Chuyện về một đề tài luận án

Tốt nghiệp tại Học viện Nông nghiệp Timiriazev Mátxcơva, năm 1959 Nguyễn Văn Thưởng được phân công về giảng dạy tại trường Trung cấp Nông lâm Trung ương. Năm 1963, Nguyễn Văn Thưởng được tiếp tục sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh.

Quay lại chính nơi trước đây đã tích cực cuwcjtrong trong nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học trong suốt 5 năm học đại học, Nguyễn Văn Thưởng gặp nhiều thuận lợi. Nhưng, sự trở lại lần này đúng là một “nhân duyên” như ông vẫn nói. Ông kể: Sang Liên Xô, tôi đề đạt nguyện vọng với Học viện Nông nghiệp Timiriazevđược về trường cũ nghiên cứu, nhưng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Liên Xô lại cử tôi về trường Đại học Thú Y. Một hôm, tôi về thăm Bộ môn Thức ăn ở Học viện Nông nghiệp Timiriazev, tình cờ gặp lại bà Tachiana Alexandrovna – Thư ký của Bộ môn, một người rất quý mến và hay giúp đỡ tôi trong những năm học đại học. Được biết tôi không làm nghiên cứu sinh ở Học viện, bà đã gọi điện báo cho GS.VS Popov – Chủ nhiệm Bộ môn Thức ăn đang đi công tác. Khi biết tôi trước đây từng tham gia nhóm sinh viên nghiên cứu nên Giáo sư đề nghị nhận hướng dẫn tôi [1]. Sau khi GS.VS Popov báo lên phòng Sau đại học và phòng Hợp tác Quốc tế của Học viện công văn được gửi lên và ông được chuyển về làm nghiên cứu sinh tại Học viện Nông nghiệp Timiriazev, đúng như ý nguyện!

Để chuẩn bị cho quá trình nghiên cứu, trước khi đi Nguyễn Văn Thưởng tập hợp một số tài liệu liên quan đến ba chủ đề:

– Nghiên cứu xác định tiêu chuẩn khẩu phần ăn cho các loại gia súc gia cầm.

– Nghiên cứu kỹ thuật ủ chua vi sinh học thức ăn.

– Nghiên cứu ứng dụng kháng sinh cho chăn nuôi.

Với sự chuẩn bị này, GS.VS Popov khuyên Nguyễn Văn Thưởng nên đi sâu vào nghiên cứu vấn đề dinh dưỡng protein và axit amin cho vật nuôi, chủ yếu đi sâu nắm vững phương pháp luận khoa học. GS.VS Popov cũng xác định tên đề tài nghiên cứu cho ông là: Lysin hấp thụ và giá trị dinh dưỡng protein của một số thức ăn protein thực vật và phương pháp xác định.

     

Luận án tiếng Nga (1966) và bản tiếng Việt do GS.TS Nguyễn Văn Thưởng dịch(2013)

Đề tài không triển khai nghiên cứu axit amin nói chung mà đi thẳng vào nghiên cứu lysin là một axit amin hàng đầu trong 10 axit amin không thay thế rất cần cho cơ thể vật nuôi dạ dày đơn (dạ dày một túi). Theo GS.TS Nguyễn Văn Thưởng, đây là một đề tài hay, có định hướng đúng, nóng hổi trong thời điểm ấy bởi vì protein trong thức ăn chăn nuôi lúc đó thường không có tỉ lệ axit amin cân đối do chủ yếu là dùng protein thực vật để tiết kiệm chi phí. Hơn nữa, việc nghiên cứu đề tài này cũng gặp thuận lợi bởi trên sách báo tạp chí khoa học đã có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này được công bố, tạo ra nguồn tài liệu tham khảo phong phú.

Theo nội dung đề cương nghiên cứu đã được xác lập, nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Thưởng chọn nguyên hạt đậu tương, hướng dương, hạt bông và những chế phẩm (tức bã) của chúng sau công nghệ ép dầu để làm đối tượng nghiên cứu. Hàng ngày Nguyễn Văn Thưởng làm việc trong phòng phân tích thức ăn của Bộ môn, buổi tối lên thư viện tìm đọc tài liệu có liên quan, tham khảo tích lũy kiến thức, xây dựng cơ sở lý luận của đề tài, thu nhận và lựa chọn những phương pháp cần thiết phục vụ cho nghiên cứu đề tài.

GS.TS Nguyễn Văn Thưởng nhớ, có một lần khi ông đang ngồi phòng thí nghiệm thì bà Tachiana Alexandrovna thông báo là thầy hướng dẫn muốn gặp. Ông vội vàng quần áo chỉnh tề chuẩn bị lên văn phòng gặp thầy nhưng thầy đã đến tận phòng thí nghiệm. GS.VS Popov là người rất tình cảm, ông thường hỏi thăm sức khỏe của học trò, sau mới trao đổi về công việc. Hôm ấy, thầy đưa cho ông cuốn sách Sinh hóa học (bằng tiếng Nga). Cuốn sách dày khoảng 400 trăm trang, thầy đề nghị ông đọc trong vòng 2 tuần. Với cách đọc có ghi chép lại nội dung cơ bản vào cuốn sổ tay riêng, sau 2 tuần ông trình bày vắn tắt trước thầy và đưa ra một số thắc mắc cần giải đáp. GS.VS Popov tỏ ra rất hài lòng về cách nghiên cứu nghiêm túc ấy và bổ sung thêm một số nội dung không có trong sách. Theo GS.TS Nguyễn Văn Thưởng, đó là cách đào tạo khá đặc biệt, vì chỉ 6 tháng sau ông rèn được cho mình khả năng đọc nhanh, lĩnh hội được kiến thức sâu hơn. Cũng trong thời gian này, ông hoàn thiện được phần phương pháp luận của luận án. Tuy nhiên, qua quan sát các học trò khác của GS Popov thì tôi thấy đây là cách mà không phải ai cũng được GS hướng dẫn như thế. Có thể, do tôi là người Việt Nam nên nhận được cách đào tạo đặc biệt này[2].

Đang trong quá trình nghiên cứu, có một sự kiện đáng tiếc xảy ra, đó là cuối năm 1964, GS.VS Popov đột ngột qua đời do bệnh tuổi già. Dù trong thời điểm đó, 76 tuổi được cho là đã “thọ” nhưng sự ra đi của thầy hướng dẫn khiến ông cảm thấy vô cùng thương tiếc và trống trải. Đúng như Bà Tachiana Alexandrovna nói với ông: Viện sĩ Popov mất đi là một tổn thất lớn, Bộ môn mất đi một chủ nhiệm tài năng. Còn anh, anh mất đi một người cha đỡ đầu[3].

Ngay sau sự kiện đó, Bộ môn phân công PGS.VS Canzenset tiếp tục hướng dẫn luận án cho nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Thưởng. Ông tiếp tục thực hiện luận án theo sự định hướng từ ban đầu của GS.VS Popov và sau này là PGS Canzetsep.

Quá trình nghiên cứu của Nguyễn Văn Thưởng về lysin phải trải qua hai công đoạn, là phân tích trên phòng thí nghiệm và thực nghiệm thực tế trên động vật. Việc làm trên giúp ông thẩm định kết quả nghiên cứu có phù hợp với thực tế không và mối tương quan giữa lý thuyết và thực tiễn, để từ đó rút ra được các kết luận chung. Khi đọc tài liệu, ông được biết có phương pháp sử dụng chất dinitrofluorobenzen (DNFB) có thể tìm ra được lysin tiêu hóa. Lúc đó Liên Xô không có và cũng không nhập. Qua thông tin tài liệu, ông được biết GS Cacbentơ và GS Ilenger là hai vị Giáo sư nổi tiếng dạy ở trường đại học Cambridge – Anh quốc là người tìm ra và có lưu giữ loại thuốc này. Ông đã xin ý kiến của thầy hướng dẫn, thông qua phòng Hợp tác quốc tế của Học viện ông đã viết thư cho họ để xin thuốc. Khi gửi thư, ông cũng không hi vọng nhiều, vì lúc đó tình hình chính trị không ổn định, hai nước Nga-Anh đang xảy ra chiến tranh lạnh. Nhưng ông thật sự bất ngờ, chỉ 15 ngày sau khi viết thư, ông nhận được giấy của bưu điện báo ra nhận hai lọ DNFB, mỗi lọ chứa 10cc thuốc, khi thí nghiệm mỗi mẫu chỉ cần dùng 2 giọt nên ông chỉ dùng một lọ, lọ còn lại ông mang về Việt Nam. Khi có trong tay DNFB, có thể coi khâu thí nghiệm là việc khó nhất trong luận án đã qua.

Qua câu chuyện, GS.TS Nguyễn Văn Thưởng cho rằng: những người thật sự làm khoa học, họ luôn lấy khoa học làm gốc để phục vụ nghiên cứu. Nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Thưởng đã gửi thư cảm ơn hai vị giáo sư trường đại học Cambridge gửi DNFB cho ông.

Cuối năm 1965, về cơ bản luận án được hoàn thành với kết cấu gồm 6 chương. Ngày 24-5-1966, luận án được bảo vệ thành công tại Học viện Nông nghiệp Timiriazev. Hội đồng khoa học có 20 thành viên, gồm 1 chủ tịch, 2 phản biện, 1 thư ký, thầy hướng dẫn, còn lại là các ủy viên. Sau khi bảo vệ với những đánh giá tốt ông nhận được sự đồng thuận của cả hội đồng.

Từ những kết quả nghiên cứu được trong luận án, năm 1978, khi là Viện trưởng Viện Chăn nuôi, Phó tiến sĩ Nguyễn Văn Thưởng đã tạo được mối quan hệ hợp tác với Viện XINAO[4], Viện Chăn nuôi được hỗ trợ một số trang thiết bị và áp dụng khoa học tiên tiến vào chăn nuôi gia súc. Năm 1992, ông cho ra đời cuốn sách Dinh dưỡng thức ăn Việt Nam do NXB Nông nghiệpấn hành năm 1992. Đây là công trình tổng hợp trên 100 loại thức ăn, mà quan trọng nhất là ông đã xây dựng được bảng axitamin thống kê chi tiết các chỉ số có trong từng loại thức ăn. Bảng này được sử dụng rộng rãi vào chăn nuôi thực tế ở các trại chăn nuôi và hộ gia đình. Công trình nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của ông Xumilin[5]. Sau này, những nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Văn Thưởng được nhiều học trò tham khảo và phát triển thành những luận án tiến sĩ.

Biên bản đánh giá và nhận xét của phản biện của phản biện và thầy hướng dẫn về bản luận án

Hồ sơ bảo vệ Luận án Phó Tiến sĩ được GS.TS Nguyễn Văn Thưởng lưu giữ tại nhà riêng từ năm 1966 gồm: bản luận án gốc tiếng Nga và một bản dịch tiếng Việt cùng với biên bản đánh giá, nhận xét của thầy hướng dẫn, nhận xét của phản biện 2 và một số giấy tờ khác (biên bản bảo vệ thử, nhận xét tư cách bảo vệ của Bộ môn Thức ăn…). Do trải qua thời gian dài cùng với 5 lần chuyển nhà nên các tài liệu đã cũ, quăn các lề, các bản nhận xét bị thủng giữa, rách các lề, nếp gấp ngang giấy, ố vàng, ngả vàng. Riêng bản Luận án bằng tiếng Nga được ông đóng lại bìa, phía trong thủng góc phải trên do mối xông, ố vàng, chữ mờ. Luận án có bút tích viết tay của ông và ông cũng đã dán lại giấy vào những phần rách. Năm 2012, GS.TS Nguyễn Văn Thưởng đã dành nhiều thời gian để dịch lại bản luận án tiếng Nga sang tiếng Việt và cẩn thận đánh máy đóng thành quyển. Cuối năm 2013, ông đã trao tặng toàn bộ các tài liệu liên quan đến luận án Phó tiến sĩ của ông cho Trung tâm lưu giữ bảo quản.

Đến nay, tuy đã 48 năm trôi qua kể từ khi GS.TS Nguyễn Văn Thưởng bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ, nhưng đề tài vẫn thể hiện tầm nhìn với sự định hướng của thầy hướng dẫn – GS.VS Popov định hướng. Ông mong rằng, bản luận án vẫn là nguồn tham khảo hữu ích cho những ai quan tâm tới vấn đề thức ăn trong chăn nuôi.

Tâm Loan

________________

[1] Trích phỏng vấn, ghi hình GS.TS Nguyễn Văn Thưởng, ngày 01-8-2013.

[2] Trích phỏng vấn, ghi hình GS.TS Nguyễn Văn Thưởng, ngày 01-8-2013.

[3] Hồi ký “Những năm tháng học tập và nghiên cứu khoa học” của GS.TS Nguyễn Văn Thưởng, viết năm 2011.

[4] Viện XINAO, tên viết tắt tiếng Nga của một Viện chuyên nghiên cứu về thức ăn trong chăn nuôi tại Liên Xô.

[5] Ông Xumilin lúc đó là Phó Viện trưởng Viện Xinao, Liên Xô.