Chuyến hành quân đi làm khoa học năm 1965

Đầu năm 1965, giữa lúc đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, tôi được điều chuyển từ Viện nghiên cứu y học quân sự (nay là Học viện Quân y) ra trường Đại học Y Hà Nội phụ trách bộ môn Y học quân sự, một bộ môn mới được thành lập nhằm huấn luyện cho các bác sĩ y khoa tương lai những kiến thức cần thiết về y học quân sự để có thể tham gia ngành Quân y trong tình huống cần thiết.

Trong những ngày tháng đó, buổi trưa là giờ cao điểm máy bay Mỹ thường tập kích bắn phá, nên các cơ quan và trường học ở Hà Nội, nếu chưa đi sơ tán, phải chuyển đổi giờ làm việc: sáng làm việc từ 5 giờ 30 đến 10 giờ, chiều làm việc từ 16 giờ đến 19 giờ. Trưa ngày 29 tháng 7 năm 1965, tôi từ trường Đại học Y Hà Nội về tới nhà thì gặp anh Đinh Văn Tiêu, kỹ thuật viên của khoa Tổ chức và Chiến thuật quân y của Viện Nghiên cứu y học quân sự (nơi vẫn quản lý tôi, vì tôi chỉ là quân nhân biệt phái ở trường Đại học Y Hà Nội) đợi tôi ở cửa nhà, với một ba lô hành quân và một số trang bị đi B như tăng, võng, 2 bộ quần áo đi B, súng ngắn K54, dao đi rừng, 1 bộ ăng gô (để nấu ăn), 1 hộp mắm kem, v.v… Anh Tiêu nói: Anh phải vào ngay Cục quân y nhận nhiệm vụ đột xuất. 

Vào Cục quân y làm việc, tôi được Cục phó, bác sĩ Hồ Văn Huê, giao nhiệm vụ: chuẩn bị tham gia đoàn quân y vào dự Hội nghị quân y của Quân khu 5 theo lời mời của Phòng quân y Quân khu; ngày 1 tháng 8 sẽ khởi hành từ Hà Nội. Đoàn có 3 người:

– Thiếu tá bác sĩ Phạm Thế, Trưởng phòng Vệ sinh phòng dịch Cục quân y, Trưởng đoàn.

– Đại úy bác sĩ Lê Thế Trung, Chủ nhiệm khoa Bỏng Quân y viện 103, đoàn viên.

– Đại úy bác sĩ Nguyễn Duy Tuân, đoàn viên.

Các anh Thế và Trung đã gặp Cục quân y trước đó rồi. Tôi đến sau, nên anh Huê chỉ giao nhiệm vụ ngắn gọn là đi dự Hội nghị và tìm hiểu công tác bảo đảm quân y của chiến trường nhằm giúp Cục quân y có cơ sở thực tiễn chỉ đạo công tác quân y các chiến trường. Thời gian đi, về và làm việc khoảng 3-4 tháng.

Tính anh Huê ít nói nhưng tôi hiểu và chắc các anh Thế và Trung cũng đã hiểu nhiệm vụ của mình. Thời gian quá gấp, nên chúng tôi cũng không có điều kiện gặp nhau và bàn công tác chuẩn bị trước khi lên đường. Tuy vậy, chúng tôi đã quen biết nhau từ lâu nên không có gì khó khăn trong sự hợp tác. Anh Thế hơn tôi 5-6 tuổi và cũng là thế hệ sinh viên y khoa trước tôi nhiều năm ở trường Đại học Y. Nhưng anh sớm tham gia Việt minh, bỏ học đi làm cách mạng, nên năm 1949, khi anh trở lại trường (lúc đó đang đóng ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) để học tiếp đại học, anh được nhà trường xếp học tiếp năm thứ ba, trở thành sinh viên cùng khóa với tôi. Anh Trung thì cùng tuổi với tôi (sinh năm 1928). Khi tôi là giáo viên ở Hà Đông, tôi công tác bên trường, anh công tác bên bệnh viện, nhưng chúng tôi thường xuyên gặp nhau trong công việc. Khi lựa chọn các thành viên trong đoàn, Cục quân y chắc cũng đã cân nhắc tính toán. Anh Thế là Trưởng phòng vệ sinh phòng dịch chắc chắn phải đi sâu vào tìm hiểu tình hình bệnh tật và sức khỏe của bộ đội ở chiến trường, những biện pháp vệ sinh phòng dịch đã được thực hiện. Anh Trung là bác sĩ ngoại khoa, chuyên ngành bỏng, sẽ có nhiệm vụ tìm hiểu tình hình thương binh ở chiến trường và chất lượng công tác cứu chữa thương binh. Còn tôi, một giáo viên về Tổ chức và chiến thuật quân y, tôi hiểu nhiệm vụ của mình là đi sâu tìm hiểu công tác tổ chức bảo đảm quân y trong chiến đấu, những kinh nghiệm rút ra được về tổ chức bảo đảm quân y ở chiến trường Quân khu 5.

Đại úy, Bác sĩ Nguyễn Duy Tuân tại chiến trường B, 1965

Cũng cần nói rõ thêm là từ khi mở đường vận chuyển chiến lược chi viện cho miền Nam năm 1959, Cục quân y đã tổ chức đưa nhiều cán bộ cùng thuốc men, trang bị quân y chi viện cho các chiến trường miền Nam. Nhưng việc phản ảnh những thông tin cần thiết phục vụ công tác chuyên môn ra thì ít, vì Quân y các chiến trường miền Nam chỉ báo cáo ra bằng điện tín, mà chắc chắn là không thể viết dài được. Báo cáo viết tay thì cũng không nhiều. Đoàn của chúng tôi là đoàn đầu tiên được phép vào chiến trường để tìm hiểu tình hình công tác tổ chức và bảo đảm quân y ở chiến trường, làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo và chi viện từ miền Bắc vào các chiến trường miền Nam.

Vào thời điểm năm 1965, mỗi cán bộ quân đội đi B thường có ít nhất là 3 tháng chuẩn bị: rèn luyện hành quân đường dài mang vác nặng, bồi dưỡng sức khỏe, chuẩn bị hậu phương và các việc cần thiết khác. Sư đoàn 338, đóng quân ở Xuân Mai là đơn vị chuyên trách để chuẩn bị, bồi dưỡng cho cán bộ quân đội đi B. Nhưng đối với đoàn chúng tôi, do cần vào gấp để kịp dự Hội nghị quân y Quân khu, nên nhất thiết phải lên đường ngay.

Không một chút do dự khi nhận nhiệm vụ, nhưng tôi nhẩm tính: như vậy chỉ có hơn 2 ngày để chuẩn bị, mà còn một núi công việc phải làm, với cơ quan là trường Đại học Y Hà Nội, với gia đình và cả việc chuẩn bị cá nhân nữa. Cũng mừng là vợ tôi – cô giáo Vũ Thị Lựu, lúc đó đang dạy cấp 2 trường Thống Nhất, khu Ba Đình, Hà Nội, cũng không chút băn khoăn và giúp đỡ tôi trong mọi việc chuẩn bị.

Chiều ngày 1 tháng 8 năm 1965, theo kế hoạch, tôi tới nhà số 12 phố Lý Nam Đế, nơi tập trung cùng các anh Thế và Trung và cũng là nhà ở của anh Thế. Tiễn tôi lên đường vào Nam có vợ tôi, 2 con nhỏ (một con lên 8 và một con lên 4) cùng một cháu họ đang cùng ở với gia đình chúng tôi. Chúng tôi dùng 2 xe đạp dắt bộ đi từ làng Ngọc Hà, nơi tôi đang ở lúc bấy giờ, đi qua công viên Bách thảo, theo đường Phan Đình Phùng, rồi rẽ vào phố Lý Nam Đế. Tới nơi thì thấy có 1 xe Môtcôvít (loại xe ô tô con do Liên Xô viện trợ) đỗ bên lề đường. Trên xe, anh Thế và Trung đang đợi tôi. Tôi lên xe, tạm biệt vợ con. Xe lăn bánh theo đường vào thị xã Hà Đông, đưa chúng tôi tới Trường sĩ quan công an vũ trang (nay là Học viện biên phòng). Tại đây, chúng tôi mới biết đoàn chúng tôi đi cùng một đoàn 40 sĩ quan công an vũ trang mới tốt nghiệp chi viện cho chiến trường miền Nam.

Đoàn lên đường được bố trí đi trên 4 xe Mô-lô-tô-va (loại xe vận tải 2 tấn của Liên Xô thời bấy giờ), có 1 sĩ quan liên lạc dẫn đường để vào làng Ho, thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, rồi từ làng Ho sẽ chuyển sang đi theo đường giao liên bộ vào miền Nam.

Vào thời điểm tháng 8 năm 1965, trên quốc lộ số 1 từ Lạng Sơn tới Vĩnh Linh, tất cả các cầu lớn nhỏ đều bị đánh phá. Vì vậy, ô tô chỉ đi được về đêm và phải dùng đèn gầm xe (để không phát lộ ánh sáng, tránh máy bay Mỹ phát hiện). Những cầu nhỏ thì được sửa chữa tạm cho xe qua, còn những cầu lớn thì phải dùng phà chuyên chở. Gần mỗi bến phà, xe xếp hàng dài trên đường. Như khi qua phà Hàm Rồng ở Thanh Hóa, hàng trăm xe nối đuôi nhau đợi đến lượt qua. Đoàn xe chúng tôi may có giấy ưu tiên nên qua phà ít khó khăn hơn. Vậy mà cũng phải mất 11 ngày đêm, từ ngày 1- 8 đến 21 giờ ngày 11- 8 -1965, đoàn xe chúng tôi mới tới được làng Ho, tỉnh Quảng Bình, với chặng đường dài 540 km, mà ngày nay chặng đường đó có thể đi trong khoảng trên nửa ngày.

Ban ngày thì tránh vào các làng hoặc khu rừng ven đường để nghỉ. Được ghép cùng đoàn sĩ quan công an vũ trang, ăn uống ngày 3 bữa do anh em nấu, nên chúng tôi cũng đỡ vất vả.

Chuẩn bị vội vã, lại không có người có kinh nghiệm giúp đỡ, nên tôi chuẩn bị chưa tốt, bỏ lại nhiều thứ cần thiết vì sợ mang nặng, như vỏ chăn, thực phẩm khô vv… Anh Trung thì ngược lại đã chuẩn bị khá chu đáo. Chỉ có 3 ngày chuẩn bị, nhưng anh đã kịp xin giấy giới thiệu của Quân y viện 103 để ra chợ Đồng Xuân mua 1 cân thịt thăn về làm ruốc. Anh còn mang theo mấy quả cà muối để ăn trên chặng đường hành quân cơ giới. Tôi khâm phục nhất là anh mang theo 1 quyển Từ điển Anh-Việt, loại bỏ túi, chỉ to bằng cỡ 2 bao diêm. Anh tự đặt nhiệm vụ cho mình, ngày nào cũng phải học một số từ tiếng Anh trong Từ điển. Và thực tế, trong suốt mấy tháng cùng nhau cộng tác, tôi luôn thấy anh giữ vững quyết tâm tự học tiếng Anh.

Đoàn chúng tôi tới làng Ho, tỉnh Quảng Bình. Từ đây, chúng tôi được tách khỏi đoàn công an vũ trang để chuẩn bị bắt đầu chặng đường hành quân bộ vào Quân khu 5. Nghe nói những năm trước, trạm làng Ho đông vui lắm. Có căng tin, có điện, có thể mua được bánh kẹo, thuốc lá vv…, những thứ mà ở miền Bắc lúc đó rất hiếm và thường phải mua theo tem phiếu. Nhưng từ khi làng Ho bị máy bay Mỹ bắn phá thì trạm trở nên vắng vẻ, xơ xác. Không có gì để mua, nên khi tới trạm, còn bao nhiều tiền mang theo, chúng tôi tặng hết cho những nữ thanh niên xung phong đang tham gia sửa đường tại đây.

Vào tới làng Ho, chúng tôi mới biết có 3 chế độ cho các đoàn đi bộ theo đường giao liên 559 vào miền Nam:

– Chế độ ăn ngủ ở bãi khách (nghĩa là chế độ tự mắc võng ngủ rừng, tự lo việc nấu ăn, trạm chỉ cấp gạo và dẫn đường đi từ trạm này sang trạm khác).

– Chế độ ăn ngủ tại trạm (nghĩa là được vào ăn tại bếp của trạm, ngủ tại các lán của trạm đã được dựng sẵn).

– Chế độ ăn ngủ tại trạm và có giao liên đeo giúp ba lô trên đường đi (chế độ này dành cho những cán bộ cao cấp, khách đặc biệt).

Giấy giới thiệu của giao liên bàn giao chúng tôi cho trạm là được hưởng chế độ loại đầu tiên, nghĩa là phải tự lo hết việc ăn ngủ, giao liên chỉ dẫn đường.

Chúng tôi có 2 ngày nghỉ tại trạm Ho để lĩnh gạo và thực phẩm, phục hồi sức khỏe sau những ngày dài hành quân cơ giới trước khi bước vào chặng đường hành quân bộ vào Quân khu 5. Bắt đầu giai đoạn tự lực, mỗi người có một bộ tăng võng để tự tạo chỗ nằm, tự nấu ăn và sử dụng số thực phẩm mình mang theo. Quá lúng túng vì chưa được chuẩn bị và tập luyện trước khi lên đường. Lại phải theo đúng nội quy của Trạm, trước hết là chỉ được phát hỏa khi trời tối và trước sáng hôm sau.

May sao, khi Trưởng đoàn, bác sĩ Phạm Thế, vào trạm để liên hệ chuẩn bị cho chặng hành quân bộ thì gặp được bác sĩ Nguyễn Ngọc Thảo, Chủ nhiệm quân y Đoàn 559 (sau này là Trung tướng Nguyễn Ngọc Thảo, Cục trưởng Cục quân y) đang trên đường đi kiểm tra các đơn vị. Nhờ có sự can thiệp của bác sĩ Thảo, đoàn chúng tôi được chuyển từ chế độ ăn ngủ tại bãi khách sang chế độ ăn ngủ tại trạm. Mừng như bắt được vàng. Như vậy chỉ còn phải lo việc làm sao đi cho tốt, đến nơi kịp thời gian Hội nghị quân y Quân khu.

Chúng tôi bắt đầu cuộc hành quân bộ từ ngày 13 tháng 8 năm 1965. Đi theo đường giao liên bộ của Đoàn 559, con đường lịch sử được mang tên “đường mòn Hồ Chí Minh”. Xin trích một đoạn tôi viết trong nhật ký hành quân:

“…Ngày 13 tháng 8. Chặng hành quân bộ đầu tiên trên con đường được gọi là “đường mòn Hồ Chí Minh”. Đường đi kín đáo trong rừng già rậm rạp. Đi từ 4 giờ sáng đến 11 giờ trưa thì tới trạm 1. Lúc mới đi chân còn dẻo, sức còn hăng. Nhưng rồi bắt đầu đau vai, rát chân. Nghỉ 15 phút xong không muốn đứng dậy, nhưng khi đi được một đoạn lại thấy sức khỏe trở lại bình thường.

Đầu những năm 1960, đường vào Nam còn rất bí mật. Những đoàn đi B lúc đó không lớn và phải tuân theo một kỷ luật hành quân rất ngặt nghèo: “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Tình hình này tới năm 1965 đã thay đổi nhiều. Đường vào Nam đã được mở rộng, kéo dài. Con đường chúng tôi đang đi là đường nhỏ, nhưng không còn là đường mòn nữa, mà là đường cho các tiểu đoàn, trung đoàn bộ binh và binh chủng hành quân chi viện cho miền Nam. Đường khởi phát từ làng Ho, hướng về phía Tây, vượt Trường Sơn sang Lào, rồi kéo dài xuống phía Nam, vào Tây Nguyên và Nam Bộ. Từ đường dọc này có những nhánh ngang đi vào Thừa Thiên, Quảng Nam vv… Lúc này, đường ô tô cũng đang được các đơn vị công binh chuẩn bị cho các đoàn xe lớn có thể từ miền Bắc đi vào Tây Nguyên, Nam Bộ từ mùa khô năm 1965…”.

Được tách thành đoàn riêng, chỉ có 3 người, có 1 giao liên dẫn đường, nên đoàn chúng tôi đi tương đối nhanh, có ngày đi 2 trạm. Thông thường chúng tôi xuất phát lúc 5-6 giờ sáng và tới trạm tiếp theo vào lúc trưa hoặc 1-2 giờ chiều. Do vậy mà có thời gian tắm rửa, nghỉ ngơi, chuẩn bị sức cho ngày hôm sau. Vất vả nhất là những hôm gặp cơn mưa trên đường hành quân. Trùm ni lông che mưa, song vẫn bị ướt quần. Áo thì ướt đẫm mồ hôi, thấm qua cả ba lô ngấm vào quần áo bên trong. Có hôm gặp cơn mưa rất to, nước xói vào mặt, nước từ sườn núi chảy xuống tạo thành con suối theo lòng đường. Và cứ phải lội theo con suối giữa đường mà đi. Nhưng cũng có những hôm thật thơ mộng: chúng tôi tạm nghỉ dọc đường giữa một nương của đồng bào Lào; khát quá, anh Trung đổi một thìa muối được mấy quả dưa, loại dưa to hơn quả dưa chuột. Đang khát nước, lại thiếu rau trên đường hành quân, nên còn gì sung sướng bằng.

Có một hôm, vào khoảng 3-4 giờ chiều, chúng tôi vừa tới trạm nghỉ thì thấy 4 giao liên đang chuẩn bị cáng một đồng đội đi bệnh xá. Anh em nói bệnh xá ở khá xa, phải đi mất 1 ngày đường, nên cần 4 người để thay nhau cáng đồng đội. Anh Trung đề nghị được cho xem tình hình của bệnh nhân. Khi biết chúng tôi là những bác sĩ quân y, anh em cho biết bệnh nhân có khối u to ở bẹn, mấy hôm nay sốt cao và đau đớn lắm. Khi mở ra xem, thì hóa ra là một ap-xe hạch ở bẹn. Anh Trung nói: không cần phải chuyển đi, cứ để bệnh nhân đấy, chúng tôi giải quyết cho. Và ngay sau đó, anh cho luộc một lưỡi dao cạo thay cho dao mổ, trích ap-xe bẹn ngay tại trạm cho bệnh nhân. Đối với trạm trưởng, thật có lẽ không gì quý cho bằng: Vừa giải quyết chữa trị bệnh nhân, lại vừa khỏi mất 4 giao liên đi cáng bệnh nhân trong 2 ngày. Và phần thưởng của trạm cho đoàn chúng tôi tối hôm ấy là: một bữa canh nấm rừng do anh em giao liên vừa hái mang về.

Đoàn chúng tôi đi về hướng Tây sang Lào, vượt đường 9 ở gần bản Đông, qua sông Xê Pôn, vượt sông Bạc, đặt chân lên vùng đất Saravan ở Hạ Lào. Tới ngày 30 tháng 8, nghĩa là sau 17 ngày hành quân theo hướng Bắc-Nam trên đất Lào, đoàn chúng tôi đi mới chuyển theo hướng Tây-Đông, nghĩa là theo hướng trở về Việt Nam.

Đường hành quân không phải chỉ có mệt nhọc và gian khổ. Chúng tôi được thấy biết bao cảnh đẹp của đất nước mình và nước bạn Lào. Những rừng già cây cao um tùm không thấy ánh sáng mặt trời, suốt ngày tiếng chim kêu vượn hót, những rừng thông bạt ngàn dài hàng chục cây số của vùng Hạ Lào, bản Đông xinh đẹp bên bờ sông Sê-pôn nhưng vắng bóng người do dân sơ tán vì sợ máy bay Mỹ oanh tạc… Trong khung cảnh như thế, chúng tôi quên cả mệt nhọc đường dài và hầu như ngày nào cũng có tranh luận chuyện trò sôi nổi. Anh Thế thường ít tham gia mà lắng nghe chúng tôi nói. Anh Trung thì ngược lại hầu như bao giờ cũng là người có tiếng nói cuối cùng. Khi nào tôi không tham gia nữa thì cuộc tranh luận của chúng tôi mới kết thúc. Có thể tranh luận về bất cứ vấn đề gì, thời sự, khoa học, y học… Như chuyện gặp một đoàn kiến bò qua đường. Anh Trung cam đoan kiến là loài sinh vật đông nhất thế giới, nhưng tôi không chịu. Tôi nói: vi khuẩn còn đông hơn… Tranh luận, trao đổi trên đường đi cũng làm chúng tôi quên chặng đường dài.

Cuối cùng, sau 1 tháng hành quân bộ, từ ngày 13- 8 đến ngày 12 – 9 -1965, đoàn chúng tôi cũng đến địa điểm họp Hội nghị quân y Quân khu 5.

Hội nghị quân y Quân khu 5 được tổ chức tại một khu rừng già thuộc huyện miền núi Trà My của tỉnh Quảng Tín (nay thuộc tỉnh Quảng Nam; thời chính quyền ngụy, vùng Đà Nẵng và Quảng Nam được phân chia thành 2 tỉnh là: Quảng Đà ở phía bắc và Quảng Tín ở phía nam). Để chuẩn bị và tổ chức hội nghị, Cục hậu cần Quân khu đã điều một trung đội vận tải tới trước để chuẩn bị: mở đường vào, làm lán hội trường, một số lán ở, và quan trọng nhất là cõng gạo, thực phẩm từ vùng đồng bằng lên để phục vụ Hội nghị. Mỗi chuyến đi cõng gạo mất 3 ngày, cả đi và về. Hội trường 3 gian chỉ là những cây gỗ dựng làm cột, không có tường vách xung quanh, mái lợp tranh thưa thớt, ghế ngồi là những cây gỗ đặt nằm ngang. Đoàn chúng tôi được ở trong một lán nhỏ cũng làm bằng cây rừng và lợp ni-lông. Lán vừa đủ chỗ để chúng tôi mắc 3 võng. Cạnh lán của chúng tôi là 1 lán nhỏ tương tự dành cho Phó chính ủy Quân khu tới chỉ đạo hội nghị: Thượng tá Trình (bí danh của đồng chí Đoàn Khuê, sau này là Đại tướng Đoàn Khuê, Bộ trưởng Bộ quốc phòng). Còn đại biểu các đơn vị về dự Hội nghị thì chỉ một số ít có lán nằm, còn đại đa số mắc võng ngủ rừng quanh khu vực hội trường hoặc mắc võng ngủ ngay trong hội trường.

Đại biểu chính của Hội nghị là các Chủ nhiệm quân y Sư đoàn, Trung đoàn, Tỉnh và phụ trách các cơ sở trực thuộc Phòng quân y như như bệnh xá, trường học, kho thuốc, xưởng dược… Đoàn chúng tôi rất vui là được gặp lại nhiều bạn quen cũ, vì các bác sĩ, dược sĩ của Quân khu 5 phần lớn đều được đào tạo ở Hà Đông, nơi chúng tôi công tác.

Về dự Hội nghị là một quá trình hành quân vất vả không chỉ của đoàn chúng tôi, mà của rất nhiều đại biểu quân y các đơn vị. Đoàn đại biểu Phân khu bắc (Mặt trận Trị-Thiên) phải đi theo đường đồng bằng, đường ngắn nhưng nguy hiểm vì quá gần những vùng kiểm soát của địch. Ngược lại, đoàn đại biểu Phân khu Nam (Phú Yên, Khánh Hòa) đi theo đường núi đã phải mất gần 1 tháng như đoàn miền Bắc chúng tôi; lại phải qua những đoạn đường nguy hiểm bị địch khống chế như vượt quốc lộ 21, 19. Có đại biểu tranh thủ tạt về thăm gia đình gần vùng địch kiểm soát, may mắn mới thoát khỏi bị địch bắt khi càn quét.

Hội nghị quân y Quân khu diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 21 tháng 9 đến hết ngày 23 tháng 9 năm 1965. Đoàn chúng tôi vừa dự hội nghị, vừa tranh thủ những thời gian trống để tìm gặp các đại biểu quân y từ các chiến trường về, thu thập tài liệu về tình hình quân y các chiến trường, tổ chức bảo đảm quân y trong các trận đánh, tình hình sức khỏe và bệnh tật… Đây có thể nói là một dịp thu thập tư liệu mà chúng tôi rất tâm đắc, vì vừa có điều kiện tìm hiểu tình hình, lại vừa không phải đi xa.

Sau Hội nghị, chúng tôi đề nghị Phòng quân y cho được thâm nhập xuống một số đơn vị để nắm tình hình cụ thể hơn. Theo kế hoạch của bác sĩ Trần Đức Từ, Trưởng phòng quân y Quân khu, chúng tôi sẽ thâm nhập theo 2 hướng: đầu tiên là xuống Quảng Ngãi và tiếp sau đó là thâm nhập một số đơn vị đóng ở tỉnh Quảng Tín[1].

Chúng tôi đi thăm trước tiên các đơn vi ở gần khu vực hội nghị và ở hướng Nam là: Bệnh xá ngoại, Trường y tá Quân khu, Xưởng dược Quân khu và Đội điều trị 33. Tuy gọi là gần, nhưng đi từ đơn vị này sang đơn vị khác cũng phải mất ít nhất 3-4 giờ theo đường xuyên rừng.

Tới thăm Trường y tá Quân khu trong một khu rừng già kín đáo, học sinh là những em người Kinh được tuyển chọn từ các tỉnh đồng bằng lên, chúng tôi được đón tiếp bằng một tối liên hoan văn nghệ do các em học sinh trình diễn và một bữa tiệc với các món ăn chế biến toàn từ củ sắn.

Xưởng dược của Quân khu còn đang trong quá trình xây dựng lán trại, chuẩn bị đi vào sản xuất. Từ xưởng dược, chúng tôi bắt đầu xuống núi để tới thăm Đội điều trị 33 đang bố trí ở vùng Tây Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Từ trên núi cao nhìn xuống thấy máy bay Mỹ đang lượn trong thung lũng dưới chân núi, tìm mục tiêu để bắn phá.

Thăm Đội điều trị 33 đang triển khai ở miền Tây Quảng Ngãi, anh Trung thấy như được về nhà, vì gặp nhiều cán bộ nhân viên cũ mà anh từng quen biết ở Quân y viện 103: Đội điều trị 33 là một đơn vị được thành lập từ miền Bắc, nòng cốt là những cán bộ nhân viên tuyển chọn từ Quân y viện 103. Sau khi thành lập, đội hành quân bộ vào chiến trường Khu 5 và được điều thẳng xuống Quảng Ngãi phục vụ cho chiến dịch tiến công Ba Gia, một chiến dịch đánh điểm diệt viện thắng lợi lớn năm 1965 của Trung đoàn bộ binh 2/Quân khu 5 cùng với lực lượng vũ trang địa phương.

Từ Đội điều trị 33, do không thể đi theo đường đồng bằng vì nguy hiểm, đoàn chúng tôi lại ngược lên núi, trở lại huyện miền núi Trà My để từ đó thâm nhập xuống vùng đồng bằng, thăm một số cơ sở của Quân y Tỉnh Quảng Tín và của Nông trường 2 (bí danh của Sư đoàn bộ binh 2/ Quân khu 5).

Chuyến hạ sơn bắt đầu từ ngày 13-10-1965. Ra đi trong một ngày mưa tầm tã. Anh em cho biết dù mưa vẫn phải đi, vì nếu ở lại thì ngày mai, ngày kia, nước suối có thể dâng rất cao, tắc đường trong nhiều ngày. Khi chúng tôi vượt suối X.., nước đã ngập quá bụng. Đi gần tới trưa, thấy những nhà đầu tiên của đồng bào Kinh. Tôi muốn nói rõ thêm là, kể từ hôm bắt đầu hành quân rời miền Bắc, đoàn chúng tôi toàn đi và làm việc ở những vùng rừng núi, thỉnh thoảng mới thấy bóng dáng bà con các dân tộc, nay mới được thấy đồng ruộng và bà con người Kinh. Tuy nhiên, ở vùng giáp ranh này, đồi núi nhiều hơn đồng ruộng. Đây đó vẫn còn những hàng rào dây thép gai, vết tích của những ấp chiến lược cũ. Lâu lắm mới được ăn ngủ trong nhà dân, không phải mắc võng ngủ rừng. Chúng tôi được Phòng quân y Quân khu 5 đưa đi thăm và làm việc với bệnh xá CK 120 thuộc Quân y tỉnh Quảng Tín, làm việc với Quân y Sư đoàn 2 và Trung đoàn 1, đơn vị vừa chiến thắng trong chiến dịch Ba Gia tháng 5 vừa qua. Thăm thương binh đang nằm điều trị tại các cơ sở quân y, anh Trung rất chú ý đến việc điều trị cho những thương binh bị bỏng. Tới đâu anh cũng giới thiệu cho Quân y phương pháp vá da ếch để điều trị vết bỏng. Tuy nhiên, do đoàn chúng tôi chỉ đi qua, nên anh không có điều kiện xử trí trực tiếp cho thương binh. Không rõ sau khi đoàn đi rồi, anh em có thực hiện như lời dặn không?

Khác hẳn với những ngày sống ở trên núi, xuống đồng bằng ăn uống tốt hơn, đi lại không phải leo dốc, được tiếp xúc với dân, lại có điều kiện mua bán. Chúng tôi được phát mỗi người 200 đồng tiền miền Nam từ ngày ra đi ở Hà Nội, nay mới có dịp dùng đến. Tôi mua được một chiếc bút máy Pilot (loại bút máy của Nhật) và 1 lon hạt tiêu sọ (vì vùng Tiên Phước, Thăng Bình là xứ sở của hạt tiêu) để mang về làm quà cho gia đình.

Kết thúc đợt thâm nhập xuống các đơn vị ở đồng bằng, chúng tôi lại ngược đường lên núi, trở về Trà My làm việc với Phòng quân y Quân khu, báo cáo kết quả công việc với Tư lệnh Quân khu và Cục trưởng Cục hậu cần. Khác hẳn với cuộc sống ở đồng bằng, tại Phòng quân y cũng như các đơn vị khác ở vùng núi, cuộc sống thật khó khăn. Gạo và mắm phải mua từ đồng bằng đưa lên núi. Món ăn thường xuyên ở Phòng quân y là lá tai voi và rau môn thục (2 loại lá rừng ăn được và dễ kiếm trong khu vực). Thêm vào đó là một con cá mắm chừng 2 ngón tay nấu với một thìa muối là những món ăn thường kỳ của Phòng quân y.

Đầu tháng 11, khi mọi nhiệm vụ đã hoàn thành, đoàn chúng tôi chuẩn bị trở ra Bắc thì nhận được điện của Cục trưởng Cục quân y Vũ Văn Cẩn gửi vào, đại ý nêu: Các anh Thế và Trung ra Bắc theo kế hoạch. Tuân ở lại để làm việc tiếp với đoàn cán bộ quân y Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc chuẩn bị vào chiến trường.

Đã là mệnh lệnh thì phải chấp hành. Các anh Thế và Trung lên đường ra Bắc ngày 12 – 11, sau 2 tháng rưỡi hành quân và làm việc ở Quân khu 5. Tôi còn ở lại miền Nam, lên Tây Nguyên làm việc gần 6 tháng nữa, tới tháng 5 năm 1966 mới trở về Hà Nội. Tuy nhiên, tôi cũng đã gửi anh Lê Thế Trung mang về Bắc làm quà cho gia đình chiếc bút máy và lon hạt tiêu đã mua. Anh Trung nhận lời mang giúp vì hành quân ra, mang vác cũng nhẹ hơn khi vào. Hạt tiêu ở Hà Nội khi đó rất quý. Vợ tôi kể chuyện lại sau này: khi làm quà cho họ hàng bạn bè, phải đếm từng hạt để tặng.

Gần 5 thập kỷ đã trôi qua kể từ những ngày sống sôi động ấy, anh Phạm Thế, Trưởng đoàn của chúng tôi, mất đã nhiều năm nay; anh Lê Thế Trung vài năm nay sức khỏe cũng suy giảm nhiều. Ước gì chúng tôi được trở lại những ngày hành quân xưa, gian khổ thật nhưng đến đâu cũng ấm áp tình người.

GS.TS Nguyễn Duy Tuân

[1]  Quảng Tín là một tỉnh được thành lập ngày 31-7-1962, giáp Quảng Nam cũ về phía bắc, Biển Đông về phía đông, Quảng Ngãi và Kontum về phía nam, sát biên giới nước Lào về phía tây.