Chuyện về một y cụ

Đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Việt Nam đang trong bối cảnh bùng nổ dân số với tổng tỷ suất sinh là 4,8 con/mẹ, đặc biệt mức 4-5 con/mẹ chiếm tới 38,64%[1]. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã phải ban hành chỉ thị thực hiện mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ một đến hai con, để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tiến tới xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, phương pháp tránh thai ở nước ta khi ấy còn nghèo nàn, chủ yếu là “đặt vòng” cho phụ nữ, chưa phổ biến sử dụng bao cao su, uống thuốc tránh thai…, cũng vì thế nên tình trạng nạo, hút, phá thai xảy ra đáng quan ngại. Việc tìm giải pháp kỹ thuật tốt nhằm kiểm soát và giảm sinh đẻ, hạ thấp tỷ lệ tăng dân số trở thành một vấn đề cấp bách đối với ngành y tế lúc đó.

Năm 1980, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) tài trợ cho Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh (nay là Bệnh viện Phụ sản Trung ương) tổ chức lớp học đầu tiên về chương trình kế hoạch hóa gia đình với các kỹ thuật và phương pháp tránh thai hiện đại. Trong đó có kỹ thuật đình sản nữ bằng phương pháp Minilap- pomeroy (mở một đường nhỏ từ 2-5cm ở bụng rồi thắt và cắt vòi tử cung theo kỹ thuật pomeroy triệt sản). Tháng 7-1981, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh Hải Hưng[2] bắt đầu triển khai kỹ thuật này, trực tiếp là khoa Sản do BS Nguyễn Đức Vy phụ trách. Sau hai năm, phương pháp Minilap-pomeroy đã đem lại kết quả đáng khích lệ trong việc thực hiện đình sản. Tuy nhiên, như GS Nguyễn Đức Vy cho biết, khi đó ông nhận thấy y cụ phẫu thuật của UNFPA tài trợ có một số nhược điểm: Thứ nhất, không nâng được tử cung lên tối đa, không quay được thân tử cung theo ý phẫu thuật viên để tìm vòi tử cung. Thứ hai, khi đưa kẹp Hulka vào và nâng tử cung lên rất khó khăn, nguy hiểm, có trường hợp gây thủng tử cung do đầu kìm cong, nhỏ và hơi nhọn. Thứ ba, bác sĩ phải rạch vết mổ lớn để luồn tay vào bụng nâng tử cung lên, rồi cắt và thắt hai vòi tử cung, nếu rạch nhỏ thì dễ gây tai biến, thủng hoặc co thắt tử cung[3]. Vì vậy, không chỉ người phụ nữ rất đau đớn do tìm vòi tử cung quá lâu, mà sau khi mổ còn có thể để lại tai biến từ việc chèn gạc, đẩy ruột…, làm cho tỷ lệ thất bại tăng lên và khiến họ phải nằm lại bệnh viện lâu hơn.Trong quá trình làm việc, BS Nguyễn Đức Vy trăn trở tìm kỹ thuật phẫu thuật mới để khắc phục những điểm hạn chế như kể trên, cho phép vết mổ nhỏ hơn và có tính thẩm mĩ, phù hợp với đường cong của tử cung, đem lại sự an toàn hơn và giảm đau đớn cho người phụ nữ. Ông từng sử dụng nến đốt nhiệt cổ tử cung trong điều trị lộ tuyến, nhưng vẫn không có điểm tỳ, gây thủng tử cung. Đầu nến tròn, diện tiếp xúc ít, nhưng lại hơi to nên phải nong nhẹ cổ tử cung mới đưa được vào buồng tử cung, gây đau và cũng không quay được tử cung khi tìm vòi tử cung để đình sản.

Từ thực tiễn đó, BS Nguyễn Đức Vy đặt ra mục tiêu đưa đình sản nữ mổ nhỏ trở thành một biện pháp để giảm sinh nhanh chóng và chắc chắn, mà người phụ nữ muốn thôi đẻ có thể chấp nhận được[4]. Năm 1983, ông đăng ký đề tài cấp tỉnh nghiên cứu “Cần nâng tử cung với hai vít vô định”, được Ủy ban Khoa học kỹ thuật tỉnh phê duyệt với số đăng ký 124KHKT, thực hiện trong 3 năm. Bắt tay vào nghiên cứu, ông vẽ phác thảo mẫu theo ý tưởng và lên danh sách vật liệu cần dùng. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên ông phải đến chỗ thợ rèn xin vật liệu (cán gỗ, ống inox, đinh, dây đồng…) để tự thiết kế mô hình cần nâng và quay tử cung. GS Nguyễn Đức Vy kể lại: Phần quan trọng nhất của y cụ này là phải có một bộ phận cố định trong tử cung, tôi liền nghĩ đến chiếc máy bay cánh cụp cánh xòe của Mỹ để làm nên hệ thống cánh cụp, xòe cố định ở tử cung. Tôi làm gì có khoan, nên đã đập bẹp đoạn dây đồng làm cánh, dùng đinh đục lỗ nhỏ để buộc nối các đầu cánh lại bằng dây thép, rồi lấy van xe máy làm bộ phận giá đỡ tử cung[5].

Gần một năm sau, mô hình mẫu hoàn thành, BS Nguyễn Đức Vy đạp xe hơn 60 cây số từ Hải Dương lên Nhà máy Cơ khí Trung quy mô Hà Nội (nay là Công ty Cơ khí Hà Nội) để đặt vấn đề sản xuất, nhưng họ từ chối vì không thể thực hiện được. Ông buồn chán, đang không biết phải làm sao thì có anh công nhân của nhà máy gợi ý: Bây giờ bác phải đến chỗ thợ kim hoàn chuyên làm vàng bạc, đồ trang sức, họ rất khéo tay, có khi họ làm được[6]. Quay về Hải Dương, BS Vy đến cửa hiệu vàng của bà Hiệp Thành nhờ làm giúp, nhưng bà lại giới thiệu đến ông Hùng là thợ kim hoàn ở gần ga Kim Thành, cách nhà hơn 20 cây số. Không nản lòng, BS Vy tìm gặp ông Hùng, sau khi xem mẫu y cụ, ông Hùng nhận lời thực hiện.

Nửa tháng sau, ông Hùng tới nhà BS Nguyễn Đức Vy với sản phẩm làm thử: Em đã làm xong mẫu cho bác sĩ rồi, không được đẹp lắm đâu[7]. BS Vy mừng rỡ vì ông thợ đã làm được đúng như bản mẫu. Chiếc cần nâng và quay tử cung làm bằng inox, gồm ba bộ phận chính: tay cầm, bộ phận điều chỉnh và phần đầu nâng. Sau 6 tháng ứng dụng, cả 48 trường hợp mổ dùng dụng cụ này đều đạt kết quả tốt. Tháng 11-1986, đề tài được nghiệm thu tại Hội đồng Khoa học kỹ thuật tỉnh Hải Hưng, với kết luận: Toàn bộ tử cung và phần phụ được nâng lên bởi giá đỡ và cánh xòe, do có cánh xòe nên cần nâng không tụt ra khi làm phẫu thuật, cần nâng quay được sang hai bên để lấy vòi tử cung mà không phải cho tay vào ổ bụng. Tiến hành phẫu thuật nhanh gọn ngoài ổ bụng, ít tai biến[8].

 

Cần nâng và quay tử cung VY- 86 của GS Nguyễn Đức Vy

Năm 1987, đề tài “Cần nâng tử cung với hai vít vô định” được báo cáo ở Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh, nhận được sự quan tâm của các giáo sư, bác sĩ trong ngành. Ngày 4-3-1987, y cụ này được Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước cấp bằng sáng chế số 030, với tên gọi là “Cần nâng và quay tử cung VY-86”. Hội đồng Khoa học Kỹ thuật Trung ương đã tuyển chọn đề tài này đưa đi tham gia triển lãm quốc tế 17 nước ở Moskva, Liên Xô và giành được Huy chương Bạc (số hiệu N0 416-H CCCP).

Với cần nâng và quay tử cung, phẫu thuật viên dễ dàng tiếp cận từng vòi tử cung bằng dụng cụ mà không phải cho tay vào trong tiểu khung để tìm. Bộ cánh cụp – xòe giúp quay được tử cung về từng bên để lộ rõ vòi tử cung dưới vết mổ nhỏ chỉ khoảng 2cm, do đó phẫu thuật thuận lợi, chính xác. Thiết bị này có giới hạn rõ rệt, đảm bảo chiều sâu mà cần nâng cần đặt tới và lại cố định chắc chắn, tránh gây thủng tử cung. Hơn nữa, nếu trước kia mổ đình sản phải gây mê, thì nay chỉ cần gây tê tại chỗ. Sử dụng y cụ này, phẫu thuật viên có thể can thiệp nhanh chóng, không gây tai biến hoặc thủng, rách tử cung, còn người phụ nữ thì không đau đớn và được ra về ngay sau khi thực hiện đình sản. Nhờ vậy, theo GS Nguyễn Đức Vy, mổ đình sản nữ giảm thời gian từ 40 phút/ca xuống còn khoảng từ 7-10 phút/ca, mỗi ngày một ê-kíp có thể phẫu thuật được khoảng 30-40 trường hợp, mà vết mổ lại nhỏ[9].

GS Nguyễn Đức Vy với “Cần nâng và quay tử cung VY-86”, tháng 6-2018

Tại Hải Hưng, tất cả các bệnh viện tỉnh, huyện, thị xã và các trung tâm kế hoạch hóa gia đình đều trang bị cần nâng và quay tử cung VY-86. Các bác sĩ được tập huấn nhiều đợt để sử dụng thành thạo dụng cụ này trong mổ đình sản nữ. GS Nguyễn Đức Vy cho biết: Cần nâng và quay tử cung đã giúp việc đưa dịch vụ đình sản nữ có mổ về tận y tế cơ cở, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nữ nông dân[10]. Tính đến năm 1993, ở tỉnh Hải Hưng đã có 16.512 trường hợp mổ Minilap-pomeroy dùng cần nâng và quay VY-86[11].

Qua những thành công ở Hải Hưng, năm 1993 cần nâng và quay tử cung VY-86 được sản xuất hàng loạt tại Nhà máy Y cụ II ở thị xã Sông Công, Thái Nguyên. Trong khi sản xuất, có một số thay đổi theo yêu cầu của BS Nguyễn Đức Vy: vít nhanh hơn; cạnh của cánh cụp, cánh xòe được làm trơn nhẵn; tay cầm được làm bằng thép không gỉ[12]. Sau đó, dụng cụ này được giới thiệu ở các cuộc hội thảo về công tác bảo vệ bà mẹ trẻ em và kế hoạch hóa gia đình, tổ chức ở Bộ Y tế, Huế, Hải phòng… Từ đây, nhiều tỉnh thành cử cán bộ về Hải Hưng tập huấn, thực hành mổ đình sản nữ với cần nâng và quay tử cung VY-86, như: Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Gia Lai…

Cũng năm đó, sau khi nghe BS Nguyễn Đức Vy báo cáo kết quả sử dụng cần nâng và quay tử cung VY-86 trong đình sản nữ ở Tổng hội Y học Việt Nam, BS Phạm Mạnh Hùng khuyên: Đây là vấn đề hay, thiết thực, BS Vy nên phát triển làm luận án phó tiến sĩ[13]. Sau nhiều ngày suy nghĩ và qua kết quả ứng dụng y cụ này, ông quyết định làm luận án phó tiến sĩ với đề tài “Nghiên cứu cải tiến phẫu thuật mổ đình sản nữ bằng cần nâng và quay tử cung VY-86”. Năm 1995, ông bảo vệ thành công luận án tại trường Đại học Y Hà Nội. Từ khoa Sản của Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh Hải Hưng, BS Trần Kim Văn gửi bản nhận xét luận án, trong đó có viết: Cần nâng và quay tử cung VY-86 sử dụng trong đình sản nữ là một tiến bộ trong phẫu thuật đình sản. Cần nâng có nhiều ưu điểm, ưu việt và rõ ràng là an toàn – chính xác – tiết kiệm – dễ dử dụng, có thể phổ biến rộng rãi cho tất cả các tuyến[14]. Đặc biệt, GS Nguyễn Đức Vy không thể nào quên lời nhận xét của GS Nguyễn Thìn – Phó viện trưởng Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh tại buổi bảo vệ luận án năm ấy: Tỉnh Hải Hưng có BS Nguyễn Đức Vy tài ba lỗi lạc[15]. Còn với ông, sáng chế cần nâng và quay tử cung VY-86 là khởi nguồn và tạo đà cho ông trên con đường nghiên cứu khoa học sau này.

Hiện nay, mổ đình sản nữ được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi hiện đại. Cần nâng và quay tử cung VY-86 đã làm tốt vai trò của mình trong thời gian dài, khi nền khoa học và công nghệ ở nước ta còn chưa phát triển. Sáng chế này của GS.TS Nguyễn Đức Vy là thành quả lao động khoa học sáng tạo từ tâm đức và tinh thần trách nhiệm của một bác sĩ hết lòng vì bệnh nhân. Ngày 4-6-2018, ông trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam cả mô hình mẫu và dụng cụ thành phẩm của cần nâng và quay tử cung VY-86, hai vật chứng về câu chuyện trên đây.

Tạ Thị Anh

______________________

*GS.TS.TTND Nguyễn Đức Vy, chuyên ngành Y học, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương (1998-2004).

1] PGS.TS Nguyễn Đức Vy, Vi phẫu vòi tử cung, Nxb. Y học, Hà Nội, 2007, tr. 14.

[2] Nay là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.

[3] Tài liệu ghi âm GS.TS Nguyễn Đức Vy, 4-6-2018, lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN.

[4] Nguyễn Đức Vy, “Nghiên cứu cải tiến phẫu thuật mổ đình sản nữ bằng cần nâng và quay tử cung Vy-86”, luận án phó tiến sĩ, 1995, lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN, tr. 110.

[5] Tài liệu ghi âm GS.TS Nguyễn Đức Vy, 4-6-2018, đã dẫn.

[6] Tài liệu ghi âm GS.TS Nguyễn Đức Vy, 4-6-2018, đã dẫn.

[7] Tài liệu ghi âm GS.TS Nguyễn Đức Vy, 4-6-2018, đã dẫn.

[8] Sở Y tế Hải Hưng, “Bản nghiệm thu đề tài khoa học kỹ thuật”, 27-11-1986, lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN.

[9] Tài liệu ghi âm GS.TS Nguyễn Đức Vy, 4-6-2018, đã dẫn.

[10] Tài liệu ghi âm GS.TS Nguyễn Đức Vy, 4-6-2018, đã dẫn.

[11] PGS.TS Nguyễn Đức Vy, Vi phẫu vòi tử cung, đã dẫn, tr. 19.

[12] Nhà máy Y cụ II, “Bản ghi nhớ”, 9-10-1993, lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN.

[13] Tài liệu ghi âm GS.TS Nguyễn Đức Vy, 14-7-2018, đã dẫn. Về sau ông Phạm Mạnh Hùng trở thành GS.TSKH, Thứ trưởng Bộ Y tế (1997-2003).

[14] Nguyễn Đức Vy, luận án “Nghiên cứu cải tiến phẫu thuật mổ đình sản nữ bằng cần nâng và quay tử cung Vy-86”, đã dẫn, Phụ lục 2.

[15] Tài liệu ghi âm GS.TS Nguyễn Đức Vy, 14-7-2018, lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN.