Chuyện trước và sau ba tập bản thảo luận án

Bản thảo viết bằng bút máy mực đen trên ba tập giấy kẻ ngang cùng một kích thước 18cm x 26cm và đều đóng bằng chỉ trắng. Mỗi tập là một chương: chương một có 63 trang, chương hai – 34 trang và chương ba – 43 trang; nay đã nhạt màu mực, giấy ố vàng, quăn và rách mép, đôi chỗ bị côn trùng cắn, chương 1 và chương 2 bị mất trang đầu.

Bản thảo luận án của NCS Lê Nguyên Cẩn

Câu chuyện làm luận án phó tiến sĩ được ông Lê Nguyên Cẩn gọi là “hành trình vượt thoát” – một khái niệm trong Phật giáo. Bởi lẽ, vào những năm 80 của thế kỷ trước, ông coi việc làm nghiên cứu sinh là con đường tất yếu để giúp ông vượt qua sự bế tắc trong nghề nghiệp nói riêng, cuộc sống nói chung. Mặc dù ông tốt nghiệp ngành Văn học và ngôn ngữ Pháp ở trường ĐH Tổng hợp Babeş – Bolyai (Rumania) năm 1974, được phân công về Thông tấn xã Việt Nam làm biên tập viên của Tiểu ban tiếng Pháp, Ban biên tập đối ngoại, nhưng rồi vì muốn chăm sóc mẹ già và các em nhỏ ở quê trong Nghệ An nên năm 1976 ông xin chuyển về khoa Ngữ văn của trường ĐH Sư phạm Vinh. Khi các em có thể tự nuôi sống bản thân, tháng 9-1986 ông xin chuyển công tác vào khoa Ngữ văn, trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn (nay là trường ĐH Quy Nhơn, Bình Định). Suốt hơn một chục năm kể từ khi ra công tác, ông luôn trăn trở làm sao để phát triển chuyên môn, nghề nghiệp. Ông thấy con đường trở lại Rumani làm nghiên cứu sinh không thông thoáng, bởi Rumania khi ấy liên quan vấn đề “chủ nghĩa xét lại”. Vào Quy Nhơn ông cũng gặp đầy rẫy trở ngại, như ông tâm sự: … một anh không có tiền như tôi càng khó xoay sở. Hoàn cảnh ấy, tôi thấy mình đã đi đến quẻ 64 (hỏa thủy vị tế) của Kinh dịch, và theo quy tắc “cùng tắc biến, biến tắc thông” tôi quyết định xin đi nghiên cứu sinh[1], cụ thể là nghiên cứu sinh trong nước. Lúc này, ông Hiệu trưởng Lê Hoài Nam thấy rằng muốn phát triển nhà trường cần phải có đội ngũ cán bộ được đào tạo trình độ cao, mặt khác, tự nhiên có một anh “nửa điên nửa khùng” đòi đi học thì không có lý do gì không đồng ý[2], và thế là ông Lê Nguyên Cẩn được đi nghiên cứu sinh. Ở thế hệ cùng thời với ông, có thể gọi là thế hệ bước ngoặt, khi đã không còn cơ hội đi học nước ngoài, chỉ còn một cách là phải đi lên bằng con đường tự học và làm nghiên cứu sinh trong nước.

Tháng 2-1987, giảng viên Lê Nguyên Cẩn từ Quy Nhơn ra Thủ đô để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nay ông nói về chuyện thi cử ngày ấy: Thời bấy giờ, việc thi nghiên cứu sinh còn khá khó khăn. Các thầy đều được đào tạo ở Liên Xô nên giữ phong cách làm việc như ở bên đó và đòi hỏi về chuyên môn, học thuật rất cao[3]. Các thí sinh của bộ môn Văn học phương Tây phải thi 4 môn: lý luận văn học, văn học phương Tây, triết học và ngoại ngữ. Ông Lê Nguyên Cẩn tự ý thức cần phải “học thật”, phải thi đỗ và coi đó là một “hành trình vượt thoát” của mình. Bởi ông hiểu rằng: Nếu không thoát được sẽ rất phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề, từ nơi làm việc đến chế độ công tác sau này. Thi nghiên cứu sinh là một thử thách, nếu đỗ tôi sẽ khẳng định được bản thân, bằng không sẽ phải tìm con đường khác. Tôi thấy mình như đang đứng giữa ngã ba đường, đã chọn hướng đi này thì bằng mọi giá phải vượt qua[4]. Cuối cùng, ông trúng tuyển và đăng ký học hệ chính quy 4 năm, bắt đầu từ năm 1988.

NCS Lê Nguyên Cẩn được bố trí ở tại ký túc xá của trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Để tiết kiệm, ông xin một chiếc bếp điện hỏng của trường rồi sửa lại để tự nấu ăn. Cuối năm 1989, ông được chuyển sang ở một gian trong dãy nhà tranh đã khá xập xệ, vốn là nhà cho cán bộ trường Đoàn thanh niên tỉnh Hưng Yên ở nhờ khi họ về đây học. Gian nhà ông Cẩn vào ở nằm ngay cạnh cổng trường, rộng khoảng 30m2, ông phải dọn dẹp, sửa sang lại. Bàn, ghế, giường, tủ thì ông mua dần trong các đợt thanh lý tài sản của trường. Để có tiền chi tiêu, ông nhờ bạn đồng nghiệp tại trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn nhận giúp lương hàng tháng và gửi ra Hà Nội. Ông coi giai đoạn nghiên cứu sinh là chuẩn bị cho bước đi của mình sau này, nhất là để có thể chuyển ra Hà Nội làm việc, do đó ông xác định “một là sống, hai là chết” [5]. Năm 1990, ông cưới cô sinh viên năm thứ nhất trường Cao đẳng Mầm non và đưa vợ về ở cùng. Rồi khi sinh con trai đầu lòng, ông càng vất vả vì phải vừa làm luận án, vừa lo kiếm tiền nuôi vợ con. Để có thêm thu nhập, ông tham gia giảng dạy cho các lớp đại học tại chức của trường ĐH Sư phạm Hà Nội mở tại Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, thậm chí nhuận bút từ bài đăng tạp chí cũng có ý nghĩa kinh tế cho cuộc sống của gia đình ông khi đó. Mặc dù khó khăn như vậy, ông vẫn quyết tâm hoàn thành luận án: Khi đã đi vào luận án, mình luôn quan tâm đến cái quan trọng nhất là luận án, luôn phải nghĩ về nó, cái đầu tiên là phải đọc và viết. Lúc ấy dù đói hay không đói thì vẫn phải viết[6].

Năm đầu tiên, nghiên cứu sinh học các môn “tối thiểu” trong 6 tháng, bao gồm triết học, tiếng Nga, văn học phương Tây và lý luận văn học. NCS Lê Nguyên Cẩn học tiếng Nga chỉ đạt trình độ “để thi”, chưa giao tiếp và đọc sách được. Với các môn chuyên ngành, ngoài một số buổi nghe cô Đặng Anh Đào giảng tổng quan văn học Pháp, còn lại chủ yếu ông tự học.

Nhà trường giao cho GS Phùng Văn Tửu[7] hướng dẫn NCS Lê Nguyên Cẩn. GS Phùng Văn Tửu quan niệm nghiên cứu sinh phải tự tìm hướng nghiên cứu mang tầm luận án, rồi sau khi thầy đã trò bàn bạc và thống nhất thì nghiên cứu sinh thực hiện theo hướng đã xác định. NCS Lê Nguyên Cẩn phải học “nghiêm chỉnh như một học trò”[8], phải dành thời gian tìm hiểu xem các nhà nghiên cứu Việt Nam đã viết những gì và phải xây dựng vấn đề định nghiên cứu để làm luận án. Vì vậy, vào những ngày không lên lớp, từ 5h sáng ông đã đạp xe đi đọc tài liệu ở Thư viện Quốc gia, đến 5h chiều mới về.

Mấy tháng sau, ông đề xuất với thầy hướng dẫn ba hướng nghiên cứu: Thứ nhất là về tiểu thuyết lịch sử, nghiên cứu một tác giả Flaubert, một trong những đại diện rất đặc trưng của văn học Pháp thế kỷ 19; thứ hai là tiểu thuyết hiện sinh, liên quan tới chủ nghĩa hiện sinh ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam từ thập niên 1960; thứ ba là “cái kỳ ảo”, một lý thuyết mới, nhìn nhận các hiện tượng đặc biệt của văn học. Giữ nguyên tắc làm việc của mình, GS Phùng Văn Tửu không gợi ý mà đề nghị nghiên cứu sinh tự phân tích dựa trên thực tế khảo sát tư liệu. NCS Lê Nguyên Cẩn nhận thấy tiểu thuyết lịch sử là một vấn đề khó, về tác giả Flaubert (1821-1880) cũng khó nghiên cứu, ở Việt Nam lại hiếm có tác phẩm thuộc thể loại này, trong khi để đưa ra những đánh giá, nhận định tạo được độ tin cậy thì phải nghiên cứu trên văn bản gốc, vì vậy ông loại bỏ hướng nghiên cứu này. Tiểu thuyết hiện sinh là thể loại ít người am hiểu và yêu thích, trong quan niệm về con người của những nhà văn theo trường phái này có nhiều vấn đề chưa được công nhận rộng rãi, nên ông cũng không chọn nghiên cứu. “Cái kỳ ảo” theo ông là khá trung hòa, là một biện pháp nghệ thuật tồn tại trong cả văn học dân gian lẫn văn học hiện đại. Kỳ ảo là yếu tố hoang đường, quái dị, yếu tố siêu nhiên, ma mị hay hiện tượng khác thường, khi đi vào văn học sẽ trở thành chất liệu nghệ thuật tạo ra góc nhìn, cách nhìn, đồng thời nó còn liên quan đến một vấn đề đặc biệt của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Thực tế là, vào những năm 1980, nước ta bước sang thời kỳ chuẩn bị đổi mới, là thời kỳ “nóng”, xuất hiện một số vấn đề mang tính lịch sử; đây là thời điểm lịch sử có sự chuyển mình, nên phải có cách giải thích phù hợp, tốt nhất là bằng chất liệu ma quái, kỳ ảo, siêu nhiên, những chất liệu này đều thuộc thể loại là văn học kỳ ảo. Đã có một loạt sáng tác phản ánh hiện thực xã hội đó, như: Nguyễn Trọng Tạo viết bài thơ “Tản mạn thời tôi sống”; Nguyễn Minh Châu có “Lời ai điếu cho một nền văn học minh họa”; ông Hoàng Văn Hiến viết “Chủ nghĩa hiện thực phải đạo”; trên văn đàn xuất hiện những truyện ngắn được xã hội chú ý, của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài… NCS Lê Nguyên Cẩn còn phát hiện Hồ Chủ tịch cũng sử dụng biện pháp nghệ thuật kỳ ảo, tiêu biểu là trong tác phẩm Giấc ngủ mười năm (1948), tạo ra một hình thức viễn tưởng, dự đoán học, tương lai học, hay trong Lời than vãn của Bà Trưng Trắc, dùng hiện tượng bóng ma, hiện tượng kỳ ảo để thể hiện tâm huyết của dân tộc. NCS Lê Nguyên Cẩn chỉ ra hiện tượng có tính bao quát là văn học kỳ ảo chỉ xuất hiện khi có sự “đứt gãy” của lịch sử, sự chuyển đổi của thời đại, còn khi lịch sử bình yên thì nó hầu như không tồn tại. Và ông đã chọn đề tài luận án là “Cái kỳ ảo trong tác phẩm Balzac”, nhằm giải quyết vấn đề chưa thống nhất trong việc đánh giá thành tựu của Balzac và chủ nghĩa hiện thực của nhà văn này.

Sau một thời gian ngắn, NCS Lê Nguyên Cẩn hoàn thành đề cương nghiên cứu và gửi cho thầy hướng dẫn để thông qua. Tuy nhiên, theo ông thì đề cương chỉ là cái đối phó, hình thức, bởi nếu làm theo đề cương thì không bao giờ thành một tác phẩm. Một nhà văn dự định viết một truyện, nếu anh ta viết theo một sườn có sẵn thì sẽ thất bại, vì khi viết các tác phẩm sẽ biến hóa theo logic của câu chuyện. Nhà văn sống và hóa thân trong câu chuyện, đi theo logic của câu chuyện chứ không theo một kết cấu đã định trước. Đề cương là logic của tác giả. Vì vậy, đề cương chỉ là hình thức, thủ tục trong nghiên cứu khoa học, kể cả đề tài cấp Bộ, khi cần vẫn phải sửa[9]. Khi xác định được đề tài, ông tiếp tục tìm tư liệu, xây dựng hệ thống thư mục theo hướng đề tài và chứng minh đề cương có thể đứng vững trên thư mục đó. Hàng ngày, ông lại đạp xe đến Thư viện Quốc gia, Thư viện Khoa học xã hội, Thư viện Đại học Tổng hợp, và vào cả thư viện của trường ĐH Sư phạm, để tìm đọc, ghi chép, tổng hợp lại tất cả những tài liệu liên quan đến đề tài của mình. May mắn là trong Thư viện Quốc gia có nhiều tài liệu Rumani viết về vấn đề này, đặc biệt tại đây có trọn bộ tiểu thuyết Tấn trò đời của Balzac bằng tiếng Pháp, nên ông đã dành cả năm trời đọc bộ tiểu thuyết này, có phần chỉ đọc qua, có phần đọc rất kĩ và ghi chép cẩn thận. Sau này, khi tổng hợp lại, ông đã khảo sát 110 công trình (trong đó có 73 công trình bằng tiếng Pháp, 10 công trình tiếng Rumania) về các phương diện khác nhau: lý luận về cái kỳ ảo; lý luận, giáo trình, giáo khoa văn học; chuyên khảo về Balzac; các luận án, bài tạp chí, tiểu dẫn giới thiệu tác phẩm. Đặc biệt, phải kể đến cuốn Dẫn luận văn chương kỳ ảo xuất bản năm 1973 tại Rumania, ông mua khi còn là sinh viên rồi mang về nước. Cuốn sách cung cấp cơ sở lý thuyết cho nghiên cứu này của ông.

Khi đọc tài liệu, NCS Lê Nguyên Cẩn chú ý đến điểm mấu chốt của mỗi vấn đề Sau đó, ông tổng thuật các ý kiến về biện pháp kỳ ảo, từ đó tập trung nghiên cứu vai trò nghệ thuật của cái kỳ ảo, nhằm góp phần minh định chân giá trị của nó, nhận thức sâu hơn di sản nghệ thuật của tác gia hiện thực bậc thầy Balzac.

Song song với quá trình đọc và tập hợp tư liệu, NCS Lê Nguyên Cẩn viết 6 bài về các vấn đề liên quan đến đề tài luận án. Trong các bài viết đó, ông phân tích chi tiết hơn hoặc mở rộng phạm vi của vấn đề, những phần không thể đưa vào luận án. Những bài viết này đều đã được công bố, như: “Yếu tố kỳ ảo trong tiểu thuyết Và một ngày dài hơn thế kỷ của Tz. Aimatov” (tạp chí Văn nghệ Gialai – Kontum, số 3-1989; “Phương thức kỳ ảo và tính chân thật lịch sử trong tiểu thuyết Miếng da lừa của Balzac” (tạp chí Văn học, số 5-1990)[10]

NCS Lê Nguyên Cẩn hoàn thành bản thảo lần thứ nhất của luận án vào đầu năm 1991, nội dung gồm ba chương:

Chương 1. Cái kỳ ảo: Sự hiện hình của nó trong Tấn trò đời

Chương 2. Cái kỳ ảo trong quan hệ với đề tài và nhân vật

Chương 3. Cái kỳ ảo và kết cấu hình tượng tác phẩm

PGS Lê Nguyên Cẩn kể lại: Bản thảo là tập hợp tất cả những gì mình biết, mình đọc và hiểu về vấn đề nghiên cứu. Giống như việc tập hợp nguồn ban đầu để tổ chức bản thảo. Mình viết ngay sau khi cảm thấy đã tập hợp đủ tư liệu. Viết rất nhanh, nếu tính gộp lại thì chỉ viết trong vòng một đến hai tháng, nhưng kéo dài ra, vì còn phải đọc lại và suy ngẫm. Có khi phải viết rất vội, vì không nhanh thì sợ quên, bởi tốc độ viết thường không kịp với ý nghĩ trong đầu, nếu không viết nhanh sẽ mất đi ý tưởng mới mà không dễ gì lấy lại được. Khi đã viết thì không cần nháp, một phần là không có giấy, nhưng chủ yếu là do mình đã suy nghĩ từ lâu nên nghĩ được gì là viết ra hết[11].

Trên cơ sở bản thảo này, GS Phùng Văn Tửu định hướng để phát triển tiếp. Theo đó, đề tài được xác định bằng các góc nhìn, mỗi chương là một góc nhìn, các góc nhìn đi từ cụ thể đến trừu tượng, có tầng bậc, nâng cao dần; tất cả các chương, mục đều cần chỉnh lại sao cho thể hiện rõ mối liên quan với đề tài. Về tên các chương, GS Tửu yêu cầu sửa sao cho tạo thành một cấu trúc hợp lý và đáp ứng mục tiêu đề tài hướng tới. Ở phần nội dung, GS Tửu đặt dấu chấm hỏi vào bên lề đối với những vấn đề ông thấy chưa hay; những thuật ngữ mới chưa được giới nghiên cứu công nhận hoặc chưa thích hợp như “siêu mẫu” cũng được ông gạch chân, đề nghị bỏ đi và chọn cách nói khác; tên tác phẩm hoặc thuật ngữ tiếng Pháp thì ông gạch chân và yêu cầu dịch sang tiếng Việt; những tác giả quá xa lạ thì cần loại bỏ bớt… PGS Lê Nguyên Cẩn cho biết: Mặc dù GS Phùng Văn Tửu rất tôn trọng ý kiến của nghiên cứu sinh, nhưng ý kiến đó phải phù hợp với thời đại, nếu mới quá, cách mạng quá so với phạm vi mong muốn, trở thành cái xa lạ mà xã hội chưa chấp nhận thì khó được chấp nhận. Thầy Tửu là người định hướng, đưa ra gợi ý và giới hạn điểm dừng của đề tài, tránh một số điểm đi quá đà – ở đây là quá mức độ hiểu biết của người không nghiên cứu sâu, người ngoài chuyên môn[12]. Sở dĩ GS Tửu phải định hướng như thế bởi đề tài động chạm đến quan niệm truyền thống ở nước ta về chủ nghĩa hiện thực. Khi đó, yếu tố ma quái còn bị coi là hạn chế về thế giới quan, nhân sinh quan. Trong khi ở Việt Nam đang đề cao vai trò chủ thể quyết định của con người xã hội chủ nghĩa, nghiên cứu này của ông Lê Nguyên Cẩn là rất mới, quy “cái kỳ ảo” về một phạm trù nghệ thuật, về hệ thống các phương tiện để tái hiện hiện thực.

Do vậy, để bảo vệ thành công luận án, NCS Lê Nguyên Cẩn phải sửa bản thảo theo yêu cầu của người hướng dẫn khoa học. Qua đó, ông rút ra được một số điều mang tính phương pháp là từ các vấn đề đã tích lũy được, không phải cái nào cũng đưa vào luận án, có khi chỉ cần một câu, một ý, một từ; có thể cái này nhiều, cái kia ít. Đọc rồi tổ chức thành một bản nháp, mình định hình lại, sắp xếp tất cả những cái có được trong một tập hợp, từ đó loại bỏ bớt những cái thừa, không phù hợp và xa quá. Từ các dữ liệu tích lũy được, cần xử lý sao cho kết nối các dữ liệu để tạo ra một chất liệu mới[13].

Sau khi sửa chữa, viết lại theo một cấu trúc mới thống nhất với mục tiêu của đề tài, năm 1992 NCS Lê Nguyên Cẩn hoàn thành bản thảo lần thứ hai của luận án với các phần như sau:

Phần mở đầu (giới thiệu chung về luận án).

Chương một: Cái kỳ ảo và hệ đề tài (giải quyết nhiệm vụ giới thiệu khái niệm và chỉ ra cái kỳ ảo ở Balzac).

Chương hai: Cái kỳ ảo với các môtíp nổi bật (khảo sát bốn môtíp lớn, nổi trội ở Tấn trò đời).

Chương ba: Cái kỳ ảo và tổ chức tác phẩm (nghiên cứu vai trò nghệ thuật của cái kỳ ảo trên bình diện tổ chức cốt truyện và nhân vật).

Chương bốn: Cái kỳ ảo và cái hiện thực (xem xét các chức năng nghệ thuật của nó).

Phần kết luận (nhận xét chung về cái kỳ ảo ở Balzac, viễn cảnh của nó trong tương lai).

Với bản thảo lần thứ hai, GS Phùng Văn Tửu không sửa chữa gì thêm. Lúc này, việc phải đánh máy luận án thành 12-13 bản khiến NCS Lê Nguyên Cẩn bận tâm, bởi với gia đình ông thì đó là khoản chi phí đáng kể. Nhưng ông gặp may, người bạn cũ là Nguyễn Xuân Dĩnh17 nhận đánh máy giúp và tài trợ toàn bộ số tiền in ấn, đóng quyển. Bản đánh máy của luận án dày 177 trang, được gửi đến các thành viên hội đồng chấm luận án của trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Tháng 10-1992, NCS Lê Nguyên Cẩn bảo vệ thử luận án tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Trong bản nhận xét ngày 10-9-1992 của GS Đỗ Đức Hiểu có viết: Nói tóm tắt, luận án của NCS Lê Nguyên Cẩn nêu lên một vấn đề hấp dẫn, mới ở Việt Nam, với nhiều tư liệu mới, nhiều công phu tìm tòi, xứng đáng được bảo vệ trước hội đồng cấp Nhà nước18. Nhưng cũng theo GS Đỗ Đức Hiểu, luận án mới chỉ nêu bật rằng “cái kỳ ảo” là một hình thức nghệ thuật, làm phong phú thêm chủ nghĩa hiện thực Balzac, và ông mong muốn luận án đào sâu, khai thác thêm các tư tưởng được nhiều nhà nghiên cứu nói về cái kỳ ảo của Balzac: Balzac bậc thầy của cái kỳ ảo; Balzac tâm linh; Balzac sáng tạo một xã hội (của riêng ông) của giao cảm, cái siêu tâm lý… Tuy nhiên, trong khuôn khổ một luận án phó tiến sĩ và do giới hạn về số trang, ông Lê Nguyên Cẩn không thể bổ sung chi tiết các vấn đề theo gợi ý của GS Đỗ Đức Hiểu. Sau này, ông Cẩn tiếp tục nghiên cứu những vấn đề đó và có những bài viết liên quan đăng trên tạp chí chuyên ngành.

Tháng 1-1993, tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội, NCS Lê Nguyên Cẩn bảo vệ luận án thành công trước hội đồng cấp Nhà nước19. Kể về hôm ấy, PGS Lê Nguyên Cẩn chia sẻ, các thành viên hội đồng đều đánh giá cao luận án “Cái kỳ ảo trong tác phẩm Balzac”, những ý kiến bàn luận chủ yếu là về mặt phương pháp: Các bô lão ấy rất thấm thía quan điểm về chủ nghĩa hiện thực tồn tại bấy lâu, nên coi hiện thực là trên hết, ngoài hiện thực thì chủ nghĩa khác không có giá trị gì. Kỳ ảo không phải là hiện thực. Vì vậy, tôi phải bảo vệ ý kiến của mình, bởi đó là cốt lõi của luận án[14]. Sau khi bảo vệ luận án, theo thông lệ thì nghiên cứu sinh tổ chức liên hoan, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên ông Lê Nguyên Cẩn không làm được việc đó.

NCS Lê Nguyên Cẩn (đứng) trong lễ bảo vệ luận án phó tiến sĩ

Thời gian nghiên cứu sinh đã giúp ông Lê Nguyên Cẩn tích cực tích lũy và nâng cao kiến thức chuyên môn. Luận án phó tiến sĩ của ông đã mở ra được một hướng nghiên cứu mới, nâng lên thành lý thuyết để ứng dụng trong nghiên cứu và sáng tác văn học. Đồng thời, ông còn thu được nhiều kinh nghiệm trong việc viết các công trình nghiên cứu và phục vụ cho giảng dạy. Cũng từ thành công đó, những cơ hội về nghề nghiệp dần dần mở ra cho ông, trước hết là năm 1994 ông chuyển công tác về khoa Ngữ văn, trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Đến nay nhìn nhận lại, PGS Lê Nguyên Cẩn nêu khái quát ba đóng góp của luận án “Cái kỳ ảo trong tác phẩm Balzac”. Thứ nhất, luận án mở đường cho một khuynh hướng nghiên cứu và sáng tác văn học thuộc thế giới phi hiện thực, nghệ thuật phi hiện thực; giải quyết những vấn đề vốn bị đánh giá thấp, đó là yếu tố “ma” trong văn chương. Ở Việt Nam, ông là người đầu tiên nghiên cứu về văn học kỳ ảo. Ở Pháp, tuy người ta đã xếp Balzac vào nhóm tác giả sử dụng loại hình nghệ thuật kỳ ảo, nhưng còn chưa nghiên cứu cụ thể từng vấn đề, chưa có ai xem xét cái kỳ ảo trong tác phẩm của Balzac là gì. Có thể nói, luận án này đã đề cập và giải quyết một vấn đề còn tương đối mới mẻ cả ở phương Tây lẫn Việt Nam.

Thứ hai, luận án khẳng định thêm một giá trị nữa của Balzac. Trước kia, Enghen đánh giá Balzac là bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực. Theo ông Lê Nguyên Cẩn, Enghen là một nhà chính trị, một độc giả có con mắt tinh tường nên đánh giá đó là hết sức xác đáng. Từ chỗ những yếu tố ma mị trong các tác phẩm của Balzac bị coi là hạn chế của tác giả, luận án của ông Lê Nguyên Cẩn đã khẳng định Balzac không chỉ là nhà văn hiện thực, mà còn là nhà văn kỳ ảo, và là bậc thầy trên cả hai tư cách đó.

Thứ ba là giá trị phái sinh của luận án, từ đó các nhà văn, nhà nghiên cứu ở Việt Nam hiểu được rằng cái kỳ ảo là một phương thức nghệ thuật và có thể dùng để miêu tả mọi thứ. Luận án có tác dụng giải tỏa cho các nhà văn, giúp họ tự tin khi dùng cái này để nói cái khác. Cũng từ khi quan điểm mới trong luận án được công bố trên tạp chí chuyên ngành, hàng loạt tác phẩm văn học thuộc thể loại này ở nước ta được đón nhận, trong đó phải kể đến tác phẩm “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường (1990) đã được Giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 1991.

Năm 1999, trên cơ sở luận án của mình, PGS Lê Nguyên Cẩn phát triển thành cuốn sách Cái kỳ ảo trong tác phẩm Balzac, do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành, sau đó Nhà xuất bản ĐH Sư phạm tái bản năm 2003. Sau khi cuốn sách ra đời, trên báo chí cũng như trong luận án, luận văn có nhiều người đề cập đến “cái kỳ ảo”. Cuốn Cái kỳ ảo trong tác phẩm Balzac thuộc loại sách chuyên khảo, được nhiều nhà nghiên cứu và sinh viên tìm đọc.

Cùng với ba tập bản thảo viết lần đầu, PGS Lê Nguyên Cẩn cũng tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam cả bản chính luận án “Cái kỳ ảo trong tác phẩm Balzac”, còn bản thảo lần thứ hai thì ông không lưu giữ được. Cuốn luận án chỉ còn hai chương 3 và 4, phần mở đầu cũng chỉ còn một ít trang. Dù sao, đây là những hiện vật minh chứng cho tinh thần tự học, ý chí vượt khó của một giảng viên từ hoàn cảnh cơ hàn và tự thấy bế tắc đã vươn lên trở thành một nhà khoa học đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu văn học. Kể lại khoảng thời gian đầy khó khăn cùng những chặng “hành trình vượt thoát” trong khoảng ba chục năm về trước, PGS.TS Lê Nguyên Cẩn coi đó cũng là điều rất đỗi bình thường, là quá trình tất yếu ông phải vượt qua.

Lê Thị Hằng

* PGS.TS Lê Nguyên Cẩn, chuyên ngành Văn học, giảng viên khoa Ngữ văn, trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

[1] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Lê Nguyên Cẩn, 15-3-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Lê Nguyên Cẩn, 15-3-2017, đã dẫn.

[3] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Lê Nguyên Cẩn, 6-4-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Lê Nguyên Cẩn, 6-4-2017, đã dẫn.

[5] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Lê Nguyên Cẩn, 15-3-2017, đã dẫn.

[6] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Lê Nguyên Cẩn, 10-8-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[7] GS Phùng Văn Tửu là nhà nghiên cứu – phê bình văn học phương Tây, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Văn học phương Tây, khoa Ngữ văn, trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

[8] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Lê Nguyên Cẩn, 15-3-2017, đã dẫn.

[9] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Lê Nguyên Cẩn, 15-3-2017, đã dẫn.

[10] Lê Nguyên Cẩn, tóm tắt luận án phó tiến sĩ khoa học Ngữ văn đề tài “Cái kỳ ảo trong tác phẩm Balzac”, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, 1992.

[11] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Lê Nguyên Cẩn, 10-8-2017, đã dẫn.

[12] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Lê Nguyên Cẩn, 10-8-2017, đã dẫn.

[13] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Lê Nguyên Cẩn, 10-8-2017, đã dẫn.

17 Ông Nguyễn Xuân Dĩnh bấy giờ là Viện phó Viện Dầu khí, sau này là Cục phó Cục Năng lượng, Bộ Công thương.

18 GS Đỗ Đức Hiểu, bàn nhận xét luận án của NCS Lê Nguyên Cẩn, 10-9-1992, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

19 Hội đồng gồm: Chủ tịch là GS Hồ Tôn Trinh (Viện trưởng Viện Văn học); phản biện 1 – GS Đỗ Đức Hiểu (Phó chủ nhiệm khoa Văn, trường ĐH Tổng hợp HN); phản biện 2 – PTS Nguyễn Văn Chính (Nxb. Giáo dục); phản biện 3 – PGS.TS Lưu Văn Bổng (Viện Văn học); thư ký hội đồng là GS Đặng Anh Đào; các ủy viên gồm: GS Nguyễn Kim Đính, PTS Hoàng Ngọc Hiến, GS Nguyễn Hải Hà và GS Phùng Văn Tửu.

[14] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Lê Nguyên Cẩn, 6-4-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.