Chuyến công vụ tại Pháp năm 1978 của GS Đặng Văn Chung

Cuối năm 1978, khi cả nước đang nỗ lực thực hiện kế hoạch 5 năm (1975-1980) nhằm xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật , tạo tiền đề xây dựng, phát triển nền kinh tế đất nước, cải thiện đời sống nhân dân sau chiến tranh, một đoàn cán bộ cấp cao được Chính phủ cử sang Pháp với trọng trách duy trì, phát triển mối quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Y tế. Giáo sư Đặng Văn Chung là một trong 4 thành viên của đoàn. Thông qua cuốn Nhật ký ghi lại những hoạt động trong chuyến công tác tại Pháp của ông, hiện đang được lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà Khoa học Việt Nam, ta có thể hình dung bối cảnh lịch sử ở thời điểm đó và những trải nghiệm của ông nơi xứ người.

Ba năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, việc khắc phục phần nào hậu quả chiến tranh và khôi phục nền kinh tế tuy còn rất khó khăn nhưng việc đưa nền kinh tế trên phạm vi cả nước theo định hướng, mô hình chung đã đạt được những thành tựu nhất định. Quán triệt đường lối đối ngoại từ Đại hội lần thứ IV của Đảng (12-1976) “Ra sức tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi để nhanh chóng hàn gắn những vết thương chiến tranh, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở nước ta”, mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp đã được tăng cường, quá trình khôi phục đất nước của Việt Nam có sự giúp đỡ nhiệt tình của Pháp. Một sự kiện đánh dấu mốc quan trọng, tạo tiền đề vững chắc trong quan hệ giữa hai quốc gia chính là việc Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang thăm và ký Hiệp ước về Hợp tác Văn hóa với Pháp vào tháng 4-1977. Từ sự kiện đó, “đã góp phần mở ra con đường hợp tác khoa học giữa hai nước Việt – Pháp”[[1]].

Chuyến sang Pháp của đoàn cán bộ Việt Nam, tháng 10-1978 theo lời mời của nước bạn với mục đích chủ yếu là trao đổi, học tập về lĩnh vực Y tế. Cần phải nói thêm rằng, thời điểm đó ngành Y tế nước ta đang vô cùng khó khăn, thiếu thốn, lạc hậu từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến đội ngũ làm công tác chuyên môn. Giáo sư Đặng Văn Chung khi ấy là chuyên gia hàng đầu, giữ vị trí quan trọng trong lĩnh vực Nội khoa, là Chủ nhiệm Bộ môn Nội trường Đại học Y khoa Hà Nội, Chủ nhiệm khoa Nội Bệnh viện Bạch Mai và Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam. Trước khi lên đường sang Pháp, đoàn đã được chuẩn bị về tư tưởng qua các cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao – ông Nguyễn Duy Trinh.

Trải qua một hành trình dài 14 tiếng đồng hồ trên máy bay, xuất phát từ Hà Nội vào Sài Gòn rồi qua Băng Cốc (Thái Lan), Bombay (Ấn Độ), Teheran (Iran), GS Đặng Văn Chung cùng phái đoàn đặt chân xuống sân bay Charles De Gaulle (Paris) lúc 8h30’ theo giờ địa phương trong sự tiếp đón của cán bộ Bộ Ngoại giao Pháp và cán bộ Sứ quán Việt Nam tại Pháp. Đó là một buổi sáng đẹp trời.

Nước Pháp cuối thập niên 70 là một cường quốc với nền kinh tế phát triển mạnh (đứng thứ 4 trên thế giới) dựa trên nền tảng Khoa học kỹ thuật tiên tiến, một xã hội tư sản với mức tiêu thụ cao và đắt đỏ. Như Giáo sư Đặng Văn Chung nhận xét: “Xã hội Pháp quá đầy đủ, quá tiện nghi với sức tiêu thụ khủng khiếp, càng tiêu thụ càng cần sản xuất để tiêu thụ. Họ tìm mọi cách để được sung sướng, ăn uống, đi lại, vui chơi, giải trí…”[[2]]. Lý do Pháp muốn cải thiện quan hệ với ta bởi thời điểm đó Việt Nam đã có vị thế trên thế giới, có nguồn nhân lực dồi dào. Pháp muốn quan hệ với ta vì lợi ích của họ, mặt khác ta cũng muốn tranh thủ hợp tác về Khoa học kỹ thuật, vốn đầu tư, trao đổi Văn hóa tạo thuận lợi trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Giáo sư Đặng Văn Chung xác định rõ mục đích chính của chuyến công tác là tham quan cơ sở vật chất, tham khảo tài liệu, tìm hiểu, tạo được mối quan hệ giúp đỡ của các Viện, từ đó nắm bắt được tình hình đào tạo cán bộ Y tế của Pháp nhằm tăng cường hợp tác về Khoa học kỹ thuật, đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ Y tế nước ta. Tinh thần hợp tác là thẳng thắn, hữu nghị, không tự ti và phải làm cho nước bạn thấy được đây là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Tới Paris, Đoàn đến thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam để nắm rõ tình hình nội quy đi lại trong những ngày ở Pháp, đảm bảo cho chuyến công tác đạt hiệu quả. Thời điểm đó, tình hình chính trị – xã hội nước Pháp vẫn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp, bất ổn phát sinh từ những mâu thuẫn nội tại của một chế độ tự do dân chủ tư sản, biểu hiện qua các cuộc biểu tình đủ hình thức vì nhiều lý do. Dưới con mắt quan sát của GS Đặng Văn Chung, đã có lúc một Paris hoa lệ “trở nên bẩn thỉu”[[3]] bởi cuộc đình công của công nhân vào buổi sáng ngày Chúa Nhật – chỉ 2 ngày sau khi ông tới Pháp.

Hơn 3 tuần tại Pháp, GS Đặng Văn Chung đã tận dụng tối đa quỹ thời gian của mình để gặp gỡ, trao đổi với các Giáo sư đầu ngành thuộc lĩnh vực Y học, đặc biệt là Nội khoa tại các Bệnh viện, Viện nghiên cứu, các Phòng khám tư và một số trường Y. Ông đã tận mắt thấy được những tiến bộ vượt bậc trong Y học, song song với đó là một hệ thống đào tạo thầy thuốc hết sức khoa học và bài bản. Tại Bệnh viện St Joseph, GS Đặng Văn Chung đã được trực tiếp xem Bác sĩ Franserchi áp dụng phương pháp siêu âm (doppler), chụp cắt lớp trong việc chẩn đoán bệnh. Ông nhận thấy rằng, nhờ các phương pháp trên và những trang thiết bị tiến bộ như máy tính điện tử, kính hiển vi điện tử mà đa số trường hợp về bệnh tim, bệnh về động mạch, tĩnh mạch, não… đã giải quyết được sớm, giảm thiểu nguy cơ nghiêm trọng. Ưu việt còn ở chỗ nó có thể áp dụng cho trẻ em, phụ nữ mang thai. Những buổi trao đổi với GS Dimaria, GS Samama về huyết học, đông máu; đặc biệt là gặp GS Bilski Pasquiad tại Viện Y sinh đã đem lại cho ông một cái nhìn mới mẻ và mới mẻ với cả ngành Y tế Việt Nam. Ông tự đưa ra bảng xếp loại theo giai đoạn về phương pháp chẩn đoán bệnh, và nếu như Pháp đang ở giai đoạn IV thì Việt Nam, theo cái nhìn khách quan của ông – vẫn đang ở giai đoạn II.

                                                                         

Nét chữ của GS Đặng Văn Chung ghi chép về chuyến công vụ của ông tại Pháp

Ngày 29-10, GS Đặng Văn Chung lên tàu rời Paris tới Marseille,“Tàu đi lúc 13h20, Mistral qua Dijon, Lyon, Valenee, Aviguon, đến Marseille hồi 19h59 – rất đúng giờ”[[4]]. Nơi đây ông đã có buổi gặp gỡ thân mật với Giáo sư J.L. Simonin – chuyên ngành Nội tiết, được tham quan các dịch vụ điều trị về tim mạch, về cấu trúc của Phòng khám tư nhân. Ngay sau đó, ông tham dự buổi khám bệnh do một bác sĩ thực hiện, cách thức vẫn là khám chẩn đoán rồi khám lâm sàng toàn diện, được hỗ trợ bởi máy Xquang. Dự buổi giảng đầu tiên của lớp Bổ túc sau Đại học (thời gian học 5 năm – 300 giờ, mỗi tháng tổ chức 2 buổi) tại Khoa của Giáo sư Simonin, GS Chung chăm chú theo dõi các nội dung thực hành do các nhà chuyên khoa giảng, và ông rất ấn tượng khi những thắc mắc lớn của mọi học viên đều được giải đáp một cách khoa học, chính xác.

Từ 5-11 đến 9-11-1978, GS Đặng Văn Chung tới tham quan Bệnh viện Tim mạch Lyon, Bệnh viện H. Mondoc, Viện Y sinh học (Institut biomedical) và Phòng khám tim mạch của Giáo sư Maurice. Tại Bệnh viện H. Mondoc – một bệnh viện lớn với đầy đủ trang thiết bị tiên tiến, ông đã gặp gỡ những chuyên gia hàng đầu về chẩn đoán là GS Le Lonche, và chuyên gia bệnh tim bẩm sinh – GS Vernant. Ông được GS Daniel Laurent – phụ trách về Sinh lý học và Thần kinh học đưa đi tham quan các khoa phòng, giới thiệu các thiết bị máy móc phục vụ khám và chữa bệnh tại bệnh viện như máy siêu âm (echotomographie), máy quét (scanner), phòng xét nghiệm máu, động mạch (dosage gaz du sang), phòng hồi sức, phòng thăm dò chức năng (exploration fonction)… Giáo sư Đặng Văn Chung nhận thấy nơi đây là điều kiện lý tưởng nếu cán bộ Y tế Việt Nam được sang học tập và thực hành. Hệ thống đào tạo thầy thuốc ở đây là một mô hình gắn liền với công tác điều trị – học tập – nghiên cứu, cán bộ giảng dạy cũng đồng thời là cán bộ điều trị, nghiên cứu khoa học. Các bệnh học do chuyên khoa dạy, có một số môn học mà ở Việt Nam không có. Trong quá trình khảo sát, tìm hiểu, ông đặc biệt chú ý đến dịch vụ khám bệnh tư nhân của Giáo sư Ecoiffied hay Phòng khám tim mạch của Giáo sư Maurice. Đó là những đơn vị Y tế chỉ có nhiệm vụ chẩn đoán, nghiên cứu, kết luận rồi cho hướng điều trị bằng tất cả các xét nghiệm chất lượng tốt nhất.

Song song với các buổi làm việc cùng chuyên gia Pháp, trong thời gian ở Paris, Giáo sư Đặng Văn Chung cũng đã gặp gỡ khá nhiều thành viên trong Hội Việt kiều. Đời sống vật chất của đa số họ đều sung túc: “tất cả có nhà cửa, ô tô…”[[5]], tuy nhiên công tác Hội lúc này gặp nhiều khó khăn và phức tạp về tư tưởng, một số người không nắm rõ tình hình Việt Nam nên dễ hoài nghi, dễ tin theo những lời xuyên tạc. Ông xác định rõ“Đối với anh em Việt kiều, xem họ có thể giúp gì? Không nên đòi hỏi quá”[[6]]. Sau những buổi trò chuyện thân mật, một số thành viên trong Hội – lúc này đang làm việc tại các bệnh viện lớn ở Pháp, ngỏ ý muốn giúp đỡ đất nước bằng cách gửi về máy móc, dụng cụ, tài liệu, sách vở và nghiên cứu một số vấn đề cơ bản cho Việt Nam.

Đi nhiều, quan sát nhiều và qua những điều nghe thấy, Giáo sư Đặng Văn Chung đã phân tích tình hình nền kinh tế, khái quát những bệnh tật phổ biến ở Châu Âu (Pháp) và Việt Nam để từ đó, đề đạt những kiến giải hợp lý nhất cho nền Y học nước nhà. Ở Pháp, để chẩn đoán một bệnh phải làm quá nhiều xét nghiệm, để điều trị phải dùng quá nhiều thuốc, dẫn đến chi phí đắt đỏ. Đối với một “cường quốc hạng trung”, chính sách Y tế, bên cạnh nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân, đương nhiên họ còn làm kinh doanh. Đó là điều hết sức bình thường, thế nhưng đặt trong bối cảnh Việt Nam thì không thế áp dụng được. Thời điểm đó, kinh tế Việt Nam còn nghèo nàn, không thể đầu tư nhiều tiền để mua các máy móc, trang thiết bị mới để phục vụ trong chấn đoán, nghiên cứu khoa học. Hơn thế nữa, khả năng vận hành, bảo quản còn yếu kém do chưa có đội ngũ cán bộ nắm bắt được công nghệ. Điểm thứ hai, Giáo sư Đặng Văn Chung nhận thấy ở Châu Âu nói chung, Pháp nói riêng, người dân chủ yếu mắc phải các căn bệnh về động mạch (Xơ mỡ động mạch, tăng huyết áp) và dinh dưỡng (Béo phì, tiểu đường), trong khi đó ở Việt Nam, các bệnh về nhiễm trùng và ký sinh trùng đang trở nên phổ biến. Từ sự nhìn nhận ấy, ông đưa ra phương hướng có thể áp dụng cho ngành Y tế Việt Nam. Đó là việc chú trọng đào tạo thầy thuốc thực hành Nội, Ngoại khoa. Hướng nghiên cứu thực tế bằng cách sử dụng thuốc và phương pháp điều trị ít tốn kém, đặc biệt quan tâm đến nghiên cứu các bệnh nhiệt đới. Công tác chẩn đoán lâm sàng, xét nghiệm phải được thực hiện một cách chắc chắn nhất, tốt nhất, phát triển vệ sinh phòng bệnh cho người dân. Ông cổ súy cho việc gắn việc đào tạo ngành Y vào thực tế bệnh viện, đưa nghiên cứu khoa học vào các cơ sở điều trị, nghĩa là sự kết hợp chặt chẽ giữa giảng dạy, điều trị và nghiên cứu Khoa học – điều mà ông nhận thấy cần phải học tập ở Pháp.

Trở lại nước Pháp sau một phần tư thế kỷ trong chuyến công vụ đặc biệt (trước đó vào năm 1952 ông sang Paris thi lấy bằng Thạc sỹ Y khoa), Giáo sư Đặng Văn Chung đã hoạt động không biết mệt mỏi để tìm kiếm các mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực Y tế, và có thể nói chuyến đi đã đạt được những thành công nhất định. Các chương trình hợp tác, tiếp nhận bác sỹ trẻ Việt Nam đến thực tập tại các bệnh viện của Pháp được thực hiện thường xuyên hơn. Đỉnh điểm của mối quan hệ là việc ký kết Thỏa thuận Hợp tác liên Chính phủ trong lĩnh vực Y tế năm 1993. Tới nay, nhiều chương trình hợp tác đã ra đời và được phát triển đáp ứng nhu cầu của cộng đồng y khoa và nhu cầu về chăm sóc sức khỏe của nhân dân Việt Nam. Đạt được những thành công này, hẳn không ai có thể phủ nhận nền móng vững chắc trong quá khứ, được xây dựng bởi những con người tiên phong, trong đó có người thầy thuốc đáng kính – GS Đặng Văn Chung.

Đỗ Minh Khôi

_______________________

[1] Xem thêm: “Công tác trí vận ở Paris năm 1977” xuất bản ngày 5-10-2012 trên website: cpd.vn

[2] Trích trong Nhật ký công tác của GS Đặng Văn Chung, tháng 10, 11-1978

[3] Như trên.

[4] Như trên.

[5] Như trên.

[6] Như trên.