GS.TS. Nguyễn Thái Yên Hương – Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao.
Cô cũng là một người hết lòng vì Học viện, nơi cô đã gắn bó suốt quãng đời Đại học và tròn 30 năm làm việc cho đến ngày 22/10/2015 khi được Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước ra quyết định công nhận đủ tiêu chuẩn Giáo sư Sử học. Từng được biết đến cô với nhiều biệt danh như “người đàn bà thép của Bộ Ngoại giao” và “Nhà giáo có nhiều con”, khi gặp cô, tôi vẫn cảm thấy một cảm giác khá tươi trẻ song không kém phần nghiêm túc. Tuy nhiên, cô không muốn nói nhiều về bản thân mình. Có lẽ những gì tôi viết được ra dưới đây cũng xuất phát từ sự chân tình và tình cảm tôi dành cho cô.
Mong muốn hiểu “đối tác” gần như chính họ
Ngay từ khi được giữ lại Học viện Ngoại giao sau khi tốt nghiệp trong tốp đầu năm 1985, cô đã có tâm nguyện trở thành một chuyên gia về một lĩnh vực nghiên cứu, dù lúc đó chưa xác định mình sẽ dành gần như trọn đời nghiên cứu và giảng dạy về một đất nước có nhiều “chuyện” với Việt Nam – nước Mỹ. Cô từng tâm sự, khi được trúng tuyển vào chương trình Thạc sĩ tại Đại học Notre Dame, bang Indiana (Mỹ) năm 1992, cô nguyện cố gắng “nghiên cứu và học hỏi để sao có thể hiểu người Mỹ gần được như chính họ”, đây là lời dặn của một cán bộ lão thành của Bộ Ngoại giao, bác Bùi Xuân Ninh, người định hướng cho cô theo đuổi con đường nghiên cứu để trở thành chuyên gia về Mỹ, không chỉ trong ngành đối ngoại mà cả trong giới khoa học trong nước.
Tròn 30 năm gắn bó với nghiên cứu và giảng dạy, vị nữ Giáo sư đầu tiên của ngành Ngoại giao đã đóng góp không ngừng nghỉ vào sự phát triển và khẳng định vị thế của Học viện Ngoại giao trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam và trong hệ thống các cơ quan nghiên cứu trong cũng như ngoài nước.
Cô Nguyễn Thái Yên Hương luôn ý thức được việc gắn công tác nghiên cứu với công tác giảng dạy. Cô cho rằng một khi kiến thức nghiên cứu đã được tiếp nhận, trở thành của bản thân thì sẽ góp phần nâng chất lượng các buổi lên lớp của mình. Cô là tác giả, chủ biên của nhiều công trình nghiên cứu được công bố và các công trình nghiên cứu cấp bộ, cấp nhà nước thuộc quản lý của Bộ Ngoại giao và cả một số cơ quan khác. Một số công trình được nhiều người quan tâm như: Liên bang Mỹ – Đặc điểm xã hội văn hóa (Nxb. Thế giới năm 2005), Các vấn đề về nghiên cứu Hoa Kỳ (Đồng chủ biên, Nxb. Giáo dục năm 2010)… Gần đây nhất là cuốn Lịch sử Hoa Kỳ từ khi lập quốc đến thế kỷ XIX (Nxb. Giáo dục năm 2015). Bên cạnh đó, cô cũng tham gia nhiều Hội thảo quốc tế và có bài viết đăng ở nhiều tạp chí nghiên cứu nước ngoài.
Nhân dịp 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, cô có bài viết Chiến lược tái cân bằng của Mỹ – Cơ hội cho sự phát triển Quan hệ giữa Washington – Hà Nội đăng trên Tạp chí Strategic Vision for Taiwan Security/ ISN 2227 3646 số 8/2014. Cô cũng góp phần đào tạo nên những tiến sĩ quan hệ quốc tế đầu tiên của Học viện, trong đó một số người hiện nay đã khẳng định được vị trí của mình như TS. Lê Hải Bình – Vụ trưởng, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, TS. Lê Đình Tĩnh – Tham tán tại Đại sứ quán Việt Nam tại Washington và Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh Park No Wan.
Do yêu cầu công tác, hoạt động ngoại giao kênh hai cũng là nơi GS.TS. Nguyễn Thái Yên Hương vận dụng những kiến thức có được từ nghiên cứu của mình. Cô là đại diện cho các cơ quan nghiên cứu ASEAN đồng chủ tịch với đại diện của Mỹ, tại Hội đồng An ninh châu Á – Thái Bình Dương (CSCAP) nhiệm kỳ 2013-2015.
Không nỡ dứt áo ra đi
Với GS.TS. Nguyễn Thái Yên Hương, việc đầu tư công sức cho sự nghiệp trồng người là một niềm đam mê. Cô nghĩ rằng: “Là người truyền đạt kiến thức cho lớp trẻ, nếu mình có tâm với học trò thì tất sẽ được học trò yêu quý”. Cô vẫn tâm đắc với những lời tâm sự của các bậc đàn anh đi trước. Cô nhớ lại, trong một lần theo dõi trên truyền hình, một nhà giáo đã nói: “Nghề giáo là nghề ươm giống mà không phải là người thấy được cây đơm hoa kết trái” hay có một Giáo sư cho rằng: “Người thầy, nghề giáo nói chung có hai điều thiêng liêng nhất phải có, đó là tâm huyết với nghiệp làm thầy làm cô của mình và phải quan tâm mình là thế nào trong mắt các học trò”.
Tôi từng hỏi cô rằng, là giảng viên ngành đối ngoại, đối với cô điều gì quan trọng nhất. Cô cười và nói, đã là nhà giáo thì nhà giáo nào cũng vậy. Điều quan trọng nhất là “tình thương và có tâm với học trò” vì điều này rất rộng, một khi có tâm với nghề, mình thấy có trách nhiệm truyền đạt kiến thức một cách sống động hơn, dám triển khai những phương pháp dạy hay mà mình tiếp thu cũng như học được từ người khác.
Cô tâm sự, nếu mọi giáo viên đều mong cây của mình kết trái sớm thì giáo viên đó chắc không kiên nhẫn để đi đến cùng với đám trò yêu quý, đôi khi khá tinh quái của mình. Có lẽ bởi vậy mà hơn 30 năm tham gia sự nghiệp trồng người, học trò đã trở thành nguồn sống của cô và giữ cô gắn bó với cơ sở đào tạo, không nỡ dứt áo ra đi.
Là một giảng viên có kinh nghiệm và chuyên môn sâu về Hoa Kỳ học, GS.TS. Nguyễn Thái Yên Hương còn là một cán bộ rất năng động trong tác quản lý và nâng cao uy tín của Học viện. Trong công việc, cô luôn là một người quyết đoán, dám nhận trách nhiệm và luôn cùng anh chị em đi đến tận cùng của kết quả. Cô là người góp phần tích cực cho việc mở đào tạo Tiến sĩ ngành quan hệ quốc tế tại Học viện, là cơ sở đầu tiên trong cả nước đào tạo chuyên ngành này. Đến nay đã có mười Tiến sĩ tốt nghiệp. Cô cũng là người đứng ra chịu trách nhiệm với lãnh đạo mở hai ngành đào tạo Thạc sĩ về Luật Quốc tế và Kinh tế Quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và hội nhập của đất nước. Cô không ngần ngại cùng đồng nghiệp tìm và chọn trường để triển khai chương trình liên kết đào tạo Thạc sĩ và Cử nhân quan hệ quốc tế với Đại học Victoria (Wellington, New Zealand).
Đến hôm nay, với ba thập niên trong nghề, cô cảm thấy may mắn vì có được sự hậu thuẫn to lớn từ gia đình, người thân và đồng nghiệp. Nhiều người hỏi cô cảm xúc khi trở thành nữ giáo sư đầu tiên của ngành đối ngoại, cô tâm sự, đôi khi cứ vì những nề nếp đã hình thành của gia đình mà im lặng phấn đấu chứ không vì một cái gì to lớn như mọi người vẫn nghĩ.
Cô cho rằng, mỗi người một mệnh, một con đường phấn đấu để làm sao mình trở thành người có ích cho cộng đồng. Cô luôn suy nghĩ rằng cuộc sống rất công bằng. Cô kể lúc trao Quyết định Giáo sư cho cô, Phó Chủ tịch nước, GS.TS. Nguyễn Thị Doan đã nói: “GS Sử hả? Khó đấy. GS. đầu tiên của Bộ Ngoại giao à? Cố gắng em nhé”.
Cô nói bây giờ không có niềm tin thì sẽ không thể gắn bó với nơi mình làm việc và tận tâm với điều mình theo đuổi. Có thể nói, niềm tin chính là động lực đưa cô tới đỉnh cao của sự thành công sau những năm miệt mài gắn bó với công việc nghiên cứu và giảng dạy.
Hằng Phạm
Nguồn:www.tgvn.com.vn/Item/VN/NgoaiGiao/2015/11/8FF7EB4E17485F79/