Thói quen nghề nghiệp khiến tôi hay quan tâm đến những tư liệu kỷ niệm riêng tư của các gia đình, dòng họ vì đôi khi ở đó cho ta biết nhiều điều có giá trị cho nhận thức lịch sử chung. Ở gia đình PTS sinh học Bùi Văn Nguyên có cuốn gia phả họ Bùi, trong đó có viết về Tú tài Bùi Chí Công, còn gọi là cụ Tú Mại, một trong những bộ tướng của Phan Đình Phùng khi dấy cờ khởi nghĩa chống Pháp ở Hà Tĩnh. Cụ đã từng bị giặc Pháp bắt giam một thời gian. Lẫn với những tài liệu ấy, tôi chú ý đến một mẩu giấy nhỏ, đã ngả vàng, nét chữ đã mờ nhưng còn đọc rõ: “ Các bản đồ này có mỏ tốt, tôi đã tìm thấy từ trước năm 1945 đã dành để Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khai thác, cung cấp công cuộc kiến thiết quốc gia Việt Nam. 1952. B.X.T.”, kèm theo chữ ký.
Hỏi ra, người nhà cho biết B.X.T là tên viết tắt của Bùi Xuân Trinh, con trai cụ Tú Mại. Ngoài ra còn một số giấy tờ khác như văn bản của Thường vụ Khoa học Kỹ thuật Khu IV do Hải Triều ký ngày 19/5/1953 và những bằng chứng liên quan đến việc đề nghị Chính phủ trao tặng Huân chương Kháng chiến cho cụ, có cả chữ ký của ông Dương Đức Hiền lúc đang làm Chánh thanh tra Bộ Lao động… Người nhà kể rằng, ngày 26/3/1954 người ta báo tin vui cho cụ Bùi Xuân Trinh, huân chương chưa kịp nhận thì cụ đã qua đời ngày 23/8/1954. Niềm an ủi duy nhất của cụ là đã được biết đến chiến thắng của ta ở Điện Biên Phủ và Hội nghị Geneve đã ký kết.
Đóng góp cho cách mạng và kháng chiến mỗi người một cách, riêng cụ Bùi Xuân Trinh, cái công lớn nhất không phải là cầm súng đánh giặc mà là đi tìm tài nguyên cho đất nước. Sinh năm 1888, nối chí của cha, cụ Bùi đã theo phong trào của Phan Bội Châu hoạt động ở vùng núi Nghệ Tĩnh và Thượng Lào, từng bị giặc Pháp bắt ở Thakhet. Đã từng đỗ tú tài “ Hán học” lại có thêm Tây học, nhưng cụ chẳng ưa làm công chức hay về kiếm sống ở những nơi đô hội. Cụ ưa phiêu lưu, thích giang hồ nơi núi cao rừng sâu lập một trang trại trồng
Trong lý lịch cụ tự ghi: “ Tôi học nghề tìm mỏ qua sách chữ Nho”. Thời thuộc địa, đi tìm mỏ rồi làm giấy xin chính quyền thực dân cho khai thác và đóng thuế cũng là một nghề. Có người giàu to, nhưng cũng có người sạt nghiệp, chuyện về ông Nguyễn Văn Vĩnh qua Lào tìm mỏ chết ở bên đó rồi phải xuôi thuyền đưa xác về nước, vẫn được lưu truyền. Nhưng riêng cụ Bùi thì mấy chục năm ròng bỏ tiền của, sức lực đi tìm ra 35 mỏ lớn nhỏ, chỉ vẽ thành bản đồ, đánh dấu tọa độ, cất đi chờ ngày nước nhà độc lập.
Cách mạng thành công, cụ Bùi Xuân Trinh bước qua tuổi lục tuần, được cụ Hồ Tùng Mậu mời ra làm Chủ tịch Liên Việt tỉnh, rồi thấy cụ có chuyên môn mời ra làm phái viên của Sở Khoáng chất Kỹ nghệ (1948) lúc đó còn thuộc về cơ quan in tiền của Bộ Tài chính ở Liên khu IV. Đến năm 1952 được cử làm quản đốc mỏ Châu Long. Cũng năm này, cụ lập một danh sách mỏ kèm theo các bản đồ, và các dữ kiện liên quan nộp chính phủ mong có ngày được “ khai thác cung cấp cho công cuộc kiến thiết quốc gia”.
Công cuộc kháng chiến bề bộn, hồ sơ thất lạc nên những gì cụ Bùi khai trong danh sách chẳng ai kiểm chứng xem chính xác đến đâu, hiệu quả ra sao, và có lẽ những tri thức ấy về sau này đã bị khoa học kỹ thuật tiên tiến như thời đại ngày nay bỏ qua rồi, nhưng điều đáng nói là tấm lòng yêu nước và tận tụy với công việc của cụ.
Ngay trong những ngày kháng chiến ở vùng tự do khu IV, những giấy tờ còn lưu lại được ghi chi tiết những điều cụ đã làm như nộp 2 sọt sắt ở mỏ Lèn Rồng, Anh Sơn, Nghệ An đi triển lãm với 18 loại khác nhau, có nhiều loại để đúc vũ khí hay thạch cao để băng bó thương binh (29/2/1948); nộp 490kg Calcite, 200kg Spath Fluor ở Yên Thành (25/4/1948), 600kg Calcite, 600kg Spath Fluor (20/6/1948)… rồi thám sát mỏ than ở Văn Đồng – Hương Khê, Hội Nguyên, Châu Khê v.v… Danh mục này cứ nối tiếp cho tới lúc cụ bị thương vì bom Pháp ( 1953)…
Tôi đã gặp Giáo sư Nguyễn Văn Chiển, nhà địa chất lão thành thuộc lớp đầu của nghành địa chất nước ta để kể lại câu chuyện về cụ Bùi Xuân Trinh. Vị giáo sư trầm ngâm xem kỹ những bằng chứng về công việc của cụ Bùi đã làm, rồi băn khoăn: “ Không biết ở Tổng cục Địa chất có ai biết về cụ không và rồi đây khi viết lịch sử nghành có ai biết mà nhắc đến những con người như thế này không?”.
Trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, có rất nhiều con người sẽ trở thành vô danh như cụ Bùi. Tôi cứ nghĩ, nếu mỗi nghành, mỗi cơ quan, mỗi dòng họ cứ tìm và viết ra những tấm gương có tên tuổi và hành trạng thì ta sẽ càng thấy cái sự nghiệp cách mạng mang tính chất toàn dân ấy to lớn đến dường nào. Vì lẽ ấy tôi viết bài báo nhỏ này đăng lên Xưa và Nay, để nhắc nhở rằng đã có một thế hệ như thế… rồi mới có ngày nay…
Đặng Nghiêm Vạn
Nguồn:Trích từ Tạp chí Xưa và Nay, số 44, tháng 10-1997, trang 12.