Học trong nhà trường, trong sách vở và thực tiễn đời sống của nhân dân. Và dạy học sinh cũng là cách thể hiện những hiểu biết ít ỏi của mình trong khuôn khổ tiết học. Đời vậy là êm ả và bình lặng thế mà cũng ít ra 4 lần tôi đã chạm lưỡi hái của tử thần!
Viết lại những ký ức, tính đến nay đã gần 80 năm, trước hết tôi muốn tỏ lòng tri ân thầy giáo Nguyễn Huy Quế, người đã khai tâm mở trí cho chúng tôi từ những ngày còn tấm bé.
Hồi ấy, ở lớp 3 trường Tổng (tổng Lai Thạch, thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), đầu óc chúng tôi còn ngu ngơ khờ dại lắm. Sau những giờ học căng thẳng, thầy thường kể cho chúng tôi nghe những truyện cổ tích, truyện phiêu lưu: Dế Mèn phiêu lưu ký, Quylive du ký, Ngụ ngôn La Phông Ten… và nhiều chuyện kể trong các tác phẩm văn học, chẳng hạn: Đông-ki-sốt đánh nhau với cối xay gió, chàng Rô-đơ-ri-giơ trả thù cho cha và chuyện Kết nghĩa vườn đào trong Tam Quốc chí diễn nghĩa. Một chân trời kỳ diệu mênh mông mở ra trước mắt chúng tôi, gợi trí tò mò khám phá của chúng tôi. Bao nhiêu điều kỳ lạ trên đời này và tôi tự nhủ, cặp chân bé nhỏ của tôi nếu không đến được những nơi đó thì phải mơ tưởng, tưởng tượng, thả tâm hồn bay bổng đến nơi không thể đến!
Tôi nhớ hồi kháng chiến chống Pháp, máy bay giặc ném bom bắn phá vùng hậu phương của ta. Không được lên lớp ban ngày, chúng tôi phải học ban đêm dưới ánh đèn tù mù dầu lạc, hoặc học ngay trên miệng hầm, hố tránh bom. Không còn giấy trắng để viết, chúng tôi lấy giấy trong vở cũ, ngâm vào nước vôi cho chữ viết bay đi, sau dùng giấy đó để viết. Không có giấy thì vẽ, ghi trên đất, cát. Bây giờ nghĩ lại chặng đường gian lao học tập ấy ai cũng phải khâm phục, nhưng hồi đó chỉ là chuyện bình thường, chẳng có gì đáng kể, đáng nói. Có những buổi học, không có thầy giáo chúng tôi nghĩ ra phong trào “lớp tự quản”. Bạn có lực học khá hướng dẫn thuyết trình bài học cho các bạn còn lại và tổ chức thảo luận, tranh luận. Nhờ vậy chúng tôi đã vượt qua mọi kỳ thi, kể cả những kỳ thi “ác liệt” nhất.
Năm 1957, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm tôi được phân công về dạy ở trường cấp 3 Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) quê nhà, với một nỗi nhớ tiếc giảng đường đại học uy nghiêm, thư viện vắng lặng trong những trưa hè và hình bóng những người thầy giảng dạy chúng tôi, những học giả uyên bác nổi tiếng như: Giáo sư Đặng Thai Mai, Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường, Cao Xuân Huy. Chúng tôi dành thời gian cho việc giảng dạy và nhất là dạy Văn chương. Ngỡ ngàng làm sao khi đứng trước lớp có gần 100 con mắt chăm chú nhìn mình. Mà dạy Văn chương – Văn học lại là công việc vừa truyền kiến thức vừa truyền cảm hứng cho học sinh. Một giờ dạy khô khan, tẻ nhạt, gây không khí nặng nề thì coi như là thất bại. Mà thất bại một giờ giảng thì áy náy không yên mấy ngày, nên phải cố gắng chỉnh sửa từng li từng tí, phải luyện đọc văn, đọc thơ và giọng nói thật truyền cảm, hứng thú. Nhiều khi tôi nghĩ rằng thầy dạy văn vừa đóng vai diễn giả vừa đóng vai nghệ sĩ, có như vậy mới xứng là “Người kỹ sư của tâm hồn”.
Chi đoàn thanh niên chúng tôi gồm những giáo viên trẻ khoảng 20 đến 25 tuổi, xác định nếu không tự học hỏi lẫn nhau thì sẽ “giẫm chân tại chỗ”, không thể tiến lên được ngoài một ít kinh nghiệm cũ kỹ, sáo mòn!!! Thế là chúng tôi tổ chức gây phong trào Tam tu (Tu đức, Tu nghiệp, Tu văn hóa). Không ai bảo ai, mỗi người đăng ký học thêm một ngoại ngữ, người tiếng Nga, người tiếng Trung, người tiếng Pháp… Có giáo viên trẻ dạy Vật lý sau một năm bồi dưỡng tiếng Nga đã dịch các bài tập trong sách Bài tập vật lý do Liên Xô xuất bản để học sinh luyện tập. Chất lượng giờ dạy ở các môn đều được nâng cao. Học sinh tốt nghiệp với chất lượng cao nhất so với các trường ở miền Bắc lúc ấy. Đặc biệt có một học sinh lớp 10 trường chúng tôi thi vào đại học Bách khoa Hà Nội đạt điểm cao nhất toàn miền Bắc: Toán: 10, Vật lí: 10 và Chính trị: 10. Tổng cộng 30 điểm, chưa có ai đạt kỷ lục cao như vậy. Danh tiếng trường Phan Đình Phùng lan khắp miền Bắc nhất là sau khi có một giáo viên trẻ[1] trúng cử vào Quốc hội khóa 2 (1960 – 1964).
Mùa hè năm 1961, tôi được Ty Giáo dục cử đi dự Hội nghị Trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy của các giáo viên Văn dạy giỏi toàn miền Bắc ở Hải Phòng. Trong giờ nghỉ giải lao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên chuyện trò thân mật với các thầy giáo. Bỗng nhiên Bộ trưởng quay về phía tôi vỗ vai và hỏi: “Cậu bao nhiêu tuổi mà dạy giỏi thế? Thiên tài”. Tôi thưa: “ Dạ, 25 tuổi”. Bộ trưởng kêu lên: “Ôi! Giỏi quá! Dạy phổ thông rất khó! Tôi đi dạy ở tuổi 35. Dạy phổ thông mà dạy Văn càng khó! Dạy Văn tức là dạy Người!”. Thế là khi về trường, chúng tôi nêu khẩu hiệu để học tập: “Dạy Văn tức là dạy Người!”. Năm sau, tôi được cử đi dạy ở trường Sư phạm cấp 2, chuyên đào tạo giáo viên cấp 2 (Hà Tĩnh). Được 2 niên khóa lại được cử đi dạy ở trường Sư phạm 10+ 2 Thanh Hóa (tương đương với Cao đẳng Sư phạm bây giờ). Lúc này, Mỹ mở rộng ném bom bắn phá ở miền Bắc, ở nơi sơ tán có thì giờ rảnh tôi ra sức học tiếng Anh. Bạn bè ngạc nhiên: “Sao không học tiếng Nga để sau này có dịp đi Nga nghiên cứu mà lại học cái thứ tiếng kẻ thù làm gì cho mệt óc". Tôi chỉ cười: Học cho vui thôi!
Nhưng không ngờ, một hôm trời mưa, có hai sĩ quan quân đội đến gặp tôi và nhờ tôi giúp cho một vài câu khẩu lệnh tiếng Anh đơn giản: Đứng lại; Bỏ súng xuống; Giơ tay lên; Đi! Không quay lại; Đơn vị nào; Ai là chỉ huy đơn vị... Tôi yêu cầu hai sĩ quan học phát âm đến 3 lần và khi đã thành thục, tôi sung sướng nói: Các đồng chí đã tốt nghiệp rồi! Hai sĩ quan cảm ơn tôi và ra về. Còn tôi thầm suy nghĩ: “Không có một kiến thức nào thừa chỉ có kiến thức chưa dùng đến”. Và trường học cuộc đời mới mênh mông làm sao! Thảo nào Lênin khuyên “Học, Học nữa, Học mãi”. Như dự đoán, càng về sau chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ càng mở rộng. Ngày ngày, máy bay Mỹ ném bom bắn phá nhiều nơi: cầu đường, phố chợ, nhà cửa. Lúc này những kinh nghiệm đào hầm, tránh bom, cấp cứu người bị thương… và vô số những kiến thức không tên trong cuộc sống thời chiến để giữ sinh mạng của mình và sinh mạng học sinh là rất cần thiết. Chọn chỗ đào hầm thế nào, tránh bom thế nào (đủ các loại bom: bom nổ, bom nổ chậm, bom bi, mìn lá vv). Biết thì sống, không biết thì chết. Đúng như câu sấm Trạng Trình được các cụ già truyền lại: Khôn chết, dại chết, biết thì sống.
Bài học thời chiến mới phong phú, phức tạp làm sao! Nhưng với tôi bài học trong nhà trường cũng không thể xem nhẹ.
Năm 1967, trường Sư phạm 10 + 2 thành khoa Đào tạo giáo viên cấp 2 của Trường Đại học Sư phạm Vinh (Nghệ An). Môn Tiếng Việt mở rộng, nâng cấp theo chương trình Ngữ văn đại học. Tôi đảm nhiệm môn Phong cách học (Stylistics) tiếng Việt. Nghĩ mình có vốn văn học lại có giáo trình rất tốt của tác giả Đinh Trọng Lạc ở Đại học Sư phạm Hà Nội nên cứ tưởng là “ngon ăn”, là “dễ dàng”, ngờ đâu rơi vào một mớ bòng bong phức tạp như vậy!
Phong cách học là một bộ môn liên ngành, là cầu nối giữa ngôn ngữ học và văn học. Mà hai bộ môn này thì không có gì có thể so sánh về mặt lý thuyết khô khan và phức tạp. Nói riêng về lý thuyết Ngôn ngữ học trước và sau Thế chiến thứ 2 các trường phái: Ngôn ngữ học chức năng, Ngôn ngữ học cấu trúc chức năng, Ngôn ngữ học xã hội học… ở Âu Mỹ và Liên Xô nổi lên như cây cỏ rừng xuân, không thể nào nắm bắt, hiểu thấu dễ dàng. Vì thế, những khái niệm cơ bản nhất như: ngôn ngữ/lời nói; phong cách ngôn ngữ/phong cách nghệ thuật; chức năng cấu trúc/cấu trúc chức năng… là những khối đá tảng làm sứt đầu mẻ trán thầy giáo và học sinh. Tôi giảng dạy ở bộ môn Phong cách học, nhưng ngay thuật ngữ “phong cách” đã có đến gần 500 định nghĩa khác nhau của các trường phái trên thế giới! Thầy không hiểu thì làm sao trò hiểu được.
Mượn được một số chuyên đề về các trường phái Ngôn ngữ học, tôi chép vào những quyển vở tự học của tôi và nghiền ngẫm ngày đêm mới vỡ vạc ra được ít nhiều. Và chính trong những giờ giảng dạy, trải nghiệm kiến thức của mình cho sinh viên tôi càng hiểu thêm, hiểu kỹ những khái niệm cơ bản nhất. Quả thực, chỉ khi nào lên lớp đứng trước sinh viên trình bày một khái niệm, một quy tắc, một quan niệm thì mới có thể tự đánh giá được mức độ hiểu biết của mình.
Và năm 1971, trường Sư phạm 10+2 giải thể, tôi được chuyển về trường Đại học Sư phạm Vinh khi đó “vốn liếng” của tôi đã có cuốn giáo trình Phong cách học tiếng Việt (In ronéo) và một vài bài báo. Đến năm 1976, tôi được chuyển ra khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thế là sau 20 năm xa Thủ đô, xa trường cũ nay được mang ba lô trở về Đất Thánh. Tiếp đó là những chuyến thỉnh giảng ở Đại học Sư phạm Huế, Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng, Đại học Sư phạm Vạn Hạnh (Thành phố Hồ Chí Minh), Đại học Sư phạm Quy Nhơn (Bình Định)…
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thái Hòa, 2018
Những năm đi theo trường Sư phạm 7+2 Hà Tĩnh, trường 10+2 Thanh Hóa đi sơ tán về các huyện Yên Định, huyện Vĩnh Lộc,tôi đã tỉ mẩn ghi chép các thành ngữ, tục ngữ… những “bài thơ ngắn nhất” (theo quan niệm của R.Jakobson), cho nên từ 1980, tôi chuẩn bị gần đủ tư liệu để làm luận án. Năm 1982, luận án hoàn thành và được Bộ Giáo dục cho phép bảo vệ “đặc cách”, tức là không phải theo các lớp chuyên đề chính quy và cũng không có các cố vấn khoa học. Tự mình làm lấy và tự mình bảo vệ trước Hội đồng chuyên ngành và Hội đồng khoa học cấp Nhà nước. Ở tổ Ngôn ngữ học đã có các giảng viên Đỗ Hữu Châu, Diệp Quang Ban bảo vệ thành công, được sự giúp đỡ, góp ý của các bạn trong tổ chuyên môn, tôi mạnh dạn trình bày luận án Phó tiến sĩ Ngữ văn dưới tiêu đề "Miêu tả và phân loại các khuôn hình tục ngữ Việt Nam". Luận án đã được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội chỉnh sửa và ấn hành năm 1997 cuốn sách có tên gọi Tục ngữ Việt Nam – Cấu trúc và Thi pháp.
Sau khi bảo vệ luận án tôi được Bộ Giáo dục và trường Đại học Sư phạm Hà Nội cử làm Tổ trưởng Tổ chuyên gia dạy tiếng Việt ở trường Đại học Phnompenh (Campuchia). Hai năm rưỡi công tác ở Campuchia, chúng tôi đã làm được nhiều việc với tinh thần đoàn kết anh em, với tình hữu nghị láng giềng của hai nước Campuchia – Việt
Trở về từ Campuchia, tôi lao vào giảng dạy và được mời đi thỉnh giảng ở các trường đại học thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (Xuân Hòa), Đại học Quy Nhơn, Huế, các trường Cao đẳng Sư Phạm Khánh Hòa, Biên Hòa. Có trường phải đi lại ba, bốn lần vì bộ môn Phong cách học chưa có giảng viên thay thế.
Về sau khi có chủ trương bồi dưỡng kiến thức đại học cho các giáo viên cấp 2 phổ thông, tôi lại được mời đi giảng ở các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Hòa Bình… Không có mấy tỉnh mà tôi không qua. Có những lần vừa về đến nhà đã thấy giấy mời đi dạy tiếp. Và mỗi chuyến đi là phải dạy liên tục, mỗi ngày 6 đến 7 tiết, hoàn thành trong một tuần lễ, nộp bài kiểm tra và điểm bộ môn cho Sở, Ty ở địa phương đó.
Tranh thủ những lúc không đi dạy ở các nơi, tôi viết báo và viết sách. Năm 1991, Giáo trình Phong cách học xuất bản, được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là tài liệu chuẩn cho các trường sư phạm và cho đến nay đã tái bản 9 lần. Sau đó, tôi soạn các tài liệu là các giáo trình, sách chuyên khảo cho các trường cao đẳng sư phạm, hệ đào học vừa học vừa làm Đồng thời, hàng tháng tôi có bài đăng trên các tạp chí Văn học, Ngôn ngữ, Văn học và Đời sống, Văn nghệ dân gian, Ngôn ngữ và Đời sống ký tên Thanh Thanh, thỉnh thoảng còn viết cho các báo địa phương như: Phú Thọ, Hà Tĩnh, Quảng Bình, v.v.. Để giúp sinh viên có tài liệu tham khảo tôi đã soạn sách Dẫn luận Phong cách học (2000, 2001), Những vấn đề thi pháp của Truyện (2005) và một số sách viết về đề tài văn hóa địa chí của địa phương Hà Tĩnh quê tôi.
Từ năm 1990, tôi đã hướng dẫn luận án tiến sĩ cho 5 nghiên cứu sinh: Lê Thị Tuyết Hạnh (1997), Nguyễn Thị Ngân Hoa (2004), Đỗ Thị Hằng (2005), Vũ Thị Sao Chi (2008), Nguyễn Thị Thu Thủy (2013) đạt mức xuất sắc. Hàng năm, tôi tham gia hướng dẫn luận văn cao học (khoảng trên 20 luận văn). Từ năm 2003, tôi tham gia biên soạn sách giáo khoa phổ thông, sách hướng dẫn giáo viên phổ thông…
Và cho đến nay, đã ngoài 80 tuổi, hàng ngày tôi vẫn đọc, vẫn viết như một thói quen lâu ngày khó mà bỏ được.Tự học và tự nghiên cứu (độc lập nghiên cứu) là con đường của nhiều bậc học giả, danh sư thế hệ đi trước. Những người tên tuổi Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Tố, Trương Tửu, Cao Xuân Huy… mãi là những tấm gương cho những thế hệ sau này. Có điều đáng nói là những ai có điều kiện vừa dạy học vừa nghiên cứu thì dễ dàng thành công. Bởi vì giảng dạy là sự thể nghiệm những điều học hỏi của mình và nghiên cứu để bổ sung những tri thức mới mẻ sâu rộng vào bài giảng.
PGS.TS Nguyễn Thái Hòa
Đại học Sư phạm Hà Nội
_____________________
[1] Thầy Trần Văn Đệ – Phó Hiệu trưởng trường Phan Đình Phùng (1962-1965).