Khát khao tri thức, theo đuổi ước mơ
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất cố đô trên dòng sông Hoàng Long, Gia Thắng, Gia Viễn, một vùng đồng chiêm trũng của tỉnh Ninh Bình, cậu học trò nhỏ Phạm Ngọc Đăng đã nối tiếp truyền thống hiếu học quê hương và gia đình. Nhà nghèo, cuộc sống khó khăn đã không làm nản lòng cậu học trò nhỏ, mới lớp 5 nhưng đã một mình chèo thuyền rồi cuốc bộ từ làng lên chiến khu Quỳnh Lưu học chữ. Những năm tháng chiến tranh, khó khăn thiếu thốn nhưng ông luôn nỗ lực học tập và năm nào cũng đạt được kết quả xuất sắc.
GS.TSKH.NGND Phạm Ngọc Đăng. Nguồn ảnh: nuce.edu.vn
Bằng những xuất học bổng hiếm hoi do Nhà nước trao cho học sinh nghèo hiếu học, ông đã hoàn thành tốt chương trình phổ thông, thi đỗ vào khoa Xây dựng trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông luôn muốn theo đuổi ngành kiến trúc bởi đây là một ngành “có cái gì nghệ sỹ, bay bổng” mà theo nhiều người học thời bấy giờ mong ước.
Dù trải qua bao biến cố, khát khao tri thức trong ông vẫn luôn bùng cháy, đốt hết mọi thử thách gian lao. Sau khi tốt nghiệp, ông giảng dạy tại khoa Xây dựng, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1961, ông được cử sang làm tiến tu sinh ở trường Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh, Trung Quốc). Năm 1966-1969, ông về nước đảm nhận chức chủ nhiệm bộ môn vật lý kiến trúc trường Đại học Xây dựng và được nhà trường cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh luận án tiến sỹ.
Thời gian này, ông giành nhiều năm đi khảo sát, nghiên cứu chế độ nhiệt ẩm của nhiều tòa nhà ở các vùng khí hậu khác nhau, đưa ra những giải pháp kiến trúc – xây dựng phù hợp. Những giải pháp thiết kế công trình của ông luôn đảm bảo điều kiện tiện nghi vi khí hậu trong nhà bằng các biện pháp “thụ động”, giảm thiểu áp dụng các biện pháp nhân tạo tiêu thụ nhiều điện năng như thiết bị thông gió cơ khí, hệ thống thiết bị điều hòa không khí.
Do những cố gắng không ngừng nghỉ trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, ông luôn được lãnh đạo và các đồng nghiệp quý mến. Đó chính là cơ sở quan trọng để sau này ông có những bước tiến vững chắc trên con đường học tập và nghiên cứu. Những tháng ngày mày mò vất vả nghiên cứu khoa học ở trời “Tây”đã được ông đúc kết bằng nhiều bài viết trên các tạp chí chuyên ngành ở Liên Xô. Một trong các kết quả nghiên cứu của ông về “Phương pháp tính toán lượng nhiệt bức xạ mặt trời chiếu qua cửa sổ có kết cấu che nắng vào nhà” đã được chấp nhận đưa vào tiêu chuẩn thiết kế xây dựng của Liên Bang Nga.
Sau khi nhận bằng tiến sỹ khoa học ở Liên Xô (năm 1978), về nước ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng (từ năm 1982-1990). Trong thời gian này, kết quả nghiên cứu khoa học nổi bật của ông là đề tài “Mái nhà nhiệt đới” do ông chủ trì với sự cộng tác thực hiện của Phó Giáo sư Tiến sỹ Lê Văn Nãi và giảng viên cao cấp Hoàng Như Tầng. Đề tài này đã được Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà Nước cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả (năm1980).
Một số kết quả nghiên cứu của ông trong thời gian này được đưa vào tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế xây dựng của nước ta như “Điều kiện vi khí hậu tiện nghi nhiệt của người Việt Nam” được đưa vào Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 306: 2004 “Nhà ở và công trình công cộng, các thông số vi khí hậu trong phòng”. Điều kiện tiện nghi nhiệt này cũng đã được một số sách báo quốc tế chấp nhận và giới thiệu như là điều kiện tiện nghi nhiệt đại diện cho các nước nhiệt đới nóng ẩm.
Nhận thấy vấn đề bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước là rất cấp thiết. “Tôi thấy mình cứ bó hẹp trong ngành hẹp này thì không thể giúp nhiều cho việc xây dựng cơ chế, chính sách và các giải pháp khoa học bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của đất nước. Vì thế, trên cơ sở nền tảng khoa học được đào tạo bài bản, tôi chuyển sang nghiên cứu những lĩnh vực mới rộng lớn, thực tế cấp bách hơn, đó là vấn đề bảo vệ môi trường đô thị và công nghiệp.
Một trong những phương tiện then chốt trong tự học hiệu quả là ngoại ngữ, dù đã biết tiếng Trung và tiếng Nga nhưng tôi vẫn cố gắng tự học thêm tiếng Anh để đọc được các tài liệu bằng tiếng Anh và tích cực tham gia các hội thảo quốc tế. Tính đến nay, tôi đã đi khảo sát khoa học và tham dự các Hội thảo khoa học ở hơn 30 nước trên thế giới”, Giáo sư Đăng chia sẻ.
Trong quá trình nghiên cứu khoa học, ông đã có nhiều cống hiến, trong đó có bằng độc quyền sáng chế được Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường cấp năm 2006 với đề tài “Nghiên cứu thiết kế xây dựng Lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại”. Đây là lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại đầu tiên do người Việt tự thiết kế, chế tạo và vận hành, đạt tiêu chuẩn quốc tế và được lắp đặt, sử dụng từ đó đến nay tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, Hà Nội.
Ngoài thời gian giảng dạy và nghiên cứu khoa học, ông còn tham gia tích cực vào việc xây dựng các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường của quốc gia như: Luật bảo vệ môi trường các năm 1994, 2005 và 2014; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21); Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020…
Dù ở cương vị nào, Giáo sư Phạm Ngọc Đăng cũng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của mình. Không kể những năm đảm nhiệm các chức vụ trưởng, phó phòng, trưởng, phó chủ nhiệm khoa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu… ông đã kiêm nhiệm nhiều trách nhiệm quản lý nặng nề như: 2 năm làm Hiệu phó, 8 năm làm Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng, 7 năm làm Tổng Thư ký của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước.
Tấm gương sáng cho thế hệ trẻ
Gặp ông tại căn nhà nhỏ tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội, tôi không khỏi bất ngờ bởi đã hơn 80 tuổi, nhưng ông vẫn không ngừng theo đuổi những công trình nghiên cứu khoa học mới ở lĩnh vực môi trường. Hiện ông vẫn được tín nhiệm để nhận chủ trì nghiên cứu liên tục và hàng năm từ 1 đến 2 đề tài khoa học cấp Bộ hay cấp Nhà nước.
Điển hình là một số đề tài khoa học mà ông đã thực hiện thành công, như đánh giá diễn biến và dự báo môi trường hai vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường; nghiên cứu đánh giá diễn biến môi trường và đề xuất các giải pháp các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Việt Trì; thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu như lập báo cáo đánh giá môi trường Chiến lược đối với dự án “Quy hoạch sử dụng Biển và Hải đảo Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, của Bộ Tài nguyên và Môi trường để trình Chính phủ và Quốc hội thông qua.
Trong quá trình nghiên cứu khoa học, ông đã xuất bản chính thức 18 quyển sách khoa học kỹ thuật và đăng trên các tạp chí chuyên môn ở trong và ngoài nước hơn 180 bài báo. Hiện tại, ông đang tập trung vào nghiên cứu “phát triển xanh” là một vấn đề then chốt quyết định sự phát triển bền vững của bất cứ quốc gia nào hiện nay. Như con thuyền lênh đênh tìm tri thức, ông đã mạnh dạn bẻ lái đưa con thuyền học vấn của mình đi từ dòng nước nhỏ ra đại dương mênh mông.
Khi được hỏi về bí quyết thành công, ông trải lòng: “Trong suốt 50 năm nghiên cứu khoa học, tôi luôn tập trung cho một hướng nghiên cứu phát triển nền nông nghiệp bền vững. Bởi bất cứ công trình khoa học nào thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật cũng không thể thành công nếu chỉ có một cá nhân đơn độc nghiên cứu.
Chính vì vậy, tôi rất chú trọng đến việc tập hợp các nhà khoa học, tạo nên một tập thể đoàn kết để cùng thực hiệc các đề tài khoa học, tất cả là trên cơ sở tôn trọng, hợp tác và cùng vì lợi ích chung của đất nước. Tôi được như ngày nay là nhờ có công ơn to lớn của Đảng và Nhà nước, do vậy tôi nguyện làm “con tằm nhả tơ” vì Tổ quốc cống hiến đến trọn đời.”.
Với những cống hiến của mình, ông đã trở thành một nhà nghiên cứu đầu ngành của ngành Môi trường và Xây dựng, được các tổ chức quốc tế và bạn bè đồng nghiệp kính nể. Được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba năm 1985; Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 1987; Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2004 và nhiều Bằng khen của các Bộ như: Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng… Ông chính là tấm gương sáng để các thế hệ con cháu và học trò noi gương và học tập.
Diệu Thúy
Nguồn: TTXVN/ https://baotintuc.vn/