Con dao mổ từ những năm 50 của thế kỷ trước

Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Văn Phúc (1924), quê Hải Phòng. Ông đi sâu nghiên cứu về sỏi đường mật; đã tập hợp 20 công trình nghiên cứu từ năm 1956 đến năm 1991 về vấn đề này để bảo vệ luận án phó tiến sĩ. Qua quá trình khám chữa bệnh và nghiên cứu trên hàng nghìn bệnh nhân, ông đã phát hiện được nhiều vấn đề mới như: sốc nhiễm trùng đường mật, sỏi trong gan.

Năm 1950 Phạm Văn Phúc là sinh viên trường Đại học Y đi tham gia kháng chiến và là Trưởng một Ban Phẫu thuật Đại Đoàn 308. Tháng 8 năm 1950 Cục Quân Y cử ông lên phục vụ Chiến dịch Thu Đông đóng tại đường số 4. Ông đi bộ từ Thái Nguyên qua Đèo Giàng (thuộc tỉnh Bắc Cạn), Đèo Gió để lên đến Cao Bằng. Trong khi nghỉ chân ở nhà một người dân ở huyện Trà Lĩnh (thuộc tỉnh Cao Bằng), máy bay Sprit fine của Pháp đã ném bom đúng vào ngôi nhà. Ông và người y tá tên Sử (người Thổ) đã chạy ra ngoài cách nhà 20m để trú ẩn. Sau khi quần thảo ở đấy khoảng 15 phút thì chúng bỏ đi. Khi đến huyện Quảng Uyên, Phạm Văn Phúc gặp bác sĩ Nguyễn Thúc Mậu đang chỉ huy quân y mặt trận tại đường số 4. Tại đây ông được Quân Y giao nhiệm vụ phụ trách 10 nhân viên Y tế được tách từ Quân Y đội phẫu thuật trung đoàn 174 tham gia Chiến dịch Biên Giới. Khi lên gặp Bác sĩ Mậu để nhận nhiệm vụ, Phạm Văn Phúc được BS Mậu giao 1 bộ  dụng cụ mổ gồm: dao mổ, panh cầm máu, panh dài, panh ngắn, van kéo… Theo thời gian thì một số dụng cụ đã bị thất lạc, 1 chiếc panh ông đã tặng Cục Quân Y để làm phòng lưu niệm. Đến nay ông chỉ còn giữ được 1 chiếc dao mổ. Đây cũng chính là chiếc dao ông đã sử dụng để mổ cánh tay phải của đồng chí La Văn Cầu trong Chiến dịch Đông Khê. Trong trận đánh cứ điểm 17-9-1950, sau khi đánh một quả bộc phá mở đường cho quân ta xông lên tiêu diệt Đông Khê, đồng chí La Văn Cầu đã bị địch bắn nát cánh tay phải. Kíp mổ của Phạm Văn Phúc được bố trí đóng tại Bố Rường (gần cứ điểm Đông Khê), đã kịp thời tiếp nhận và cứu chữa cho đồng chí. Ấn tượng về người thương binh lúc đó, phó giáo sư Phạm Văn Phúc nói “Tôi đón một thương binh rất trẻ được cáng vào trạm, nét mặt nhợt nhạt, cánh tay phải đã nát, xương cánh tay chòi ra, thương binh đang ở tình trạng hôn mê và sốc rất nặng, hầu như chỉ còn thoi thóp”  

Bộ dụng cụ được ông sử dụng thường xuyên trong chiến dịch Đông Khê đến Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi hòa bình thì ông đã có chiếc dao mổ mới nên không sử dụng dao mổ này nữa. Dao dài 1x14x0.5cm, đã cũ, gỉ, được đặt trong một cái hộp màu xanh kích thước 4.3x18x3.2cm và được ông lưu giữ tại gia đình.  

Ngày 20-5-2013 phó giáo sư Phạm Văn Phúc đã tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam để lưu giữ.