Công trình Chèo

Giáo sư Trần Bảng sinh năm 1926, ở Vĩnh bảo, Hải Phòng. Ông được nhà thơ Huy Cận gọi thân mật là “Trùm chèo”. Ông là tác giả của 4 cuốn sách có giá trị về nghệ thuật chèo và đạo diễn thành công hơn 20 vở chèo, chú trọng cả phục dựng trò diễn cổ và sáng tạo trò diễn mới gồm phục dựng vở Súy vân, Quan âm thị kính; biên soạn vở Cô gái và anh đô vật…

Sau cách mạng tháng Tám, công cuộc phục hồi nghệ thuật Chèo đã tạo ra một thế hệ đông đảo những diễn viên Chèo hiện đại. Theo đó là sự xuất hiện một đội ngũ đạo diễn Chèo như Trần Huyền Trân, Cao Kim Điền, Phan Tất Quang, Lộng Chương, Chu Văn Thức…, trong đó có GS Trần Bảng. Mỗi đạo diễn đều có cách làm, phong cách nghệ thuật riêng, nổi lên như chất thơ trong chèo của Trần Huyền Trân, chất kịch liệt của Phan Tất Quang… Diện mạo khởi sắc của sân khấu (đầu những năm 90 của thế kỷ XX) là do công sức đóng góp của đội ngũ đạo diễn Chèo chuyên nghiệp này. Theo GS Bảng, đáng tiếc cho đến năm 2006 ở từng đạo diễn vẫn không có lời phát biểu nào về cách dàn dựng, phong cách nghệ thuật trò diễn của mình được ghi lại thành tài liệu chính thống. Mặt khác, chèo là một thể loại trò diễn sân khấu thuộc loại hình văn hóa phi vật thể nên dễ bị trôi theo thời gian, may chăng chỉ còn có thể để lại một số hình ảnh, cảm xúc trong ký ức người xem. Khoảng trước những năm 2000, phương tiện ghi hình còn chưa phổ biến như hiện nay. Đặc biệt, các trò diễn khi qua tay đạo diễn truyền hình không còn giữ được chất lượng nguyên bản. Ông Bảng cho rằng không thể chỉ dựa vào những dữ kiện mơ hồ trong ký ức mà suy luận đánh giá về công việc sáng tạo của đồng nghiệp. Vì vậy, năm 2004, ông suy nghĩ tổng kết lại công việc sáng tạo của bản thân trong hơn 50 năm làm nghề đạo diễn Chèo: về nghệ thuật Chèo, về công việc dàn dựng, về những ý đồ sáng tạo được thực hiện trên sàn diễn… Ông cũng không hy vọng cuốn sách này là bài bản chuẩn mực vì mỗi đạo diễn có cá tính riêng của mình nên đã chọn tên của tác phẩm là: Trần Bảng – Đạo diễn Chèo. Năm 2006, bản thảo cuốn sách hoàn thành và Nhà xuất bản Sân khấu ấn hành. Năm 2015, nhân dịp sinh nhật tuổi 90 của Giáo sư Bảng, cuốn sách được tái bản. Tuy cuốn sách là sản phẩm sáng tạo cá nhân, nhưng trong quá trình viết ông đã tiếp nhận tinh hoa, kinh nghiệm từ tác phẩm của các đồng nghiệp và nhiều thế hệ diễn viên, nhạc sĩ, họa sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam. Ông Bảng vốn tính không thích khoa trương nên không có dự định đăng ý giải thưởng nhưng khi học trò khuyên ông nên làm để nhiều người dân Việt Nam biết đến nghệ thuật chèo hơn thì ông mới đồng ý. Ông từng tâm sự: Thực sự, với tôi, đây là công trình tâm đắc nhất, tổng hợp toàn bộ các tri thức về Chèo, từ kỹ thuật diễn, lý luận cho đến các sáng tác… Đánh giá về giá trị của cuốn sách, bà Nguyễn Thị Bích Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam khẳng định: Đó là công trình tổng kết cả một đời làm nghề, được sống với nghề Chèo của ông. Giáo sư Bảng đã tìm ra được phương pháp gìn giữ chèo qua những phân tích cụ thể của từng mô hình nhân vật được kiểm chứng từ thực tiễn các vở diễn do ông phụ trách. Đó là giá trị nghiên cứu hoàn hảo của nghệ thuật chèo cả về lý luận và thực tiễn. Ông đúc kết những sai lầm từ thực tiễn của chính bản thân mình trong quá trình dàn dựng nhiều vở diễn để tìm ra hướng đi đúng đắn. Qua cuốn sách này, các diễn viên chèo sẽ hiểu thêm về kỹ thuật chèo, những người nghiên cứu sẽ rõ hơn về quá trình tạo dựng một tác phẩm và gìn giữ chèo và với đạo diễn sẽ có định hướng chuẩn để xây dựng những vở chèo không bị lệch sang các loại hình nghệ thuật khác. Có thể nói, cuốn sách là cẩm nang cho nhiều thế hệ theo nghiệp chèo như chúng tôi.

Trước khi lên Việt Bắc, gần như Trần Bảng chưa hiểu biết gì về chèo, có chăng là thời thơ ấu đôi lần được xem chèo tuồng sân đình. Năm 1951, Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương thành lập ở bến Canh Nông, Tuyên Quang. Đoàn hội tụ một số tên tuổi như Thế Lữ, Song Kim (tổ kịch), Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Doãn Mẫn, Thái Ly (tổ ca múa nhạc), Năm Ngũ, Dịu Hương, Cả Tam (tổ chèo). Ông Bảng cũng là một thành viên trong đoàn. Thời kỳ ấy do biên chế còn quá mỏng nên làm việc theo cách dồn cả đoàn làm một tác phẩm, bất kể là kịch hay ca múa, đòi hỏi các thành viên phải biết nhiều nghề. Lúc này, chèo là nghệ thuật dân tộc nên đặc biệt được đề cao. Đặc biệt với chủ trương phục hồi vốn cổ dân tộc diễn ra rất mạnh mẽ của Đảng thời điểm đó. Đoàn đã đặt ra quy định mỗi buổi sáng tất cả thành viên phải tập trung học hát chèo nên tất cả đã trở thành những học trò của các nghệ nhân dân gian như Năm Ngũ, Cả Tam, Dịu Hương…Nhờ đó mà Trần Bảng dần thấy thích thú, say mê với chèo từ bao giờ không hay. 

Ông Bảng nhớ quá trình trao đổi dựng vở chèo, các nghệ nhân cứ tự diễn theo cách của mình, họ đã làm đúng như chèo truyền thống vốn có, không pha tạp. Đây là phương pháp truyền nghề độc đáo mà không phải lĩnh vực nào cũng áp dụng được. Bản chất ham học hỏi, lại tiếp xúc trực tiếp với các nghệ nhân lành nghề, thanh niên Trần Bảng đã chăm chỉ học, tự lúc nào không rõ, gắn bó với chèo sau những bậc thang dấn thân ban đầu ấy. Mỗi bản dựng, đạo diễn Trần Bảng đều có những thể nghiệm cho riêng mình cũng như những chiêm nghiệm đã được ghi lại kỹ lưỡng cho hậu thế trong các cuốn sách. Ông tâm sự: Làm nghề gì cũng phải đam mê, sống và hy sinh vì nó. Vì yêu chèo nên tôi phải làm tất cả các việc từ soát vé, nhân viên hậu đài, diễn viên… đến nghiên cứu. Tôi sống và làm việc cùng với các nghệ nhân dân gian cũng là để học hỏi và tiếp thu kinh nghiệm từ họ.

Giáo sư Trần Bảng nhớ như in câu chuyện vào cuối năm 1952. Để chuẩn bị phục vụ một hội nghị lớn của Trung ương, Đoàn được Ban Tuyên huấn Trung ương yêu cầu dàn dựng vở kịch Dân cày vùng lên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Cả đoàn dồn sức vào tập vở kịch do nhà thơ Thế Lữ đạo diễn. Nhận thấy tổ chèo còn rảnh rỗi, ông Trần Bảng nảy ra ý định làm thêm một vở chèo từ câu chuyện có thật ông chứng kiến trong chuyến đi thực tế tại Bắc Giang. Được sự ủng hộ của lãnh đạo đoàn và các nghệ sĩ chèo, ông đã kết hợp với các nghệ sĩ Năm Ngũ, Dịu Hương viết đề cương và dựng vở Chị Trầm. 

Đầu năm 1953, khi về An toàn khu, Thái Nguyên duyệt tiết mục phục vụ hội nghị Trung ương thì vở chèo Chị Trầm được chọn. Đêm công diễn Chị Trầm ở An toàn khu, Bác Hồ đã cùng các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng đến xem. Vở chèo tả cuộc đời của nhân vật Trầm từ một người đi ở cho địa chủ bao nhiêu tủi khổ được cách mạng giải phóng, được tự do làm ăn hội họp vui vẻ… Dù còn mộc mạc đơn sơ nhưng vở Chị Trầm rất được hoan nghênh. Khi vở diễn kết thúc, Bác Hồ yêu cầu mở màn lại, trực tiếp bước lên sân khấu thưởng kẹo cho các nghệ sĩ và khen ngợi: “Phường chèo này hát hay lắm!”. Trần Bảng với tư cách là người phụ trách Đoàn và là tác giả vở diễn đã vinh dự được Bác Hồ mời cơm. Trong bữa cơm cùng, Bác Hồ khen Trần Bảng còn trẻ mà đã biết yêu vốn nghệ thuật cổ truyền của dân tộc và ân cần căn dặn: “Chèo là viên ngọc quý, phải ra sức học, đặc biệt là phải học các nghệ nhân để hiểu sâu và nắm vững nghề chèo”. Sau đó, vở diễn này được biểu diễn tại các cơ quan trong An toàn khu. “Dây tơ hồng” của Trần Bảng với nghệ thuật chèo đã được xe như thế, và đã trọn đời vấn vít cùng ông.

Giáo sư Trần Bảng từng tâm sự, có lẽ ông mắc nợ nghệ thuật Chèo Việt Nam. Ngay cả vợ ông cũng sinh hoài nghi và “ghen” với chèo. Trong bức thư ông gửi vợ, bà Trần Thị Xuân ngày 23 tháng 11 năm 1962, có đoạn: Nhất định và anh cam đoan 100% là không có bóng dáng của người thứ hai. Có chăng là công việc nghệ thuật nó làm anh bận óc quá mức. Và em cũng đừng ghen gì với nó, vì thật ra nó đang cần được em ủng hộ. Anh như người mắc nợ lớn với nghệ thuật. Mặc dù có thời gian đảm nhiệm nhiều trọng trách như: Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu Bộ Văn hoá Thông tin; Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khóa I, nhưng nơi ông gắn bó nhất vẫn là Nhà hát Chèo Việt Nam.

Coi tác phẩm chèo là “di sản văn hóa dân tộc” cần phải được trân trọng và nuôi dưỡng như những đứa con tinh thần ông đã cùng các cộng sự của mình khai thác, bảo tồn các vở chèo cổ, lưu giữ nghệ thuật sân khấu của người xưa, đồng thời xây dựng vở diễn mới mang hơi thở và những thông điệp của cuộc sống hiện đại. Ông là đạo diễn của hơn 20 vở diễn được đánh giá cao, trong đó có nhiều vở được coi là các mốc son đánh dấu sự phát triển, trưởng thành của sân khấu chèo cách mạng ở cả hai phương diện: phục dựng trò diễn cổ và sáng tạo trò diễn mới như Súy Vân (1961); Quan Âm Thị Kính (các năm 1957, 1968, 1985); Từ Thức (1990), Nàng Thiệt Thê (2001)… Song song cùng công việc phục hồi chèo cổ, thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Trần Bảng viết nhiều kịch bản chèo hiện đại như: Con trâu hai nhà (1956); Đường đi đôi ngả (1959); Máu chúng ta đã chảy (1962); Tình rừng (1972); Chuyện tình năm 80 (1981)… phản ánh cuộc sống đương đại nhằm động viên cổ vũ nhân dân sản xuất và chiến đấu. Các vở diễn đều có sự kế thừa và phát triển các thủ pháp nghệ thuật của chèo truyền thống. Với những vở diễn này, ông Bảng đã đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo cổ, đưa chèo cổ sống lại trên sân khấu chèo hiện đại.

Bản thảo những vở chèo của Giáo sư Bảng theo cả hai hướng là phục dựng chèo cổ và viết kịch bản chèo hiện đại.

Với phương châm phục hồi phát triển nghệ thuật truyền thống phải nhằm phục vụ cho cuộc sống đương thời, năm 1956, Đoàn chèo nhân dân Trung ương và Ban nghiên cứu Chèo do Giáo sư Trần Bảng đảm nhiệm đã lựa chọn vở chèo Quan Âm thị Kính để phục hồi, chỉnh lý. Đây là vở diễn được lưu truyền trong dân gian qua nhiều thế hệ. Năm 1957, ông Bảng đã lựa chọn và giao nhiệm vụ cho nghệ sĩ Trần Huyền Trân chỉnh lý kịch bản, cùng sự cộng tác của các nghệ sĩ Ngọc Chung (âm nhạc), Nguyễn Đình Hàm (trang trí), Sĩ Ngọc, Quang Phòng (phục trang). Giáo sư Trần Bảng trực tiếp chỉ đạo và đạo diễn dàn dựng. 
Đây là vở chèo đầu tiên Giáo sư Trần Bảng dựng sau khi miền Bắc giải phóng và cũng là vở chèo ghi dấu ấn mạnh mẽ cho tên tuổi của ông. Giáo sư Trần Bảng tâm sự rằng, sau 30 năm với 3 lần phục dựng ông mới tìm ra được chìa khoá để giải mã hình tượng trung tâm của vở này là nhân vật Thị Kính. Trong một lần tình cờ vãn cảnh chùa Mía, Trần Bảng đã giật mình sững sờ trước pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Trước mắt ông hiển hiện một Thị Kính với nét mặt thanh thản rạng lên ánh hào quang của tấm lòng từ bi hỷ xả, một đứa bé nằm trong lòng, tay chân quơ lên, ngây thơ sống động. Lúc ấy, ông đã nhận ra: Thị Kính không phải là người phụ nữ mềm yếu, thụ động cam chịu những oan trái, khổ nạn của cuộc đời, không chỉ là một hình tượng dầm dề nước mắt như ông và đồng nghiệp đã từng phục dựng trên sân khấu. Thị Kính thực ra là hình tượng cho thấy oan khiên, bất hạnh dù trớ trêu, chất chồng, nghiệt ngã thế nào cũng không thể giết chết lòng trắc ẩn, sự vị tha của một con người. Vì vậy, vở chèo Quan Âm Thị Kính không chỉ nhằm diễn tả nỗi oan và nước mắt Thị Kính mà còn để thể hiện cái cách nhân vật này hoá giải tai hoạ của cuộc đời bằng tình yêu thương và sự hy sinh thầm lặng.

Năm 1985, ông mang vở diễn Quan Âm Thị Kính đi dự liên hoan ca kịch quốc tế tổ chức ở Berlin, Cộng hòa dân chủ Đức. Dù không phải mùa du lịch nhưng nhà hát nghìn chỗ vẫn cháy vé ngồi và phải bán vé đứng. Sau khi vở diễn kết thúc, các diễn viên ra vào 10 lần vì khán giả vỗ tay nhiệt tình. Lần đầu tiên trong sự nghiệp diễn chèo của mình, ông đã khóc vì xúc động. Đúng hơn đó là cảm giác hạnh phúc vì đã mang được một tác phẩm đậm tính cổ truyền dân tộc Việt Nam ra quốc tế. Cho đến ngày nay, vở chèo đã được dựng lại rất nhiều lần, tham dự hàng trăm liên hoan sân khấu ca kịch lớn nhỏ trong nước và quốc tế nhưng hồn cốt và những giá trị nghệ thuật của nó vẫn được giữ nguyên vẹn.

 Bản thảo vở chèo “Súy Vân” do Giáo sư Trần Bảng chỉ đạo sản xuất, nghệ sĩ Hàn Thế Du chấp bút cải biên năm 1961 cũng là một vở chèo cổ được phục dựng. Năm 1957, Giáo sư Bảng và Ban Nghiên cứu chèo đã lựa chọn hai vở Quan âm thị kính và Súy Vân trong số hàng trăm kịch bản chèo cổ để phục hồi.
Theo Giáo sư Bảng, có 3 cách để phục hồi các vở chèo là chỉnh lý, cải biên, viết lại. Ông tuân thủ cách làm chung là sửa đổi kịch bản và trò diễn ở mức tối thiểu cần thiết nhưng bắt buộc giữ những miếng trò hay của truyền thống. Trước đây đã có một số đoàn đã diễn và chỉnh lý vở chèo này như đoàn Kim Lan (khuyết danh người soạn) với tiêu đề Súy Vân giả dại; đoàn chèo Cổ Phong do nghệ sĩ Trần Huyền Trân chỉnh lý thành vở Vân dại (1957). Các vở chèo này chưa mang đầy đủ tính bi kịch vì tập trung chủ yếu đến phần nguyên nhân khách quan, tạo nên những hoàn cảnh bi ai mà coi nhẹ phẩm chất của nhân vật.

Năm 1960, Giáo sư Trần Bảng lên đề cương kịch bản cải biên vở chèo Súy Vân. Trong đó có sự phụ giúp của đạo diễn Hàn Thế Du (chấp bút sau đề cương chung do Giáo sư Trần Bảng phác họa), bộ phận hành chính của Ban nghiên cứu Chèo hoàn thành đánh máy chữ năm 1961. Năm 1962, kịch bản vở chèo đã được đưa ra để dàn dựng thực nghiệm trên sân khấu với sự đóng góp của các nghệ sĩ như Hoàng Kiều (âm nhạc), nghệ nhân Minh Lý (uốn nắn điệu chèo), Nguyễn Đình Hàm (trang trí phục trang). Công tác cải biên của ông được tiến hành sẽ tiếp tục theo vở diễn cổ của các nghệ sĩ dân gian nhưng gia công vào làm ý đồ bênh vực Súy Vân thắng thế, trở thành chủ đề tư tưởng cho vở chèo. 

Theo Giáo sư Bảng, Súy Vân được cải biên từ vở chèo cổ Kim Nham. Sở dĩ ông đặt vấn đề cải biên vì nội dung vở cổ chứa đựng mâu thuẫn rất lớn. Một bên là tư tưởng “trọng nam khinh nữ” phê phán khắt khe hành động của Súy Vân giả dại để thoát khỏi gia đình nhà chồng đi tìm hạnh phúc lứa đôi. Một bên là tư tưởng của người nông dân coi hành động trên là giải thoát hợp tình người, sáng tạo nên một hình tượng Súy Vân tuyệt đẹp trong lớp giả dại. Mâu thuẫn đưa trò diễn cổ đến tình trạng nửa vời, không dứt khoát về chủ đề tư tưởng. Mặt khác, theo tinh thần chung của tập thể cải biên ở Ban nghiên cứu Chèo đứng về phía người nông dân ủng hộ sự nổi dậy của Súy Vân.

Quá trình cải biên vở chèo này, Giáo sư Trần Bảng vẫn cố gắng bảo tồn những truyền thống độc đáo của vở chèo cổ. Ông tập chung vào trích đoạn Vân dại, nghiên cứu từng động tác, từng lời hát để tìm ra tính cách và động tác chủ đạo của Súy Vân làm cơ sở xây dựng cấu trúc phân đoạn khác nhau của vở. Súy Vân là người con gái mà xã hội phong kiến xếp vào hàng nghịch nữ nhưng trước con mắt của các đạo diễn ngày nay thì lại là một tính cách hiếm có, nó như ngọn đuốc sáng ngời lên trong đêm tối mịt mùng của xã hội cũ. Trong vở cải biên, Súy Vân đã trở thành một nhân vật trung tâm mang tâm mang tính triết lý. Ngọn lửa của một tấm lòng yêu thương khao khát cuộc sống bùng lên nhưng liền bị sức mạnh của bóng tối dập tắt. Những hình tượng độc đáo của vở cổ đều giữ được như: lớp hề gậy; mụ Quán, thầy Phù thủy và nhất là đoạn Vân dại thì không những được bảo tồn toàn vẹn mà còn được trau chuốt thêm. Ông bỏ màn gả chồng cho Súy Vân. 

Vở chèo Súy Vân cải biên nhấn rõ tính bi kịch, mang màu sắc của chèo cổ, còn về phong cách thì nhân vật chính có những đặc điểm phát triển mới: sự kết hợp hài hòa giữa lối tự sự và lối biểu hiện có tính kịch.

Trong vở cải biên, Họa sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Đình Hàm đã thử nghiệm thành công thủ pháp miêu tả nửa tương trưng với cảnh trí giản dị mang phong cách tả ý rất hiệu quả. Giáo sư Trần Bảng lấy ví dụ ở màn 4 của kịch bản vở chèo Súy Vân là mạng nhện đen bao trùm toàn bộ phông hậu, ở giữa là con nhện xanh đen đang rình con chuồn chuồn ớt bị sa bẫy dường như càng vùng vẫy càng bị trói chặt … đã để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả. Hình ảnh mạng nhện đã trở thành biểu tượng của vở chèo. Quý vị có thể nhìn bức ảnh Giáo sư Trần Bảng (đứng thứ 8 từ phải, hàng thứ nhất) cùng các nghệ sĩ sau khi tập vở Súy Vân tại Nhà hát Chèo Việt Nam (1991) để thấy rõ hơn.

Năm 1962, tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (rạp Hồng Hà, Hà Nội), vở diễn này được tặng thưởng Huy chương vàng cho từng khâu đạo diễn, âm nhạc, trang trí phục trang. Đặc biệt, 8 Huy chương vàng dành cho hầu hết các diễn viên đóng trong vở diễn, vở diễn có 8 nhân vật thì 7 nhân vật đoạt huy chương vàng, một nhân vật chịu huy chương bạc chỉ vì hát sai một nhịp (Diễn viên đóng mụ Kim). Theo Thạc sĩ Trần Minh Phượng: Cho đến nay, vở diễn Súy Vân do Giáo sư Trần Bảng đạo diễn vẫn tồn tại và trở thành một trong những tiết mục truyền thống kinh điển trên sàn diễn Nhà hát Chèo Việt Nam và nhiều nhà hát, đoàn chèo địa phương trong cả nước. 

Trong ba bản thảo, riêng vở chèo Cô gái và anh Đô Vật được Giáo sư Trần Bảng sáng tác vào năm 1977 là sáng tác hiện đại. 

Theo Giáo sư Trần Bảng, đất nước thống nhất (1975), trong hòa bình, nhân dân đòi hỏi có đời sống vật chất tinh thần đầy đủ, tự do hơn. Yêu cầu được thư giãn về tâm lý đã khiến dân chúng mua nhiều băng nhạc, băng hình mang tính giải trí, đôi khi tiêu cực từ nước ngoài nhập nội. Những vở cải lương li kì, giật gân, ít nội dung sâu sắc, chủ yếu câu khách về hình thức của các đoàn cải lương tập thể tư doanh ở miền Nam được dân chúng cả nước đón tiếp nồng hậu. Ông nhận thấy sân khấu chính thống cách mạng phải phải có động thái thay đổi phù hợp với thời đại. 

Nhà hát Chèo Việt Nam đứng trước thách thức cần phải thay đổi. Giáo sư Trần Bảng chuyển sang làm Vụ trưởng Vụ Sân khấu, ông Phạm Như Khôi tiếp quản chức vụ Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam. Tuy vậy, Giáo sư Bảng vẫn gắn kết đồng hành cùng hoạt động của Nhà hát Chèo trong sáng tác và đạo diễn. Từ năm 1976 đến 1981, họ đã hoàn thiện các kịch bản và đưa vào dàn dựng các vở diễn đề tài hiện đại như Trưng Trắc, Đảo Ngọc, Chuyện tình 80…. trong đó có Cô gái và anh Đô vật. Vở diễn này đã đạt được sự nhuần nhuyễn chất chèo khi tái hiện sàn diễn cuộc sống và con người đương đại, có sự kế thừa và phát triển các thủ pháp nghệ thuật của chèo truyền thống. Câu chuyện xuất phát từ hình ảnh có thật là cô gái mà Giáo sư Trần Bảng đã gặp ngoài đời trong một lần phát chẩn cho dân nghèo ở quê nhà là Cổ Am, Hải Phòng vào năm 1945. 

Năm 1976, ông Bảng viết vở chèo có hư cấu thêm thông tin để phù hợp với bối cảnh lịch sử và ý đồ nghệ thuật. Cốt chuyện được tóm tắt như sau: Chuyện kể về chuyện tình cô gái và anh đô vật (tên thường gọi là Đô Lực). Vùng quê đó có ông Chánh tổng tên là Nghị Tường nổi tiếng tham lam, cấu kết với quân Nhật bóc bóc lột dân lành. Cô gái thường xuyên đến nhà Nghị Tường nên thường ăn trộm thóc gạo mang về nuôi mẹ. Một lần lấy được gạo mang về thì biết mẹ đã chết vì đói. Anh Đô Lực làm nghề đấu vật, thường xuyên biểu diễn mua vui cho quan Nhật ở nhà Nghị Tường biết chuyện nên giúp đỡ mai táng cho mẹ của cô gái. Từ đó, cô gái kia âm thầm ăn trộm gạo nhà Nghị Tường rồi lén lút cho anh Đô Lực, sau hai người cảm mến nhau. Đến ngày hội, cô gái trực tiếp chứng kiến cuộc đấu vật giữa viên sĩ quan Nhật sống ở nhà Nghị Tường và Đô Lực. Anh Đô lực bị thua trên sàn đấu, bị liệt nhưng được bà cô của cô gái đưa về nhà chăm sóc. Cô gái biết vậy nên thường xuyên lẻn vào nhà Nghị Tường trộm gạo nuôi anh Đô Lực. Có buổi nhà Nghị Tường phát hiện rượt đuổi, bắn cô gái. Bà cô của Đô Lực báo tin cô gái bị chết. Đô Lực đã bật dậy dù đang bị liệt. Cô gái bị thương nặng vẫn chạy lên núi, may mắn gặp ông Ké (già làng, Hồ Chủ tịch) rồi được cứu chữa. Trong đoàn có chị du kích mới sinh con nhưng con chết, vẫn còn sữa để cho cô gái uống. Khi tỉnh dậy, cô gái đã nhìn thấy ông Ké cầm cờ đỏ sao vàng, cô gái nghĩ rằng đó là ông bụt. Sau đó ông có nói: muốn theo cách mạng hãy theo ta. Ông đã đặt đặt tên cho cô gái là Thu Hồng, dạy chữ, cách ăn ở, chiến đấu. Cô gái được làm chính trị viên ở một đơn vị địa phương. Trong làng, anh Đô Lực và quần chúng nhân dân vùng lên phá kho thóc nhà Nghị Tường, anh Đô lực bị bao vây. Đoàn du kích cùng cô gái đến hỗ trợ giải cứu. Anh Đô Lực đã đánh nhau với viên quan Nhật trước đây từng hạ gục anh và chiến thắng. Cuối cùng bà cô của anh Đô Lực mở quán nước và vô tình gặp cô gái đi qua, giật mình tưởng ma. Bà cô vội báo với Đô Lực, hai người đã tìm thấy nhau và cưới nhau. Vở tuy thuộc đề tài hiện đại song rất gần gũi với phong cảnh chèo cổ. GS Trần Bảng sử dụng tên anh Đô Lực để đặt tên con trai thứ 2 của mình là Trần Lực. Những bản thảo này cũng là nguồn tài liệu phục vụ quá trình giảng dạy của Giáo sư Trần Bảng cho các lớp cao học của trường Đại học Sân khấu điện ảnh. 

Cả cuộc đời danh trọn tâm huyết cho nghệ thuật Chèo, Giáo sư Trần Bảng đã hoàn thành nhiệm vụ khai thác, bảo tồn các vở chèo cổ, lưu giữ các lớp trò (các đoạn diễn trong vở chèo) của các nghệ nhân, xứng đáng để báo cáo thành tích với Bác Hồ qua giải thưởng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh – người đã cho ông niềm tin và động lực gắn bó, phát triển chèo.