Trong gần 2000 tài liệu của cố GS Hoàng Phê đang lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, có tới hàng trăm tài liệu liên quan đến cuốn Từ điển tiếng Việt này. Cuốn sách bìa màu xanh, dày 1207 trang, khổ 15,5 x 23cm, do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành, trong đó không trang nào là không có bút tích sửa chữa, gạch xóa của GS Hoàng Phê. Sau hơn 30 năm, nó đã trở nên cũ kĩ, long gáy, giấy bị ố, mốc… Ít ai hiểu rằng, để có được cuốn từ điển đó, GS Hoàng Phê cùng cả một tập thể cán bộ ngôn ngữ học đã phải làm việc trong 1/4 thế kỷ.
Cuốn từ điển xuất bản năm 1988 của GS Hoàng Phê |
Ông Hoàng Phê về công tác ở Viện Văn học từ tháng 10-1959 theo lời mời của Viện trưởng Đặng Thai Mai, và được phân công phụ trách tổ Ngôn ngữ vừa mới thành lập. Năm 1963, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam1 chủ trương biên soạn Từ điển tiếng Việt phổ thông. Công việc này được giao cho tổ Ngôn ngữ trực tiếp thực hiện, có một ban biên soạn và chủ biên là ông Hoàng Phê2. Theo dự kiến ban đầu, đây sẽ là bộ từ điển gồm 4 tập và in khổ lớn.
Công tác chuẩn bị, tập hợp tư liệu bắt đầu từ cuối năm 1963, mãi đến năm 1969 mới chính thức biên soạn. Nhiệm vụ trước tiên là xây dựng kho phiếu tư liệu làm cơ sở biên soạn từ điển. Trong vòng 6 năm (1963-1969), trong đó có đến một nửa thời gian phải đi sơ tán, tổ Ngôn ngữ và sau là Viện Ngôn ngữ học3 đã xây dựng được một kho tư liệu với khoảng 2 triệu phiếu. Ngay cả trong hoàn cảnh làm việc ở nơi sơ tán có rất nhiều khó khăn, từng phiếu vẫn phải đảm bảo tính khoa học và chính xác, không được sai dù chỉ một dấu chấm, dấu phẩy. Chủ biên Hoàng Phê quan niệm từ điển có nhiệm vụ phản ánh tương đối đầy đủ sự phát triển của tiếng Việt cũng như góp phần gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, đồng thời làm cho tiếng Việt thống nhất ở mức độ cao. Ông muốn quyển từ điển phải là một công cụ tốt, giúp cho mọi người không những hiểu, mà còn nói và viết tiếng Việt tốt hơn. Cuốn từ điển càng phản ánh tốt những đặc điểm của tiếng Việt bao nhiêu thì tính khoa học của nó càng cao bấy nhiêu4
Phiếu đục lỗ, dùng làm phiếu tư liệu để biên soạn từ điển |
Sau một thời gian dài biên soạn, bản thảo Từ điển tiếng Việt phổ thông tập 1 (từ vần A đến C) đã được hội đồng xét duyệt do GS Nguyễn Khánh Toàn5 làm Chủ tịch thông qua, sau đó Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 1975. Tập sách được đánh giá có nhiều ưu điểm. Tuy vậy, xét thấy việc biên soạn bộ từ điển 4 tập cỡ lớn sẽ quá lâu, nên Viện Ngôn ngữ học quyết định chuyển sang làm cuốn từ điển tiếng Việt cỡ vừa. Lúc này, ban biên soạn gồm 17 người6, chủ biên vẫn là ông Hoàng Phê.
Cuốn "Từ điển tiếng Việt phổ thông" tập 1, 1975 |
Triển khai biên soạn quyển từ điển tiếng Việt cỡ vừa, ban biên soạn vẫn dựa vào kho phiếu tư liệu, nhưng cố gắng cập nhật để phản ánh đầy đủ hơn sự phát triển của tiếng Việt hiện đại. Cũng phải nói thêm rằng, từ khoảng năm 1968-1969, ông Hoàng Phê bắt đầu tìm hiểu lí luận từ điển học và áp dụng ngay vào biên soạn từ điển tiếng Việt, góp phần hình thành ở nước ta một phương pháp biên soạn mới, khác với cách làm từ điển chỉ dựa vào kinh nghiệm và sự cần mẫn như trước7.
Trong quá trình biên soạn, từ tập 1 Từ điển tiếng Việt phổ thông đến cuốn Từ điển tiếng Việt này, đã diễn ra nhiều cuộc thảo luận để giải quyết một loạt vấn đề thực tiễn công việc, như về cấu trúc vĩ mô và vi mô của từ điển, về chuẩn ngôn ngữ8… Sau một số chuyến đi bồi dưỡng chuyên môn ở Liên Xô (1962, 1967) và Trung Quốc (1966), ông Hoàng Phê yêu cầu bổ sung chú thích loại từ: danh từ, tính từ, động từ. Việc biên soạn từ điển thường được ví như “công việc khổ sai”, “công việc bếp núc”, bởi rất vất vả, như một người trong cuộc đã mô tả: Không cắt được khâu nào, từ khâu chọn tác phẩm, sách báo, tạp chí; rồi đọc toét mắt để gạch từ, chép phiếu, xem từng phiếu để phân nghĩa, rồi tiến hành biên soạn, sơ thảo, chữa phiếu, duyệt phiếu. Có những từ phức tạp, đa nghĩa phải đem ra thảo luận mấy ngày, như từ “ăn”, “đánh”, “đi”, và tranh luận rất nảy lửa9. Có người không chịu được áp lực nên phải xin rời bỏ công việc này.
Ông Hoàng Phê được coi là “trung tâm đoàn kết”, vì ông luôn đứng ra giải quyết chuyện xung đột ý kiến, đưa ra quan điểm xác đáng về chuyên môn. PGS Vương Lộc, thành viên ban biên soạn kể lại: Có những việc anh em không đồng tình nhưng ông Phê vẫn quyết thực hiện. Kiến thức chuyên môn sâu, kinh nghiệm làm việc dày dạn, lại từng làm công tác đoàn hội, tất cả những điều ấy tạo nên người lãnh đạo uy quyền. Ông không bắt ép mọi người phải thức đêm làm việc, nhưng bản thân ông luôn cố gắng làm gương cho người khác10.
Năm 1988, cuốn Từ điển tiếng Việt hoàn thành, được Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành với giá bìa là 5.500 đồng, in thành 2 đợt: đợt đầu 100.000 cuốn, đợt sau 5.000 cuốn. PGS.TS Phạm Văn Tình – nguyên Phó tổng biên tập tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư vẫn nhớ chuyện ông Hoàng Phê làm việc với Nhà xuất bản Khoa học xã hội để in sách: Ngày ấy, bên xuất bản đã có ý kiến thì đôi khi tác giả phải nhượng bộ, sửa đổi, vì nếu không họ sẽ không in. Lúc này tôi mới thấy bản lĩnh khoa học của GS Hoàng Phê được thể hiện ra sao. Có ý kiến GS Hoàng Phê không chấp nhận sửa và ông tranh luận đến khi vấn đề được giải quyết, nếu nhà xuất bản không in thì thôi. Trừ trường hợp sai kỹ thuật, tôi nhớ rằng cuốn Từ điển tiếng Việt chỉ thay đổi có mấy từ11.
Lời giới thiệu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng |
Sau khi cuốn Từ điển tiếng Việt xuất bản và cả những lần tái bản, ban biên soạn chủ động thăm dò độc giả bằng cách gửi thư và phiếu đánh giá để xin ý kiến. Trong rất nhiều ý kiến phản hồi, có cả khen lẫn chê, nhưng đa số bày tỏ vui mừng khi sử dụng cuốn từ điển này. Nó thực sự trở thành cuốn từ điển quan trọng, đúng như Thủ tướng Phạm văn Đồng viết trong lời giới thiệu ở đầu sách. GS Hoàng Phê lưu giữ hàng trăm phiếu nhận xét của độc giả, từ đó giúp cho việc hoàn chỉnh thêm để cuốn từ điển càng tốt hơn nữa trong các lần tái bản. Cho nên, bút tích chỉnh sửa, bổ sung… ông để lại đầy rẫy trong cuốn xuất bản lần đầu từ năm 1988 mà ông lưu giữ trong phòng làm việc lúc sinh thời.
Không những thế, ông Hoàng Phê còn bỏ tiền túi, thậm chí đi vay lãi để có kinh phí đưa cuốn từ điển này đến với các em học sinh và giáo viên, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Trong bức thư gửi Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phó thủ tướng Nguyễn Khánh năm 1993, ông đã viết: Đứng trước tình hình ở nước ta phần đông giáo viên và học sinh dạy và học tiếng Việt đều không quen dùng từ điển (một tình hình rất không bình thường), chúng tôi đã tìm mọi cách làm cho cuốn từ điển về tận các trường học, đến tận các giáo viên và học sinh. Quyển từ điển bán giá phải chăng, giữ nguyên giá suốt cả năm, và mặc dầu chúng tôi không có vốn, đã phải vay chịu lãi suất cao 100 triệu đồng để in sách, chúng tôi đã tặng cho ngành giáo dục 1.265 cuốn từ điển (trong đó 1.150 cuốn tặng cho thư viện tất cả các trường phổ thông trung học trong cả nước) và đã bán giảm giá 40% 5.000 cuốn cho giáo viên12. PGS.TS Phạm Hùng Việt – thành viên ban biên soạn từ năm 1976 cho biết thêm: Có những hôm họp Quốc hội, ông Phê đứng chờ ở ngoài cho đến khi các đại biểu họp xong rồi biếu mỗi người một cuốn từ điển13.
Những nỗ lực của tập thể ban biên soạn đã được đền đáp xứng đáng, công trình Từ điển tiếng Việt được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2005, và tính đến nay đã tái bản gần 20 lần. Sau 1/3 thế kỷ kể từ khi xuất bản lần đầu cuốn từ điển này, nhà nghiên cứu Hồ Hải Thụy – nguyên cán bộ Viện Ngôn ngữ học và Viện Xã hội học nhận định: Từ điển tiếng Việt có thể được coi là một công trình đứng đắn, mẫu mực, đáng tin cậy nhất, ít nhất cho đến thời điểm hiện nay và so với các đồng dạng của nó […] Tất nhiên, sau nó cũng có những hậu sinh (tuy chưa đến mức khả úy) có những đóng góp đáng được quan tâm, song nó vẫn lừng lững như một cây đại thụ độc tôn14.
Nguyễn Điệp
______________________________
* GS Hoàng Phê (1919-2005), chuyên ngành Ngôn ngữ học, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ, Chủ tịch đầu tiên của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.
[1] Nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
[2] Ban biên soạn gồm có: Hoàng Phê, Bùi Khắc Việt, Đào Thản, Hoàng Văn Hành, Nguyễn Văn Thạc, Vũ Ngọc Bảo, Vương Lộc. Ngoài ra, còn có sự cộng tác của nhiều đơn vị trong và ngoài Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam.
[3] Năm 1968, Viện Ngôn ngữ học ra đời trên cơ sở sáp nhập tổ Ngôn ngữ của Viện Văn học với Tổ Thuật ngữ khoa học của Ủy ban Khoa học Nhà nước.
[4] Hoàng Phê và Nguyễn Ngọc Trâm, “Về việc biên soạn một quyển từ điển tiếng Việt mới”, tạp chí Ngôn ngữ, số 2, 1969.
[5] GS Nguyễn Khánh Toàn khi đó là Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Các thành viên khác trong hội đồng gồm: Bùi Huy Đáp, Cù Huy Cận, Đào Văn Tiến, Phạm Thiều, Tạ Quang Bửu, Trần Quỳnh, Tú Mỡ, Hoàng Phê.
[6] Đó là: Bùi Khắc Việt, Chu Bích Thu, Đào Thản, Hoàng Tuệ, Hoàng Văn Hành, Lê Kim Chi, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Ngọc Trâm, Nguyễn Thanh Nga, Nguyễn Thúy Khanh, Nguyễn Văn Khang, Phạm Hùng Việt, Trần Cẩn Vân, Trần Nghĩa Phương, Vũ Ngọc Bảo, Vương Lộc. Một số thành viên ban biên soạn giai đoạn trước đã chuyển công tác.
[7] Nhiều tác giả, Giáo sư Hoàng Phê với tiếng Việt và chuẩn hóa tiếng Việt, Nxb. Dân trí, 2019, tr. 298.
[8] Hoàng Phê, “Một số vấn đề từ điển học (qua việc biên soạn quyển Từ điển tiếng Việt)”, tạp chí Ngôn ngữ, số 4-1993, tr. 18-24.
[9] Tài liệu ghi âm GS.TS Nguyễn Văn Khang, 18-2-2020, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[10] Tài liệu ghi âm PGS Vương Lộc, 7-5-2019, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[11] Tài liệu ghi âm PGS.TS Phạm Văn Tình, 9-11-2019, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[12] Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[13] Tài liệu ghi âm PGS.TS Phạm Hùng Việt, 15-5-2019, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[14] Nhiều tác giả, Giáo sư Hoàng Phê với tiếng Việt và chuẩn hóa tiếng Việt, đã dẫn, tr. 257.