- Vâng! Tôi là Vương Khả Sơn đây! Xin lỗi, ai ở đầu dây gọi tôi đấy ạ?
- Xin chào anh, em xin tự giới thiệu: em tên là Nguyễn Anh Trí, quê ở Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Hiện là phó Giáo sư, Tiến sỹ Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
- Thế ạ! Vâng! Cảm ơn anh đã gọi cho tôi. Xin lỗi, anh gọi tôi có việc gì không anh? - Tôi hỏi.
Bằng thái độ hứng khởi và chân thành, anh nói liền một mạch:
- Anh Sơn ạ! Vừa qua, em dẫn đoàn cán bộ, công nhân viên trong cơ quan đi tua du lịch ở các tỉnh phía
Dừng một lát như để suy nghĩ điều gì, anh nói tiếp:
- Vậy hiện tại, hoàn cảnh gia đình anh thế nào? Chị và các cháu sức khoẻ và học hành ra sao? Đọc sách anh em chỉ hiểu sơ qua về hoàn cảnh của anh vì anh ít nói về mình quá. Anh có thể cụ thể hơn cho em biết tình hình hiện nay của anh và gia đình được không?
Trước tình cảm và giọng nói chân tình, nồng hậu của một người chưa hề quen biết, chưa một lần được gặp mặt, biết tên, tôi lưỡng lự một lúc rồi thành thật lược kể cho anh nghe về gia cảnh, về quá khứ và hiện tại của mình và gia đình. Anh lặng đi hồi lâu rồi đề nghị:
- Xin lỗi anh, cho em dừng máy một lúc, lát nữa em gọi lại...
Thâm tâm, tôi cứ nghĩ chắc anh tiếp điện thoại của ai hoặc bận tiếp khách hay công việc đột xuất...
Chừng hơn 20 phút sau, chuông điện thoại lại reo lên. Anh hồ hởi nói ngay: "Anh Sơn ạ! Được nghe hoàn cảnh của anh, em thực sự xúc động và muốn bày tỏ một nguyện vọng. Đó là xin phép được góp phần giúp đỡ anh và gia đình một chút trong khả năng có thể của mình. Không biết ý anh thế nào?" - Tôi chưa kịp phản ứng gì thì anh tiếp:
- Vừa rồi em xin cúp máy là để hội ý với các anh trong ban lãnh đạo Viện (Viện Huyết học - Truyền máu TW). Sau khi trao đổi, bàn bạc, các anh đã hoàn toàn thống nhất quan điểm là sẽ đặc cách nhận cháu Tuấn con anh vào làm việc tại Viện em. Bọn em xem đó là trách nhiệm và tình cảm của mình đối với anh, người đã có nhiều cống hiến xương máu và thực sự đáng được hưởng nhiều hơn thế! Mong anh hãy vui lòng nhận sự giúp đỡ này". Tôi như không tin vào tai mình nữa, bởi một quyết định quá nhanh chóng, một tin vui quá đột ngột. Tôi chỉ còn biết nói lời cảm ơn mà chưa nghĩ ra được điều gì hơn để phúc đáp. Anh tiếp:
- Trước mắt, anh gửi chuyển phát nhanh bộ hồ sơ của cháu ra cho em, đồng thời gửi kèm một số bài báo của cháu viết đã được đăng để em xem năng lực của cháu (Tuấn vốn là cộng tác viên của báo Hà Tĩnh và một số báo khác). Tuy nhiên, anh yên tâm đi, tính từ giờ phút này trở đi, cháu Tuấn chính thức là người của Viện em rồi. Anh không phải trực tiếp ra cơ quan em đâu; không phải băn khoăn gì cả. Mọi việc của cháu, ngoài này bọn em lo. Tuy nhiên trước mắt, anh phải tìm chỗ ở cho cháu. Điều này em chưa thể lo cho cháu được. Thế đã anh nhé! Anh nhớ gửi nhanh hồ sơ của cháu ra cho em. Em chào anh. Cho em gửi lời thăm chị và các cháu nha anh!"
Tôi hoàn toàn bị bất ngờ một tình huống quá đột ngột và một tin vui quá lớn mà dù một người có tài tưởng tượng đến đâu cũng không thể nghĩ ra được. Tôi xúc động đến nghẹn lời, chỉ biết nói lời cảm ơn. Anh đáp lễ rồi tắt máy. Giữa ban ngày mà tôi ngỡ mình đang mơ. Cháu Vương Thanh Tuấn - con tôi, tốt nghiệp đại học đã hai năm nay mà vẫn chưa xin được việc làm. Vừa rồi nhân cuốn "Ký ức Chiến tranh" của tôi ra mắt bạn đọc trong cả nước, đã tạo được dư luận và một hiệu ứng xã hội khá rộng lớn. Nên báo Hà Tĩnh đã giúp đỡ cho cháu Tuấn làm cộng tác viên của báo.
Hai ngày sau, khi hồ sơ đã hoàn thành, tôi gọi điện cho anh, xin phép có thể cho cháu Tuấn trực tiếp mang hồ sơ ra, anh ồ lên: "Thế thì càng tốt, anh cho cháu ra ngay đi nhé! Bảo cháu 7 giờ kém 15 chờ em ở cổng Viện, em sẽ đón cháu."
Một thái độ khiêm tốn, xởi lởi; một tác phong nhanh nhẹn, quyết đoán cùng một tình cảm chân thành nồng ấm đến hiếm thấy lại có ở một vị Phó GS, TS Viện trưởng đã làm cho tôi từ ngạc nhiên đến kính trọng và khâm phục. Tuy chưa hề được gặp mặt nhưng sao tôi thấy anh quá đỗi gần gũi thân thương như người nhà vậy!
Đúng hẹn, cháu Tuấn có mặt tại cổng Viện, Anh đã đón cháu từ trước. Sau vài câu chào hỏi. Tuấn được anh đưa đến phòng tổ chức, làm thủ tục tiếp nhận. Tuấn được phân về công tác tại phòng tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo. Anh cho biết, việc tuân thủ thời gian hợp đồng thử việc là quy định của nhà nước, tất cả đều phải chấp hành. Tuy nhiên cháu hãy yên tâm công tác, cố gắng phấn đấu cho tốt. Mọi người sẽ tạo điều kiện giúp đỡ cháu. Ngay ngày hôm sau, Tuấn đã nhận công tác. Cháu cho biết mọi người ở các phòng ban hết thảy đều rất mực thương yêu, quý mến con. Chú Trí còn dặn mọi người trong cơ quan: "Đây là trường hợp đặc biệt, là đứa con chung của Viện ta, các cô, chú, anh, chị, em phải yêu thương; phải có trách nhiệm bảo ban, chỉ vẽ, dìu dắt cháu Tuấn trưởng thành."...
Tôi nghĩ có lẽ đây là sự đền bù của số phận chăng? Môt quy luật rất tự nhiên nhưng cũng hết sức biện chứng mà những người như tôi may mắn có được! Người mang hạnh phúc ấy đến cho gia đình tôi không ai khác là Phó giáo sư, Tiến sỹ, Viện trưởng viện huyết học - Truyền máu TW, Nguyễn Anh Trí. Người đang làm công việc nhân đạo tiếp máu cứu người đã sẵn mang trong mình dòng máu nhân đạo, một lối sống nhân văn, một nghĩa cử cao đẹp - người con của mảnh đất Quảng Bình đầy gió Lào, cát trắng; đầy bom đạn và sự hy sinh nhưng giàu lòng dũng cảm và vị tha "khổ đau nhiều nên yêu thương lắm!" Cái tên của Viện, Viện Huyết học - Truyền máu TW cùng công việc mà Anh và các anh chị đang làm đáng để người đời ngưỡng mộ và tôn kính. Riêng tôi và gia đình mình đã được Anh và các anh chị trong Viện dành cho một đặc ân mà dễ gì mấy ai có được. Với cháu Tuấn - con tôi - con của một thương binh, cháu của một liệt sỹ (cha tôi là liệt sỹ) có được một việc làm dù là ở vùng sâu, vùng xa cũng là một điều may mắn lắm rồi, huống chi, cháu đã được Anh đưa ra làm việc giữa Thủ đô Hà Nội.
Chuyện khó tin, nhưng có thật giữa đời thường!
PGS.TS - Viện trưởng Nguyễn Anh Trí
tặng hoa cho tác giả trong buổi Giao lưu với Viện Huyết học - Truyền máu TW
Nguồn http://vuongkhason.vnweblogs.com/post/10563/123385