Chuyện tập bản thảo: từ luận án viết dở đến cuốn sách tâm đắc

Tập bản thảo luận án dày 183 trang viết bằng bút bi trên một mặt giấy A4, số trang được đánh bằng bút chì ở góc trái bên dưới. Sau hơn 30 năm, đến nay giấy đã chuyển sang màu vàng ố, nhiều trang bị quăn góc. Khi trao tặng tập bản thảo cho Trung tâm Di sản các nhà Việt Nam vào tháng 12-2016, GS Nguyễn Hải Hà dùng bút dạ mực đen viết thêm vào một tờ giấy A4 dòng chữ "bản thảo luận án PTS của Nguyễn Hải Hà" rồi đựng tất cả vào chiếc túi nhựa. Nội dung tập bản thảo gồm phần mở đầu, chương một và chương hai, đều viết bằng tiếng Nga. Đây là một kỷ vật về thời kỳ thực tập sinh của ông tại Liên Xô, một bằng chứng có ý nghĩa dấu mốc trên con đường nghiên cứu của ông về văn học Nga nói chung, về đại văn hào L.N. Tônxtôi nói riêng.

Giáo sư Nguyễn Hải Hà cho biết, ông tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1957 và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy ở tổ Văn học Nga[1] do thầy Hoàng Xuân Nhị phụ trách. Ông được phân công giảng văn học Nga khi mới "võ vẽ" biết tiếng Nga, do đó phải tự học tiếng Nga. Vào hiệu sách cũ trên phố Huế, thấy cuốn từ điển tiếng Nga mà không có đủ tiền để mua, ông về trường "cầu cứu" người phụ trách thư viện mua về để ông có thể mượn. Một trong những người bạn đồng môn và đồng nghiệp là GS Hà Minh Đức[2] kể lại: Anh Hà học tiếng Nga, cứ sáng sáng, anh dậy từ 4-5 giờ, tay cầm đèn pin bấm xem các từ đã ghi sẵn và học thuộc, gọi là "khai tâm"[3]. Ông còn học ghé (dự thính) lớp tiếng Nga dành cho những học viên chuẩn bị đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Đầu năm 1959, trường mở lớp Nga văn ngắn hạn tại Tam Đảo và mời chuyên gia Liên Xô tại Hà Nội tới dạy, giảng viên Nguyễn Hải Hà may mắn được tham dự lớp này trong hai tháng.                                                                                                          

                                                                                                                                                                                 Những trang bản thảo luận án phó tiến sĩ của GS Nguyễn Hải Hà                                                                                                         

 Ngay năm 1957, thầy giáo trẻ Nguyễn Hải Hà đã bắt đầu lên lớp, đó cũng là những tháng ngày ông "đánh vật" với sách giáo khoa, tra từ điển mỏi tay: Tôi học thầy Hoàng Xuân Nhị[4], trên bàn làm việc của thầy lúc nào cũng có cuốn từ điển phía bên tay trái, tôi cũng để cạnh bàn cuốn từ điển tiếng Nga, đầu tiên là tra từng từ, từng câu, đến khi có thể đọc hiểu được thì thôi[5]. Tại khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp, hai nhà văn Nga đầu tiên mà ông giảng cho sinh viên năm thứ hai là Gôgôn và L.N. Tônxtôi. Kể từ đó, ông dành trọn cuộc đời nghiên cứu về văn học Nga, về các tác gia văn học Nga – Xôviết mà ông yêu mến, đồng thời ông truyền ngọn lửa đam mê tới các thế hệ học trò. Sang đầu những năm 60, ông chủ trì biên soạn giáo trình Lịch sử Văn học Nga thế kỷ XIX dùng cho sinh viên các trường đại học sư phạm, được in thành hai tập năm 1966. Đến những năm 70, với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp như Thúy Toàn, Lê Vũ Khôi, Đỗ Xuân Hà[6], giảng viên Nguyễn Hải Hà bắt đầu dịch tác phẩm và cho ra mắt độc giả một số sản phẩm dịch, như Những đốm lửa của Korolenko (Nxb. Văn học, 1976); Vịnh Mõm đen của Pautovxki (Nxb. Thanh niên, 1978)…

Là người giảng dạy và nghiên cứu văn học Nga, nhưng mãi đến tháng 12-1981, khi đã ở tuổi 50 ông Nguyễn Hải Hà mới có dịp tận mắt thấy nước Nga. Năm ấy, theo ký kết giữa hai Bộ Giáo dục Việt Nam – Liên Xô, phía bạn tạo điều kiện để Việt Nam tổ chức chuyến thăm 3 tháng cho một số cán bộ giảng dạy ở trường Đại học Sư phạm chưa một lần được đến Liên Xô. Nhờ biết tiếng Nga, giảng viên Nguyễn Hải Hà được phân công phiên dịch cho đoàn này. Ông còn nhớ, trước khi đi, mỗi người được phát một bộ comple, một đôi giầy da và một chiếc áo khoác. Đoàn đến Moskva trong cảnh tuyết rơi trắng đất, trắng trời. Bà Lutmila – cán bộ phụ trách đối ngoại của trường Đại học Sư phạm quốc gia Moskva mang tên V.I. Lênin nói rằng cả đêm qua bà không chợp mắt nổi vì sợ ngủ quên, sợ muộn giờ đón đoàn Việt Nam. Thấy ông chỉ mặc comple, bà nhắc với vẻ ân cần: Anh sẽ lạnh đấy![7]. Trong chuyến tham quan ba tháng ấy, đoàn Việt Nam được Ban giám hiệu trường Đại học Sư phạm Lênin tiếp đón vô cùng thân mật, đoàn có cơ hội trao đổi về công tác chuyên môn với các bạn đồng nghiệp Liên Xô, và được đi thăm thành phố Leningrad.

Sau đó, năm 1984 giảng viên Nguyễn Hải Hà trở lại Liên Xô, lần này là đi thực tập một năm tại bộ môn Lịch sử văn học Nga, khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva. Với thực tập sinh, nhiệm vụ là tu nghiệp theo phương châm "cần gì học nấy", nhưng ông tự đặt cho mình mục tiêu cao hơn. Được sự đồng ý của thầy hướng dẫn là GS Kuxkov, ông đã làm việc theo chương trình học tập của một nghiên cứu sinh.

Mặc dù học viên Nguyễn Hải Hà đã trải qua 25 năm giảng dạy văn học Nga và đã dịch một số tác phẩm từ tiếng Nga, vốn Nga văn của ông lúc này vẫn chỉ là tiếng Nga tự học. Nhận thấy thời gian thực tập ở Liên Xô là cơ hội tuyệt vời để nâng cao trình độ tiếng Nga, nên ông theo học lớp tiếng Nga trong vòng 6 tháng. Hai cô giáo Lađia Vaxilievna và Anna Grigorievna giúp đỡ ông rất nhiều. Ông cũng tích cực nỗ lực để đáp ứng yêu cầu về các môn “tối thiểu” đối với nghiên cứu sinh: Lúc sang Liên Xô, tôi đã 50 tuổi, sức khỏe đã giảm sút, nhưng dẹp tự ái, tôi dự thi 3 buổi lấy chứng chỉ tiếng Nga dành cho nghiên cứu sinh. Đây là chứng chỉ có giá trị nhất ở Liên Xô, và cũng khó nhất[8]. Ông phải trải qua ba phần thi: viết bài luận, làm bài về lý thuyết và ngữ pháp, giảng một bài văn bất kỳ. Không vị giáo sư nào hỏi ông về chuyên môn, họ hỏi ông học tiếng Nga ở đâu và học trong sách nào. Tất cả đều tỏ ra ngạc nhiên và khâm phục khi biết ông tự học tiếng Nga hơn 25 năm, ông đã dịch cả tác phẩm văn học và tác phẩm lý luận. Trong kỳ thi ấy, thực tập sinh Nguyễn Hải Hà cùng với một nghiên cứu sinh người nước ngoài khác đạt kết quả xuất sắc.

Vừa học tiếng Nga, thực tập sinh Nguyễn Hải Hà vừa làm luận án phó tiến sĩ. Ngay trong thời gian giảng dạy ở Hà Nội, ông đã quan tâm đến việc chọn đề tài để làm luận án, với ý định sẽ tìm hiểu về sáng tác của L.N. Tônxtôi. Sau khi trao đổi với GS Kuxkov, ông xác định đề tài là "Vấn đề giải thuyết tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình qua sự đánh giá của những người cùng thời với L.N. Tônxtôi". Ở trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva, chuyên gia về L.N. Tônxtôi khi đó rất ít, GS Kuxkov thì chuyên sâu về văn học dân gian, do đó ông phải chủ động rất nhiều trong việc tìm kiếm tài liệu và nghiên cứu. Tại thư viện của trường, ông đọc rất nhiều bản tóm tắt luận án phó tiến sĩ và tiến sĩ. Thầy hướng dẫn cũng viết thư giới thiệu để nhờ thư viện tìm cho học trò của mình một số luận án liên quan đến L.N. Tônxtôi.

Thực tập sinh Nguyễn Hải Hà hình thành kết cấu luận án gồm ba chương, ngoài ra có phần mở đầu và phần kết luận. Ông định tập trung xem xét giới phê bình Nga đã giải thích và đánh giá ra sao về tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình. Trong đó, chương I tìm hiểu về tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình qua đánh giá của những người cùng thời với L.N. Tônxtôi. Trong vòng hơn 40 năm (1869-1910), kể từ khi tiểu thuyết ra đời cho đến khi L.N. Tônxtôi mất, có 6 tập tài liệu đánh giá về các tác phẩm của nhà văn này được lưu trữ tại thư viện Lênin. Đó là điều thuận lợi để ông Nguyễn Hải Hà hoàn thành phần mở đầu và chương I. Ông nhờ hai cô giáo Lađia Vaxilievna và Anna Grigorievna sửa lỗi ngữ pháp tiếng Nga, sau đó thầy hướng dẫn đọc và góp ý tỉ mỉ. Nhưng rồi do thời gian quá ngắn, ông đã không kịp hoàn thành luận án trong một năm thực tập sinh. Tuy nhiên ông cũng kịp xây dựng đề cương chi tiết cho chương hai và chương ba và đã thông qua giáo sư hướng dẫn. Tháng 10-1984, bản nhận xét của GS Kuxkov kèm theo đơn xin gia hạn của học viên Nguyễn Hải Hà được nộp cho phòng Quản lý lưu học sinh (Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô). Đại diện tổ Nghiên cứu sinh – Thực tập sinh Ngữ văn và Luật tại trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva cũng nhận xét tốt và có thiện ý giúp ông: Đồng chí Nguyễn Hải Hà đã làm được một khối lượng lớn công việc nhằm vào việc viết luận án phó tiến sĩ về văn học Nga – đã xây dựng xong đề cương chi tiết của cả luận án (đề cương đã được thông qua), đã viết xong với chất lượng tốt phần mở đầu và chương I của luận án (được thầy đánh giá cao), và đề nghị phòng Quản lý lưu học sinh có biện pháp tác động tích cực với các cơ quan hữu quan để đồng chí Hải Hà sớm được trở lại trường hoàn thành và bảo vệ luận án về văn học Nga[9]. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Đại sứ quán thực hiện quy định không gia hạn cho thực tập sinh và nghiên cứu sinh, vì thế ông đem theo bản thảo luận án chưa viết xong về nước vào tháng 12-1984.

Trở về công tác tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, giảng viên Nguyễn Hải Hà tiếp tục theo đuổi việc làm luận án, ông hoàn thành cơ bản chương 2 – "Việc đánh giá tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình dưới ánh sáng những bài báo của V.I. Lênin về L.N. Tônxtôi". Tuy vậy, sau đó ông nhận ra rằng không nên tiếp tục thực hiện luận án nữa. Bởi lẽ, trong điều kiện ở Việt Nam, tính ứng dụng của vấn đề nghiên cứu này không rộng lớn, ông tiên liệu luận án khi công bố sẽ chỉ được một lượng nhỏ bạn đọc chuyên nghiên cứu về L.N. Tônxtôi quan tâm, bởi chẳng mấy ai muốn tìm hiểu xem những người cùng thời với L.N. Tônxtôi đánh giá thế nào về tác phẩm Chiến tranh và Hòa bình. Sau khi đắn đo, cuối cùng ông quyết định dừng viết chương III và ông tìm một hướng nghiên cứu mới, rất táo bạo trong thời điểm bấy giờ, đó là tìm hiểu thi pháp tiểu thuyết của L.N. Tônxtôi.

Liên quan đến vấn đề thi pháp, từ đầu những năm 80, Chủ nhiệm bộ môn Văn học nước ngoài Nguyễn Hải Hà đã định hướng cho các đồng nghiệp của mình hướng dẫn sinh viên cảm nhận tác phẩm văn học, khám phá và thưởng thức các giá trị thẩm mỹ của văn học, định hướng đó được đón nhận và hưởng ứng. Tuy đã xác định nghiên cứu thi pháp tiểu thuyết của L.N. Tônxtôi, nhưng vì bận viết giáo trình Văn học Xô viết (2 tập) nên đến năm 1990 ông mới hoàn thành chuyên luận Thi pháp tiểu thuyết L.N. Tônxtôi (đọc tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình). Ngoài việc kế thừa tư liệu dùng cho luận án trước kia, ông bổ sung thêm một số tài liệu mới xuất bản ở Liên Xô, đồng thời phát triển theo hướng tiếp cận mới. Khi viết chương II của luận án, ông chú trọng tìm hiểu góc độ tiếp cận của Lênin về tác phẩm Chiến tranh và Hòa bình, chỉ ra rằng Lênin tiếp cận từ góc độ xã hội học, và ông trích rất nhiều ý kiến của Lênin khi nói về giá trị nội dung của tác phẩm. Còn tới chuyên luận này, ông không sử dụng nhiều thông tin – tư liệu trong chương đã viết đó, ông trích dẫn rất ít của Lênin. Bởi lẽ, mối quan tâm của ông lúc này đã khác: … quan trọng không phải chỉ là điều nhà văn muốn nói, mà còn là cái cách nhà văn nói điều đó ra. Nếu chỉ chăm chăm đi tìm điều nhà văn muốn nói, chúng ta sẽ dễ rơi vào xã hội học dung tục. Nhưng nếu chỉ quan tâm phiến diện tới cách mà nhà văn thể hiện, chúng ta sẽ khó tránh khỏi chủ nghĩa hình thức. Vì thế, chúng ta cần phải cùng một lúc quan tâm xem nhà văn thể hiện điều mình muốn nói theo cách nào[10]. GS Nguyễn Hải Hà tự hào nói về giá trị của công trình này: Chuyên luận đã mở ra một hướng nghiên cứu mới, thu hút được đông đảo các đối tượng từ học sinh phổ thông, sinh viên, đến giáo viên, nhà nghiên cứu quan tâm, gợi mở cho họ những thu hoạch riêng của mình khi cảm nhận tiểu thuyết của L.N. Tônxtôi[11].

Đến năm 1991, theo quy định của Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước, các ứng viên muốn được phong học hàm Giáo sư buộc phải có bằng Phó tiến sĩ. Trước thực trạng nhiều nhà giáo, nhà khoa học có các công trình nghiên cứu và sách được xuất bản nhưng không có bằng Phó tiến sĩ, Bộ Giáo dục chủ trương tạo điều kiện cho họ dùng công trình thuộc chuyên ngành của mình để bảo vệ thay cho luận án. Cùng với các đồng nghiệp như Nguyễn Kim Đính[12], Hà Minh Đức, Đỗ Đức Hiểu[13]…, PGS Nguyễn Hải Hà[14] bảo vệ công trình tương đương luận án phó tiến sĩ và làm hồ sơ để được công nhận học hàm Giáo sư. “Công trình tương đương” đó chính là chuyên luận Thi pháp tiểu thuyết L.N. Tônxtôi (đọc tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình), ông bảo vệ thành công và sau đó được công nhận học hàm Giáo sư ngay trong năm 1991. Năm sau, cuốn chuyên luận ra mắt bạn đọc (Nxb. Giáo dục, 1992). Đánh giá cao cuốn sách này, nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến[15] đã viết: Trên một cơ sở kiến thức phong phú, có chọn lọc, được trình bày thoáng gọn, có mạch lạc, sáng sủa mà không hề giản đơn hóa các vấn đề, với một sự thẩm định phán đoán tinh tế và luôn có mức độ, chuyên luận giúp người đọc hiểu sâu sắc sự nghiệp văn học của một tác gia vĩ đại: L.N. Tônxtôi và thi pháp tiểu thuyết của một tác phẩm vĩ đại: Chiến tranh và Hòa bình… Công trình này đề cập đến những vấn đề cơ bản của lý luận văn học và thi pháp: tư duy tiểu thuyết và tư duy sử thi, tính chân thật và sự thật trong văn học, quan hệ giữa nguyên mẫu và nhân vật, không gian và thời gian nghệ thuật… Công trình phân tích rất sâu những quan niệm của Tônxtôi về con người – vấn đề gốc của văn học và giáo dục học[16].

Với GS Nguyễn Hải Hà, cuốn chuyên luận Thi pháp tiểu thuyết L.N. Tônxtôi (đọc tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình) là công trình khoa học ông tâm đắc nhất trong cuộc đời nghiên cứu và giảng dạy văn học Nga. Nếu tính từ khi ông viết bản thảo luận án phó tiến sĩ cho đến khi ra đời cuốn chuyên luận, thời gian khoảng 8 năm. Nhưng cũng có thể nói rằng, đó là kết quả từ cả quá trình tích lũy tư liệu và theo đuổi một lĩnh vực nghiên cứu lâu dài đến 35 năm (1957-1992). Sự thành công của tác giả qua cuốn sách này đã được nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến chỉ ra dưới góc nhìn chuyên gia trong ngành: Sự phân tích một bộ tiểu thuyết đồ sộ như Chiến tranh và Hòa bình là một thử thách gay go đối với bất cứ nhà nghiên cứu văn học nào. Giáo sư Nguyễn Hải Hà đã làm công việc này một cách gọn gàng và thoải mái, vừa giới thiệu được tác phẩm vừa đề ra được những tư tưởng cốt yếu, những quan điểm mỹ học và thi pháp cơ bản của Tônxtôi trong toàn bộ sáng tác của nhà văn[17].

Vậy là, trong điều kiện không thể viết xong luận án phó tiến sĩ để bảo vệ ở Liên Xô, giảng viên Nguyễn Hải Hà đã mạnh dạn phát triển đề tài theo hướng nghiên cứu mới để tạo nên một công trình nghiên cứu ghi dấu ấn trong lòng đồng nghiệp và sinh viên văn học ở Việt Nam. Tên tuổi GS Nguyễn Hải Hà gắn liền với công trình Thi pháp tiểu thuyết L.N. Tônxtôi (đọc tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình), mà khi kể về nó thì ông bắt đầu từ chuyện tập bản thảo viết dở dang hồi thực tập ở Moskva, và xa hơn nữa về trước.

Nguyễn Thị Hiên

_____________________________

* GS Nguyễn Hải Hà, chuyên ngành Văn học, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Văn học nước ngoài, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

[1] Tổ Văn học Nga khi ấy giảng dạy chung cho hai trường: Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp.

[2] GS Hà Minh Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

[3] Hà Minh Đức, "Giáo sư Nguyễn Hải Hà, một người thầy mẫu mực, một tấm gương tự học", trong cuốn Nguyễn Hải Hà – suốt đời tự học, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2013, tr.11-15.

[4] GS Hoàng Xuân Nhị (1914-1990), nguyên Chủ nhiệm khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

[5] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin GS Nguyễn Hải Hà, 30-4-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[6] Ông Thúy Toàn là dịch giả văn học Nga nổi tiếng, có thời kỳ làm Phó giám đốc Nhà xuất bản Văn học; ông Lê Vũ Khôi sau là Chủ nhiệm khoa Tiếng Nga, trường Đại học Hà Nội; ông Đỗ Xuân Hà sau là Phó chủ nhiệm khoa Báo chí, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là khoa Báo chí và Truyền thông, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).

[7] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin GS Nguyễn Hải Hà, 30-4-2017, đã dẫn.

[8] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin GS Nguyễn Hải Hà, 30-4-2017, đã dẫn.

[9] GS Nguyễn Hải Hà, Bản kiểm điểm công tác thời kỳ thực tập tại trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva, 24-11-1984. tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[10] Nguyễn Hải Hà, Lời nói đầu cuốn Thi pháp tiểu thuyết L.N. Tônxtôi, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1992.

[11] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin GS Nguyễn Hải Hà, 13-5-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[12] GS Nguyễn Kim Đính, lúc đó là Chủ nhiệm khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).

[13] GS Đỗ Đức Hiểu (1924-2003), lúc đó là giảng viên khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

[14] Ông Nguyễn Hải Hà được phong học hàm Phó giáo sư năm 1984.

[15] Hoàng Ngọc Hiến (1930-2011), nhà phê bình lý luận và dịch giả, nguyên Hiệu trưởng trường Viết văn Nguyễn Du (nay là khoa Viết văn – Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội).

[16] Hoàng Ngọc Hiến, "Một công trình mới về Lep Tônxtôi và Chiến tranh và Hòa bình (Thi pháp tiểu thuyết L.N. Tônxtôi (Đọc "Chiến tranh và Hòa bình") của Nguyễn Hải Hà, Nxb. Giáo dục, 1992)", báo Giáo dục và Thời đại, số 42, 18-10-1993.

[17] Hoàng Ngọc Hiến, "Một công trình mới về Lep Tônxtôi và Chiến tranh và Hòa bình…", tài liệu đã dẫn.