Đó là một trong số những câu chuyện mà bà Nguyễn Thị Nguyệt Minh kể cho chúng tôi nghe về sự giản dị và liêm khiết của GS.TSKH Đồng Sỹ Hiền. Và rồi câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi mỗi lần nhắc đến GS.TSKH Đồng Sỹ Hiền, có lúc giọng bà như nghẹn lại, cố ngăn những giọt nước mắt. Những ký ức xa xưa về một mối tình tuy lệch nhau 14 tuổi nhưng rất “tâm đầu ý hợp” lại ùa về trong tâm trí bà.
Cặp đôi nam sinh Khải Định-nữ sinh Đồng Khánh
GS.TSKH Đồng Sỹ Hiền sinh ngày 6-2-1918 tại Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Ông là con út trong gia đình có 6 anh chị em. Lúc nhỏ do thể trạng bé nhỏ, nên bạn bè thường gọi Đồng Sỹ Hiền là Ômêga (đồng hồ Ômega rất mỏng). Tốt nghiệp trường École primaire Queignec (nay là trường Tiểu học Thanh Long, Huế) năm 1932, Đồng Sỹ Hiền vào học trường Quốc học Huế và lấy bằng Tú tài toàn phần năm 1939. Đồng Sỹ Hiền đã lựa chọn thi vào trường Y Đông Dương để thực hiện mơ ước được khoác trên mình chiếc áo blu trắng. Tuy nhiên, học được một năm, do gia đình khó khăn, không có đủ tiền theo học, Đồng Sỹ Hiền phải chuyển sang học trường Chuyên nghiệp Nông lâm toàn Đông Dương[1] thuộc Đại học Đông Dương ở Hà Nội. Mặc dù đến tuổi thanh niên, nhưng Đồng Sỹ Hiền vẫn ăn mặc giản dị. Trong một lá thư của Giáo sư Hiền gửi cho con trai-Đồng Sỹ Tiến ngày 23-6-1973, ông kể: “Lúc nhỏ, cho đến tuổi 20, bố thiếu ăn thiếu mặc đã đành, đến tuổi thanh niên có điều kiện hơn, bố ăn mặc cũng đơn giản thôi. Cắt tóc cũng chỉ cắt nhanh phiên phiến thôi. Người ta hỏi đùa bố: Thanh niên mà không ăn diện một tí thì làm sao mà các cô yêu được. Bố cười đáp: Nếu họ yêu tôi vì sắc, vì ăn mặc thì không bền được vì tôi không đẹp trai, không đua đòi quần áo được. Cái thế của tôi là tâm hồn tôi, là nội tâm tôi, ai đã hiểu tôi thì tình cảm mới bền. Vậy tôi chẳng cần ăn diện”. Và ông cứ sống cuộc sống thanh đạm, giản dị như vậy, kể cả sau này khi đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau.
Sau khi tốt nghiệp trường Chuyên nghiệp Nông lâm Đông Dương (1942), kỹ sư Đồng Sỹ Hiền được cử làm Hạt trưởng Hạt Thủy lâm Nha Trang. Năm 1944, Kỹ sư Hiền tham gia phong trào thanh niên trí thức ở Nha Trang. Đến năm 1945, ông được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa và Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời phủ Ninh Hòa, Khánh Hòa, phụ trách “Tuần lễ vàng” ở Nha Trang. Do KS Đồng Sỹ Hiền có kinh nghiệm trong ngành Lâm nghiệp, đầu năm 1946, ông được yêu cầu bàn giao lại công việc cho ông Đào Thiện Thi[2] ra Hà Nội theo yêu cầu của Bộ Canh nông mà Bộ trưởng khi đó là ông Cù Huy Cận. Cũng nói thêm, Bộ trưởng Cù Huy Cận và KS Đồng Sỹ Hiền cùng học với nhau từ hồi học tiểu học. KS Đồng Sỹ Tiến-con trai GS.TSKH Đồng Sỹ Hiền nhớ: “Năm 1977, bố tôi có dẫn tôi đến trường Tiểu học Thanh Long và chỉ cho tôi chữ HC[3] khắc liền nhau trên bàn học bằng gỗ lim”. Đến toàn quốc kháng chiến (12-1946), KS Đồng Sỹ Hiền theo Chính phủ lên Việt Bắc, sau đó được cử làm Tổng Thanh tra Bộ Canh nông từ năm 1948. Suốt những năm ở Việt Bắc tuy đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng nhưng kỹ sư Hiền vẫn giữ được thói quen bình dị của mình
Khi quen bà Nguyệt Minh, kỹ sư Hiền đang làm Tổng Giám đốc Nha Lâm chính. Chính sự giản dị của một thanh niên có vóc dáng gầy gò đã gây ấn tượng mạnh mẽ với người con gái được mệnh danh là một trong những “hoa khôi” của trường Đồng Khánh. Người con gái đó là Nguyễn Thị Nguyệt Minh. Nguyệt Minh sinh ngày 18-8-1931. Khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, Nguyệt Minh cùng với nữ sinh của trường hăng hái tham gia may cờ chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa (8-1945) ở Huế và tham gia truyền bá quốc ngữ. Học xong, bà viết đơn tham gia bộ đội nhưng không được chấp nhận vì chưa đủ tuổi. Sau đó, bà ra Thanh Hóa rồi lên Tuyên Quang ở cùng chị gái Nguyễn Thị Minh Lý-vợ của ông Thái Văn Trừng[4]. Trong thời gian ở nhà chị gái, do anh rể – Thái Văn Trừng khi đó là Hiệu trưởng trường Trung cấp Lâm khoa Lâm Thao (Phú Thọ) – thường vắng nhà vì bận công tác ở miền Nam nên bà Minh tham gia phụ giúp thêm công việc gia đình chị gái. Nhờ mai mối của vợ chồng chị gái, bà Nguyệt Minh mới quen biết kỹ sư Hiền. Nay, cứ mỗi khi tháng ba mùa hoa bưởi về lại gợi nhớ cho bà Minh những kỷ niệm ngày đầu hai ông bà gặp gỡ. Bà kể: “Chúng tôi quen được nhau là qua sự mai mối. Lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau là ở chiến khu Việt Bắc, vào mùa hoa bưởi. Cạnh ngôi nhà lá đơn sơ là rặng bưởi nở ngát mùi hương thơm nhẹ nhàng”.
Kỹ sư Đồng Sỹ Hiền cùng vợ – bà Nguyễn Thị Nguyệt Minh và
Giấy khai giá thú của hai ông bà, Tuyên Quang, năm 1951
Mai mối là thế nhưng kỹ sư Hiền không hy vọng lấy được bà Nguyệt Minh vì lúc đó, bà còn quá trẻ lại là hoa khôi của trường Đồng Khánh. Qua thời gian tìm hiểu, bà Minh cảm thấy kỹ sư Hiền là người rất hiền lành, giản dị đúng như tên Hiền của ông vậy và rồi chuyện chênh lệch tuổi tác cũng không ngăn cách được tình cảm của hai ông bà dành cho nhau.
Một năm sau đó, tình yêu bên rặng hoa bưởi cũng kết trái bằng một đám cưới tuy đơn sơ nhưng ấm cúng ngay giữa núi rừng Việt Bắc vào ngày 15-9-1951. Đám cưới do ông bà hoàn toàn “tự biên, tự diễn”. Bà khéo tay, tự rang lạc, làm bánh kẹo để mời khách tới dự hôn lễ thưởng thức. Tuy ông đã đi làm được vài năm nhưng khi lấy nhau, không đủ tiền hai ông bà phải đi vay tiền để mua nhẫn cưới – “tín vật” tượng trưng cho tình cảm vợ chồng hai ông bà. Sau này, trong một lần múc nước ở giếng để tăng gia, không may chiếc nhẫn của ông Hiền bị rơi xuống giếng, ông rất tiếc vì đã mất đi một vật kỷ niệm của hai vợ chồng.
Chung một lối sống
Những năm sau ngày cưới, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, kỹ sư Hiền đi công tác liên miên, một mình bà Nguyệt Minh ở nhà nuôi con. Lúc túng thiếu nhất – khi sinh con đầu lòng – bà đã phải bán chiếc nhẫn cưới còn lại để trang trải cho cuộc sống gia đình.
Sống trong hoàn cảnh mới dù khó khăn đến đâu, ông bà vẫn thích ứng được bởi họ có điểm chung là sống rất giản dị. Sau năm 1954, khi về Hà Nội, kỹ sư Hiền vẫn giữ thói quen của mình. Ông vẫn mặc những bộ quần áo cũ để dành phiếu vải may đồ cho các con. Đến khi bà Minh công tác ở Bộ Nông nghiệp, bà cũng vẫn có lối sống giản dị: “Về Hà Nội mẹ (bà Nguyệt Minh) mới ngoài 20 tuổi, nhan sắc lộng lẫy nhưng mẹ không hề uốn tóc, không hề ăn diện, chỉ có mặc quần vải đen. Nhưng nhờ mẹ có nhan sắc, biết chọn kiểu vừa gọn, vừa kín đáo, nên vẫn luôn luôn chỉnh tề” [5].
Trong suy nghĩ của bà Nguyệt Minh, GS Hiền không chỉ là người “vừa chuyên, vừa hồng” mà còn luôn gần gũi với nhân viên và kể cả những người lái xe. Bà Nguyệt Minh chia sẻ: “Nhà tôi chia sẻ với người lái xe từng quả chuối đem về cho người thân. Tập thể cơ quan ai cũng quý nhà tôi-một lãnh đạo hiền lành, chất phác và quá đỗi giản dị”.
Ngoài sự giản dị, chất phác, GS.TSKH Đồng Sỹ Hiền còn là một người liêm khiết, hết lòng vì đồng nghiệp, bảo vệ cái đúng và sự công bằng. Trong một bức thư Giáo sư Hiền gửi cho học trò-GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung lúc gần cuối đời, ông tâm sự: “Từ trước mình không bao giờ rơi vào vòng xoáy danh lợi, không cầu danh, không vụ lợi. Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp Phan Xuân Đợt thừa nhận rằng mình chưa bao giờ cầu xin cho mình một điều gì cả. Và mình chưa bao giờ xin xỏ tất cả các thủ trưởng của mình. Đúng ra thì có đấy, có xin xỏ đấy…nhưng không phải cho mình…Mình làm mà không nói và không bao giờ nói mà không làm, vì trách nhiệm và nghĩa vụ, bảo vệ cái đúng và sự công bằng”.
Với Giáo sư Hiền, bà Minh là điểm tựa để ông tập trung cho sự nghiệp. Cầm chiếc bằng Tiến sĩ bảo vệ thành công tại Liên Xô về “khoe” với vợ, Giáo sư Hiền đã nói với bà: “Nửa cái bằng Tiến sĩ này là của em. Nếu không có em nuôi dạy các con nên người thì anh không thể yên tâm bảo vệ thành công luận án được”. Trong một bức thư của Giáo sư Hiền gửi bà Minh nhân dịp sinh nhật của bà, ông cũng đã bày tỏ: “Chính em (bà Nguyệt Minh) là nguồn nghị lực lớn lao nhất của anh… Em đảm đang mọi việc trong gia đình, nhiều năm sống xa anh, một mình nuôi dạy con, đã hy sinh bước tiến của em cho bước tiến của anh. Anh vô cùng biết ơn em… Anh nghĩ rằng gia đình chúng ta là gia đình êm ấm bậc nhất, hạnh phúc của chúng ta là hạnh phúc đẹp đẽ bậc nhất. Và anh vô cùng biết ơn em đã đem lại cho anh một niềm hạnh phúc vô giá”[6].
Năm 2001, hai ông bà tổ chức đám cưới vàng và cùng đợi chờ đến ngày tổ chức đám cưới kim cương – kỷ niệm 60 năm ngày cưới, nhưng tiếc thay, dự định ấy không thành… Ông ra đi nhẹ nhàng, thanh thản, nhưng đã để lại niềm tiếc nuối, khoảng trống không thể bù đắp trong gia đình người thân cũng như đồng nghiệp, học trò.
Tiếp chúng tôi tại căn hộ thuộc Khu tập thể Quỳnh Mai – căn hộ mà Giáo sư Hiền được Nhà nước cấp (khi bà Minh thực hiện theo yêu cầu của ông đã trả lại ngôi nhà ở Hoàng Hoa Thám), bà Nguyệt Minh vẫn giữ nguyên tất cả cách sắp xếp trong nhà, các tài liệu, kỷ vật của ông. Bà nghĩ ông chỉ đi đâu xa rồi sẽ lại về. Nay bà tin tưởng và tặng Trung tâm các bản thảo ghi chép của Giáo sư để nghiên cứu, phát huy giá trị. Dù thời gian lùi dần về quá khứ, nhưng hình ảnh của GS.TSKH Đồng Sỹ Hiền luôn đọng lại trong ký ức người thân.
Hoàng Liêm
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
[1] Trường được thành lập ngày 15-8-1938. Theo http://www.vietnamtk20.vn/index.php/devent/314/Toan-quyen-Dong-Duong-ra-Nghi-dinh-thanh-lap-Truong-chuyen-nghiep-Nong-lam-toan-Dong-Duong-%28Ecole-Speciale-d%E2%80%99-Agriculture-et-de-Sylviculture%29.html