Bản đề cương có tên đầy đủ là “Đề cương nội dung chương trình hợp tác nghiên cứu sinh thái học và khu hệ động vật giữa Việt Nam và Liên Xô”, gồm 7 trang, được đánh máy trên giấy mỏng, khổ 21cm x 27cm, có nhiều lỗ thủng do côn trùng cắn và chữ đã nhòe mờ do thời gian, là một trong hơn 4.000 tài liệu mà GS Đặng Huy Huỳnh đã tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Tìm hiểu về bản đề cương này, chúng tôi phát hiện được một số tài liệu khác cũng liên quan đến câu chuyện hợp tác khoa học với Liên Xô trong lĩnh vực sinh học những năm 1970-1980.
Bản đề cương nghiên cứu năm 1978
Tháng 5-1975, Viện Khoa học Việt Nam được thành lập, bao gồm các viện nghiên cứu trực thuộc, trong đó có Viện Sinh vật học do PTS Đặng Huy Huỳnh và PTS Nguyễn Hữu Thước được cử làm Phó viện trưởng (không có viện trưởng). Bên cạnh công tác quản lý, PTS Đặng Huy Huỳnh tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, chương trình hợp tác với Liên Xô đã ngốn nhiều thời gian và tâm sức của ông, nhưng cũng đem lại cho ông nhiều thành quả nghiên cứu.
Giáo sư Đặng Huy Huỳnh còn nhớ, tháng 12-1977, theo lời mời của lãnh đạo Viện Khoa học Việt Nam, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô là V. E. Cokolov cùng với hai tiến sĩ đã đến Việt Nam và trực tiếp tham gia khảo sát điền dã về rừng ở tỉnh Bến Tre, ở huyện Sơn Động, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang)…, sau đó thảo luận bước đầu với lãnh đạo Viện Khoa học Việt Nam về vấn đề hợp tác nghiên cứu sinh thái học. Trước khi ba nhà khoa học Liên Xô về nước, một buổi làm việc được tổ chức với sự tham dự của Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp, các ông Trần Quỳnh (Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước), Nguyễn Văn Đạo, Lê Định, Đặng Ngọc Thanh (đều là Phó viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam), Cao Văn Sung[1], Đào Văn Tiến[2], Đặng Huy Huỳnh…Tại cuộc gặp gỡ đó, Viện sĩ V. E. Cokolov phát biểu về các vấn đề tài nguyên, môi trường và đề xuất hợp tác nghiên cứu, điều tra tổng hợp về tài nguyên, sinh thái ở Việt Nam. Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp hoan nghênh việc hợp tác này, đồng thời nhấn mạnh đến sự cân bằng trong khai thác và điều khiển các hệ sinh thái theo tri thức khoa học. Phó Thủ tướng cũng đề nghị phía Liên Xô giúp đỡ Việt Nam một số phương tiện phục vụ cho nghiên cứu thực địa.
Trên tinh thần đó, tháng 6-1978, Viện Khoa học Việt Nam tổ chức một cuộc họp nhằm dự thảo các nội dung nghiên cứu của chương trình hợp tác giữa hai bên. Phó tiến sĩ Đặng Huy Huỳnh và Viện Sinh vật học được giao nhiệm vụ lập đề cương nghiên cứu để tham khảo ý kiến các đơn vị liên quan trong Viện Khoa học Việt Nam. Tháng 11-1978, để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình, phía Liên Xô cử một số chuyên gia sang Việt Nam nhằm khảo sát tìm địa điểm xây dựng trạm nghiên cứu thường trú. Được sự đồng ý của Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp và Ban chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên I[3], đoàn cán bộ Liên Xô và Việt Nam đã lựa chọn địa điểm lập trạm nghiên cứu ở Kon Hà Nừng, tỉnh Gia Lai – Kon Tum (nay thuộc tỉnh Gia Lai).
Với tư cách là Phó viện trưởng Viện Sinh vật học, chịu trách nhiệm về mảng nghiên cứu sinh thái và động vật học, PTS Đặng Huy Huỳnh cùng các đồng nghiệp xây dựng bản đề cương nghiên cứu của chương trình này. Chương trình có nhiệm vụ nghiên cứu thành phần động vật của những hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nông nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam, nhằm sử dụng hợp lý, bảo vệ và phát triển những loài có ý nghĩa kinh tế, đồng thời đề xuất kiến nghị về việc đối phó với những loài có thể gây hại cho nông nghiệp.
Đề cương nêu ra 7 mục tiêu chính: Nắm chắc thành phần loài động vật ở từng hệ sinh thái của Việt Nam; Xác định, đánh giá số lượng những loài động vật có ý nghĩa thực tiễn và đóng vai trò quan trọng trong từng hệ sinh thái; Xác định năng suất sinh học của những loài có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân; Đề xuất biện pháp đối phó với những loài gây hại cho nông, lâm nghiệp và những loài có khả năng gây dịch bệnh nguy hiểm; Đề xuất những kiến nghị có cơ sở khoa học cho việc sử dụng hợp lý, hồi phục và bảo vệ những loài động vật quý hiếm hoặc đang bị đe dọa tiêu diệt; Tổ chức trạm nghiên cứu thường trú cũng như trang bị để tiến hành nghiên cứu sinh thái học một cách có hệ thống; Thông qua chương trình này, đào tạo cán bộ Việt Nam về lĩnh vực sinh thái học.
TS Đặng Huy Huỳnh (ngoài cùng bên trái) khảo sát tại Đắc Lắc, cuối những năm 1980
Có 5 đề tài nghiên cứu chính được xác định. Thứ nhất, đề tài “Nghiên cứu vai trò các loài chim, thú, bò sát, ếch nhái trong hệ sinh thái nhiệt đới”, gồm hai nhánh là: “Vai trò của các loài thú trong hệ sinh thái”, do PTS Đặng Huy Huỳnh phụ trách, và “Vai trò của các loài chim trong hệ sinh thái”, do PTS Võ Quý (trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) và kỹ sư Trương Văn Lã (Viện Sinh vật học) phụ trách. Thứ hai, đề tài “Những loài động vật và vai trò của chúng trong hệ sinh thái riêng”, do kỹ sư Nguyễn Trí Tiến, Huỳnh Thị Kim Hối (Viện Sinh vật học) và PTS Thái Trần Bái (trường Đại học Sư phạm Hà Nội) phụ trách, nhằm phát hiện thành phần định tính và định lượng các nhóm động vật ở hệ sinh thái rừng Kon Hà Nừng… Thứ ba, đề tài “Nghiên cứu khu hệ bò sát lưỡng cư Việt Nam”, do PTS Trần Kiên (trường Đại học Sư phạm Hà Nội) và kỹ sư Nguyễn Văn Sáng (Viện Sinh vật học) phụ trách, tập trung vào nghiên cứu thành phần khu hệ lưỡng cư bò sát, đặc biệt là những loài có giá trị kinh tế lớn, đồng thời đề xuất những biện pháp điều hòa số lượng và bảo vệ những loài quý hiếm, đề xuất biện pháp khai thác và khoanh nuôi những loài quý (như cá sấu, đồi mồi). Thứ tư, đề tài “Khu hệ côn trùng và vai trò của chúng trong hệ sinh thái”, do PTS Lê Xuân Huệ (Viện Sinh vật học) phụ trách, gồm hai nhánh: “Tổ hợp côn trùng và vai trò của chúng trong hệ sinh thái tự nhiên và nhân tạo quý hiếm”, và “Các loại côn trùng ăn lá của Việt Nam”. Thứ năm, đề tài “Các loài côn trùng và giun sán ký sinh và vai trò của chúng trong dịch bệnh”, do PTS Phan Thế Việt (Viện Sinh vật học) phụ trách.
Soạn thảo xong đề cương, PTS Đặng Huy Huỳnh tổ chức nhiều cuộc trao đổi, thảo luận với cán bộ trong Viện Sinh vật học để đi đến thống nhất về các nội dung của chương trình hợp tác nghiên cứu. Sau khi bản đề cương được lãnh đạo Viện Khoa học Việt Nam thông qua, tháng 6-1979 phía Liên Xô gửi sang cho Việt Nam ba chiếc ô tô để phục vụ công tác khảo sát thực địa. Đến tháng 7-1979, bạn lại gửi sang tiếp hai hòm dụng cụ để dùng khi đi thực địa. Tháng 9-1979, đoàn cán bộ Việt Nam do PTS Đặng Huy Huỳnh dẫn đầu sang Liên Xô ký kết kế hoạch thực hiện chương trình hợp tác. Kể từ đây, PTS Đặng Huy Huỳnh đảm nhiệm vai trò là đại diện của phía Việt Nam trong chương trình hợp tác giữa Viện Khoa học Việt Nam và Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô về nghiên cứu các hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở nước ta.
Ngoài bản đề cương, đến nay còn thấy có một tài liệu với tiêu đề “Tờ trình về quá trình hình thành chương trình hợp tác khoa học và kỹ thuật giữa Liên Xô và Việt Nam và kế hoạch thực hiện chương trình đó”[4], do PTS Đặng Huy Huỳnh viết ngày 6-9-1979 để gửi tới Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam – ông Trần Đại Nghĩa. Trong tờ trình nêu cụ thể kế hoạch đã thỏa thuận giữa phía Việt Nam và phía Liên Xô như sau: Từ tháng 9-1979 đến tháng 12-1979, đoàn nghiên cứu côn trùng, động vật cùng với một cán bộ tham gia tổ chức trạm nghiên cứu của Liên Xô sẽ làm việc tại Kon Hà Nừng. Trong hai tháng 11 và 12-1979, đoàn nghiên cứu động vật vào Tây Nguyên công tác tại trạm nghiên cứu ở Kon Hà Nừng và một số nơi khác, sau đó sẽ triển khai nghiên cứu thực địa một cách thường xuyên tại các điểm được xác định.
Cũng theo tờ trình, PTS Đặng Huy Huỳnh đề xuất với lãnh đạo Viện Khoa học Việt Nam một số vấn đề về tổ chức thực hiện, như thành lập ban chỉ đạo chương trình (phía Việt Nam), thành lập tổ xe riêng cho đoàn hợp tác nghiên cứu, thành lập ban hậu cần…Những nội dung đề xuất như trên đều được lãnh đạo Viện Khoa học Việt Nam đáp ứng đầy đủ.
Trong quá trình nghiên cứu theo chương trình hợp tác nói trên, PTS Đặng Huy Huỳnh đã đặt chân đến nhiều nơi, đi thực địa ở nhiều cánh rừng, nhưng ông đặc biệt ấn tượng với những chuyến đi ở Tây Nguyên. Vào cuối những năm 1970 và cả những năm 1980, tình hình chính trị – xã hội ở Tây Nguyên còn khá phức tạp. Bởi vậy, ngoài nhiệm vụ chuyên môn và các công việc của một nhà nghiên cứu, PTS Đặng Huy Huỳnh còn đảm đương một nhiệm vụ rất quan trọng khác là đảm bảo an toàn cho đoàn nghiên cứu ở Tây Nguyên. Trong vai trò trưởng đoàn, ông thường xuyên phải liên hệ với các địa phương nơi đoàn đến công tác, để được tạo điều kiện thuận lợi cho công việc nghiên cứu.
Tại Tây Nguyên, PTS Đặng Huy Huỳnh đi sâu nghiên cứu các loài thú có guốc. Khảo sát điền dã là một công việc bắt buộc, ông có thể tiến hành bất kể thời gian nào trong ngày, phụ thuộc vào đặc điểm sinh thái của từng loài, nhưng chủ yếu là vào ban đêm. Ông kể lại rằng, có hôm 7 giờ tối đi ngủ, 12 giờ đêm phải dậy và cùng đồng nghiệp vào rừng để tìm kiếm, ghi chép. Cũng có khi ông vào rừng từ 12 giờ đêm đến 6 giờ sáng, có hôm thì từ 6 giờ tối đến 12 giờ đêm, hoặc cũng có thể đi từ 4 giờ sáng đến 9 giờ sáng. Với ông, việc nghiên cứu thực địa đã quen thuộc đến mức như một nếp sống và trở thành niềm đam mê. Đeo giầy bảo hộ và dùng bít tất cao quá đầu gối, bước chân của ông cùng các đồng nghiệp đã in dấu trong hầu hết những cánh rừng lớn ở Tây Nguyên. Ông tìm thấy sự thú vị qua những tiếng kêu, tiếng hú hay những tiếng bước chân của mỗi loại thú rừng nơi đây.
Giáo sư Đặng Huy Huỳnh vẫn nhớ một trong những chuyện vui khi đi thực địa: Một lần, đoàn nghiên cứu tìm chỗ cạn để lội qua bên bờ kia sông Côn, thuộc địa phận huyện An Khê ở Gia Lai thì ông Cokolov đề nghị những cán bộ nữ đi ra chỗ khác, rồi tất cả cán bộ nam cởi hết quần áo và lội qua sông, lên bờ bên kia mới gọi sang và bảo các cán bộ nữ cũng làm như vậy. Khi những cán bộ nam đi xa một đoạn thì nhóm cán bộ nữ cũng sang sông theo cách ấy. Sau khi chúng tôi gặp lại nhau thì cả người Nga, người Việt đều cười vui vẻ vì ý tưởng táo bạo của GS Cokolov[5].
Vào những năm 70-80 của thế kỷ trước, việc đi điền dã gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu là vì sự thiếu thốn, khó khăn chung của đất nước ta trong thời kỳ ấy. Đặc biệt, phương tiện đi lại là một vấn đề lớn, khi có phương tiện rồi thì xăng dầu là vấn đề nan giản tiếp theo. Do nền kinh tế vận hành theo cơ chế bao cấp, để có được xăng dầu cho mỗi chuyến đi, phải thực hiện nhiều thủ tục với nhiều giấy tờ hành chính và qua nhiều cơ quan xét duyệt. Mỗi lần đi từ Hà Nội vào Tây Nguyên, PTS Đặng Huy Huỳnh cùng các đồng nghiệp còn phải mang theo đủ thứ, từ xoong, gạo, cá khô, bít tất bảo hộ, võng, thuốc đau bụng, thuốc ký ninh chữa sốt rét, cho đến giấy giới thiệu, giấy viết, bút, các dụng cụ để khảo sát thực địa, dụng cụ thí nghiệm… Đi điền dã như thế chẳng khác nào việc chuyển nhà hay ra ở riêng. Phó tiến sĩ Đặng Huy Huỳnh đã thấm nhuần lý thuyết trong sách vở, lại có nhiều kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu, nên mỗi chuyến đi như mỗi lần trải nghiệm, đặc biệt đó là cơ hội để ông thu thập tư liệu phục vụ cho nhiều mục đích khoa học khác nhau.
Trong quá trình nghiên cứu thực địa, kết quả không chỉ là mẫu vật, tư liệu, mà còn là những trải nghiệm, là tình cảm giữa cán bộ nghiên cứu với nhân dân địa phương. Giáo sư Đặng Huy Huỳnh kể lại: Có một năm, đoàn nghiên cứu gồm cán bộ Việt Nam và Liên Xô ăn tết dương lịch ở ngay trạm Kon Hà Nừng. Kỷ niệm đó vẫn đọng mãi trong ký ức của tôi và những người bạn Nga. Chúng tôi tổ chức giã giò, gói bánh chưng, mời cán bộ tỉnh và dân làng sở tại (ở xã Spai, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đến ăn tết, bà con nhảy múa, gõ cồng chiêng suốt đêm. Sau này, mỗi lần nhắc lại, những người bạn Nga đều nói với tôi rằng, mặc dù họ đã đi nhiều nơi ở châu Phi nhưng chưa bao giờ trải qua cái tết ấm cúng và vui vẻ như vậy[6].
Sau hai năm, chương trình hợp tác nghiên cứu giữa Việt Nam và Liên Xô được mở rộng kế hoạch theo hai giai đoạn: 1980-1985 và 1985-1990. Chúng tôi đã tìm được bản báo cáo “Kết quả của chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Viện Khoa học Việt Nam với Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô trong lĩnh vực điều tra nghiên cứu sinh thái động vật, thực vật và bảo vệ môi trường ở Việt Nam”[7], do GS Đặng Huy Huỳnh tổng hợp vào cuối năm 1989. Đây là bản báo cáo khái quát những kết quả thu được trong quá trình thực hiện chương trình hợp tác nghiên cứu.
Trong hơn 10 năm triển khai thực hiện, chương trình này đã thu được nhiều kết quả. Đặc biệt, các đề tài nghiên cứu đều hoàn thành theo đề cương đề ra. Đã phát hiện, thống kê được hệ thực vật, động vật phân bố trong các hệ sinh thái tự nhiên và nhân tạo, đặc biệt chú trọng đến các loài có giá trị kinh tế, nghiên cứu năng suất sinh học trong một số hệ sinh thái đặc trưng như hệ sinh thái rừng ẩm thường xanh nhiệt đới, rừng nứa rụng lá, rừng cây họ dầu…, nhằm đề xuất cơ sở khoa học cho việc khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên sinh vật trong các hệ sinh thái, cũng như việc xây dựng một số khu vực bảo vệ các dạng sinh vật đặc trưng, bảo vệ các loài quý hiếm, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, chương trình còn quan tâm đến việc nghiên cứu sinh thái học cá thể và quần thể, nghiên cứu các tác nhân môi trường ảnh hưởng đến quá trình phát triển của nguồn tài nguyên, nhằm đưa ra mô hình hữu hiệu để khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên.
Để thực hiện các mục tiêu của chương trình, trong những năm 80, cán bộ khoa học của Việt Nam và Liên Xô đã tổ chức xây dựng thành công một trạm nghiên cứu sinh thái tổng hợp tại xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, với sự giúp đỡ nhiệt tình Đại tá Nguyễn Văn Hải – Sư đoàn trưởng và cán bộ của Sư đoàn 332 (sau đó gọi là Liên hiệp Lâm – Công nghiệp Kon Hà Nừng). Trạm được xây dựng giữa khu rừng rộng lớn, diện tích rừng ẩm thường xanh còn khá lớn, nằm trong một khu kinh tế lâm – công nghiệp thuộc loại lớn của ngành lâm nghiệp, trên một cao nguyên ở sườn phía đông của dãy Trường Sơn. Tây Nguyên có vị trí địa lý quan trọng, có mối quan hệ mật thiết với các tỉnh ven biển miền Trung, nên việc nghiên cứu định tính, định lượng các dạng tài nguyên sinh học trên cao nguyên Kon Hà Nừng và ở Yok Đôn góp phần đáng kể vào việc phân vùng quy hoạch kinh tế lâm – nông – công nghiệp và tìm ra hướng sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên sẵn có trong tự nhiên. Trạm nghiên cứu Kon Hà Nừng là trạm nghiên cứu sinh thái đầu tiên được thành lập ở Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho cán bộ khoa học của hai nước đến điều tra, nghiên cứu về quá trình sinh trưởng, phát triển của các giống cây và con ở rừng nhiệt đới.
Bên cạnh việc nghiên cứu tại các trạm thường trú, PTS Đặng Huy Huỳnh và các đồng nghiệp Việt Nam cũng như Liên Xô đã tổ chức được nhiều chuyến khảo sát thực địa ở các địa điểm khác nhau (Ba Vì, Tam Đảo, Bắc Thái, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Quảng Nam – Đà Nẵng, Gia Lai – Kon Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Đồng Nai, Sông Bé, Đồng Tháp, Minh Hải…) và tiến hành khảo sát trên nhiều quần đảo lớn (Cát Bà, Ba Mùn, Bản Sen, Sơn Trà, Cù lao Chàm, Côn Đảo, Thổ Chu và Phú Quốc). Trong quan hệ hợp tác nghiên cứu, cán bộ của hai nước đoàn kết tương trợ lẫn nhau, đồng cam cộng khổ vượt qua mọi khó khăn tại thực địa, hoàn thành việc thu thập các tư liệu về động vật, thực vật, sinh thái và bảo vệ môi trường. Sự hợp tác thực chất trên tinh thần khoa học đã đem lại cho chương trình này những kết quả tích cực. Cụ thể, chương trình đã tổ chức được 22 chuyến thực địa (mỗi chuyến kéo dài 1-3 tháng) vào các thời điểm khác nhau trong năm: mùa khô, mùa mưa, lúc giao thời giữa hai mùa, qua đó thu thập các dẫn liệu về thành phần loài, biến động số lượng; đã tiến hành nghiên cứu sinh thái học và sinh học của một số nhóm động vật, như thực hiện các thí nghiệm tìm hiểu về quá trình trao đổi năng lượng, nhu cầu thức ăn, thời gian hấp thụ thức ăn, thời gian sinh sản, phạm vi hoạt động của cá thể, tập tính và tuổi thọ của động vật, cũng như phân tích nhiễm sắc thể động vật, nghiên cứu các tuyến da, tuyến xạ trên động vật có vú.
Từ năm 1980 đến 1989, chương trình hợp tác nghiên cứu với Liên Xô đã thu thập được số lượng mẫu rất lớn, trong đó có khoảng 20.000 tiêu bản thực vật của khoảng 2.000 loài; 1.500 tiêu bản thú của 160 loài; 2.000 tiêu bản chim của 320 loài; 1.500 tiêu bản bò sát lưỡng cư của 100 loài; hàng vạn tiêu bản côn trùng của khoảng 2.500 loài; hàng vạn tiêu bản ký sinh trùng của hàng trăm loài. Đã phát hiện được hơn 100 loài mới đối với khoa học[8], các loài mới này được công bố trên tạp chí khoa học ở trong và ngoài nước. Các tiêu bản thu được như kể trên làm phong phú cho các phòng tiêu bản động vật, thực vật của cả Việt Nam và Liên Xô. Nhưng quan trọng hơn, những tài liệu thu được có giá trị góp phần đáng kể vào việc xây dựng, biên soạn hai cuốn sách Thực vật chí Việt Nam và Động vật chí Việt Nam, đồng thời là cơ sở quan trọng cho việc tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác quốc tế của ngành Sinh học Việt Nam.
Các đề tài cụ thể trong chương trình hợp tác nghiên cứu này không chỉ dừng lại ở mục tiêu điều tra cơ bản, mà đã đi sâu nghiên cứu cấu trúc quần xã sinh vật trong từng hệ sinh thái điển hình, đánh giá hiện trạng nguồn tài nguyên thực vật và động vật trong các hệ sinh thái, đặc biệt là chú trọng các nhóm cây cung cấp gỗ, cây dược liệu, cây lấy dầu, cho nhựa, cây làm thức ăn gia súc, cây rau rừng…, hoặc xác định và phân tích các nhóm động vật có khả năng cung cấp nguồn đạm cao. Song song với việc phát hiện những loài có lợi, các nhà khoa học đã thu mẫu và xác định một danh mục các loài ký sinh trùng, côn trùng gây hại cho cây trồng và vật nuôi. Những nghiên cứu sâu về côn trùng cánh cứng ăn lá cho phép đưa ra phát hiện mới về mặt khoa học; theo đó, khi nghiên cứu cần chú ý đến nhu cầu dinh dưỡng của sâu non lớn gấp nhiều lần so với sâu trưởng thành, và sâu non gây hại gần như toàn bộ các bộ phận của cây, vì vậy thiệt hại do sâu non gây ra là rất lớn. Cũng từ nghiên cứu mà các nhà khoa học Việt Nam và Liên Xô đã xác định được vào thời điểm đó ở nước ta có 55 loài thú, 60 loài chim, 20 loài bò sát và ếch nhái đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, cần có những biện pháp bảo vệ.
Về sinh thái, mặc dù là lĩnh vực còn mới mẻ, nhưng chương trình đã thu được một số kết quả trong việc tính toán số lượng động vật bằng phương pháp đánh dấu trên các ô tiêu chuẩn ở từng sinh cảnh khác nhau, hay bằng việc phân tích thành phần thức ăn và khả năng tiêu hóa thức ăn của một số loài thú có guốc, gặm nhấm, ăn thịt… Đó là cơ sở cho việc xác định vai trò của động vật trong hệ sinh thái rừng nhiệt đới. Những số liệu thu thập được góp phần vào việc xác định mùa vụ khai thác hợp lý một số loài có trữ lượng lớn trong thiên nhiên. Song song với công tác điều tra cơ bản, PTS Đặng Huy Huỳnh và các đồng nghiệp còn tiến hành phân tích nhiễm sắc thể ở động vật, làm cơ sở cho việc xác định loài, đồng thời giúp nâng cao hiệu quả của lĩnh vực phân loại học ở Việt Nam. Việc nghiên cứu cấu trúc các hệ tuyến trên cơ thể thú (như tuyến đuôi, tuyến gan bàn chân, mắt…) trên các đối tượng như nai, hoẵng, cheo, cầy hương, vầy voi, cầy mực…đã giúp phát hiện một số quy luật về tập tính, sinh thái và sinh lý động vật, góp phần làm sáng tỏ vai trò, chức năng của các tuyến ở một số loài thú. Những kết quả nghiên cứu này không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn, phục vụ cho việc phát triển chăn nuôi ở một số động vật.
Một trong những thành công quan trọng là thông qua việc phân tích, đánh giá các kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học hai nước đã đồng thuận kiến nghị xây dựng một số khu bảo tồn thiên nhiên: Kon Chư Răng, Kon Ka Kinh, Kon Hà Nừng, và một số sân chim ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Giáo sư Đặng Huy Huỳnh cho biết, kết quả của chương trình nghiên cứu này cũng như kết quả thu thập được khi ông tham gia chương trình Tây Nguyên I đã thôi thúc ông và các đồng nghiệp đề xuất ý kiến thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên nhằm bảo vệ và phát triển các loài động thực vật quý hiếm. Tháng 5-1978, thay mặt các đồng nghiệp ở Viện Sinh vật học, PTS Đặng Huy Huỳnh đã gửi văn bản kiến nghị tới lãnh đạo Viện Khoa học Việt Nam và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai – Kon Tum về việc phân vùng quy hoạch, phân công lại lao động, sử dụng hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên động vật ở Gia Lai – Kon Tum. Trong văn bản, PTS Đặng Huy Huỳnh đưa ra 9 kiến nghị, trong đó nêu những điểm cụ thể như sau: Khoanh khu rừng phía đông Sa Thầy với diện tích 6.000 hecta thành khu dự trữ, bảo vệ thiên nhiên. Tổ chức khoanh một khu vực ở Kon Ka Kinh và Kon Chư Răng thuộc Kon Hà Nừng (huyện An Khê) thành khu bảo vệ thiên nhiên với diện tích 25.000 hecta. Đề nghị Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai – Kon Tum sớm ra chỉ thị cấm tuyệt đối việc săn bắn những loài động vật có ý nghĩa kinh tế quý và hiếm như voi, bò rừng, bò tót, hươu cà tong, chồn bay, sóc bay, chim công… Riêng khu vực hồ Lắk, tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi kiến nghị tuyệt đối cấm săn bắt cá sấu, mà nên tạo điều kiện nuôi dưỡng cá sấu ở khu hồ này, vì đây cũng là nguồn lợi lớn nằm trên cao nguyên Trung bộ[9].
Trong một văn bản khác với nhan đề “Những kiến nghị ban đầu về khoanh khu vực Kon Hà Nừng thành khu bảo vệ thiên nhiên”, được soạn thảo vào đầu những năm 1980, PTS Đặng Huy Huỳnh cũng chỉ rõ những nguy cơ có thể ảnh hưởng tới môi trường thiên nhiên, gây mất cân bằng sinh thái ở đây, đồng thời kiến nghị: Có thể khẳng định, ở Tây Nguyên nói riêng và toàn quốc nói chung, những vùng còn phong phú về thực vật lẫn động vật còn giữ được đến ngày nay như vùng Kon Hà Nừng thật là hiếm hoi. Đứng trước nguy cơ tàn phá của con người ở vùng này và nhằm mục đích xây dựng những khu bảo vệ thiên nhiên phục vụ cho những nghiên cứu về rừng và động vật rừng, bảo vệ nguồn nước cũng như phát triển kinh tế du lịch sau này, chúng tôi đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh và Chi cục Kiểm lâm nhân dân tỉnh Gia Lai – Kon Tum phối hợp với Bộ Lâm nghiệp, Đoàn 332 sớm ra quyết định bảo vệ khu rừng Kon Hà Nừng càng sớm càng hạn chế được những tổn thất đáng tiếc, đồng thời phải có kiến nghị kịp thời với Chính phủ, Bộ Quốc phòng sớm có quyết định bảo vệ khu vực này[10].
Các kết quả của chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô nghiên cứu về sinh thái động vật đã được tổng kết và đánh giá qua hai cuộc hội thảo Việt – Xô tổ chức tại Viện Khoa học Việt Nam vào năm 1982 và 1985. Trên cơ sở đó, 5 tuyển tập bằng tiếng Nga đã được Nhà xuất bản Moskva ấn hành trong những năm 1980: Động vật giới Việt Nam; Khu hệ và sinh thái động vật; Khu hệ côn trùng Việt Nam; Sinh thái một số loài động vật Việt Nam; Kỷ yếu thực vật Việt Nam. Ngoài ra, những thành quả nghiên cứu cũng được công bố trên một số tạp chí khoa học ở Liên Xô, Hungary, Tiệp Khắc và Pháp.
Riêng PTS Đặng Huy Huỳnh đã công bố nhiều bài nghiên cứu về sinh thái Tây Nguyên. Có thể kể đến những bài của ông được Tạp chí Sinh vật ở Việt Nam đăng tải, như: “Bước đầu tìm hiểu khu hệ thú tỉnh Gia Lai – Kon Tum” (1978), “Khu hệ thú ở Lâm Đồng” (1978), “Nguồn lợi thú ở Đắc Lắc” (1980), “Thành phần, phân bố địa lý của các loài thú ở rừng Kon Hà Nừng” (đồng tác giả với V. E. Cokolov và Phạm Trong Ảnh, 1984); hay bài “Vấn đề khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên sinh vật ở Tây Nguyên” (Thông báo khoa học, Viện Khoa học Việt Nam, 1980), và ông là tác giả cuốn Sinh học và sinh thái của các loài thú móng guốc ở Việt Nam (Nxb. Khoa học và kỹ thuật, 1986). Một số bài viết của PTS Đặng Huy Huỳnh cũng được đăng tải ở nước ngoài, như: “Bảo vệ các loài thú quý hiếm ở Việt Nam” (tiếng Nga, in trong Tuyển tập nghiên cứu động vật ở Việt Nam, Nxb. Moskva, 1981); “Nghiên cứu bộ có guốc chẵn ở Tây Nguyên" (tiếng Nga, đồng tác giả với Hoàng Minh Khiên, in trong Tuyển tập nghiên cứu sinh thái động vật, Nxb. Mockva, 1982); “Khu hệ thú với vấn đề sử dụng hợp lý chúng ở Tây Nguyên” (tiếng Anh, đồng tác giả với V. E. Cokolov và Kuznesov, Tạp chí Động vật học, CHDC Đức, 1982)…
Cũng trong khuôn khổ chương trình hợp tác nghiên cứu giữa Viện Khoa học Việt Nam và Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, có hai luận án tiến sĩ và 6 luận án phó tiến sĩ được thực hiện, trong đó có luận án tiến sĩ “Sinh thái học cơ bản của việc sử dụng hợp lý và bảo vệ động vật có vú ở Việt Nam” của PTS Đặng Huy Huỳnh bảo vệ thành công năm 1985 tại Liên Xô. Đề tài này được thực hiện dựa trên những tài liệu, mẫu vật mà ông thu thập được trong những năm nghiên cứu ở Việt Nam. Theo ông giới thiệu: Luận án đã chỉ ra điều kiện phân bố của các loài động vật, thực vật, số lượng loài, hiện trạng các loài ở Việt Nam. Luận án cũng đề cập đến sự phân bố của các loài đặc hiệu, quý hiếm, sự phân loại, tập trung ở độ cao thế nào, nguồn thức ăn ra sao… Từ đó tôi mới đưa ra biện pháp phải bảo vệ nó bằng việc tổ chức các khu bảo tồn, tổ chức nuôi thế nào xuất phát từ lý thuyết sinh thái học, qua thực tiễn, bằng điều kiện cụ thể của từng vùng. Từ cơ sở lý thuyết, luận án đề xuất phục hồi và phát triển các tài nguyên có ở địa phương đó[11].
Cần nói thêm, những tư liệu thu thập được trong chương trình hợp tác nghiên cứu giữa Viện Khoa học Việt Nam và Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, kết hợp với các chương trình nghiên cứu khác ở trong nước về thành phần loài, tên loài, số lượng, tình hình phân bố, giá trị kinh tế, giá trị bảo tồn… đã trở thành nguồn tư liệu góp phần quan trọng giúp GS Đặng Huy Huỳnh và các đồng nghiệp hoàn thành những công trình Động vật chí Việt Nam, Thực vật chí Việt Nam, Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ Việt Nam, cụm công trình này được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2010.
Tháng 6-2016, GS Đặng Huy Huỳnh đến thăm Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam và xem lại những tài liệu của mình được lưu trữ tại đây. Cầm trên tay bản đề cương chương trình hợp tác khoa học do chính tay mình soạn năm 1978, ông tâm sự: Tài liệu này rất quý giá với tôi, vì thông qua tìm hiểu những câu chuyện liên quan đến tài liệu, mọi người biết được những việc chúng tôi đã làm, những khó khăn chúng tôi đã trải qua, và cả tình bạn giữa chúng tôi với những nhà khoa học Liên Xô. Đó là những ký ức vô cùng đẹp đẽ và đáng trân trọng.
Nguyễn Thanh Hóa
___________________
* GS.TSKHĐặng Huy Huỳnh, chuyên ngành Sinh học, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
[1] Ông Cao Văn Sung (1938-2001), sau trở thành giáo sư – tiến sĩ khoa học, có thời kỳ làm Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật.
[2] Ông Đào Văn Tiến (1920-1995), sau trở thành giáo sư và có thời kỳ làm Chủ nhiệm khoa Sinh học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
[3] Chương trình Tây Nguyên I, tên gọi đầy đủ là Chương trình điều tra tổng hợp vùng Tây Nguyên (1976-1980), do Viện Khoa học Việt Nam chủ trì, Chủ nhiệm chương trình là GS Nguyễn Văn Chiển.
[4] Tài liệu này hiện được lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[5] Phỏng vấn GS Đặng Huy Huỳnh, 10-11-2014, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[6] Phỏng vấn GS Đặng Huy Huỳnh, 10-11-2014, tài liệu đã dẫn.
[7] Tài liệu này được lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[8] Số liệu này dẫn từ bản báo cáo “Kết quả của chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Viện Khoa học Việt Nam với Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô trong lĩnh vực điều tra nghiên cứu sinh thái động vật, thực vật và bảo vệ môi trường ở Việt Nam”, tài liệu đã dẫn.
[9] Văn bản kiến nghị gửi Viện Khoa học Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai – Kon Tum, 19-5-1978, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[10] Bản thảo “Những kiến nghị ban đầu về khoanh khu vực Kon Hà Nừng thành khu bảo vệ thiên nhiên”, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[11] Phỏng vấn GS Đặng Huy Huỳnh, 15-10-2014, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.