Gia Thắng, Gia Viễn quê ông, vùng đất cổ giàu truyền thống văn hóa, vùng đất “sinh vương, sinh thánh”. Truyền thống quê hương, gia đình là động lực để ông luôn nỗ lực học tập cống hiến cho xã hội, cho quê hương đất nước. Với sự nỗ lực của bản thân, ông đã trải qua những năm tháng học tập , rèn luyện vượt qua gian khổ để trở thành một nhà khoa học đầu ngành về kiến trúc, xây dựng và môi trường.
Tuổi trẻ là sự phấn đấu
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng xuất thân trong một gia đình nông dân có 9 anh chị em (6 trai, 3 gái), dù đông anh em nhưng bố mẹ ông vẫn mong muốn các con được học tập nên người. Thân phụ ông là người chịu khó học hành, biết chữ Nho, Quốc ngữ và tiếng Pháp, đã mở lớp dạy chữ cho con em trong làng không thu tiền và được dân làng yêu mến gọi là ông “Đồ”. Chính vì thế gia đình ông luôn quan tâm đến sự nghiệp học hành của các con.
Ông lớn lên khi đất nước vừa giành được độc lập, ông được học tập dưới chế độ mới. Quê ông có trường cấp 1 được mở trong làng nên ông có điều kiện thuận lợi để học tập, nhưng từ cấp 2 ông đã phải trọ để học. Những năm tháng đi trọ học đã rèn luyện cho ông tính tự lập, ý chí kiên cường, vượt khó. Ông nhớ lại “Nhà tôi nghèo, đi học được bố mẹ cho ít gạo, khoai Hoàng Long và hũ mắm tép, phải trồng thêm rau và tự nấu ăn”.
GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng
Những năm tháng chiến tranh, khó khăn thiếu thốn là thế nhưng ông luôn nỗ lực học tập, vốn bản tính thông minh, cùng với sự cần cù chịu khó năm nào cũng đạt kết quả xuất sắc. Với tinh thần cả dân tộc kháng chiến, kiến quốc, khi học xong lớp 9, năm 1956 ông đã đăng ký thi vào ngành Kiến trúc khoa Xây dựng. Ông là một trong những sinh viên khóa I của Khoa Xây dựng Đại học Bách Khoa.
Năm 1959, ông tốt nghiệp loại giỏi nên được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Ông lại được người thầy – Nhà giáo nhân dân Nguyễn Sanh Dạn định hướng theo ngành Vật lý kiến trúc, và cho cuộc đời hoạt động khoa học của ông sau này. Bản thân ông thấy rằng xây dựng sẽ phát triển bởi chúng ta phải kiến thiết lại đất nước sau chiến tranh mà ngành xây dựng kiến trúc phải dựa trên khoa học về các yếu tố vật lý tác động vào như nhiệt độ, gió, độ ẩm, ánh sáng, âm thanh, bức xạ để tạo ra công trình có chất lượng cao nên ông đã chọn đi theo ngành khoa học Kiến trúc xây dựng. Theo đuổi lĩnh vực khoa học mới về vật lý kiến trúc. Năm 1961 ông được trường Đại học Bách khoa Hà Nội cử sang làm tiến tu sinh (nâng cao trình độ giảng dạy) tại trường Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh, Trung Quốc) và tốt nghiệp năm 1962. Về nước ông tham gia giảng dạy và giữ chức vụ trưởng phòng Thiết kế, Đại học Bách Khoa.
Khi trường Đại học Xây dựng được thành lập trên cơ sở khoa Xây dựng, ông về đảm nhận chức vụ Chủ nhiệm Bộ môn Vật lý Kiến trúc, Phó phòng Quản lý Khoa học, Trưởng phòng Thiết kế của trường Đại học Xây dựng Hà nội. Là một người ham học, muốn nâng cao hơn nữa trình độ về kiến trúc và xây dựng, ông sang làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ rồi Tiến sĩ khoa học ngành Kiến trúc xây dựng tại Đại học Xây dựng Mát-xcơ-va, Liên Xô.
Trong thời gian đó, vừa học tập vừa nghiên cứu và giảng dạy các khóa, ông còn là Chủ nhiệm khoa Kiến trúc, Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu Trưởng trường Đại học Xây dựng. Ông được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư năm 1984 và Giáo sư năm 1991. Dù ở cương vị nào, ông luôn là một nhà giáo đầy tâm huyết, một nhà khoa học, nhà quản lý giỏi. Bên cạnh những công việc chuyên môn khi nghỉ quản lý ở trường ông về Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị và Khu Công nghiệp, trường ĐHXD Hà Nội và tham gia các hoạt động về bảo vệ môi trường, Liên hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam.
Những cống hiến không ngừng nghỉ
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng được tập thể đồng nghiệp đánh giá là một trong các nhà khoa học đặt nền móng cho phát triển 2 bộ môn khoa học chuyên ngành của Việt Nam, đó là bộ môn chuyên ngành khoa học “Vật lý Kiến trúc” và bộ môn chuyên ngành khoa học “Môi trường Không khí”. Đó là thành quả mà không phải bất cứ nhà khoa học nào cũng có được trong sự nghiệp của mình.
Trong nghiên cứu khoa học, ông có nhiều đóng góp, trong đó có Bằng độc quyền sáng chế: Lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại (đồng tác giả). Đây là giải pháp để xử lý chất thải nguy hại và là lò đốt chất thải nguy hại đầu tiên được tự thiết kế, chế tạo và vận hành ở Việt Nam; Giấy chứng nhận quyền tác giả: Mái nhà phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới và Một số công thức tính toán về vi khí hậu của công trình được sáng tạo trong luận án TSKH của ông đã được chọn lựa đưa vào tiêu chuẩn quốc gia của ngành xây dựng Việt Nam và Liên Bang Nga. Ông đã chủ trì 5 đề tài nghiên cứu khoa học thuộc các Chương trình khoa học cấp Nhà nước 52Đ, KT02, KHCN07, 25 Đề tài NCKH cấp Bộ; Ông còn được Bộ TN&MT giao chủ trì biên soạn Báo cáo Môi trường Việt Nam hàng năm để trình Quốc Hội, từ năm 2006 đến nay hàng năm vẫn tiếp tục làm tư vấn chính cho Tổng cục Môi trường trong việc xây dựng Báo cáo Môi trường Việt Nam.
Những năm gần đây ông đã chủ trì thực hiện các Đề tài, nhiệm vụ khoa học của Bộ Xây dựng giao có liên quan đến tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả như: Quy chuẩn quốc gia về hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị – Sửa đổi (2011-2014); Xây dựng Hướng dẫn kiểm toán năng lượng đối với công trình dân dụng (2013-2014); Xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển công trình xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (2012-2013) và Tham gia Đề tài chỉnh sửa QCVN 09:2013/BXD Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả.
Ông đã trực tiếp tham gia hoặc chủ trì nghiên cứu xây dựng nhiều văn bản pháp luật, nhiều đề án BVMT và nhiều quy chuẩn/tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia của ngành môi trường và ngành xây dựng, điển hình như là: Luật BVMT năm 1994, Luật BVMT sửa đổi năm 2005; Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt nam); Chiến lược phát triển bền vững Việt nam giai đoạn 2011- 2020; Chiến lược phát triển công nghệ môi trường Việt nam giai đoạn 2009 – 2015 và định hướng đển năm 2020; Chiến lược quốc gia về phát triển xây dựng xanh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án quản lý và BVMT đảo Phú Quốc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án quản lý và BVMT Côn Đảo đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án tổng thể BVMT vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020; Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát ô nhiễm môi trường khu công nghiệp/cụm công nghiệp đến năm 2020, v.v…
Một trong những thành quả lao động khoa học, nghiên cứu quan trọng của ông đó chính là những quyển sách, những tri thức ông để lại cho các thế hệ sau. Ông đã biên soạn và xuất bản 18 đầu sách về chuyên môn, trong đó có nhiều quyển sách được các trường đại học Xây dựng, Kiến trúc và Môi trường nước ta sử dụng trong giảng dạy đại học và sau đại học. Ông còn có khoảng 150 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành ở trong nước và ngoài nước và đăng trên các tuyển tập hội nghị khoa học trong nước và Quốc tế.
Trong những năm tháng cống hiến không ngừng nghỉ, ông giữ nhiều cương vị quan trọng trong đánh giá cống hiến của các nhà khoa học như Tổng Thư ký Hội đồng Giáo sư Nhà nước; Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Liên ngành Xây dựng – Kiến trúc. Đặc biệt ông vinh dự được là thành viên trong Hội đồng Bảo vệ Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Còn sức còn cống hiến, đó là tâm niệm của ông. ông là Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt nam từ những ngày đầu thành lập đến nay, và Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt nam. Hiện nay ông là Ủy viên Hội đồng quốc gia (tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ) về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Với những cống hiến, đóng góp của mình, ông đã được trao tặng Bằng khen của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng năm 1982; Huân chương Lao động hạng Ba năm 1985; Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 1987; Được Nhà nước phong tặng Nhà giáo Ưu tú năm 1988, Nhà giáo Nhân dân năm 2002. Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2004 và nhiều bằng khen của các Bộ: Bộ KH&CN, Bộ TN&MT, Bộ GD&ĐT, Bộ XD và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Minh Nam
Nguồn: www.trithucvaphattrien.vn/