Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Mẫn sinh năm 1934 tại Bắc Ninh trong một gia đình nhà giáo. Cha ông là giáo viên cấp I và thường xuyên phải chuyển công tác vì vậy từ nhỏ ông đã theo cha sống và học tập ở nhiều nơi. Nhưng có lẽ nơi để lại cho ông những kỷ niệm sâu sắc nhất là thời gian ở Lục Nam, Bắc Giang. Giáo sư Nguyễn Công Mẫn nhớ lại: “Thời kỳ đó tôi mới lên 7 tuổi, học lớp đồng ấu nhưng tôi vẫn nhớ hình ảnh những người chết trên bờ sông Lục Nam, những xe bò chở xác người chết đi chôn qua cửa nhà trong nạn đói kinh hoàng năm 1945. Song cuộc sống nơi đây khi ấy cũng có những điều thú vị với tôi. Hồi đó cha tôi có thú chơi đàn vì thế trong nhà có một số nhạc cụ như đàn Bầu, đàn Nhị và cứ đến thứ 7 ông cụ mời các bạn bè đến đàn hát nên có phần vui vẻ” [1].
Nhưng không lâu sau mẹ ông qua đời, và ông phải chịu thiệt thòi khi thiếu bàn tay chăm sóc của người mẹ. Rồi cả gia đình khăn gói mang đồ đạc theo cha ông chuyển công tác về Bình Hà, Thanh Hà, Hải Dương trên một chuyến đò dọc. Ở đây được một thời gian ngắn, sau một trận càn của giặc Pháp gia đình ông chuyển về 166B phố Lê Lợi, thành phố Hải Phòng. Được sự giúp đỡ của bác Hưng (anh trai của cha), gia đình ông có một cửa hàng nhỏ bán tạp hóa để trang trải cuộc sống hàng ngày. Chính trong thời gian này việc học của Nguyễn Công Mẫn bị gián đoạn do gia đình gặp nhiều khó khăn.
Về Hải Phòng ông bỏ qua lớp Đệ Thất và theo học ngay lớp Đệ Lục, bậc Trung học Đệ Nhất cấp tại trường Ngô Quyền. Thời gian này, sức khỏe của ông rất kém, gầy yếu, ho nhiều lại bỏ qua lớp Đệ Thất nên gặp nhiều khó khăn trong việc học. Giáo sư Nguyễn Công Mẫn nhớ lại: “Khi đó cha tôi đã động viên và hướng tôi phải rèn luyện thân thể. Tôi nhớ thời gian ấy dậy sớm tập thể dục rất khó khăn, lúc đầu tôi tập các động tác vận động nhẹ nhàng rồi đến tập tạ, lên xà và tập đều rồi cũng quen. Nhờ đó sức khỏe dần tốt lên đã giúp tôi có điều kiện học tốt hơn” [2].
Thời gian đầu Nguyễn Công Mẫn phải cố gắng rất nhiều để học theo kịp các bạn trong lớp, ông chịu khó đọc sách, riêng với môn tiếng Anh ông phải đến nhà người quen để học thêm. Với tinh thần tự học và cố gắng của bản thân, kết quả học của ông tiến bộ rõ rệt, từ vị trí 32 trên tổng 42 học sinh trong tháng 12-1950 đến những tháng tiếp sau đã dần vươn lên và đứng vị trí thứ 4 vào tháng 4-1951.
Hai trang trong cuốn Thông tín bạ của học sinh Nguyễn Công Mẫn,
với điểm số các môn học và nhận xét của gia đình
Bên cạnh sự cố gắng của bản thân, Nguyễn Công Mẫn luôn nhận được sự quan tâm động viên của cha, một lần xem điểm tổng kết các môn phát hiện ra nhà trường cộng sai điểm, cha ông đã ghi vào phần ý kiến của gia đình trong cuốn Thông tín bạ: “Cộng sai, tổng cộng 150,5 chứ không phải 141, điểm số trung bình 10,75. Yêu cầu ngài chữa lại cho, ngày 14-12-1950” [3].
Những tháng tiếp theo cha ông nhận xét: “Cháu tấn tới hơn tháng trước, tôi rất sung sướng. Tháng này cháu tiến nhiều tôi không quên ơn các ngài đã săn sóc đến cháu”, 30-3 và 23-4-1951” [4].
Sự tiến bộ của Nguyễn Công Mẫn cũng được các thầy giáo khen ngợi “Đã tấn tới nhiều, khá, chăm chỉ”. Cuối năm học Đệ Lục, Nguyễn Công Mẫn được thầy Hiệu trưởng nhận xét và động viên: “Đã tấn tới. Cố lên!”
Khi học xong bậc Trung học Đệ Nhất Cấp tại Hải Phòng, ông thi đỗ vào Ban Toán trường Trung học Chu Văn An, Hà Nội. Trong năm học lớp Đệ Nhị do đạt thành tích xuất sắc trong học tập (Xếp thứ nhất trong tổng số 57 học sinh của lớp) và được giấy khen khi tham gia phong trào thể thao của trường, Nguyễn Công Mẫn vinh dự được lĩnh thưởng trong Đại hội Tổng kết khóa học đầu tiên của ngành Giáo dục Hà Nội sau ngày giải phóng, tổ chức ngày 16-7-1955 tại Nhà hát Nhân dân Hà Nội.
Đến năm học lớp Đệ Nhất ông được các bạn tín nhiệm bầu làm khối trưởng, ông còn tham gia tích cực các hoạt động đoàn thể của trường nhưng do có phương pháp học tập hiệu quả, nên kết quả học vẫn tốt. Trong báo cáo cá nhân, ông viết: “Tham gia học tập nhóm, có tinh thần cố gắng và xây dựng, luôn góp ý để cải tiến phương pháp học tập. Lúc đầu nhóm học 3 lần 1 tuần, sau thấy chưa đủ đã tăng lên 5 lần 1 tuần và áp dụng phương pháp “sào bài ngay” nhờ đó việc học nhóm đã thu được kết quả tốt, đã tiết kiệm được thời gian học tập… riêng cá nhân đã làm thời khóa biểu hàng tuần để làm việc… đã thực hiện được việc tóm tắt các bài học những môn chính (toán, lý, hóa) do đó sự nhớ tương đối đã có hệ thống.” [5]. Cuối năm học đó Nguyễn Công Mẫn đạt danh hiệu cá nhân xuất sắc toàn năm của Trường.
***
Đã hơn 6 thập niên trôi qua, đến nay cậu học trò Nguyễn Công Mẫn ngày nào đã trở thành nhà giáo, nhà khoa học có những đóng góp cho xã hội. Tinh thần cố gắng vươn lên trong học tập luôn được ông truyền lại cho các thế hệ học trò. Trải qua thời gian, hai cuốn Thông tín bạ bậc Trung học Đệ Nhất (1950-1953) và Đệ Nhị Cấp (1953-1956) với điểm số các môn học như Quốc văn; Hán văn; Toán; Lý- Hóa; Vạn vật; Pháp văn; Sinh ngữ (Anh); Sử; Địa lý; Thể thao và Võ bị v.v. đến nay không còn nguyên vẹn do côn trùng cắn hại, một số trang đã long rời nhưng những dòng chữ nhận xét của thầy giáo, đặc biệt là những ý kiến của cha ông viết bằng bút máy mực đen, đỏ, xanh vẫn còn rõ nét, dễ đọc. Không chỉ lưu giữ cẩn thận 2 cuốn Thông tín bạ bậc Trung học Đệ Nhất cấp và Đệ Nhị cấp, GS Nguyễn Công Mẫn còn lưu giữ được những Phiếu danh dự của trường Trung học Ngô Quyền, Hải Phòng năm 1951-1952. Giấy khen, Bằng danh dự dành cho học sinh xuất sắc của lớp và trường, Giấy khen về thành tích khi tham gia các hoạt động thể dục thể thao của trường Trung học Chu Văn An. Đặc biệt trong số tài liệu đó là Giấy mời học sinh có thành tích xuất sắc dự Đại hội Tổng kết khóa học đầu tiên của ngành Giáo dục Hà Nội, do Sở Giáo dục Hà Nội mời, tháng 7 năm 1955. Những tài liệu này đã được GS Nguyễn Công Mẫn tin tưởng trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ và bảo quản.
Giang Thị Nhung
______________________
[1]; [2] Nội dung phỏng vấn GS.TS Nguyễn Công Mẫn, ngày 10-8-2012.
[3]; [4] Thông tín bạ giữa Gia đình và Học đường bậc Trung học Đệ Nhất cấp, trường Trung học Ngô Quyền, Hải Phòng của Nguyễn Công Mẫn.
[5] Báo cáo cá nhân của Nguyễn Công Mẫn, lớp 1 B, trường Trung học Chu Văn An.