Chuyện nhà nữ toán học đầu tiên ở Việt Nam: Hoàng Xuân Sính và trường Đại học Dân lập đầu tiên

 

Trước khi gặp nữ GS-TS toán học đầu tiên của Việt Nam, Nhà giáo nhân dân Hoàng Xuân Sính, tôi đã được nghe kể một cách đầy trìu mến về cô từ người cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Đã hơn 20 năm trôi qua, hình ảnh về cô giáo dạy ban toán của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội ngày đấy, vẫn còn như in trong tâm trí của nhà báo Minh Huyền.

Năm 1987, khi đang còn là sinh viên Văn khoa, chị Huyền cũng giống như nhiều sinh viên khác bị cuốn vào một lực hút thật đặc biệt. Ngày ngày, dưới sân trường, hay đâu đó trên giảng đường, thấp thoáng thấy bóng dáng cô Sính là những sinh viên lại ngơ ngẩn dõi theo cho đến khi cô đi khỏi hết tầm mắt.

Lúc bấy giờ khẩu hiệu “ăn no, mặc ấm” thì cô Sính đã như đến từ một “thế giới” khác. Cô Sính yêu kiều, nền nã trong tấm khăn quàng nhẹ rủ xuống bờ vai mảnh dẻ phất phơ trước làn gió heo may se sẽ thổi. Và, cái không khí chộn rộn, nao nao khi mùa thu gõ cửa, hay những ngày đông rét mướt, cùng cả những ngày hè chói chang, đỏ lửa thì cô Sính với vóc dáng mảnh mai, vẫn có một sự quyến rũ đặc biệt lan tỏa, không lẫn lộn và đầy ấn tượng.

Có một câu chuyện không kém phần ly kỳ và nếu là thực thì quả là vô cùng lãng mạn. Một chuyện tình đẹp như “xinê” hệt như một bản nhạc mang đầy phong vị trữ tình, trở thành huyền thoại. Chả biết thực hư ra sao, chỉ biết rằng, mỗi lần nhớ về mái trường xưa, những sinh viên Trường ĐH Sư phạm ngày đó đều bồi hồi và ăm ắp cảm xúc khi kể về mối tình câm của một thầy giáo khoa Toán với người bạn đồng nghiệp của mình – cô Sính.

Chuyện rằng, tuần nào cũng vậy, cứ vào chiều thứ bảy, trước cửa phòng cô Sính lại có một bông hồng cài lên cánh cửa. Chuyện đàn ông tặng hoa cho phụ nữ thì cũng là điều dễ hiểu. Nhưng đây lại là của một thầy giáo tặng cho cô giáo cùng trong khoa Toán, mà sự việc liên tục diễn ra hằng tuần và kéo dài đằng đẵng nhiều năm trời, từ ngày đầu sinh viên vào nhập học, cho đến khi tốt nghiệp ra trường, hết khóa sinh viên này lại đến khóa sinh viên khác.

Sự việc kéo dài mãi, chẳng biết bao lâu thì dừng, có người nói rằng, kể từ khi cô không còn dạy toán trong Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Nhưng có một điều chắc chắn, thầy vẫn nhất quyết ở vậy, không lấy vợ mãi cho đến tận giờ thầy đã 70 tuổi. Và cô cũng vậy, không đi thêm bước nữa, kể từ cái ngày xa lắc xa lơ, sau khi có tấm bằng tốt nghiệp thạc sĩ năm 1959, cô ôm cậu con trai nhỏ giã từ Paris hoa lệ, trở về đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt.

Cô về vì tình yêu thiêng liêng với Tổ quốc, vì đất nước lúc đó đang rất cần, và cũng rất thiếu những người làm khoa học như cô. Còn chồng cô thì ở lại xứ người do không đồng chí hướng, sự trở về nước của cô Sính cũng đặt dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân ngắn ngủi.

Rồi, cũng từ chuyện bông hoa hồng, mà những sinh viên vốn dư thừa trí tưởng tượng đã thêu dệt, mơ mộng lên đủ thứ chuyện. Nhưng, những câu chuyện đó xem ra không phải là không có lý. Để có hoa hồng tặng cô Sính, thầy dạy toán đã phải lặn lội ra cánh đồng hoa, nhìn ngắm kỹ càng, rồi mới hái bông hoa ưng ý nhất tặng cô.

Chuyện thầy bị chó dại đuổi khi đang lạc bước vào một khu vườn nào đó hái hoa. Hay trong lúc hái hoa thì trời đổ một trận mưa rào, và thầy đã ôm khư khư bông hoa vào lòng như một báu vật, cố nghiêng người che cho bông hoa không bị nước mưa bắn vào làm nát cánh hoa. Để rồi, khi bông hoa được cài vào cửa nhà cô Sính thì lúc đó than ôi! Khắp người thầy ướt sũng… Vậy mà, đám trò nhỏ vẫn nhìn thấy trên khuôn mặt thầy một niềm vui lâng lâng bồng bềnh, và cả ánh mắt thầy vẫn không che giấu nổi sự hạnh phúc si tình của người đang yêu.

Có một điều ngạc nhiên là sinh viên trong trường rất ít khi nhìn thấy thầy cô sóng bước bên nhau. Nên sự lãng mạn về những bông hoa hồng ngày càng được thi vị hóa, bởi tình yêu trong sáng, thuần khiết…

Tất cả câu chuyện xoay quanh hoa hồng đều là ẩn số. Và tôi nghĩ con người thú vị sẽ luôn có câu chuyện thú vị. Cảm giác hồi hộp, phấp phỏng, đeo bám cho đến khi tôi gặp cô vào một ngày đầu tháng 7, ở đại bản doanh của cô, ngôi Trường đại học Thăng Long, nằm giữa cánh đồng Đại Kim mênh mông nắng và gió. Đây là trường đại học dân lập đầu tiên của nước ta, được thành lập vào mùa đông năm 1988, mà không ai khác chính cô Sính cùng với một số đồng nghiệp cùng chí hướng đã bỏ bao công sức tạo dựng nên ngôi trường với mô hình đại học thí điểm không xin kinh phí của Nhà nước (hoàn toàn độc lập về tài chính). Ngôi trường nằm riêng biệt trên một khoảng không với khuôn viên rộng 20.000m2 với những dãy nhà màu trắng. Ngay từ cổng trường đã nhìn thấy những giỏ hoa treo với những bông hoa màu hồng xinh xắn.

Cô Sính mặc một chiếc váy liền nền nã dài quá gối, những bông hoa hồng  nhỏ như nụ tầm xuân nổi lên trên nền đen trông mát mắt. Cô đi một đôi giày bệt búp bê xinh xắn màu ngà (loại giày mũi tròn, đang thịnh hành, mà lứa tuổi teen ưa thích). Mái tóc xoăn nhẹ ôm lấy khuôn mặt vẫn còn lưu đường nét thanh tú, ở đây toát ra sự cương nghị của một người luôn ở trong tâm thế tự lập.

Cô tiếp tôi trong căng tin nhà trường trên tầng 3. Khung cảnh thật dễ chịu, những ghế sôpha sang trọng cùng chiếc bàn phủ khăn màu boóc đô được phối màu hợp lý, tinh tế. Ngăn cách bởi hai dãy ghế là những bó cỏ màu xanh được trồng trong lọ nhỏ bằng gốm sứ trắng Bát Tràng. Tôi có dịp đến không ít trường đại học ở Việt Nam, nhưng chưa từng thấy một trường đại học nào mà những bông hoa và cỏ lại được chăm chút như trường đại học này.

Khi tôi đang xuýt xoa cảnh quan của ngôi trường và thầm cảm phục, người phụ nữ trước mặt  không chỉ là một nhà khoa học xuất sắc mà còn là nhà quản lý tài ba, cô Sính đã cất tiếng: “Tất cả đều là làm để cho các em”.

Để có được cơ ngơi khang trang và bề thế như bây giờ hẳn không dễ dàng gì. Cô Sính rùng mình nhớ về thời cách đây hơn 20 năm có lẻ, cô cùng với những người bạn trong ngành giáo dục đôn đáo, chạy ngược chạy xuôi, lo lắng cho ngôi trường thế nào và đã gặp biết bao nhiêu chuyện phức tạp vì đây là trường đại học đầu tiên với mô hình thí điểm hoàn toàn tự lập về kinh phí.

Lúc đấy, kinh tế của nước ta còn khó khăn, thu học phí của sinh viên cao quá thì không ổn, nên nhà trường chỉ lấy học phí của sinh viên bằng với học phí sinh viên hệ B của các đại học quốc lập khác trong nước. Đằng đẵng nhiều năm trời, trường di dời liên tục vì thuê nhiều địa điểm khác nhau. 


Trần Mỹ Hiền

Nguồn: antg.cand.com.vn/vi-VN/phongsu/2009/8/70138.cand