Con đường khoa học của PGS.TS Ngô Thị Mại

Người phụ nữ ấy có vóc dáng nhỏ nhắn và trông trẻ hơn nhiều so với tuổi 84. Năm nay vừa tròn 65 năm bà theo gia đình rời quê Bình Định để tập kết ra Bắc học tập rồi dấn thân vào con đường khoa học. Năm 1959, tốt nghiệp khoa Hóa – Thực phẩm khóa I, trường Đại học Bách khoa, thay vì ở lại trường giảng dạy, bà đề xuất được làm việc ở nhà máy để hiểu thêm về giai cấp công nhân rồi được phân về Nhà máy Rượu Hà Nội.

Trung tâm Di sản tặng hoa PGS.TS Ngô Thị Mại nhân ngày 20-10

Mới ra trường, cô kỹ sư trẻ hăng hái, xông pha khắp các tổ sản xuất, làm kíp cùng công nhân và thường xuyên theo chuyên gia Đức để học việc và cách vận hành máy móc. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật của bà đã được áp dụng, giúp tăng năng suất lao động, vì vậy năm 1968, bà được cử sang Tiệp Khắc làm nghiên cứu sinh tại Viện Vi sinh học Praha. Về nước năm 1972, bà tích cực hoạt động, lần lượt đảm nhận các vị trí như Phó Giám đốc kỹ thuật Nhà máy rượu Hà Nội (1973-1975); Phụ trách Trung tâm Nghiên cứu rượu, bia, nước giải khát (1976-1977); Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm (1982-1996)…

PGS.TS Ngô Thị Mại (thứ 2, từ trái) trong dịp kỷ niệm 25 năm giải thưởng Kovalevkaia, 2010

Trong giai đoạn bao cấp khó khăn, với tầm nhìn xa, bà không ngừng cải tiến sản xuất, tìm kiếm các đề tài nghiên cứu và động viên đồng nghiệp rằng, họ có thể sống bằng con đường khoa học, không phải chật vật tăng thu nhập bằng việc chăn nuôi thêm gia cầm. Bà và đồng nghiệp đã thực hiện rất nhiều đề tài các cấp, đều có tính ứng dụng cao như nghiên cứu chuyển tiếp rỉ đường trong quá trình lên men rượu từ tinh bột, nâng cao độ rượu, tăng công suất thiết bị; nghiên cứu phương pháp lên mên nhằm nâng cao hiệu suất tổng thu hồi trong sản xuất cồn, hạn chế nhiễm trùng, đưa sản lượng tăng gần gấp đôi; sản xuất bia theo công nghệ ngắn ngày (8-10 ngày), chất lượng tốt; công nghệ sản xuất nước mắm ngắn ngày (từ 6-12 tháng xuống còn 10-15 ngày), tăng hiệu suất thu hồi đạm… Bà còn giúp đỡ, tạo điều kiện cho cán bộ nhân viên giao lưu, học hỏi ở nước ngoài để biết sức mình ở đâu và biết các nước phương Tây thế nào.

Những cống hiến của bà đã được nhà nước và xã hội ghi nhận qua hàng loạt các danh hiệu, giải thưởng: 5 bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Huy chương vì sự nghiệp Giải phóng phụ nữ, Huy chương vì sự nghiệp Công nghiệp Việt Nam, giải thưởng Kovalevskaia, giải thưởng Kova về khoa học công nghệ ứng dụng… Với PGS.TS Ngô Thị Mại, những năm tháng hoạt động khoa học sôi nổi tuy vất vả nhưng giúp bà có thêm nhiều niềm vui, sự tự tin và thêm yêu cuộc sống.

Nguyễn Điệp