Sau khi đỗ tốt nghiệp Trung học chuyên khoa ở Hậu Hiền, Thanh Hóa, chàng thanh niên Bùi Tung đã có sẵn trong mình khát khao đi học tiếp nhưng chưa có một định hướng cụ thể nào. Ông nói: bây giờ có nhiều trường để học sinh có sự lựa chọn nhưng thời các ông chỉ có 2 trường là trường Luật và trường Y. Mà khi ông lên đến Việt Bắc thì trường Luật đã bị Pháp đánh bom rồi, chỉ còn trường Y nên ông chọn trường Y là nơi học tập. Với mục đích đào tạo các bác sĩ để cứu chữa cho các thương binh trong cuộc kháng chiến toàn dân nên lớp Y50 được học theo kiểu học 1 năm, năm tiếp theo thì vào chiến trường để thực hành.
Năm thứ nhất các sinh viên được bắt đầu làm quen với môn Giải phẫu do thầy Đỗ Xuân Hợp giảng. Lúc này những giáo cụ trực quan là rất hạn chế, có chăng chỉ là những hình vẽ nhỏ rất khó nhìn. Với sự ham học hỏi và không chịu khuất phục trước bất cứ khó khăn nào, sinh viên Nguyễn Trọng Khiết tuy không phải là một họa sĩ nhưng với năng khiếu có sẵn, đã vẽ to tất cả những tranh có trong sách một cách rõ nét để mọi người có thể tượng tượng tốt nhất. Và đây được coi là một sáng kiến có hiệu quả rất lớn cho việc dạy và học của thầy, trò lớp Y50. Nhưng làm sao để ai cũng có thể có tài liệu theo dõi? Bằng phương pháp in trên đá lito mà thời ấy mọi người đã làm, các sinh viên Bùi Tung và Hà Văn Ngạc đã in được hơn 30 bản cho mọi người trong lớp. Theo như ông đánh giá thì bản vẽ của Nguyễn Trọng Khiết rất đẹp nhưng khi in ra thì nó xấu hơn, do giấy không được tốt, chữ thì mờ, nhưng những hình vẽ thì vẫn rõ ràng.
Bây giờ, sinh viên y khoa, ngoài những tài liệu có sẵn thì họ còn được thực hành trên tử thi ướp lạnh, được trực tiếp dùng dao, kéo, kìm đi vào từng bộ phận của cơ thể như: bắp thịt, mạch máu, ổ bụng, lồng ngực… Còn thời xưa, các ông chỉ được học qua những gì mà các thầy giáo ghi chép được từ các tài liệu tham khảo và truyền lại. Nhờ những tranh giải phẫu tự in, các ông có thể tưởng tượng được các bắp thịt dính vào đâu, tách những khối cơ này ra để thần kinh mạch máu chạy như thế nào? Và khi được xem thầy Tùng mổ đến vùng nào các ông không còn thấy bất ngờ và xa lạ nữa. Chỉ thế thôi mà khi phải ra mặt trận ngay sau năm thứ nhất, các sinh viên Y50 đã có thể cứu chữa thương bệnh binh với những ca không phức tạp lắm.
Tôi hỏi PGS Bùi Tung là lý do nào để các ông có được những thành công bước đầu trong điều kiện học tập chưa được bao nhiêu, dụng cụ học tập thì thô sơ thiếu thốn là thế? Ông bảo: Chỉ cố gắng học tập, học bằng mọi cách có thể, học ở mọi nơi mọi lúc mọi người để có thể tiếp thu được những kiến thức nhanh nhất. Hơn nữa, chúng tôi cũng thấy mình phải đóng góp gì đó cho cuộc kháng chiến, bằng những gì mình đã học được, ai cũng cố gắng…
Nguyễn Thị Phương Thúy
Trung tâm CPD