Hội nghị tổng kết được tổ chức tại Hội trường Công ty Medlatec – số 66, phố Nghĩa Dũng, quận Ba Đình, Hà Nội với sự tham gia của Hội đồng cố vấn, Ban Giám đốc cùng toàn thể cán bộ, nhân viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam và Dự án Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, công tác nghiên cứu sưu tầm luôn được xác định là vấn đề cốt yếu trong hoạt động chuyên môn của Trung tâm, nên trong quý III năm 2014, Trung tâm đã có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, nhân sự và đó là một trong những bước đột phá giúp tăng cường nhân lực cho Phòng Nghiên cứu-sưu tầm, đồng thời cũng là một giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác tổ chức quản lý, nâng cao hiệu quả làm việc nhóm, thúc đẩy công việc, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm.
ThS Trần Bích Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Di sản:
Trong năm 2014, Trung tâm đã có những thành công đáng ghi nhận
Ngoài việc thực hiện các chuyên đề nghiên cứu như các nhà khoa học được phong học hàm Phó Giáo sư năm 1980 và Giáo sư 1984, các nhà khoa học lĩnh vực Nông nghiệp, Dược, bộ môn Nội – Ngoại – Giải phẫu bệnh, các cựu sinh viên trường Đại học Tổng hợp khóa I… Trung tâm còn thực hiện nghiên cứu, sưu tầm tư liệu của nhiều nhà khoa học theo sự giới thiệu lan tỏa trong giới các nhà khoa học cùng chuyên ngành hoặc cùng thế hệ, qua đó đã bổ sung và đa dạng hóa nguồn tư liệu về các nhà khoa học đang lưu trữ tại Trung tâm. Công tác sưu tầm tư liệu hiện vật của các nhà khoa học được song hành với quá trình nghiên cứu. Trong năm 2014, Trung tâm cũng đã tổ chức ba lễ tiếp nhận tài liệu có khối lượng tài liệu hiện vật lớn của: GS.TS Lê Quang Long; Vợ chồng PGS Lê Văn Sáu – PGS Bùi Thị Kim Quỳ và 4 anh em nhà khoa học trong gia tộc Nguyễn Cảnh.
Nhằm hướng tới mục tiêu chuyên nghiệp hoá các hoạt động chuyên môn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc, Ban lãnh đạo Trung tâm đã chú trọng việc tổ chức, tham gia các lớp đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, quản lý cho cán bộ cũng như bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ nguồn có năng lực và phẩm chất đạo đức tốt.
Kỹ sư Đào Đình Thông – Giám đốc Dự án Công viên Di sản báo cáo kết quả đã làm được trong năm 2014 của cán bộ Dự án công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam, tại Hoà Bình
Theo báo cáo của ThS Trần Bích Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Di sản: Trong năm 2014, Trung tâm đã có những thành công đáng ghi nhận, đó là uy tín của Trung tâm ngày càng được nhân rộng trong xã hội và trong các nhà khoa học; đội ngũ cán bộ được đào tạo, rèn luyện trong thực tế công tác đã trưởng thành hơn; Trung tâm đã đạt được một số kết quả nhất định và ổn định mọi nền nếp hoạt động.
Kỹ sư Đào Đình Thông, thay mặt cán bộ Dự án Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tại Hòa Bình, đã trình bày trước Hội nghị những kết quả đã đạt được: Dự án đã dần hoàn thiện một số hạng mục của Cầu Vòm thép bắc qua suối Vàng, cơ sở hạ tầng của Dự án cũng đã được thực hiện, xây dựng theo tiến độ đã đề ra. Ngoài ra việc chăm sóc, nhân giống nhiều loại cây, tạo tiểu cảnh, bonsai… phục vụ cho việc xây dựng và phát triển Dự án cũng được triển khai khá đồng bộ.
Cán bộ của hai đơn vị đã đóng góp ý kiến cho 2 bản báo cáo, đặc biệt về phương hướng và kế hoạch năm 2015, chú trọng đến việc tăng cường sự kết hợp của hai đơn vị, tổ chức đa dạng các sự kiện để quảng bá về Trung tâm, tăng cường tự học và tự đào tạo, nâng cao chất lượng từng sản phẩm chuyên môn,…
GS.TS Nguyễn Anh Trí: Con người luôn là nhân tố quyết định sự thành công
Trong ý kiến chỉ đạo Hội nghị, GS.TS Nguyễn Anh Trí đã chỉ ra một số vấn đề từ thực tiễn chỉ đạo hoạt động của hai đơn vị, qua đó ông chuyển tải một thông điệp rất có giá trị trong việc hoạch định chiến lược, xây dựng phương pháp làm việc cũng như phương pháp đào tạo nhân lực… Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí: Con người luôn là nhân tố quyết định sự thành công trong mọi lĩnh vực, vì thế mỗi cá nhân phải luôn có ý chí và quyết tâm cao và cần nỗ lực học hỏi, tự đào tạo. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ cần chuẩn bị và phải xác định một tâm thế mới cho công việc mình đã và đang thực hiện: Đó là công việc hết sức độc đáo, hết sức mới mà Trung tâm Di sản đã và đang theo đuổi. Ông nhấn mạnh, chúng ta tự nguyện đóng góp cho xã hội nên ngoài việc thực hiện bổn phận của mình, chúng ta còn phải thấy ý nghĩa thiêng liêng trong mỗi việc mình làm: Hay, tốt, trung thực và có giá trị. Với tâm thế đó, mỗi chúng ta đều phải có trách nhiệm xây dựng uy tín của đơn vị mình, làm cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam cũng như Công viên Di sản sẽ ngày càng phát triển hoàn hảo, hoàn thành trách nhiệm xã hội, tuy khó khăn nhưng mang đầy ý nghĩa nhân văn: Nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản nhà khoa học Việt Nam.
Lê Phương Chi