Cuộc điện thoại không quên
GS.TS Nguyễn Thúc Tùng nguyên Phó Giám đốc Viện Quân y 108, năm nay đã bước vào tuổi 97, dẫu dấu vết thời gian hằn lên mái tóc, làm chậm lại những bước chân song trí tuệ ông vẫn hoàn toàn sáng láng. Ký ức của những ngày 38 năm về trước vẫn in đậm trong tâm trí ông, nay có dịp ùa về. Tôi tưởng như mạch thời gian đang lắng lại qua từng câu chuyện ông kể.
“Tối hôm đó, khi tôi đang trực thủ trưởng ở cơ quan thì nhận được điện thoại báo tin bệnh viện sẽ nhận 15 thi hài về khám nghiệm tử thi. Đó là những nhà báo hy sinh trong vụ nổ máy bay lúc chiều”, ông mở đầu câu chuyện.
“Ngay lập tức, phòng hội trường vốn là nhà thờ do Pháp xây dựng trong khuôn viên bệnh viện được dọn dẹp để lấy chỗ đặt 15 thi hài. Vừa làm xong thủ tục thì Thiếu tướng Vũ Văn Cẩn – Cục trưởng Cục Quân y đến kiểm tra. Thiếu tướng bảo tôi phải lấy quần áo khác mặc lại cho các tử thi. Nhưng nếu mặc quần áo của bệnh nhân thì sẽ không vừa, tôi liền gọi người lấy quần áo của chuyên gia Liên Xô. Ngày ấy, chuyên gia Liên Xô sang công tác, giúp đỡ chúng ta. Do điều kiện thời tiết, khí hậu, thực phẩm khác biệt nên nhiều người không quen, thi thoảng lại phải vào viện. Do đó Viện 108 lúc nào cũng có quần áo dành riêng cho các chuyên gia đề phòng khi dùng đến. Sau đó, chúng tôi phải may trả lại quần áo cho các chuyên gia”, ông Tùng kể.
Trắng đêm để khám nghiệm
Khi đó, ban Pháp y Quân đội (nay là Viện Pháp y Quân đội) nằm trong Viện Quân y 108, do GS Vũ Ngọc Thụ làm trưởng ban. Thiếu tướng Vũ Văn Cẩn đã trực tiếp giao trách nhiệm cho ban phải tiến hành khám nghiệm tử thi và nhận dạng từng người. GS.TS Vũ Ngọc Thụ nhớ lại: “Đây là lần đầu tiên chúng ta khám nghiệm tử thi là người nước ngoài. Thêm nữa, họ lại là những tử thi nhà báo tháp tùng Tổng thống nên nhiệm vụ hết sức nặng nề, được cả Bộ Ngoại giao, Cục Quân y, Cục Bảo vệ Quân đội quan tâm chỉ đạo, kiểm tra”.
Ngay sau đó, GS Vũ Ngọc Thụ cùng một bác sĩ pháp y và hai nhân viên khẩn trương bắt tay vào việc. “Các tử thi đều bị chấn động (giập) toàn thân. Có một số tử thi bị cháy song không bị biến dạng nên công tác giám định kết hợp hồ sơ nhận dạng do Bộ Ngoại giao cung cấp không quá khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải trắng đêm mới hoàn thành công việc”, ông kể.
Sáng hôm sau, kết quả được báo cáo lên lãnh đạo. Sau đó, các tử thi được cho vào quan tài làm bằng tôn. Lý giải điều này, GS. Nguyễn Thúc Tùng cho rằng như thế sẽ đảm bảo kín, không để tử thi bị chảy nước ra ngoài trong quá trình vận chuyển trên máy bay khi áp suất không khí thay đổi.
Tuy nhiên, công việc vẫn chưa dừng lại. GS Thụ và bác sĩ cùng tiến hành khám nghiệm tử thi phải viết lại bản báo cáo bằng tiếng Pháp để gửi cho nước bạn Algeria. Vậy là, lại thêm một đêm trắng với hai người. “Áp lực, cường độ công việc cao là thế song chúng tôi vẫn không cảm thấy mệt mỏi vì chúng tôi hiểu rằng có rất nhiều người đang chờ đợi vào mình, không thể chậm trễ”, GS Thụ chia sẻ.
Dùng chuyên cơ Tổng thống chở thi hài nhà báo
Phải mất chừng ba ngày sau, mọi thủ tục chuẩn bị cho việc đưa thi hài các nhà báo trở về với nước mẹ Algeria, mới hoàn thành. Thủ tướng Phạm Văn Đồng giao cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên làm trưởng đoàn đưa các thi hài về nước. Cùng đi có một cán bộ của Bộ Ngoại giao phụ trách châu Phi và các nước vùng Tây Á, GS. Nguyễn Thúc Tùng và GS. Vũ Ngọc Thụ.
Đoàn tháp tùng thi hài những người bạn Algeria về nước đến chào Đại sứ Việt Nam tại Algeria. GS.TS Nguyễn Văn Huyên (hàng trên, thứ 3 từ trái sang), GS Nguyễn Thúc Tùng (hàng trên, đầu tiên từ trái sang), GS Vũ Ngọc Thụ (hàng trên, thứ 5 từ trái sang) cùng cán bộ Đại sứ quán Việt Nam, 1974.
GS. Tùng nhớ lại: “Trước khi đi, chúng tôi được quán triệt phải ăn mặc theo phương thức ngoại giao. Thế nhưng, ngày ấy trừ Bộ trưởng Huyên và anh cán bộ ở Bộ Ngoại giao có trang phục là quần tây, áo vest thì tôi và anh Thụ lại không có. Chúng tôi phải mượn quần áo bên Bộ Ngoại giao”.
Ngày tiễn 15 thi hài nhà báo về nước được tổ chức khá long trọng. Có một điều khá đặc biệt đã diễn ra. “Chính chiếc chuyên cơ chở Tổng thống Algeria đã quay lại đón đoàn Việt Nam cùng thi hài các nhà báo. Trên máy bay có hai phòng nghỉ. Phòng dành cho những người tháp tùng (kế sau phòng của Tổng thống) được xếp gọn bàn ghế lại để lấy chỗ đặt quan tài các nhà báo”, GS. Thụ xác nhận.
Sau hơn hai ngày, chiếc phi cơ đáp xuống sân bay Thủ đô Algeria. “Nước bạn tổ chức lễ tiếp nhận và viếng rất trang nghiêm. Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh khi những chiếc quan tài đặt thành một dãy trong gian phòng lớn, Tổng thống Houari Boumediene vào viếng trước. Sau đó, gia đình các nạn nhân tiến vào. Khung cảnh ấy trong giờ phút ấy tưởng như cả Algeria cùng lắng lại, tiếc thương các nhà báo. Các gia đình động viên nhau “Chết ở Hà Nội là chết ở đất Thánh”, bởi khi đó Hà Nội đánh thắng trận Điện Biên Phủ trên không vang danh toàn cầu, là biểu tượng của sự chiến thắng nên các bạn tin như thế”, GS Thụ xúc động nhớ lại.
Mặc dù đã có kết quả giám định tử thi từ phía chúng ta song nước bạn vẫn kiểm tra lại. “Sở dĩ tôi biết được điều đó vì một thời gian lâu sau, trong một cuộc gặp có cán bộ ở Bộ Ngoại giao, biết tôi là người giám định tử thi các nhà báo Algeria, anh này gặp tôi và nói rằng: nước bạn rất hài lòng về cách làm của chúng ta. Kết quả giám định hoàn toàn chính xác. Đó không đơn thuần là một lời động viên, khen ngợi mà còn là kỷ niệm khó có thể quên đối với tôi”, GS Thụ chia sẻ.
38 năm đã trôi qua. Ký ức đau buồn của chuyến bay định mệnh hôm ấy đã lùi vào dĩ vãng. Song sự căng thẳng khi tiến hành công việc khám nghiệm tử thi các nhà báo, tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương cùng những ký ức về sự tiếp đón nồng hậu của Chính phủ và đất nước Algeria vẫn in sâu trong ký ức GS. Tùng và GS. Thụ. “Để mỗi khi nhớ lại, chúng tôi lại trân trọng hơn công việc của mình, cố gắng hơn nữa với niềm tin mà Chính phủ và nhân dân trao gửi”, GS. Thụ bùi ngùi.
GS Vũ Ngọc Thụ (bên trái), GS Nguyễn Thúc Tùng hồi tưởng lại câu chuyện qua tấm ảnh
của chuyến bay lịch sử 38 năm về trước. Hà Nội, (1974-2012).
Ngoài ra GS. Vũ Ngọc Thụ cho biết thêm: “Mặc dù khám nghiệm, giải phẫu tử thi là nghiệp của tôi song khi nhận được chỉ đạo sẽ khám nghiệm các nhà báo tháp tùng Tổng thống Algeria, tôi thật sự hồi hộp. Bởi tôi ý thức được rằng, việc làm của mình có ý nghĩa rất lớn, không chỉ quyết định đến việc đưa các thi hài trở về với chính gia đình của mình mà còn có ý nghĩa trên phương diện ngoại giao. Chính điều đó là động lực để tôi cùng các đồng nghiệp làm việc một cách nhanh nhất nhưng phải chính xác”
Sau 26 năm (1974-2000), nhân chuyến thăm Việt Nam của ông Abdelaziz Bouteflika – Tổng thống nước Cộng hòa Algeria Dân chủ và Nhân dân, bia tưởng niệm 15 nhà báo Algeria qua đời đã được xây dựng tại huyện Sóc Sơn – Hà Nội, ngày 16/10/2000.
Trần Quang Huy