Đó là loài cây Ôliu, đối với đất nước Hy Lạp, nó được coi là một biểu tượng thiêng liêng, là biểu tượng cho hòa bình, sức mạnh, sự thịnh vượng và thuần khiết. Người dân Hy Lạp cho rằng cây Ôliu đầu tiên có tại Athen. Còn tại vùng Địa Trung Hải loài quả Ôliu có vai trò và tầm quan trọng to lớn trong nền nông nghiệp.
Cách đây 10 năm, từ xứ sở Hy Lạp xa xôi đó, cây Ôliu được GS Nguyễn Anh Trí * nâng niu đưa về trồng tại Công viên Di sản các khoa học các nhà khoa học Việt Nam (Heritist Park), huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.
Chuyện bắt đầu từ sự ra đời của Heritist Park. Dự án Công viên Di sản được bắt nguồn từ những ý tưởng mới lạ, nhưng thiết thực và mang đậm ý nghĩa nhân văn của những con người tâm huyết, tự nguyện hiến dâng cho một công việc cao cả là lưu giữ các di sản của các nhà khoa học Việt Nam. Nơi đây sẽ như một ngân hàng tri thức, một địa điểm cho thực hành giáo dục, học tập lành mạnh cho những ai đam mê khoa học, nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo. Bởi vậy, “Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam” đồng thời cũng sẽ là một địa chỉ văn hóa.
Với ý tưởng và mục tiêu kỳ vọng đó, việc xây dựng cảnh quan hấp dẫn, phong phú và có hàm lượng văn hóa cao, không khí trong lành, tạo sự yên bình, ấn tượng cho du khách khi đến với Công viên Di sản, là một trong những quan tâm hàng đầu của Dự án. Chuyện cây Ôliu từ một đất nước xa xôi được đưa về trồng nơi Công viên Di sản các nhà khoa học việt Nam cũng bắt nguồn từ quyết sách đó.
Năm 2005, trong một chuyến đi công tác nước ngoài, GS. TS Nguyễn Anh Trí đã mang theo về một cây Ôliu giống với mong muốn có thể ươm trồng trên vùng đất Dự án Công viên Di sản. Như ông kể lại: "Tôi đi dự Hội nghị khoa học của Hội Truyền máu quốc tế (ISBT) tại Athen, Hy lạp, thấy cây Ôliu, thích quá, nên tôi đặt mua tại một cửa hàng bán hoa. Người phụ nữ ở cửa hàng rất tốt bụng và nhiệt tình đã mua giúp cây Ôliu, bà còn đóng vào hộp cẩn thận. Sắp xếp hộp cây trong valy, tôi tiếp tục hành trình sang Paris, Pháp để làm việc với các đối tác về hợp tác khoa học và đào tạo cán bộ. Sang tới Paris tôi đặt hộp cây ở lan can cửa sổ, tranh thủ cho cây được hít thở không khí, cho đến ngày về nước thì hộp cây lại đóng vào valy gửi theo máy bay".
Không thể nói hết niềm vui của tập thể cán bộ, nhân viên của Dự án Công viên Di sản khi đón nhận cây Ôliu non nớt sau 1 tuần vượt đại dương từ đôi tay nồng ấm, nâng niu của GS Nguyễn Anh Trí, mặc dù họ biết rằng sẽ có nhiều thách thức đến với mình. Họ đã khẩn trương bắt tay tìm đất, tìm hiểu cách thức ươm trồng cây Ôliu quý giá đó với tất cả sự trân trọng ngay tại khuôn viên của Công viên Di sản.
Mặc dù phải qua một giai đoạn khó khăn để thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu và thời tiết ở vùng đất này, nhưng nhờ sự chăm sóc chu đáo và quan tâm đặc biệt nên giờ đây cây đã khá xanh tốt, vượt qua những khắc nghiệt của những trận sương muối, khô hanh về mùa đông và nóng bức của mùa hè. Rễ cây luồn lách qua từng kẽ đất để tìm tòi mạch sống, dinh dưỡng nuôi cây. Cho đến hôm nay, từ một cây giống, chúng tôi đã chiết ra hàng chục cây con để nhân giống trồng trên Công viên Di sản. Thân cây đã đâm cành, trổ nhánh. Màu xanh của lá bắt đầu che kín vùng đất quanh nó, xum xuê la đà, nhè nhẹ đung đưa theo chiều gió. Sức sống của cây như một câu trả lời về sự huyền bí của mảnh đất này, cũng như nơi quê hương xứ sở của nó.
Hành trình ươm trồng và phát triển cây ôliu ở Cao Phong (Hòa Bình) cũng đã gặp không ít những thách thức, nhưng những trải nghiệm đó là những bài học quý báu và kinh nghiệm tốt để chúng tôi vun trồng và chăm sóc không chỉ cây Ôliu mà cả những giống loài cây quý được lựa chọn từ nhiều vùng miền về phủ xanh trên khuôn viên Công viên Di sản.
Những mầm xanh loài cây Ôliu đang vươn lên
Ngắm nhìn những cây Ôliu đang thì phát triển, chúng tôi lại nhớ về thời khắc đáng nhớ đã qua một thập kỷ: bằng tình yêu đối với thiên nhiên và lòng nhiệt huyết, GS Nguyễn Anh Trí đã kỳ công mang theo một mầm xanh, vượt qua châu lục để gửi gắm vào miền Dự án. Được biết rằng, trong suốt quá trình triển khai thi công Dự án Công viên Di sản, ngoài cây Ôliu, GS Nguyễn Anh Trí luôn quan tâm tới việc quy hoạch trồng cây xanh, ông đã đưa nhiều loại cây quý khác như cây Kơnia, cây tre Tầm vông, cây Bời lời… về ươm trồng tại nơi đây. Theo ông, “Heritist Park là một Công viên văn hóa, bởi vậy mỗi gốc cây, mỗi loài cây được trồng ở nơi đây phải mang đậm tính văn hóa về nguồn gốc, về ý tưởng, về giá trị, và về hình dáng…”. Đó là những lời căn dặn tâm huyết, mang tính định hướng, mà chúng tôi luôn ghi nhớ.
Cây quý mang biểu tượng thiêng liêng của đất nước Hy Lạp đang sinh sôi trên chính Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Điều đó làm chúng tôi vững tin rằng: Mảnh đất địa linh này chắc chắn sẽ là nơi hội tụ nhân kiệt, cũng như các di sản của họ sẽ mãi được trân trọng.
Bùi Phương Châm và cộng sự
Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam
——————————
* GS. TS. TTND. AHLĐ Nguyễn Anh Trí là Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.