89 công trình khoa học là kết quả nghiên cứu miệt mài trong 50 năm làm khoa học (từ 1958-2008) của GS-TS, Thiếu tướng Phạm Tử Dương. Trao đổi về con đường dẫn đến những thành công của mình với các cán bộ Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn di sản các nhà khoa học Việt Nam (CPD), ông nói: "Quan trọng là "cách học". Mình phải chủ động tìm học, tự học, luôn không bằng lòng với những hiểu biết hiện có, luôn tự đặt ra câu hỏi rồi tự tìm cách trả lời". Với ông trong hoạt động khoa học, mỗi người phải tự thấy được những điểm yếu về kiến thức của mình để khắc phục và thường xuyên phải cập nhật những thông tin mới, ông cũng cho rằng cần có một ngoại ngữ tốt ngay từ khi vào đại học, nó giúp ích rất nhiều trong quá trình học tập cũng như nghiên cứu. Ông tâm sự: "Tôi nghĩ nếu không sử dụng ngoại ngữ tốt thì tôi cũng không thể biên soạn được những cuốn sách như thế này".
"Hóa nghiệm sử dụng trong lâm sàng" là cuốn sách đầu tiên ông viết cùng GS Nguyễn Thế Khánh khi chưa ra trường, được Cục Quân y xuất bản năm 1956, nhằm cung cấp tài liệu học tập cho cán bộ y tế trong Quân đội. Đến năm 2005 nó được tái bản lần thứ 12 với tiêu đề "Xét nghiệm sử dụng trong lâm sàng". Các công trình nghiên cứu tiêu biểu của ông như: "Tình hình tai biến mạch máu não ở bệnh nhân lớn tuổi" (năm 1986), "Tình hình rối loạn nhịp tim thất ở bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim" (năm 1999), "Nghiên cứu về Hypochol chiết xuất từ dầu đậu nành để triều trị chứng rối loạn lipid máu" (1993-1995)… Bên cạnh các công trình nghiên cứu khoa học, ông còn là tác giả của rất nhiều cuốn sách như: Thuốc tim mạch, Từ điển các hội chứng, Bệnh tăng huyết áp, Dược thư quốc gia Việt
Ngay trong buổi làm việc đầu tiên với cán bộ Trung tâm CPD ông đã tặng lại Trung tâm một số công trình nghiên cứu đã xuất bản của mình, trong đó có cuốn "Hoá nghiệm sử dụng trong lâm sàng" tái bản lần thứ hai năm 1958 và cuốn "Xét nghiệm sử dụng trong lâm sàng" tái bản lần thứ 12 năm 2005.
Phạm Kim Ngân