Khóa sinh viên trường Đại học Y Hà Nội (1954-1960, thường được gọi Y54-60) là một khóa đặc biệt mà sau này hầu hết sinh viên trong khóa trở thành những cán bộ chủ chốt của nền y tế Việt Nam. Giáo sư Ngô Ngọc Liễn kể rằng cả khóa có khoảng 150 người, đủ lứa tuổi và đến từ nhiều vùng miền với những tính cách khác nhau, nhưng sau này vẫn luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ, quan tâm, chia sẻ với nhau.
Cựu sinh viên khóa Y54-60, Hà Nội, 11-2010. GS.TS Ngô Ngọc Liễn (hàng cuối, thứ 5 từ phải)
Tháng 12-1957, khi đang là sinh viên năm thứ 3 thì toàn khóa Y54-60 được nhà trường tổ chức đi thực tế ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, nhằm mục đích làm cho sinh viên hiểu rõ và chia sẻ với cuộc sống của người nông dân. Dạo ấy, phong trào “đại nhảy vọt” của Trung Quốc đang có ảnh hưởng mạnh mẽ ở Việt Nam. Để sinh viên thấm nhuần ý nghĩa của những chuyến thực tế ở nông thôn, trường mời ông Việt Phương[1] đến nói chuyện. Ông Việt Phương trình bày về một số vấn đề lý thuyết, kinh tế, chính trị theo đường lối của Đảng rất cuốn hút, đến mức người ta đồn rằng ông Việt Phương mà thuyết trình thì đến “con kiến trong lỗ cũng phải bò ra”. Ông Việt Phương giảng về cách mạng đại nhảy vọt ở Trung Quốc trong hai buổi. Giáo sư Ngô Ngọc Liễn nhớ lại: “Ông Việt Phương cho biết nông dân Trung Quốc cấy dày, lúa cao ngang vai, khi lúa chín có thể đi trên thảm lúa ấy mà không bị sụt, sản lượng gấp 10 lần. Sau buổi ấy, chúng tôi được tổ chức sang Đại học Nông Lâm để xem hai thửa ruộng trồng theo quy trình của Trung Quốc. Khi ấy lúa mới sắp trổ bông, cây cao đến ngực, lá to, cây chắc, ấn tay xuống không lún nhưng luôn phải có máy để bơm nước vào ruộng do lúa toả nhiệt lớn. Chúng tôi rất thích và thuộc lòng những câu như: cấy thưa thừa đất, cấy dày thóc chất đầy kho”[2].
Sinh viên Y54-60 rất hào hứng với cách trồng lúa của trường Đại học Nông lâm, đồng thời mong muốn khi đi thực tế ở nông thôn có thể hướng dẫn cho nông dân làm theo cách đó. Việc làm ấy, sau này mỗi lần nghĩ lại, chắc ai cũng phải tủm tỉm vì sự ấu trĩ một thời.
Trước chuyến đi thực tế, sinh viên được chuẩn bị rất chu đáo, đặc biệt được quán triệt tinh thần phải học tập nông dân, “ba cùng” với nông dân, không ai được ăn uống riêng, không được mang xe đạp đi theo.
Mỗi sinh viên mua một chiếc balo mới giống như balo của bộ đội, hoặc có thể mua balo cũ để mang đi. Trường quán triệt tinh thần phải chan hòa, gần gũi với người nông dân nên không ai được mang theo vali, túi xách. Sau một tuần học tập, phổ biến cách sống, sinh hoạt trong thời gian đi thực tế, sinh viên được cử về huyện Kim Thành, Hải Dương. Kim Thành là một huyện nằm dọc Đường số 5, thời kháng chiến chống Pháp được gọi là “vùng trắng”, tức là vùng bị chiếm đóng. Đường số 5 là con đường huyết mạch của Pháp nên nhà cửa, cây cối dọc hai bên đường bị phá để chống du kích của ta.
Theo GS Ngô Ngọc Liễn giải thích thì sinh viên về nông thôn chủ yếu học tập đức tính cần cù lao động, thẳng thắn, thật thà của người nông dân. Tinh thần ấy đã được sinh viên tổ chức quán triệt ở từng tổ, trên lớp và trong toàn trường.
Đợt thực tế đó, Ngô Ngọc Liễn là tổ phó (mỗi tổ 15 người) nên được phân công đi tiền trạm, về địa phương liên hệ chỗ ăn ở. Nơi sinh viên đến thực tế là làng Và, cách ga Phú Thái khoảng năm cây số, thuộc huyện Kim Thành. Vì là người đi tiền trạm nên ông được mang theo xe đạp. Mặc dù đã từng sống ở các miền quê, nhưng khi đến nơi, Kim Thành khác hẳn với suy nghĩ của ông. Đó là vùng nước lợ đặc trưng, khi thuỷ triều lên thì các ngòi rạch và ao ngập đầy nước, nhân dân đi lại bằng thuyền là chính.
Làng Và là một làng rất nghèo, hầu hết là nhà lợp gianh. Cây cối chủ yếu mới trồng như chuối, đu đủ, hoặc có những cây xoan mới cao vài ba mét, chưa có cây cao to như các làng khác ở đồng bằng Bắc bộ. Tổ phó Ngô Ngọc Liễn liên hệ ngay với chính quyền địa phương, ông tìm đến ông trưởng thôn, đồng thời là tổ trưởng tổ đổi công. Do được chính quyền phổ biến từ trước nên người dân đều sẵn sàng đón sinh viên, họ gọi sinh viên là cán bộ y tế về để học tập. Ông Liễn trao đổi với ông trưởng thôn về mục đích đợt thực tế, đồng thời đề nghị được nói chuyện với bà con trong thôn để xin cho sinh viên đến ở nhờ nhà dân.
Sáng sớm hôm sau, ông trưởng thôn trèo lên một chòi cao, cầm loa thông báo mời nhân dân 5 giờ chiều hôm ấy đến họp để nghe phổ biến về việc đoàn cán bộ y tế đến thôn lao động giúp nhân dân. Ông Liễn kể về ngày hôm đó: “4 giờ chiều, trời đang nắng, chủ nhà giục con nấu cơm ăn sớm để còn tổ chức nói chuyện với bà con trong thôn. Nhưng đột nhiên, ngoài trời lộp độp vài hạt mưa, rồi ngớt, rồi lại thấy mưa. Chủ nhà bảo con tắt bếp, đi bắt rươi ngay. Tôi đã nghe nói và ăn rươi nhưng chưa biết bắt rươi thế nào. Tôi hỏi ông trưởng thôn: đi bắt rươi thì việc họp với bà con ra sao? Ông ấy trả lời thản nhiên: có rươi thì không họp hành gì nữa. Tôi hoang mang! Ở vùng nước lợ, một năm có vài ngày mưa như thế thì cả làng tập trung đi vớt rươi. Ông trưởng thôn xuống thuyền, mang vợt và thúng đi. Cậu con trai độ 14-15 tuổi cũng đi theo ông. Cô chị gái và mấy em nhỏ ở nhà cũng chuẩn bị dụng cụ đi bắt rươi. Tôi xin theo đi. Các em chuẩn bị cho tôi cái rá, chặt một đoạn tre xuyên qua rá làm cán và bảo tôi cứ đi, thấy rươi sẽ chỉ cho cách vớt. Tôi ra ngõ, chứng kiến cảnh cả làng chuyển động như chạy giặc. Ai cũng có cái lưới, cái rá, hoặc cái rổ mau, xoong nồi đựng rươi. Vì thấy tôi lạ lẫm nên cô con gái ông chủ không cho đi xa, bảo “bác đi dọc con mương này để vớt rươi”. Hai bên đường đều là mương, nước triều lên khá cao, còn sáng trời nên tôi nhìn rõ từng đàn rươi. Nó dài bằng con đỉa, nhỏ hơn, xanh chứ không đen, bơi dưới nước thành từng đám. Tôi là người lạ nên dân làng nhường cho tôi vớt trước. Đi dọc con mương rồi quay lại. Không biết rươi từ nguồn nào ra, có người bảo rươi từ đất chui lên. Khi trời tối, người dân đốt đuốc lên để vớt. Độ hơn 7 giờ tối rươi bị vớt gần hết. Chúng tôi trở về nhà ăn cơm”[3].
Cuộc họp với bà con trong làng theo dự kiến buổi chiều hôm ấy không thực hiện được. Sáng hôm sau ông trưởng thôn lại lên chòi, mời bà con trong thôn tập trung họp vào buổi trưa. Bà con đến rất đông và lắng nghe Ngô Ngọc Liễn phổ biến. Nhiều người tình nguyện tiếp nhận sinh viên đến ở. Tùy vào hoàn cảnh từng gia đình mà phân công cho mỗi nhà 1, 2 hoặc 3 sinh viên. Chiều hôm ấy không có rươi, nên Ngô Ngọc Liễn đến thăm các gia đình trong thôn, đồng thời khảo sát chỗ ăn ở cho anh em trong tổ.
Hôm sau, tổ phó Ngô Ngọc Liễn đạp xe lên ga Phú Thái đón sinh viên trong tổ về làng. Ngày ấy tàu hoả từ Hà Nội về Kim Thành phải đi từ sáng sớm, và thường 2-3 giờ chiều mới đến nơi, nhưng hôm ấy 4 giờ chiều tàu mới đến ga. Ông kể: “Tuy đã quán triệt tinh thần từ trước, nhưng vẫn có một số anh không tuân thủ. Tổ tôi có 15 người thì số ở vùng kháng chiến về có 5 người, còn lại 10 người sống ở trong thành. Anh Thăng hơn tôi 6 tuổi, người béo trắng nên chúng tôi gọi đùa là “huyện Thăng”. Anh Thăng với anh Oanh không xếp đồ vào balo mà xếp vào một cái túi của sĩ quan thời trước vì cho rằng mang balo không quen, dùng túi tiện hơn. Đi bộ độ 2 cây số, mang theo đồ đạc nặng quá nên không tiếp tục đi được. Chỉ tôi có xe đạp, nên anh em chất đồ đạc lên xe, bám xung quanh đẩy xe. Về đến làng đã hơn 6 giờ chiều, trời sâm sẩm tối, anh em được bố trí đến các gia đình và ngay bữa tối hôm ấy ăn cơm cùng gia đình”[4].
Việc sinh hoạt với nhân dân gặp không ít phiền phức, nhất là với những sinh viên chưa từng sống ở nông thôn. Vừa ở được một đêm thì sáng hôm sau đã có gia đình đến phàn nàn với tổ phó Ngô Ngọc Liễn và không muốn cho sinh viên ở nhà họ. Dân ở nông thôn chủ yếu sinh hoạt bằng nước mưa được hứng từ cây cau hoặc máng giọt gianh. Nhưng sinh viên từ Hà Nội không những lấy nước mưa hứng được để đánh răng, rửa mặt mà còn rửa chân. Ông Liễn kể: “Tôi hỏi các bạn sao không xuống ao mà rửa chân. Họ bảo tôi ra ao mà xem. Đúng là tối hôm trước nước ao còn đầy, vậy mà nước triều rút, sáng hôm sau chỉ còn trơ bùn!”[5].
Quán triệt tinh thần “ba cùng” với nhân dân nên Ngô Ngọc Liễn rất hăng hái trong nhiều công việc. Tổ sinh viên về đúng mùa gặt nên cũng tham gia thu hoạch cùng nông dân. Hôm ấy, ông cùng gia đình đi gặt lúc nước triều cao, có thể đi thuyền ra ruộng, nhưng lúc về thì nước đã rút, phải gánh lúa chứ không thể chở bằng thuyền. Dân không dùng quang gánh mà dùng đòn để gánh lúa – một dụng cụ được làm bằng thân cây tre đực và đẽo nhọn ở hai đầu, được ngâm rất kỹ. Họ bó lúa thành các lượm to rồi dùng đòn gánh đi. Người khoẻ có thể gánh 10 lượm, người yếu 5-6 lượm. Ông kể: “Ông trưởng thôn khuyên tôi chỉ gánh 4 lượm. Cậu con trai ông lại cười, bảo cháu gánh 6 lượm. Tôi cũng xin gánh 6 lượm. Anh ấy bó 6 lượm lúa, tôi đi thoải mái. Nhưng từ ruộng về nhà 3-4 cây số, đi 1-2 cây số đầu không vấn đề gì, sau thì trĩu vai, đau rát không chịu được, mà không dừng lại được, vì nếu đặt gánh lúa xuống thóc sẽ rụng. Nhìn quanh vẫn có người đi lại, tôi sợ xấu hổ nên cố gắng gánh lúa về đến nhà. Có lẽ hậu quả để lại cho đến bây giờ, tôi bị viêm khớp vai khô, không thể gồng gánh được”[6].
Sau vụ gặt, nông dân tiến hành làm ải đất. Vùng nước lợ đất chua, phải lật từng tảng đất lên để phơi cho khô, giảm bớt độ chua. Sinh viên không cuốc được nên chỉ xếp các tảng đất để phơi ải. Việc ấy khiến nhiều bạn thích thú. Khi đã quen công việc, quen gia đình, làng xóm, cũng là lúc sinh viên giúp nông dân ngâm mạ. Tổ sinh viên bàn nhau tìm cách thuyết phục người dân cấy dày. Việc đầu tiên là tập hợp thiếu nhi, dạy các cháu hát những câu như: cấy thưa thừa đất, cấy dầy thóc chất đầy kho. Chỉ hai hôm sau, những nội dung ấy đã lan truyền trong khắp xóm làng. Theo sáng kiến của một sinh viên, nên làm mẫu để người dân hiểu thế nào là cấy thưa, cấy dầy. Thấy ý kiến đó hay nên cả tổ phân công nhau thực hiện ngay. Trong một ngày tạo ra được 2 “thửa ruộng” mô hình, bằng cách lấy bẹ chuối be xung quanh, đổ bùn lên, xin bà con một ít mạ, một thửa cấy mạ thưa cách nhau 20 phân, một thửa cấy dày cách đúng 5 phân. Sinh viên lại có sáng kiến lấy giấy bìa ghi sản lượng dự kiến của mỗi mô hình để người dân tự so sánh. Chưa rõ kết quả thế nào nhưng cũng có nông dân gật gù khen hay. Sáng kiến của tổ được cán bộ chính trị đi theo lớp hoan nghênh và đề nghị phổ biến. Song, người dân không ai thực hiện theo mô hình cấy dày, vì cho rằng đám sinh viên chẳng biết gì, “trứng đòi khôn hơn vịt”, đã không có kinh nghiệm thực tế lại còn mang lý thuyết để dạy nông dân!
Sau này, sinh viên mới biết ruộng lúa thí điểm ở trường Đại học Nông Lâm không thành công, mặc dù lúa lên xanh mướt nhưng không trổ bông được vì nóng quá do cấy dầy. Người ta phải phân công nhau quạt, rồi mắc quạt máy để quạt cũng không có tác dụng, cây lúa héo dần mà chết. Như thế là việc dạy nông dân của sinh viên không thành công.
Trong hai tháng ở nông thôn, tổ của Ngô Ngọc Liễn gặp một trường hợp phụ nữ chuyển dạ khó đẻ. Người đỡ đẻ ở địa phương cũng không giải quyết được ca đó. Trước tình hình ấy, sinh viên đã “ra tay giải quyết”, kết quả “mẹ tròn con vuông”. Sự kiện ấy khiến cho tổ sinh viên do Ngô Ngọc Liễn làm tổ phó nổi tiếng cả vùng, người dân có thái độ khác hẳn với sinh viên. Từ chỗ nghĩ sinh viên chỉ biết lý thuyết, không thực tế, họ đã có cái nhìn mới về khả năng y tế của những thanh niên, sinh viên năm thứ 3 này. Sẵn có túi thuốc mang theo, nên các bệnh thông thường như đau bụng, tiêu chảy, đau đầu, đau dạ dày đều được những sinh viên tập sự này giải quyết, điều trị cho bà con. Qua thực tế này, sinh viên không chỉ với tinh thần phải học tập nông dân, “ba cùng” với bà con, như mục đích ban đầu, mà đã tiến hành hướng dẫn người dân cách ăn uống, vệ sinh, phòng bệnh…Việc đó phát huy những kiến thức được học ở nhà trường và cũng tạo hứng thú cho sinh viên ngành y.
Chuyến đi thực tế để lại những ấn tượng, xúc cảm khác nhau đối với mỗi thành viên trong tổ. Sau chuyến đi ấy, tổ phó Ngô Ngọc Liễn còn quay trở lại làng vào một dịp Tết. Hồi đó thông tin liên lạc còn khó nên ông phải viết thư trước, báo Mồng 3 tết sẽ về thăm làng. Tàu hỏa từ Hà Nội về Hải Dương vẫn chạy chậm, tết lại càng chậm hơn, gần sẩm tối ông mới về đến ga Phú Thái. Ông đạp xe một mạch về làng khi trời đã tối. Ông đến nhà ông trưởng thôn thì thấy một mâm cỗ bày sẵn và 5-6 người ngồi đợi. Anh sinh viên Ngô Ngọc Liễn bị “lôi” ngay vào cuộc. Làng ấy có nghề nấu rượu, rượu ngon, đằm và không cay. Năm ấy được mùa nên dân nấu nhiều rượu. Bữa tiệc đón chào cán bộ y tế diễn ra rất vui vẻ, ai cũng muốn chúc một chén để sinh viên Ngô Ngọc Liễn mau chóng thành bác sĩ và còn nhớ tới làng. Ông không nhớ uống bao nhiêu lượt, có lẽ là hai lượt, khoảng 10 chén. Do đi đường mệt, lại đói nên chỉ uống hết 2 tuần rượu thì mắt ông đã díp lại và ngủ một mạch cho đến sáng hôm sau. Khi ông tỉnh dậy thì nhà trưởng thôn chẳng còn ai vì ngày Mồng 4 tết là ngày họ ra đồng. Nhìn ra chiếc xe đạp thì đã thấy cặp bánh chưng treo sẵn ở ghi đông. Ngô Ngọc Liễn rửa mặt, ăn miếng bánh chưng để sẵn rồi lấy xe về Hà Nội.
Giáo sư Ngô Ngọc Liễn kể: “Việc tôi say rượu, lúc sáng ra nghĩ lại cũng thấy buồn cười, đáng phê phán, vì tôi chưa kịp nói chuyện tình hình anh em trong tổ, và chưa kịp hỏi người dân thu hoạch như thế nào, cứ thế líu lưỡi lại, ngủ một giấc. Vì thế, ngay trên con đường trở về nhà dịp Tết năm ấy, tôi nguyện từ nay không bao giờ uống hết một chén rượu, quả nhiên trong đời tôi thực hiện như thế”[7].
Nguyễn Thanh Hóa
__________________