Tham gia cách mạng từ trước năm 1945, năm 1951 Đoàn Hải được cử đi đào tạo sỹ quan ở trường Võ bị Lục quân Trần Quốc Tuấn, khóa 6, khoa Pháo binh[1]. Trở về nước, ông nhận nhiệm vụ công tác tại Đại đoàn 308 quân Tiên phong. Sau trận ốm nặng, Đoàn Hải bị bệnh ngoài da toàn thân, đơn vị cho ông về tạm nghỉ ở Ty Thương binh Tuyên Quang. Đầu năm 1954, ông được cử sang trường Trung văn, thuộc Khu học xá Trung ương đóng tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), học tập.
Đoàn Hải đã đăng ký học lớp phiên dịch Trung văn ngắn hạn để sớm được trở về phục vụ Tổ quốc. Đến Khu học xá Trung ương, ông nhập lớp Phiên dịch A. Lớp học khai giảng từ ngày 1-3-1954 và kết thúc vào ngày 31-12-1954 với 50 học viên. Thành phần của lớp học đa số là thiếu sinh quân, ngoài ra có hai nữ là học sinh phổ thông (người Nghệ An, Thanh Hóa) và 3 bộ đội là Đoàn Hải, Lê Minh Hà, Nguyễn Đình Nghi.
Lớp học được chia thành 5 tổ, chương trình học gồm các môn: Khóa văn, Ngữ pháp, Dịch (dịch viết, nói xuôi Trung -Việt và dịch viết, nói ngược Việt – Trung), và môn Chính trị. Giáo viên dạy tiếng là một cô giáo trẻ 21 tuổi người Cáp Nhĩ Tân, cô là người phương Bắc không biết tiếng Việt nên trong các buổi học thường có ông Phụng[2] làm phiên dịch. Ngoài kiến thức và tài liệu cô cung cấp trên lớp, Đoàn Hải tự rèn luyện cho mình kỹ năng giao tiếp bằng cách thường xuyên xuống nhà bếp “thăm hỏi” nhân viên cấp dưỡng người Trung Quốc.
PGS Đoàn Hải kể: Từ vùng kháng chiến được sang Trung Quốc học tập là một sự thay đổi lớn, bởi cuộc sống ở đây khá đầy đủ, mỗi sáng tôi được ăn bánh rán, uống sữa đậu nành. Hàng tháng tôi được học bổng, tuy không nhiều nhưng cũng đủ tiêu vặt vì vậy tôi rất biết ơn Đảng và chăm chỉ học tập. Do thời gian học ngắn, tiếng Trung lại khó viết, có chữ lên tới 40 nét, nên sau mỗi giờ lên lớp tôi thường tìm góc ngồi yên tĩnh để luyện chữ[3]. Nhờ sự chăm chỉ cùng với ý chí phấn đấu học tập mà kết quả các môn học của Đoàn Hải đều tốt. Hiện tại, ông vẫn giữ liên hệ với các bạn cùng lớp, trong đó thường xuyên nhất là người bạn thân Nguyễn Đình Nghi.
Đầu năm 1955, trở về nước Đoàn Hải được phân công công tác tại Văn phòng Chính phủ. Ở đây, ông nhận nhiệm vụ làm phiên dịch cho các cố vấn và các chuyên gia Trung Quốc. Ông kể: Tôi về nhận công tác tại Đoàn 12 của Văn phòng chính phủ được khoảng hai tháng thì đoàn cử đi làm phiên dịch cho cố vấn Trung Quốc để xây dựng khu tự trị Tây Bắc. Gia đình và một số bạn bè góp ý với tôi rằng cần suy nghĩ vì tôi vừa từ núi rừng về Thủ đô, giờ trở về núi rừng, nhọc lắm. Nhưng tôi không quan tâm đến điều này, bởi trước kháng chiến toàn quốc tôi đã tham gia giải phóng Thủ đô. Rồi sau đó, tôi hoạt động cách mạng ở Khu III và lên Việt Bắc. Nay có trở lại đó cũng không sao[4].
PGS Đoàn Hải trong buổi phóng vấn, tháng 10-2014
Tháng 4-1955, Đoàn Hải theo xe của Đoàn 12, Văn phòng Chính phủ lên Tây Bắc. Nơi đây đang thành lập Khu tự trị Thái – Mèo của dân tộc thuộc các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lạng Sơn, Lai Châu theo Sắc lệnh số 230/SL, ngày 29-4-1955 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đoàn Hải được sắp xếp chỗ ăn, ở và giao nhiệm vụ là phiên dịch cho chuyên gia Mạc (người Quảng Tây, Trung Quốc). Lúc này, khu tự trị đã có một phiên dịch người Trung Quốc là Vương Thành Đức. Nhận công việc, ông biết rằng thử thách với mình rất lớn, bởi vốn kiến thức 1 năm học Trung văn chưa thể tự tin để làm công việc phiên dịch này.
Ngay buổi tối đầu tiên ở Tây Bắc, chưa “ráo mồ hôi” sau gần một ngày di chuyển, Đoàn Hải đã phải đối mặt với thử thách đầu tiên. Đó là khu tự trị tổ chức mời các chuyên gia người Trung Quốc xem một vở chèo. Phiên dịch viên Vương Thành Đức có lẽ muốn thử khả năng dịch của Đoàn Hải nên bố trí ông ngồi cạnh cố vấn Mạc. Vừa xem, Đoàn Hải vừa chủ động vắn tắt nội dung vở diễn cho ông Mạc hiểu được cơ bản nội dung của vở chèo. Đoàn Hải bỗng lúng túng khi nhân vật nói đến từ “tòa án”. Đang loay hoay không biết phải dịch sang tiếng Trung thế nào thì ông Vương Thành Đức nhắc nhỏ từ phía sau lưng “tòa án tức là 法庭 (pháp đình)”. Ông Đức rất khéo léo nên không để ai phát hiện sự cố này, sau đó Đoàn Hải lại tiếp tục công việc phiên dịch cho cố vấn Mạc.
Kết thúc buổi tối hôm đó, ông Vương Thành Đức trao đổi với cố vấn Mạc và cho rằng Đoàn Hải có thể đáp ứng được vai trò là phiên dịch cho ông. Biết được điều này, Đoàn Hải thực sự hứng khởi bởi mình đã vượt qua được thử thách đầu tiên, mọi sự cố gắng trong quá trình học tập của ông đã được thể hiện một cách tốt nhất. Qua lần vào nghề đầu tiên ấy, ông biết được điểm yếu của mình là vốn từ vựng còn hạn chế. Ông quyết tâm bổ sung vốn từ và kỹ năng giao tiếp của mình bằng cách ngày đêm tìm hiểu tài liệu và trao đổi kinh nghiệm với ông Vương Thành Đức.
Nói về tiếng Trung Quốc, PGS Đoàn Hải cũng chia sẻ thêm: So với các ngoại ngữ khác, tiếng Trung Quốc không quá khó bởi ý nghĩa của các từ vựng rất gần với tiếng Việt. Tuy nhiên, cái khó của nó nằm ở chỗ người học phải nhớ nhiều từ vựng, chữ viết khó và phát âm có nhiều từ giống nhau. Do vậy, để dịch tốt tiếng Trung phải thường xuyên nghe, viết, đọc, nói và bổ sung vốn từ chuyên môn[5].
Lên khu tự trị Tây Bắc được khoảng chừng hai tháng, Đoàn Hải tham gia vào công tác thu thập thông tin về đời sống, sinh hoạt của người dân ở hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng. Cả khu tự trị được chia thành hai tổ, một tổ phụ trách địa bàn xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn; một tổ phụ trách địa bàn bản Nà Phạc, xã Nam Tuấn, huyện Hoài An, tỉnh Cao Bằng. Đoàn Hải được phân công làm phiên dịch cho cố vấn Lưu (người Nội Mông, Trung Quốc) tại tỉnh Cao Bằng. Ở đây, các cán bộ người Việt Nam và chuyên gia Trung Quốc ở nhờ nhà dân, do vậy Đoàn Hải có điều kiện trao đổi nhiều hơn với ông Lưu, thuận lợi cho công việc phiên dịch.
Bản Nà Phạc, nơi Đoàn Hải cùng cán bộ người Việt Nam đi thu thập thông tin có hơn 40 hộ dân sinh sống. Để quản lý được thông tin thu của từng hộ, ông tự đóng một tập vở dành mỗi trang cho một hộ gia đình. Cuốn vở có 3 cột: cột tiếng Việt, cột tiếng Trung Quốc và cột tiếng dân tộc để thuận tiện cho việc tra cứu. Đây là địa bàn vùng sâu của người dân tộc Mèo[6], người dân chưa thông thạo nói tiếng phổ thông nên việc khai thác thông tin của họ khá vất vả. Cũng may, trong thời kỳ ở bộ đội tôi đã tiếp xúc nhiều với người dân tộc nên bớt phần bỡ ngỡ[7].
Công việc đang dang dở, tháng 10-1955, Văn phòng Chính phủ cử cán bộ Hoàng Xuân Tiệp đến làm phiên dịch thay Đoàn Hải, ông được trở về Hà Nội. Nghỉ ngơi được ít ngày, Đoàn Hải và hai đồng nghiệp Trịnh Thủy Thiêm, Nguyễn Đăng Tài nhận quyết định chuyển sang công tác tại Tổng cục Đường sắt Việt Nam. Ba thanh niên độc thân được sắp xếp ở chung một phòng tập thể của Cục ở địa chỉ số 36 Cao Bá Quát và chuẩn bị cho công việc mới.
Đoàn Hải được phân công về phòng Xa vụ và công việc chủ yếu làm phiên dịch cho chuyên gia Trương (người Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc). Ông Trương là cán bộ kỹ thuật mới tốt nghiệp đại học được vài năm, còn trẻ nên Đoàn Hải không phải giữ kẽ nhiều trong giao tiếp như đối với các bậc lớn tuổi. Ngoài việc tư vấn về kỹ thuật đường sắt, ông Trương còn có nhiệm vụ đào tạo công nhân kỹ thuật cho ngành đường sắt Việt Nam với các chuyên môn “ghi – dồn – móc – hãm”. Ông giải thích: GHI là bẻ ghi để cho đoàn tàu vào đúng đường; DỒN là ghép các toa tàu thành tàu dài; MÓC là nối đầu các toa xe liền nhau thành đoàn tàu; HÃM là phanh bớt tốc độ khi cần[8]. Cứ đoạn đường sắt nào bị hư hỏng là ông Trương liên hệ ngay vào bài học bằng cách đưa công nhân đến thực hành, sửa chữa đoạn đường đó.
Với Đoàn Hải, đây là một thử thách lớn, bởi trước đó ông và các chuyên gia người Trung Quốc ở chung có sự gần gũi, tuy ngôn ngữ dịch đời thường nhiều, nhưng còn công việc mới chủ yếu đi vào chuyên môn sâu về kỹ thuật đường sắt. Trong ba tháng làm phiên dịch, Đoàn Hải đã cùng chuyên gia Trương đào tạo được hai lớp công nhân ở ga Gia Lâm và ga Yên Viên. Thú vị là, nhiều năm sau đó, ra đường có công nhân còn nhớ ông và chào “thầy”.
PGS Đoàn Hải nhớ, một lần lên lớp chuyên gia Trương giảng bài có từ “shí cha”, do phát âm của Tiếng Trung Quốc “lơ lớ” giống nhau, rất khó phân biệt nên ông lúng túng chưa hiểu nghĩa. Ông đề nghị chuyên gia Trương viết ra giấy, viết xong ông đọc và dịch được ngay đó là “ 时差”, tức “múi giờ”. Từ đó, ông rút ra được kinh nghiệm: ngoài việc rèn luyện kỹ năng dịch, còn phải tìm hiểu nhiều về từ chuyên môn thông qua tài liệu viết của chuyên gia và tài liệu của các cán bộ Việt Nam ở phòng Xạ vụ[9].
Công tác tại Cục Đường sắt được 5 tháng, một hôm đồng chí Kim – bí thư Chi bộ phòng Xa vụ mời Đoàn Hải lên gặp và nói: Chi ủy và lãnh đạo phòng Xa vụ đều biết cậu là người ham học, nay có lớp đào tạo về Kinh tế – Tài chính nên cử cậu đi học[10]. Niềm vui vỡ òa, bởi Kinh tế – Tài chính là lĩnh vực mà ông đã khao khát được tìm hiểu từ lâu. Sắp xếp xong công việc, Đoàn Hải nhận quyết định chuyển công tác lần thứ hai. Và ông cũng không ngờ rằng, lần chuyển công tác này là lần chuyển nghề, ông hoàn toàn chia tay nghề phiên dịch.
Thấm thoắt đã 60 năm trôi qua, kể từ khi PGS Đoàn Hải “bỏ nghề”. nhưng kỷ vật của một thời đã làm sống lại những ký ức trong ông. Chỉ một năm gắn với công việc phiên dịch, nhưng đó là đoạn đời để lại trong tâm thức của ông nhiều kỷ niệm và trải nghiệm thú vị. Một đoạn đời mà như người Trung Quốc thường nói “不错”[11], để “Đọc chơi cũng được một phần trống canh”[12].
Nguyễn Thị Loan
* PGS Đoàn Hải sinh ngày 29-11-1930 tại thôn Hải Yến, xã Hải Triều, huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên. Ông nguyên là Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và đầu tư), được phong hàm Phó Giáo sư chuyên ngành Kinh tế năm 1980.
[1] Thời kỳ này nhà trường đóng ở Vân Nam (Trung Quốc).
[2] Là học sinh khóa trên được giữ lại làm phiên dịch cho Khu học xá.
[3] Phỏng vấn PGS Đoàn Hải, ngày 21-10-2014.
[4] Phỏng vấn PGS Đoàn Hải, ngày 16-10-2014.
[5] Phỏng vấn PGS Đoàn Hải, ngày 16-10-2014.
[6] Nay gọi là dân tộc Hmông.
[7] Bản tự thuật của PGS Đoàn Hải, ngày 17-3-1975, tài liệu lưu tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[8] Hồi ký của PGS Đoàn Hải, tháng 5-2006, tài liệu lưu tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[9] Hồi ký của PGS Đoàn Hải, tháng 5-2006, tài liệu đã dẫn..
[10] Hồi ký của PGS Đoàn Hải, tháng 5-2006, tài liệu đã dẫn
[11] Một từ thể hiện mức độ khá hài lòng của người Trung Quốc đối với một việc, một vấn đề nào đó.
[12] Câu thơ PGS Đoàn Hải lẩy theo câu “Mua vui cũng được một vài trống canh ”, trong Truyện Kiều.