Tháng 5-1965, sau khi bảo vệ thành công luận án Phó tiến sỹ (nay là Tiến sỹ) tại khoa Toán trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên M.V.Lomonosov, Phan Văn Hạp trở về giảng dạy tại khoa Toán trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hai tháng sau, ông xây dựng gia đình, kết hôn với bà Đoàn Thị Nguyệt vào ngày 14-7-1965. Theo chia sẻ của GS Hạp, đây là một đám cưới “không giống ai” vì mẹ ông không về được (bà đang ở Phú Thọ trông cháu gái đầu lòng con chị gái) chỉ có bố, dì và bà con nội ngoại hai bên. Ngoài ra còn có một số cán bộ Quân khu IV (do Bộ tư lệnh Quân khu IV đóng trên trục đường giao liên chính, gần nhà Phan Văn Hạp một thời gian dài, làm nhiệm vụ chuyển quân từ Bắc vào Nam), lãnh đạo địa phương và một số bạn bè. Do thời gian chuẩn bị cho lễ thành hôn khá hạn hẹp, nên Phan Văn Hạp phải mượn áo sơ mi của em trai Phan Văn Kỳ để mặc. Thời đó, đám cưới thường chỉ có bánh kẹo và nước chè xanh nhưng ai nấy đều rất vui. Khi đám cưới đang diễn ra, mọi người bỗng lo lắng vì hai lượt máy bay F105 của Mỹ xé màn trời bay qua, GS Phan Văn Hạp hóm hỉnh tâm sự: như để “chào mừng” lễ thành hôn của hai chúng tôi.
Ba thành viên gia đình PTS Phan Văn Hạp, năm 1966
Chia sẻ về những kỷ niệm của hai vợ chồng trong những tháng ngày chiến tranh ác liệt, ông còn nhớ rất rõ hai lần đạp xe từ Hà Tĩnh ra Hà Nội.
Chuyến đi Hà Nội bằng xe đạp đầu tiên của hai vợ chồng được thực hiện sau lễ cưới để ông kịp trả phép. Theo ông chia sẻ, chuyến đi này “tuy có vất vả nhưng thú vị và khá hấp dẫn”. Khi qua thành phố Vinh tới vùng Nghi Lộc đoạn gần ga Quán Hành, hai vợ chồng vào nghỉ tại gia đình trước kia vợ ông từng trọ học. Biết tin, rất nhiều người trong thôn ghé qua để xem mặt “chú rể”. Sau hai ngày di chuyển, hai vợ chồng đến nhà người thân tại 76 Hàng Trống, Hà Nội. Sau khoảng 1 tuần, bà Đoàn Thị Nguyệt lại lên đường bằng xe đạp, trở về Hà Tĩnh nhận nhiệm vụ dạy học tại trường cấp 3 Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh, còn ông Hạp ở lại Hà Nội chuẩn bị sơ tán cùng khoa, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lên Đại Từ, Bắc Thái (nay thuộc Thái Nguyên).
Chuyến đi Hà Nội thứ 2 của hai vợ chồng được thực hiện vào năm 1966, khi ông Phan Văn Hạp xin chuyển công tác cho vợ ra dạy học tại trường THPT Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chuyến đi này, theo GS Hạp đó là “một cuộc viễn du có một không hai”. Lúc này, vợ ông mới sinh con gái đầu lòng Phan Thị Quỳnh Nga được hơn 4 tháng. Để chuẩn bị cho chuyến đi, ông buộc toàn bộ hành lý vào xe đạp, sau đó bảo vợ bế con ngồi lên phía sau để ông đạp thử mấy vòng quanh sân, khi thấy yên tâm chắc chắn thì mới quyết định lên đường. Buổi tiễn gia đình nhỏ của ông có ông nội, ông ngoại và bác Diệu – anh ruột bà Đoàn Thị Nguyệt. Ông nội và ông ngoại tiễn các cháu lên tận đường xe lửa (ga Đức Lạc), anh Diệu thì đi cùng gia đình em gái hơn 100km tới tận Cầu Giát – Nghệ An. Từ đây, gia đình nhỏ của Phan Văn Hạp tiếp tục hành trình trên quãng đường xa vời vợi đầy rẫy hiểm nguy.
Sau khi đạp xe qua thành phố Vinh, nằm tránh máy bay ném bom, thả pháo sáng, hai vợ chồng ăn vội miếng bánh mật do mẹ vợ chuẩn bị trước đó rồi tiếp tục lên xe đạp đi tới cầu Hoàng Mai, nay thuộc địa phận thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Lúc này, cầu vừa bị đánh sập. Để qua được sông, ông phải vác xe đạp, lội bùn dò đường đi trước, vợ bế con theo sau. Khi đạp xe trên đường quốc lộ 1 đoạn qua Khoa Trường – cầu Lau, một bên là núi đá, bên kia là dốc rồi bãi lầy trải dài ra biển. Cây cầu Lau bắc qua khe suối sâu, vừa bị bom địch đánh sập đang được gác bằng vài thanh đường ray xe lửa làm cầu tạm để đi mà không có tay vịn. Trước khi qua cầu, ông ngồi xuống một hầm cá nhân để ép tai nghe xem có tiếng máy bay địch gần đó hay không, sau đó ông nói với vợ: anh vác xe đi trước, em bế con ngang trước ngực đi tiếp sau, cố gắng dịch chân từ từ, bình tĩnh sẽ qua được. Cả gia đình băng qua cầu mà không dám nhìn xuống suối, chỉ bằng cảm giác của đôi chân trần dịch từng bước một. Cuối cùng, sau hơn nửa giờ, gia đình ông đã vượt qua 100m cầu để sang được bờ phía Bắc. Mỗi lần nhớ lại thời khắc này, ông vẫn có cảm giác “rợn người” và cảm phục sự gan dạ, bình tĩnh của vợ và sự ngoan ngoãn của con gái ông. Qua được quãng đường nguy hiểm, gia đình nhỏ của ông phải tránh đường quốc lộ 1A đi vòng về phía biển Tĩnh Gia. Trên quãng đường mấy trăm km đạp xe ra Hà Nội mặc dù khó khăn, vất vả, nguy hiểm nhưng đi đến đâu gia đình ông cũng được người dân, bạn bè đùm bọc, giúp đỡ chỗ ăn, chỗ nghỉ, rất ít khi mới phải lấy nước suối, nước đồng nấu bột cho con. Trải qua nhiều khó khăn, nguy hiểm sau 7 ngày, 7 đêm ông đã đưa được vợ con đến Hà Nội vào đêm Rằm Trung thu.
Khi nhắc lại những kỷ niệm sâu sắc hai chuyến đi này, hai vợ chồng GS Phan Văn Hạp đều mong muốn các con, các cháu hiểu rõ rằng sức mạnh của tình yêu sẽ giúp ta vượt qua tất cả. Và với hai ông bà, triết lý cuộc đời chính là: gia đình lớn, gia đình nhỏ luôn là chốn bình yên trong mọi hoàn cảnh – hãy vun đắp và giữ gìn**.
Nguyễn Tiến Hưng
_______________________
* GS.TS Phan Văn Hạp sinh năm 1939 tại huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ông nguyên là Phó Hiệu trưởng, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông đã biên soạn, biên dịch và xuất bản hơn 30 cuốn sách giáo khoa, chuyên khảo và trên 64 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, thuộc các lĩnh vực: Giải gần đúng phương trình tích phân; Tích phân ký dị; Phương trình toán tử.
** Bài viết có tham khảo thông tin từ Hồi ký “Dòng đời không phẳng lặng” của GS.TS Phan Văn Hạp, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.