Chuyện về Bộ trưởng, nhà nhân học Nguyễn Văn Huyên

Ông Nguyễn Văn Huy – con trai GS Nguyễn Văn Huyên kể tôi nghe một câu chuyện mới đây:

 “Vào một sáng thứ 4 tháng tư năm nay, tôi bất ngờ thấy có một vị khách đến hỏi thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Bảo tàng thường chỉ tiếp khách vào thứ bẩy và chủ nhật. Hôm nay có việc, vợ chồng chúng tôi tới Bảo tàng. Thoáng nhìn, tôi đoán vị khách này chừng trên 80 tuổi, đi xe máy Honda 82. Chúng tôi mời vào. Khi ngồi uống nước, vị khách kể, ông biết đến Bảo tàng này vì được đọc một bài trên báo Lao động số Tết của tác giả Trinh Nguyên. Được biết Bảo tàng chỉ mở cửa thứ bẩy, chủ nhật thôi, nhưng tôi quyết tâm đi. Đúng là hôm nay có duyên thật. Được gặp ông bà.

Thấy ông khách nhiệt tình, tuy không phải là ngày đón khách, chúng tôi mở cửa mời ông thăm Bảo tàng. Ông xem khá kỹ rồi xuống sân ngồi nói chuyện với chúng tôi. Ông muốn được thắp hương kính lễ cụ Huyên. Chúng tôi nói ở Bảo tàng không đặt ban thờ. Ông gửi lễ nhờ chúng tôi dâng lên Ban thờ Cụ tại nhà số 2 Trần Hưng Đạo.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên tại buổi lễ thành lập trường Đại học Sư phạm Vinh, 1969

Chuyện hàn huyên, biết ông tên là Vũ Văn Giao, ở ngõ Thanh Miến, phố Văn Miếu, Hà Nội. Ông là thành viên ban liên lạc họ Vũ , cùng họ với nhà tôi, Vũ Thị Kim. Chuyện đến mức thân tình, ông mới kể về mình và tại sao lại đến Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên và muốn thắp hương tưởng nhớ Cụ.

Chuyện rằng, xưa ông là một thanh niên Hà Nội, học ở trong thành thời kháng chiến chống Pháp. Nhà ở phố Quan Thánh. Thủ đô được giải phóng 1954 khi ông học xong trung học chuyên khoa năm thứ 2. Ông xin vào trường Sư phạm Sơ cấp. Học xong nghĩ mình kháng chiến ở trong thành, nay nhà nước có kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế miền Bắc nên ông xung phong đi dạy học ở miền núi. Tháng 9 năm 1957, ông được phân công lên khu Lao-Hà-Yên. Ông trưởng Ty Giáo dục phân công ông vào dạy ở trường xã Văn Lang. Liên trường này do ông Phan Kế Viễn, em cụ Phan Kế Toại, làm tổ trưởng. Trường gần ga xe hỏa nên tiện đi về Hà Nội. Chiều thứ bảy có thể về Hà Nội. Tối chủ nhật, 8h mới đi tầu lên Yên Bái, sáng sớm hôm sau tới nơi, kịp giờ lên lớp. Ông cưới vợ ở Nam Định năm 1959. Vợ về sống ở Hà Nội, ông thì tiếp tục ở Yên Bái, thường hay về Hà Nội. Rồi hai vợ chồng sinh con, một năm 2 đứa liền, 1961-1962. Vợ một mình nuôi 2 con, vất vả quá. 8 năm ở miền núi rồi.

Một lần vào năm 1963, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên lên thăm Yên Bái. Ông Giao được ông Trưởng ty cho cùng ngồi tiếp chuyện. Ông trình bày với Bộ trưởng hoàn cảnh gia đình mình và ngỏ ý xin về Hà Nội. Bộ trưởng nói sẽ xem xét. Một tháng sau, Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội có công văn đề nghị Yên Bái cho ông chuyển về Hà Nội. Công an tỉnh Yên Bái không cho chuyển vùng, vì theo chế độ phải chuyên viên mới được về Hà Nội. Hà Nội lại làm công văn giải thích “Hà Nội cử người đi nay xin người về”. Chỉ trong vòng 2 tháng đã làm xong thủ tục để về Hà Nội. “Tháng 1 năm 1964 tôi từ giã Yên Bái về dạy ở trường Khâm Thiên, Hà Nội. Cuộc đời tôi thay đổi hẳn”.

Ông Giao nói tiếp: “Sau lần gặp đó, tôi chưa bao giờ có dịp gặp lại Bộ trưởng. Đã 50 năm qua rồi. Nay mới có cơ hội được đến Bảo tàng để trải tấm lòng quý mến Bộ trưởng. Tôi không thể ngờ một nguyện vọng nhỏ nhoi của một giáo viên còn rất trẻ, chỉ mới gặp một lần lại được Bộ trưởng quan tâm, giải quyết nhanh như vậy. Bộ trưởng thật tình cảm, hiểu thấu lòng người”.

Có một câu chuyện khác. Ông Đinh Gia Viên là một giáo viên trẻ lên Cao Bằng ngay sau khi tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội năm 1957, đến tận năm 1996 mới về Hà Nội. Chuyện này được kể trong hồi ký gia đình của ông Đinh Gia Viên, do Nhà xuất bản Lao Động ấn hành năm 2013 với tiêu đề “Vợ tôi – người con gái Cao Bằng”. Khi đến thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, để tỏ lòng tri ân với vị Bộ trưởng đáng kính, ông Viên đã mang cuốn hồi ký này tặng các con của cụ. Xin được trích dẫn đoạn nói về Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên:

“Đầu năm 1960 ngành giáo dục Cao Bằng mở “chiến dịch tiến quân diệt dốt vùng cao”. Sau Tết âm lịch, đầu năm 1960, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đích thân lên Cao Bằng để kiểm tra tình hình mọi mặt giáo dục…. Tôi nhớ, trong một cuộc họp vào buổi tối giữa Bộ trưởng và đồng chí Trưởng ty giáo dục, tôi có may mắn được tham dự. Sau khi nghe giới thiệu, Bộ trưởng quay sang hỏi tôi:”Anh Viên quê ở đâu?”. “Dạ, thưa Bộ trưởng, cháu quê ở Hà Nội”. Bộ trưởng tỏ ý rất vui, hướng về đồng chí Trưởng ty nói: “Anh Du này! Anh Viên quê ở Hà nội mà xung phong lên đây công tác. Thế là quý lắm, hiếm lắm đấy. Các anh phải lo cho anh Viên chu đáo, động viên anh gắn bó với miền núi để anh yên tâm công tác. Anh Viên nếu chưa có gia đình riêng, anh Du phải lo vợ con cho anh. Nếu anh không lo được tôi cách chức anh!!!”. Nói xong Bộ trưởng bắt tay tôi và cười rất thoải mái. Đồng chí Trưởng ty của tôi đứng dậy trả lời: “Thưa Bộ trưởng, về đồng chí Viên, chúng tôi có chủ trương, kế hoạch cả rồi. Ông Bộ trưởng lại hỏi: “Thế anh Viên lên đây được mấy năm rồi?. Đồng chí Trưởng ty trả lời : Được 3 năm rồi ạ”. “Ba năm rồi mà mới có chủ trương, kế hoạch thôi ư? Sao chậm thế?”. “Thưa Bộ trưởng, chậm nhưng chắc là được.”. “Thế cũng được, nhưng chắc chắn không có nghĩa là lề mề đấy! Cơ quan sẽ phải cố gắng giúp đỡ anh Viên mọi mặt”.

Tôi biết đấy chỉ là những câu nói vui, động viên của Bộ trưởng, nhưng dù sao cũng làm tôi phấn khởi, tin tưởng vào sự quan tâm của cấp trên đối với tôi, đối với anh em giáo viên từ miền xuôi lên phục vụ miền núi”…

Cũng trong chuyến công tác này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên vào thăm huyện Bảo Lạc. Việc này trở thành sự kiện đáng ghi nhớ của những người dân huyện vùng cao xa xôi hẻo lánh. Người ta nói rằng: Từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 đến nay mới có một ông Bộ trưởng vào Bảo Lạc. Điều đó đúng hay sai tôi không rõ, nhưng mãi đến năm 1986, khi tiếp xúc với cử tri ở phố Pác Miều (khi đó còn thuộc huyện Bảo Lạc, nay là thị trấn huyện lỵ Bảo Lâm), có cử tri cũng nói lên như vậy với một tình cảm thân thiết, gần gũi, quý mến Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên.

Câu chuyện ông Giao và ông Viên cho thấy, cách xử lý của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên có khác nhau, một mặt là do thời điểm năm 1960 Nhà nước chưa có chủ trương cho giáo viên trở về quê sau một thời gian phục vụ miền núi, nhưng mặt khác, cũng là do Bộ trưởng có sự quan tâm sâu sát, tùy hoàn cảnh mà có quyết sách cụ thể hợp lý hợp tình. Riêng với con cháu và anh em trong nhà, Bộ trưởng lại luôn động viên ổn định, yên tâm phục vụ ở miền núi.

Trong suốt 30 năm làm công tác quản lý giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên không lúc nào ngừng nghỉ việc bám sát các cơ sở giáo dục, giao lưu, trò chuyện với các cán bộ quản lý giáo dục các cấp, với các thầy cô giáo từ thành phố, đồng bằng đến các vùng miền núi khó khăn nhất, ở cả những thời điểm căng thẳng trong chiến tranh. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều lần ông đã đạp xe từ Tuyên Quang vào tận Thanh Hóa, Nghệ An…Hay trong kháng chiến chống Mỹ, bước chân ông từng đến Vĩnh Linh, Quảng Trị, lên tận Kỳ Sơn (Nghệ An) hay Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang)…Những chuyến đi như thế giúp ông nắm chắc tình hình giáo dục ở các địa phương cũng như hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của giáo viên để ra những quyết sách đúng và hợp lòng người. Ông Lê Văn Giạng – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục, một đồng nghiệp với ông Huyên từ thời kháng chiến chống Pháp nhận xét: “Ông là vị Bộ trưởng của nước ta chăm đi thăm các cơ sở ở địa phương nhất. Đó vừa là tinh thần trách nhiệm của ông, vừa là lối sống bình dị của ông giúp ông dễ hòa nhập, và chắc cũng còn vì tác phong nghề nghiệp cũ của một nhà dân tộc học ưa đi điền dã”.

Tác phong nghề nghiệp ấy ăn sâu vào máu của nhà nhân học Nguyễn Văn Huyên – người đã dành suốt 15 năm tuổi trẻ cho dân tộc học. Vậy mà, theo tiếng gọi của non sông, dấn thân vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, GS Nguyễn Văn Huyên đã quyết định từ bỏ niềm đam mê khoa học ấy, để dành tâm sức cho một sự nghiệp khác quan trọng hơn, đó là việc xây dựng đường hướng cho một nền đại học mới. Ở cương vị Tổng giám đốc Đại học vụ, lãnh đạo trường Đại học quốc gia Việt Nam ngay sau Cách mạng tháng Tám, ông Huyên đã xác định vị trí rõ ràng của nền đại học với tấm lòng của một người yêu nước và trí tuệ, tầm nhìn của một nhà nhân học, nhà bác học. Ông phát biểu trong buổi Lễ khai giảng trường Đại học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 15-11-1945: “Nền đại học là một trong những nền tảng của công cuộc kiến thiết quốc gia…Trong giờ phút nghiêm trọng này của tiền đồ Tổ quốc, dân tộc Việt Nam, ngoài công cuộc đấu tranh bằng xương máu trên chiến địa, còn nỗ lực tham gia vào công cuộc tiến triển văn hóa nhân loại. Chúng tôi muốn rằng nền đại học mới này là một lực lượng mạnh trong những lực lượng chiến đấu của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi muốn nó là một thành lũy để trường kỳ kháng chiến phục hồi hoàn toàn lãnh thổ và giải phóng tinh thần cho dân tộc chúng tôi là một dân tộc văn hiến có ngoài nghìn năm lịch sử độc lập và tự gây đắp nên một nền văn minh đặc sắc trên ven biển Thái Bình Dương này”.

Ông Đinh Gia Viên (bên trái) tại Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên

Ông Huyên cũng nhận định “Trường đại học Việt Nam sau bao nhiêu năm bị kiềm chế cần phải cấp bách tiến một bước dài”. Ông có một tầm nhìn rộng rãi khi xác định đối tượng đào tạo là thanh niên ưu tú thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, không bị ràng buộc, hạn hẹp về giai cấp: “Chúng tôi cảm thấy có cùng một trách nhiệm luyện tập tinh thần cho một số khả quan đại chúng chọn ở mọi tầng lớp dân chúng, không kỳ là trai hay gái, là quý hay tiện, là giàu hay nghèo để giúp vào công cuộc xây dựng nền văn hóa mới cho nước Việt Nam…Chúng tôi cảm thấy có cùng một trách nhiệm đào tạo một số đông những người có đủ đức tính và khả năng để lãnh đạo cho quần chúng, những bậc quân tử, nếu các ngài cho phép tôi dùng một chữ cổ, trong nghĩa cổ, của một nền văn minh phương Đông, những người vừa biết trau dồi về kiến thức để có thể tự mình biết phẩm bình mọi lực lượng của văn minh, vừa biết xử sự về thực tế để có thể đem áp dụng ngay trong đời sống những hiểu biết của mình để cùng anh chị em đồng bào các giới nêu cao ngọn quốc kỳ trong mọi cơn giông tố, và trong mọi cuộc hội họp quốc tế về văn hóa trên nền hòa bình, công lý, tự do, hạnh phúc, bác ái xán lạn của nhân loại mai sau”.

Và còn rất nhiều những kế hoạch cho các công việc nghiên cứu và phát triển văn hóa do Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên vạch ra cho thấy một tầm nhìn dài hạn cho tương lai dân tộc của một nhà nghiên cứu khoa học xã hội trong cương vị quản lý.

Những câu chuyện như vậy về GS Bộ trưởng, nhà nhân học Nguyễn Văn Huyên trong suốt 30 năm làm giáo dục của ông, có lẽ kể mãi không hết…

Nguyễn Thị Trâm

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

___________________

Bài viết đã tham khảo các nguồn tư liệu: Nguyễn Văn Huyên toàn tập, tập 3, NXB Giáo dục, 2005; Nguyễn Văn Huyên, một tấm gương đáng quý và cao đẹp, NXB Giáo dục, 2007; Vợ tôi – người con gái Cao Bằng, NXB Lao động, 2013 cùng sự giúp đỡ của PGS.TS Nguyễn Văn Huy.