Chuyện về “Thanh kiếm Nhật” của Giáo sư, Viện sĩ Tôn Thất Tùng

Khi trường Đại học Y Dược khoa rút khỏi Thủ đô sau ngày toàn quốc kháng chiến, phải di chuyển từ Hà Nội về vùng nam Hà Đông, lên thị xã Tuyên Quang, rồi theo quốc lộ 2 tới cây số 31 thì rẽ vào huyện lỵ Chiêm Hóa và cuối cùng chốt lại ở khu vực làng Ải, nằm ở hai bên bờ ngòi Quẵng, một con ngòi nhỏ chảy theo hướng Bắc-Nam, đổ ra sông Gâm.

Từ huyện lỵ Chiêm Hóa, đi theo đường rừng khoảng 5 km thì tới khu vực của trường. Khu bờ phải của ngòi Quẵng là nơi có Bệnh viện thực hành và khu lán ở, giảng đường của sinh viên, vượt qua ngòi Quẵng sang bờ trái, đi ngược lên hướng Bắc 1-2 cây số là khu lán ở của cán bộ giảng dạy của trường. Nhà của bác sĩ Vưu Hữu Chánh nằm ngay lối vào, đi ngược lên phía Bắc cũng là ngược hướng ngòi Quẵng thì tới khu lán ở của gia đình các thầy Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng. Gần đó còn có nhà ở của Bộ trưởng Bộ quốc gia giáo dục Nguyễn Văn Huyên, của Vụ trưởng Vụ Đại học Ngụy Như Kontum.

Ngòi Quẵng vào mùa khô dòng nước chảy lặng lẽ, mực nước không sâu, nhiều đoạn có thể lội qua được, tại khu vực trường "cắm chốt", mực nước sâu hơn, nên thường dùng bè mảng với sào đẩy qua lại dễ dàng. Tới mùa mưa, nước ngòi Quẵng dâng cao và chảy xiết, dùng mảng khó khăn, thì phải có thuyền chở khách qua ngòi.

GS.TS Nguyễn Duy Tuân và bà Vi Thị Nguyệt Hồ

trao đổi thông tin về thanh kiếm Nhật của GS Tôn Thất Tùng

Địa điểm của trường được chọn nằm sâu trong căn cứ địa Việt Bắc, khá kín đáo và an toàn. Vậy mà trong chiến dịch tấn công lên Việt Bắc thu đông năm 1947, giặc Pháp vẫn cố tìm đánh lên Chiêm Hóa vào khu vực của trường Đại học Y Dược tản cư. Chúng dùng tàu chiến chở quân từ Tuyên Quang ngược theo sông Lô, vào sông Gâm, đổ quân lên chiếm đóng thị trấn huyện lỵ Chiêm Hóa. Từ huyện lỵ Chiêm Hóa, chúng theo đường rừng tiến đánh vào khu vực của trường với mục đích tìm bắt các nhà trí thức của ta như Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Ngụy Như Kontum… đưa về Hà Nội. Nhưng có lẽ do cách tính toán hợp lý, cảnh giác cao của ta nên chúng đã hoàn toàn thất bại. Ngay khi quân Pháp bắt đầu đổ bộ lên Bắc Cạn mở đầu cho chiến dịch tiến công lên Việt Bắc, thì trường Đại học Y Dược đã tạm thời ngừng hoạt động và cho sinh viên phân tán về các đơn vị chiến đấu, hoặc về gia đình, hoặc sơ tán sâu vào vùng rừng núi Chiêm Hóa. Muốn tiến vào khu vực trường Đại học Y Dược đóng quân, chúng phải đi theo đường rừng vào làng Ải, tới khu vực ở của sinh viên (lúc này đã sơ tán hết), rồi mới qua ngòi Quẵng, tìm tới khu lán ở của các thầy của trường. Chính vì vậy mà các thầy và gia đình đã kịp rời lán ở, lui sâu vào trong rừng. Chúng lùng sục sâu trong rừng, bắc loa tuyên truyền, kêu gọi các thầy về theo chúng, nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng của núi rừng. Ngược lại, khi rút lui theo đường sông, nhiều tàu chiến của chúng đã bị pháo binh của ta bắn cháy trên sông Gâm, sông Lô.

Trở lại với câu chuyện kể về thanh kiếm Nhật của Giáo sư Tôn Thất Tùng. Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, trường Đại học Y – Dược và Bệnh viện thực hành trở về thủ đô, Giáo sư Tôn Thất Tùng lúc đó vừa giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế, vừa trực tiếp làm Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn[1]. Để xây dựng Bệnh viện Phủ Doãn, Chính phủ ta đã được sự giúp đỡ tận tình của Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức. Nhiều chuyên gia y tế của Cộng hòa Dân chủ Đức được cử sang giúp đỡ xây dựng bệnh viện. Giáo sư người Đức R.Kirsch, một bác sĩ ngoại khoa giỏi của Bệnh viện Đại học Charite, thuộc Đại học Humboldt Berlin của Cộng hòa Dân chủ Đức, trực tiếp làm trưởng đoàn chuyên gia. Trong công tác xây dựng bệnh viện, một mối quan hệ thân tình đã nảy nở giữa Giáo sư Tùng và Giáo sư Kirsch. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giúp xây dựng Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cộng hòa dân chủ Đức và trở về nước, Giáo sư Kirsch vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với Việt Nam cũng như với Giáo sư Tôn Thất Tùng. Ông đã giúp cho nhiều cán bộ y tế Việt Nam được qua học bổ túc tại Cộng hòa Dân chủ Đức cũng như vận động để Chính phủ Đức có nhiều viện trợ về trang thiết bị y tế cho Việt Nam. Có lẽ chính vì mối quan hệ thân thiết đó mà Giáo sư Tùng đã tặng cho GS Kirsch thanh kiếm Nhật, một kỷ vật đã gắn bó với ông trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp.

Tháng 5 năm 2014, nhân dự buổi khai trương Trưng bày “Khát vọng học hỏi và sáng tạo” của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, giới thiệu về 3 nhà khoa học ngành y Việt Nam là: Giáo sư, Viện sĩ Tôn Thất Tùng; Giáo sư, Tiến sĩ, Đại tá Nguyễn Thúc Tùng và Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Đại tá Nguyễn Văn Nhân, tôi có dịp tiếp xúc với phu nhân Giáo sư Tôn Thất Tùng – bà Vi Thị Nguyệt Hồ. Tôi hỏi bà có biết ai đã tặng cho Giáo sư Tùng thanh kiếm Nhật không, bà trả lời là không rõ. Tôi lại hỏi thanh kiếm ấy bây giờ ở đâu, bà cũng không biết. Tôi đã cho bà biết: "Giáo sư Tùng đã tặng thanh kiếm Nhật cho Giáo sư người Đức R. Kirsch".

Chuyện thanh kiếm Nhật được Giáo sư Tùng tặng cho Giáo sư Kirsch, tôi chỉ biết gián tiếp qua đọc những thư của Giáo sư Kirsch gửi cho Giáo sư Tùng. Sau khi hết nhiệm vụ giúp đỡ Việt Nam, Giáo sư Kirsch trở về nước, nhưng giữa ông và Giáo sư Tùng thường xuyên có thư qua lại, vừa trao đổi công việc, cùng phối hợp viết sách về các bệnh nhiệt đới, vừa là thăm hỏi sức khỏe. Giáo sư Kirsch không giỏi tiếng Pháp, ông cũng tự nhận như thế. Vì vậy, hầu hết những thư gửi cho Giáo sư Tùng, ông đều viết bằng tiếng Đức và nhờ bà Irène Mode dịch sang tiếng Pháp[2]. Để nghiên cứu tìm hiểu những thư đó, năm 2013, tôi đã giúp Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam dịch nội dung những thư của Giáo sư Kirsch, từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Trong những thư dịch gửi Giáo sư Tùng, phần cuối thư và tái bút bà Mode thường có vài lời hỏi thăm sức khỏe Giáo sư Tùng, bà Nguyệt Hồ và gia đình, cũng như các bạn cũ ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cộng hòa Dân chủ Đức. Và trong một bức thư, bà đã viết: Giáo sư Kirsch rất quý món quà tặng của Giáo sư Tùng là thanh kiếm Nhật.

Giáo sư Tùng đã mất năm 1982. Trước đó nhiều năm, Giáo sư Kirsch cũng mất do bệnh ung thư hạch di căn. Hai ông tuy đã đi xa, nhưng vẫn để lại cho chúng ta một tấm gương sáng về tình bạn cao quý xuyên quốc gia, về tinh thần đoàn kết quốc tế trong hoạt động khoa học kỹ thuật.

Hà Nội, ngày 25 tháng 7 năm 2014

GS.TS Nguyễn Duy Tuân

Nguyên sinh viên Trường Đại học Y – Dược, khóa 1947

 * Mảng là loại bè làm bằng nhiều ống bương được ghép lại.

[1] Bệnh viện Phủ Doãn năm 1958 được đổi tên thành Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cộng hòa Dân chủ Đức (nay là Bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức).

[2] Bà Irène Mode nguyên là phiên dịch Đức-Pháp, đã từng sang Việt Nam trong đoàn chuyên gia của Cộng hòa Dân chủ Đức do Giáo sư Kirsch làm Trưởng đoàn.