơ tán ngay. Những ngày lên Bắc Kạn được thầy Chuyên đưa đi tìm hiểu về các loại thực vật và dược liệu. Thầy luôn mang một cái gùi sau lưng và đeo theo rất nhiều đồ đạc. Mỗi khi thấy một loại cây lạ thầy lại cho vào gùi. Chúng tôi cứ đi theo để hỏi thầy tên của mỗi loài cây, tên khoa học là gì…. Và thầy vừa lấy bỏ vào gùi vừa giải thích tên, loài của các loại thực vật”. Những học trò của ông hôm nay, cũng đã đến tuổi xưa nay hiếm. Họ quây quần bên ông, ngồi dưới chân ông với lòng kính trọng và ngưỡng mộ, ngắm vẻ mặt tươi cười của ông và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm về tình thầy trò. Họ vẫn cứ kể chuyện vui vẻ, mặc dù biết ông không còn nghe được, nhưng họ tin rằng người thầy vô cùng đáng kính vẫn nhìn thấy các học trò đang vui và hiểu tấm lòng của họ.
Bùi Minh Hào