![]() |
Những câu chuyện đời, chuyện nghề của các nhà địa chất đang được tái hiện lại tại Trưng bày “Chuyện nghề địa chất” do Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam thực hiện. Trưng bày diễn ra tại trụ sở mới của Trung tâmở số 561, đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội. |
![]() |
“Chuyện nghề địa chất” là nỗ lực gom góp, sưu tầm trong gần 10 năm những thông tin, kỷ vật của các nhà nghiên cứu ngành địa chất – một lĩnh vực có nhiều đóng góp vào quá trình xây dựng đất nước nhưng lại chưa được nhiều người biết đến. |
![]() |
Với các nhà địa chất, hằng năm có hai “mùa”: Mùa đi thực địa và mùa làm việc tại văn phòng. |
![]() |
Ban tổ chức đã trình bày chọn lọc và sắp xếp các hiện vật đó vào từng chủ đề như “Nhếch nhác”, “Phút nghỉ chân”…, gợi lên cho người xem hình ảnh gần gũi, bình dị của các nhà khoa học địa chất. |
![]() |
Hành trang trong ba-lô mỗi chuyến thực địa là búa, bút chì, nhật ký, máy ảnh, địa bàn… |
![]() |
Nhật kí địa chất, giấy giới thiệu, giấy đi đường… được các nhà địa chất gửi tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. |
![]() |
Trưng bày tái hiện lại công việc lao động khoa học có nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng cũng đầy say mê của 22 nhà địa chất. Từ đó giúp công chúng phần nào hiểu được những đóng góp thầm lặng của họ. |
![]() |
Sau mỗi mùa đi thực địa, là “mùa văn phòng”. Đây là khoảng thời gian các nhà địa chất làm việc âm thầm và tỉ mỉ bên kính hiển vi để bắt các mẫu đá, mẫu quặng vô tri vô giác phải “lên tiếng”. |
![]() |
Ba mẫu đá do PGS.TS Hồ Văn Chín (Viện Địa lý tài nguyên TP.HCM) sưu tầm khi thực hiện đề tài "Xây dựng luận cứ khoa học cho việc sử dụng hợp lý vùng gò đồi, núi thấp, cát nội đồng ven biển ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế" giai đoạn 1991-1994. |
![]() |
Để vẽ nên những tấm bản đồ, phát hiện ra những mỏ dầu khí, khoáng sản, tài nguyên, các nhà địa chất đã phải đối mặt với sự khắc nghiệt của rừng sâu, sóng gió biển đảo. Thành tựu đáng tự hào của các nhà địa chất là đã đo vẽ phủ kín bản đồ địa chất tỷ lệ 1/200.000 toàn bộ lãnh thổ Việt Nam – điều không phải quốc gia nào cũng làm được.
|
![]() |
GS.TSKH Tống Duy Thanh, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Địa chất, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, cùng các đồng nghiệp tham quan trưng bày. |
![]() |
Các nhà khoa học và khách tham quan Trưng bày. |
![]() |
Ths Trần Bích Hạnh, Giám đốc điều hành Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các nhà khoa học địa chất đã cung cấp thông tin, tư liệu và hợp tác chặt chẽ với trung tâm để xây dựng thành công cuộc trưng bày này. |
![]() |
Những bức ảnh, câu chuyện khi đi thực địa đã gợi lại trong GS.TSKH Phan Trường Thị, nguyên Phó hiệu trưởng trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, biết bao cảm xúc. GS.TSKH Phan Trường Thị bày tỏ hy vọng, trưng bày này sẽ truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ, đặc biệt là sinh viên dám lựa chọn, dấn thân vào ngành địa chất để “học làm dân trước, rồi mới học làm quan”.
|
![]() |
Nhà báo Nguyễn Thị Trâm – người đồng hành cùng Trung tâm trong công tác nghiên cứu sưu tầm, dù đã tiếp xúc nhiều với các nhà địa chất. Dù đã từng đọc ý tưởng rồi nội dung trưng bày, nhưng đến khi xem trưng bày, chị vẫn không khỏi xúc động: “Những tiêu đề phụ như “Nhếch nhác”, “Phút dừng chân” cùng những hình ảnh của nhà khoa học địa chất trong Mùa thực địa khiến tôi không cầm được nước mắt”.
|
![]() |
Nhóm các bạn sinh viên đến từ trường ĐH Văn hóa Hà Nội đến tham quan Trưng bày. |
![]() |
Một gia đình đến từ Hà Nội cũng đưa các con đến tham quan trưng bày. Các em rất hứng thú khi được nghe chính các nhà khoa học chia sẻ về chuyện nghề. |
![]() |
Tiếp theo các trưng bày trước đây của Trung tâm như “Khát vọng học hỏi và sáng tạo”, “Thẳm sâu trong từng kỷ vật”, trưng bày “Chuyện nghề địa chất” là triển lãm chuyên đề đầu tiên về một lĩnh vực khoa học của Trung tâm. |
![]() |
Diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 11 năm thành lập Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, trưng bày "Chuyện nghề địa chất" là một bước tiến mới trên con đường phát huy di sản các nhà khoa học và hướng đến xây dựng Bảo tàng các nhà khoa học Việt Nam. |
Phương Thảo
Trích dẫn theo link: khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/kham-pha-nghe-dia-chat-qua-nhung-bau-vat-vo-gia-cua-cac-nha-khoa-hoc-c7a735530.html