Chuyện con dấu và hành trình hiện thực hóa một ước mơ

Sinh ra và lớn lên ở Nam Định, Nguyễn Thị Kim Thoa được sang Liên Xô năm 1963 để học tại khoa Vật lý, trường Đại học Tổng hợp Lômônôxôp, Mátxcơva, rồi sau đó về nước và làm việc tại Viện Khoa học tự nhiên từ năm 1969. Với đặc trưng của ngành khoa học Trái đất, cuộc đời khoa học của bà gắn liền với những chuyến đi và các quan hệ hợp tác quốc tế. Năm 1991, khi đã là Phó viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, bà có dịp làm việc với GS Le Mouel[1] trong chuyến khảo sát về trường địa từ xích đạo tại Việt Nam. Hai người đã trao đổi với nhau về nhiều vấn đề khoa học và GS Kim Thoa bày tỏ ước mơ có một hội nghị quốc tế về khoa học Trái đất được tổ chức tại Việt Nam. Ước mơ ấy cứ theo đuổi bà cho tới một ngày đầu năm 1997, qua thông tin trên internet, bà được biết Hội Địa từ và Cao không quốc tế (IAGA)[2] đang tìm kiếm nơi đăng cai tổ chức hội nghị khoa học định kỳ vào tháng 8-2001.

GS Kim Thoa nhận thấy đăng cai tổ chức hội nghị này có một số lợi ích đáng chú ý: vừa tạo cơ hội cho các đồng nghiệp Việt Nam được tham dự một hội nghị quốc tế lớn, vừa góp phần quảng bá và phát triển du lịch Việt Nam với bạn bè quốc tế, quan trọng nhất là “tên Hà Nội, Việt Nam sẽ được gắn lên bản đồ vị trí những nơi từng diễn ra các kỳ hội nghị khoa học của IAGA, sẽ là một vinh dự lớn cho các nhà nghiên cứu Vật lý địa cầu Việt Nam”[3]. Do đó, bà gửi thư cho Tổng thư ký hội là bà J.A. Joselyn, bày tỏ mong muốn đăng cai hội nghị. Bà J.A. Joselyn làm việc tại cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), đã quen biết GS Kim Thoa từ nhiều năm trước trong những cuộc hội nghị khoa học của IAGA tổ chức ở nhiều quốc gia. Bà J.A. Joselyn hoan nghênh ý định của GS Kim Thoa và đề nghị bà viết bản giải trình về sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam và các cơ sở vật chất dự kiến cho hội nghị này.

Qua tìm hiểu, GS Kim Thoa biết rằng kinh phí hội nghị là do lệ phí thu từ các đại biểu tham gia. Mặt khác, bà được biết ở ta có Trung tâm Hội nghị quốc tế (số 11, phố Lê Hồng Phong, Hà Nội) sắp tổ chức hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ vào cuối năm 1997, có thể “nhắm” làm địa điểm cho hội nghị của IAGA. Vậy nên bà mạnh dạn viết bản giải trình và gửi đi. Trong bức thư trả lời, bà Joselyn cho biết IAGA rất hài lòng với những thông tin trong bản giải trình, nhưng việc quyết định lựa chọn Hà Nội là địa điểm tổ chức hội nghị thì cần được biểu quyết tại Ủy ban thường trực của hội sẽ họp ở Uppsala, Thụy Điển vào nửa đầu tháng 8-1997. Bà Joselyn yêu cầu GS Kim Thoa chuẩn bị một báo cáo đăng cai tổ chức hội nghị vào năm 2001 và trình bày trước ngày khai mạc cuộc họp của IAGA tại Uppsala.

Sau đó, GS Kim Thoa lại nhận được thư của bà Joselyn thông báo: Hội Địa chấn và Cấu trúc bên trong của Trái đất (IASPEI)[4] vừa mới làm việc với IAGA và hai hội nhất trí sẽ tổ chức một Liên hội nghị IAGA-IASPEI lần thứ nhất từ ngày 19 đến 31-8-2001. Lý do hai hội muốn tổ chức liên hội nghị là vì xu hướng liên kết các ngành khoa học liên quan đang trở thành xu hướng thời đại, hơn nữa, hai hội có nhiều chuyên môn liên quan và có thể hỗ trợ nhau cùng phát triển. Bà Joselyn cũng cho biết, khách tham dự Liên hội nghị IAGA-IASPEI có thể sẽ đến từ khoảng 70 quốc gia trên thế giới, số lượng nhà khoa học và thân nhân của họ đi cùng có thể lên tới 1.500 người. Bởi vậy, bà tỏ ý băn khoăn liệu Việt Nam có thể tiếp tục nhận đăng cai được không. Tình huống mới này khiến GS Kim Thoa phải suy nghĩ rất kỹ và trao đổi với các đồng nghiệp ở Viện Vật lý địa cầu, vì “việc tổ chức một Liên hội nghị lớn như vậy là một việc rất khó ở Việt Nam, chưa từng có tiền lệ”[5]. Tuy nhiên, “đây là cơ hội rất tốt cho giới khoa học Trái đất, cho việc phát triển ngành khoa học về địa từ và về động đất tại Việt Nam, cũng như là cơ hội cho đất nước”[6]. Do đó, GS Kim Thoa quyết định trả lời vẫn nhận đăng cai tổ chức Liên hội nghị này, với hy vọng “khi được họ chấp nhận rồi thì sẽ bàn bạc tìm cách để triển khai cho tốt, vì còn nhiều thời gian”[7].

Ngay lập tức, Tổng thư kí Hội IASPEI là TS Engdahl[8] gửi thư yêu cầu GS Kim Thoa soạn thảo thư của Việt Nam gửi đến IASPEI để nhận đăng cai tổ chức hội nghị và đề nghị bà chuẩn bị báo cáo tại Ủy ban thường trực của IASPEI sẽ họp tại Thesaloniki, Hy Lạp ngay sau hội nghị của IAGA ở Thụy Điển. Vậy là đầu tháng 8-1997, GS Kim Thoa đến Uppsala, Thụy Điển để thuyết trình về lý do nhận đăng cai tổ chức Liên hội nghị IAGA-IASPEI 2001. Khi trao đổi về việc này, các trưởng đoàn IAGA của các nước tỏ ra rất băn khoăn về điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất… của Việt Nam. Nhưng bà tự tin trình bày và chia sẻ mong muốn chân thật: “… để đến dự hội nghị IAGA tại đây, tôi đã giúp hai đồng nghiệp viết tóm tắt báo cáo và tìm được tài trợ về lệ phí và ăn ở của IAGA, nhưng cuối cùng lại không tìm được cho họ kinh phí mua vé máy bay, cho nên họ không đến dự hội nghị IAGA được. Chính vì vậy mà tôi muốn đăng cai hội nghị tại Việt Nam, để các đồng nghiệp của tôi ít ra là có một lần trong đời được dự hội nghị khoa học IAGA, được tiếp xúc với các đồng nghiệp quốc tế”[9]. Và bà quả quyết: “Nếu quý vị chấp nhận lời mời của chúng tôi thì tôi xin lấy danh dự cá nhân để đảm bảo với quý vị là tại Liên hội nghị IAGA-IASPEI 2001 ở Việt Nam quý vị sẽ được cung cấp những dịch vụ không hề thua kém những gì mà ban tổ chức hội nghị IAGA đang cung cấp cho quý vị tại đây, tại Uppsala”[10]. Cuối cùng, trưởng đoàn IAGA của các nước đã đồng ý bỏ phiếu và kết quả là có hơn 86% số phiếu ủng hộ đề nghị của bà. Sau đó, GS Kim Thoa khẩn trương chuẩn bị để sang Hy Lạp dự hội nghị IASPEI. Suốt quãng đường từ Uppsala sang Thesaloniki, bà chỉ nghĩ về bài phát biểu dự định sẽ trình bày tại Ủy ban thường trực của IASPEI, để làm sao thuyết phục được họ. Nhưng rồi bà thật sự bất ngờ và vui mừng khi Chủ tịch IASPEI là GS Froideveaux cho biết: IASPEI đã nhận được biên bản cuộc họp của IAGA và nhất trí với kết quả biểu quyết đó.

Trên đường từ Thesaloniki trở về Việt Nam, GS Kim Thoa đã vạch ra hàng loạt công việc phải thực hiện trong 4 năm sắp tới, “để có thể biến ước mơ của mình từ ý tưởng trở thành hiện thực”[11].

Việc đầu tiên, bà làm công văn xin phép Chính phủ Việt Nam cho tổ chức Liên hội nghị khoa học quốc tế Địa từ – Cao không và Địa chấn – Cấu trúc bên trong Trái đất tại Hà Nội vào năm 2001. Được Chính phủ ủng hộ, một Ban tổ chức hội nghị được thành lập, gồm 15 thành viên, do GS.TSKH Nguyễn Thị Kim Thoa làm Chủ tịch và PGS.TS Cao Đình Triều làm Tổng thư ký. GS Kim Thoa kể lại: “Thông cảm với điều kiện rất nghèo nàn về các thiết bị công nghệ thông tin ở Viện Vật lý địa cầu lúc đó, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam đã cấp cho Ban thư ký hội nghị một khoản kinh phí khởi động là ba mươi triệu đồng đủ để mua một máy tính để bàn, một máy in màu, máy scan và một máy fax khi bắt đầu hoạt động”[12]. Những công việc như thuê công ty dịch vụ, xây dựng website của Liên hội nghị[13], các chương trình văn hóa và du lịch cho các vị khách quốc tế tham dự hội nghị… cũng được triển khai khẩn trương.

Ban tổ chức Việt Nam cùng với đại diện IAGA và IASPEI thị sát nơi tổ chức hội nghị là Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 11 – Lê Hồng Phong – Hà Nội, tháng 2-2001

(TS Enghdalh – bên phải hàng trên cùng, GS Kim Thoa – áo màu cam)

Tại những hội nghị khoa học trước của IAGA mà GS Kim Thoa đã dự, họ đều sử dụng con dấu mực đen để đóng vào các tài liệu liên lạc giữa ban tổ chức với các nhà khoa học. Vì thế, Ban tổ chức Liên hội nghị của Việt Nam cũng quyết định cho thiết kế một con dấu với chức năng tương tự. Phải mất đến vài tuần, GS Kim Thoa và PGS Cao Đình Triều mới phác thảo xong ý tưởng về con dấu. Sau đó, các bạn trẻ trong nhóm thư ký hội nghị tiến hành thiết kế trên máy tính, rồi thuê khắc con dấu. Con dấu này có hình chữ nhật, kích thước 6 x 2,5cm, hai bên phía trên là biểu tượng của hai hội: IAGA và IASPEI, ở giữa là thông tin về địa điểm và thời gian tổ chức Liên hội nghị. Điều đặc biệt là con dấu của Liên hội nghị IAGA-IASPEI Việt Nam không dùng màu đen như các hội nghị trước, mà GS Kim Thoa chọn màu xanh để thể hiện ý tưởng về bầu trời bao quanh Trái đất. Theo bà, “màu xanh hơi khác lạ, nhưng đẹp hơn là màu đen”[14].

Ban tổ chức đã dùng con dấu này đóng lên nhiều tài liệu khác nhau: từ bản thông báo về tài trợ cho từng nhà khoa học nước ngoài liên hệ tham dự hội nghị, cho đến các văn bản hợp đồng với Trung tâm Hội nghị quốc tế – nơi tổ chức hội nghị, cũng như với các khách sạn và nhà khách để cung cấp phòng nghỉ cho hơn 1.000 khách ở trong hai tuần, với Công ty du lịch TORSECO[15] và nhiều đối tác khác nữa.

Con dấu của Liên hội nghị IAGA-IASPEI 2001, tổ chức tại Hà Nội

Chiều ngày 21-8-2001, sau gần 4 năm chuẩn bị, Liên hội nghị IAGA-IASPEI lần thứ nhất chính thức khai mạc tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Mặc dù 18h30 lễ khai mạc mới bắt đầu, nhưng GS Kim Thoa và những người trong Ban tổ chức có mặt từ chiều để rà soát lại mọi công việc. Bà không thể quên buổi đón khách hôm ấy: “Là Chủ tịch ban tổ chức, tôi đứng ngay ở cửa ra vào sảnh Cung Văn hóa Hữu nghị, lần lượt bắt tay từng vị đại biểu và cảm ơn họ đã nhận lời mời của chúng tôi đến tham dự Liên hội nghị khoa học quốc tế… Tôi nhìn thấy những chiếc xe buýt lớn và dài liên tục tiến vào sân, và dòng khách tiến vào Cung Văn hóa Hữu nghị cứ dài mãi không dứt… tôi chưa thể hình dung ra một lượng khách lớn như vậy: gần 1.100 đại biểu và người thân cùng đến Việt Nam”[16]. Buổi khai mạc đã diễn ra tốt đẹp và suôn sẻ, như phản ánh trong hồi tưởng của bà: “Trở về nhà đã rất khuya, nhưng đêm hôm đó tôi không tài nào ngủ được, phần thì vui vì có quá nhiều khách quốc tế đến tham dự Liên hội nghị, phần vì buổi lễ khai mạc đã thành công hơn cả dự định”[17].

Trong lễ khai mạc, Chủ tịch Ban tổ chức – GS.TSKH Nguyễn Thị Kim Thoa cảm ơn
các đại biểu đến từ 64 quốc gia tham dự Liên hội nghị IAGA-IASPEI 2001 tại Hà Nội

Sau buổi khai mạc, chương trình hội nghị được tiến hành tại Trung tâm Hội nghị quốc tế – số 11 Lê Hồng Phong. Trong ngày họp đầu tiên, có một nhà khoa học Hy Lạp đề nghị gặp GS Kim Thoa và Tổng thư ký Cao Đình Triều. Ông ta đề nghị Ban tổ chức cấp cho các nhà khoa học Hy Lạp, mỗi người một tờ giấy chứng nhận đã tham dự Liên hội nghị IAGA-IASPEI 2001 tại Việt Nam, để khi về nước họ làm thủ tục thanh toán chi phí đi dự hội nghị ở nước ngoài. Tiếp thu ý kiến của nhà khoa học Hy Lạp, GS Kim Thoa và Ban tổ chức quyết định thiết kế giấy chứng nhận tham dự Liên hội nghị và in màu để cấp cho tất cả các đại biểu làm kỷ niệm về hội nghị lần này tại Việt Nam. Thế là, con dấu của Liên hội nghị được đóng trên 1.078 tờ giấy chứng nhận cho các nhà khoa học tham dự hội nghị và 40 giấy chứng nhận trao cho các em sinh viên trường Đại học Ngoại thương Hà Nội đã phục vụ hội nghị[18]. GS Kim Thoa nhớ mãi những ánh mắt vui mừng, cảm ơn và hài lòng của các đại biểu khi Ban tổ chức trân trọng trao Giấy chứng nhận đến tận tay họ.

Trong suốt hai tuần hội nghị, bên cạnh hoạt động trao đổi khoa học tại các tiểu ban, Ban tổ chức còn thiết kế các chương trình sinh hoạt văn hóa du lịch, ẩm thực, nhằm giúp các vị khách quốc tế thêm hiểu biết về đất nước Việt Nam. Trước khi kết thúc hội nghị một ngày, hai vị Tổng thư ký của IAGA và IASPEI đề nghị trưởng đoàn các nước thông qua nghị quyết đánh giá kết quả hội nghị. Bản nghị quyết này đã công bố tổng số đại biểu tham dự là 1.078 người đến từ 64 quốc gia, có 1.572 báo cáo khoa học được trình bày tại 93 tiểu ban chuyên ngành. Trong phần kết luận của nghị quyết, hai hội khẳng định: “Liên hội nghị IAGA-IASPEI 2001 tại Hà Nội đã thành công tốt đẹp”[19].

Phát biểu kết thúc hội nghị, GS Kim Thoa xúc động nói: “Hôm nay chúng tôi thực sự hạnh phúc vì đã mời được 1.078 nhà khoa học từ 64 quốc gia trên thế giới đến đây, lần đầu tiên Việt Nam đã có 50 đại biểu chính thức tham dự liên hội nghị… Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là: từ nay Việt Nam đã có tên trên bản đồ các địa danh trên thế giới, nơi đã diễn ra các hội nghị khoa học của IAGA-IASPEI”[20].

Sau hội nghị, GS Kim Thoa nhận được rất nhiều email và bưu ảnh của những người thuộc IAGA, IASPEI và những người đã tham dự hội nghị. Rất tiếc là khi bà chuyển nhà từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh, có một thùng tài liệu chứa các thư từ liên hệ với hai hội IAGA và IASPEI bị thất lạc, nên bà chỉ còn rất ít tài liệu về sự kiện này. Nhưng may mắn, bà vẫn giữ được con dấu của Liên hội nghị, nó trở thành kỷ vật đặc biệt trong số tài liệu, hiện vật còn lại đến nay.

GS Kim Thoa tâm sự, bà đã dành nhiều thời gian và tâm huyết cho việc tổ chức hội nghị quốc tế nói trên. Đối với bà, một nhà khoa học ở một nước nghèo mà tổ chức được một Liên hội nghị hoành tráng và thành công như vậy, điều đó đáng được coi như một đóng góp lớn cho ngành khoa học mà bà đam mê, là một hạnh phúc lớn khi biến ước mơ thành hiện thực. Ngắm nhìn con dấu cùng những tài liệu liên quan đến Liên hội nghị trước khi trao tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, GS Kim Thoa cười mãn nguyện, có lẽ con dấu này cùng ký ức về những năm tháng chuẩn bị và tổ chức Liên hội nghị 2001 ấy sẽ mãi là kỷ niệm đẹp không bao giờ phai đối với bà.

Trần Bích Hạnh

____________________

* GS.TSKH Nguyễn Thị Kim Thoa là nhà khoa học chuyên ngành Địa – Vật lý, nguyên Phó viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

[1] GS Le Mouel là Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu Paris, Pháp.

[2] Hội Địa từ và Cao không quốc tế (IAGA) thuộc Tổng hội Trắc địa và Vật lý địa cầu quốc tế (IUGG), có mục tiêu là thúc đẩy các nghiên cứu có nhu cầu hợp tác quốc tế về trường địa từ và cao không của Trái đất và các hành tinh khác trong hệ thống Mặt trời, không gian giữa các hành tinh và mối tương tác giữa chúng, thúc đẩy các chương trình nghiên cứu về việc tiêu chuẩn hóa các kết quả quan trắc, thu thập và công bố dữ liệu.

[3] Nguyễn Thị Kim Thoa, Bắt đầu từ nước Nga, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2013, tr. 116.

[4] Hội Địa từ và Cấu trúc bên trong của Trái đất (IASPEI) cũng thuộc Tổng hội IUGG; mục tiêu của hội này là phát triển nghiên cứu về động đất và các nguồn gây ra chấn động khác, về truyền sóng động đất, về cấu trúc, các tính chất và các quá trình xảy ra bên trong Trái đất.

[5] [6] [7] Nguyễn Thị Kim Thoa, Bắt đầu từ nước Nga, sách đã dẫn, tr. 120.

[8] TS Engdahl làm việc tại trường Đại học Tổng hợp Colorado, Mỹ.

[9] Nguyễn Thị Kim Thoa, Bắt đầu từ nước Nga, sách đã dẫn, tr. 125.

[10] Nguyễn Thị Kim Thoa, Bắt đầu từ nước Nga, sách đã dẫn, tr. 127.

[11] Nguyễn Thị Kim Thoa, Bắt đầu từ nước Nga, sách đã dẫn, tr. 184.

[12] Nguyễn Thị Kim Thoa, Bắt đầu từ nước Nga, sách đã dẫn, tr. 185.

[13] Địa chỉ website: IAGA-IASPEI 2001.vn

[14] Hỏi chuyện GS.TSKH Nguyễn Thị Kim Thoa ngày 14-7-2015.

[15] Đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch cho các đại biểu tham dự Liên hội nghị.

[16] Nguyễn Thị Kim Thoa, Bắt đầu từ nước Nga, sách đã dẫn, tr. 181

[17] Nguyễn Thị Kim Thoa, Bắt đầu từ nước Nga, sách đã dẫn, tr. 184.

[18] Một điều thú vị là, khi đóng dấu vào Giấy chứng nhận cho các đại biểu, GS Kim Thoa quên đóng dấu cho Giấy chứng nhận của chính mình. Đến lúc trao tặng tờ Giấy chứng nhận của mình cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam vào tháng 5-2015, bà mới phát hiện ra điều đó.

[19] Nguyễn Thị Kim Thoa, Bắt đầu từ nước Nga, sách đã dẫn, tr. 195.

[20] Nguyễn Thị Kim Thoa, Bắt đầu từ nước Nga, sách đã dẫn, tr. 196.