Sinh ra trong gia đình có cha làm thư ký bưu điện còn mẹ bươn chải bằng nghề buôn bán vải ở Hà Nội, từ nhỏ tôi đã có đam mê với việc học và đọc sách. Năm học 1938-1939, tôi 7 tuổi, được bố xin cho học tại trường Công ích – trường hoạt động thông qua một quỹ khuyến học có địa điểm ở cuối phố Bạch Mai, (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội ngày nay). Tôi học sáu năm bậc tiểu học tại trường này. Thuở đó, học sinh đi học viết bằng bút ngòi sắt trên giấy trắng có kẻ ô. Những loại giấy và bút này có bán sẵn ở các cửa hàng văn phòng phẩm tại Hà Nội. Ngay từ thuở nhỏ, tôi đã thích học những môn tự nhiên, nhất là môn toán. Điểm thi môn toán của tôi luôn thuộc tốp đầu của lớp.
Năm 1945, tôi đỗ ở kỳ thi lấy bằng Tiểu học yếu lược và học hệ Cao đẳng tiểu học1 tại trường Gia Long (Hà Nội). Cuối năm 1945, quân đội của Tưởng Giới Thạch ở Hà Nội có nhiều hoạt động chống phá, tôi phải bỏ dở việc học tập ngay từ năm học đầu tiên của hệ Cao đẳng tiểu học rồi cùng mẹ, anh Nhiên và em Hỷ2 tản cư về quê ngoại ở La Phù, Hà Tây (nay là Hà Nội). Ở nơi tản cư, tôi quen anh dược sĩ Nghiêm Xuân Chúc người Tây Mỗ (Hà Nội), do anh tản cư về La Phù cùng thời điểm với gia đình tôi. Anh Chúc quý tôi nên tặng cho ba cuốn sách toán, lý, hóa viết bằng tiếng Pháp. Tôi học chương trình tiếng Pháp từ nhỏ nên đọc thông viết thạo ngôn ngữ này. Ở nơi tản cư, hàng ngày tôi phụ giúp mẹ lo việc gia đình như dọn dẹp nhà, nấu cơm, thời gian rảnh tôi đọc ba cuốn sách của anh Chúc tặng.
Đầu năm 1948, gia đình tôi chuyển về Hà Đông để thuận tiện cho việc buôn bán vải của mẹ. Tại Hà Đông, ngoài việc phụ giúp mẹ dọn hàng, nấu cơm, tôi tranh thủ thời gian rảnh tự học thêm các môn toán, lý, hóa. Hàng tuần, hai lần tôi đi tàu điện từ Hà Đông ra Hà Nội để học thêm môn văn ở các trường tư thục. Năm 1950, để tiện cho việc học tập của con, mẹ tôi chuyển về Hà Nội sinh sống ở phố Ngô Sỹ Liên, quận Đống Đa ngày nay. Trở lại Hà Nội, tôi tự học các môn tự nhiên, tiếng Pháp rồi học thêm môn văn với thầy giáo Toản ở một trường tư thục. Khoảng giữa 1950, tôi đăng ký thi bằng Cao đẳng Tiểu học dưới dạng thí sinh tự do nhưng trượt do ngoại ngữ tiếng Pháp không tốt.
Thuở đó, ở trong thành thí sinh thi Tú tài phần một không yêu cầu có bằng Cao đẳng Tiểu học nên tôi quyết tâm tự ôn một năm để năm sau đăng ký tham dự kỳ thi này. Năm 1951 tôi đỗ ở kỳ thi Tú tài phần một và học Tú tài phần hai ở trường Chu Văn An, Hà Nội. Nhờ quá trình tự học thông qua việc đọc sách vở từ nhỏ nên khi có điều kiện đến trường, được nghe thầy cô giáo giảng bài, việc học tập của tôi trở nên dễ dàng hơn. Vì vậy, kết quả học tập của tôi luôn đứng đầu lớp. Năm 1952, tôi thi đỗ Tú tài phần 2.
GS.TSKH Nguyễn Thừa Hợp
Thời điểm đó Hà Nội có các trường đại học và cao đẳng sau: Đại học Y dược, Đại học Luật khoa, Đại học Khoa học, Cao đẳng Sư phạm[1]. Anh trai tôi là Nguyễn Thừa Nhiên khuyên em trai nên thi vào trường Đại học Y dược. Tuy nhiên tôi không nghe theo gợi ý của anh bởi lẽ trường Đại học Y dược đào tạo 6 đến 7 năm, tôi lo sợ không có tiền đóng học phí. Tôi chọn nơi học không mất tiền, có học bổng, nhanh chóng ra trường nên đã đăng ký thi trường Cao đẳng Sư phạm và đỗ.
Ngoài những giờ học ở trường Cao đẳng Sư phạm, tôi đăng ký xin học khoa Đại cương, trường Đại học Khoa học của Pháp (Hà Nội). Khoa đào tạo duy nhất môn toán. Trường Đại học Khoa học là trường của chính quyền Pháp quản lý và không có thi đầu vào. Sinh viên đăng ký học cần đảm bảo hai yếu tố: nộp học phí đúng thời hạn, tham gia các tiết chữa bài tập đầy đủ. Cuối năm, trường tổ chức thi gồm hai phần: thi viết và thi vấn đáp. Sinh viên trượt kỳ thi này sẽ buộc phải thôi học. Có thể nói rằng, từ bé tôi đã yêu thích các môn tự nhiên, đặc biệt là môn toán. Tôi tự tìm đọc nhiều sách nên khả năng tự học, tự nghiên cứu cũng được nâng cao. Vì vậy, dù không tham gia học đầy đủ các giờ học lý thuyết nhưng tôi tự đọc sách nên luôn nắm chắc kiến thức, luôn đạt kết quả học tập tốt.
Năm 1953, không muốn phải đi lính cho Chính phủ quốc gia Việt Nam nên tôi cùng một người bạn tên là Khánh trốn ra vùng tự do Thanh Hóa. Tôi trở lại Thủ đô Hà Nội sau ngày giải phóng tháng 10-1954. Lúc này, trường Sư phạm Cao cấp ở Nam Ninh, Trung Quốc đã chuyển về Hà Nội. Trên cơ sở trường Sư phạm Cao cấp, Bộ Giáo dục thành lập hai trường là Đại học Văn khoa và Đại học Sư phạm khoa học. Sinh viên đang theo học trường Sư phạm Cao cấp được phân về học tập ở hai trường đại học này. Sinh viên học dở chương trình của trường Cao đẳng Sư phạm trong thành Hà Nội trước năm 1954 được tiếp tục học trường Đại học Sư phạm khoa học[2]. Và tôi cũng nằm trong danh sách này.
Tôi học ở trường Đại học Sư phạm Khoa học trong thời gian 3 năm (1954-1956). Lớp học bắt đầu ngay trong những tháng cuối năm 1954 và có khoảng gần 50 sinh viên, trong đó phần lớn là sinh viên cũ của trường Sư phạm Cao cấp Trung ương như Đoàn Quỳnh (sau này là giảng viên khoa Toán, trường Đại học Sư phạm Hà Nội), Nguyễn Đình Trí (sau này công tác tại khoa Toán, trường Đại học Bách khoa Hà Nội), Lại Đức Thịnh (sau này công tác ở khoa Toán, trường Đại học Sư phạm Hà Nội), Tạ Văn Đĩnh (sau này công tác ở khoa Toán, trường Đại học Bách khoa Hà Nội)… Trường Đại học Sư phạm Khoa học khi ấy do thầy Lê Văn Thiêm là Hiệu trưởng.
Trường có địa điểm ở gần Trường Trung học Pháp Albert Sarraut, nay là phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Hàng tháng, sinh viên được phát học bổng. Tôi không còn nhớ số tiền học bổng là bao nhiêu, nhưng chỉ biết tôi sống cùng mẹ ở phố Ngô Sĩ Liên, Hà Nội vì vậy tiết kiệm được khoản tiền ăn. Thế nên số tiền học bổng hàng tháng của trường đủ cho tôi sinh hoạt cá nhân và còn thừa thì mua sách. Tôi hay mua sách toán, lý, hóa của Pháp tại các quầy bán sách ở Trung tâm Hà Nội, gần phố Hàng Bông, Hàng Gai….
Năm 1956, một số trường đại học được thành lập như: Đại học Tổng hợp, Đại học Bách khoa, Đại học Nông – Lâm, trường Đại học Y dược được củng cố và cải tiến, dẫn đến tình trạng thiếu giảng viên[3]. Vì vậy, sinh viên trường Đại học Sư phạm khoa học được ra trường sớm một năm (the quy trình đào tạo, sinh viên phải học 4 năm) và được phân về các trường đại học, cao đẳng giảng dạy. Lúc này, tôi được phân về khoa Toán trường Đại học Tổng hợp phụ trách môn Phương trình toán – lý (nay là môn Đạo hàm riêng) và trở thành giảng viên đại học.
Có thể nói, con đường học tập của tôi – một học sinh ở trong thành những năm 40, 50 của thế kỷ trước không hề dễ dàng. Để đi đến đích – trở thành người thầy thì tinh thần tự học vẫn là điều tiên quyết. Tinh thần ấy trở thành vốn và là hành trang vững chắc để tôi bước tiếp chặng đường học tập vươn đến đỉnh cao học vấn trong cuộc đời sau này[4].
Hoàng Thị Kim Phượng (ghi)
________________________
[1] Bộ Giáo dục và Đào tạo (Trần Hồng Quân – Chủ biên), 50 năm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo (1945-1995), Nxb.Giáo dục, 1995, tr 199.
[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo (Trần Hồng Quân – Chủ biên), 50 năm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo (1945-1995), Nxb.Giáo dục, 1995, tr. 199.
[3] Bộ Giáo dục và Đào tạo (Trần Hồng Quân – Chủ biên), 50 năm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo (1945-1995), Nxb.Giáo dục, 1995, tr 201-202.
[4] Năm 1975, ông bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ). năm 1984 ông hoàn thành luận án tiến sĩ và bảo vệ thành công năm 1991(nay là Tiến sĩ khoa học). Hai bản luận án trên ông bảo vệ trong nước, tại Hội đồng chấm luận án trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.