Công trình nghiên cứu về Trâu đầu tiên ở Việt Nam

Trong thời gian học Đại học tại Trung Quốc và làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô, Hồ Văn Nam đọc rất nhiều sách tham khảo về động vật và thấy rằng rất ít tài liệu đề cập đến con Trâu vì đây là loài động vật sống chủ yếu ở vùng nhiệt đới Châu Á và một số nước ở Nam Phi. Đặc biệt, ông nhận thấy vị trí quan trọng của con Trâu trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam ở thời điểm đó và ông cho rằng việc nghiên cứu về đặc điểm sinh học và sinh thái của Trâu chính là hướng cần khai phá và phát triển một số đề tài nghiên cứu. Bắt đầu từ suy nghĩ đó, năm 1974, sau khi bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ và trở về nước, Hồ Văn Nam bắt tay ngay vào hướng nghiên cứu này.

GS.TSKH Hồ Văn Nam với những bản Tóm tắt luận án Tiến sĩ mà ông đã từng hướng dẫn

Với lòng nhiệt huyết của mình, sau nhiều năm lặn lội đi khắp các miền quê Việt Nam, PTS Hồ Văn Nam đã tập hợp đầy đủ số liệu về sự sinh trưởng, phát triển của con Trâu Việt Nam. Cũng khoảng thời gian này, năm 1985, trường Đại học Nông nghiệp I cử ông sang Liên Xô học tập nâng cao kiến thức. Coi đây là cơ hội lớn để thực hiện ý tưởng nghiên cứu của mình, PTS Hồ Văn Nam đã đề nghị được ở lại thêm 2 năm để thực hiện và bảo vệ luận án Tiến sĩ và được trường Đại học Nông nghiệp I và Viện Quốc gia Thú y Moskva, Liên Xô chấp thuận.

Năm 1988, vượt qua áp lực tâm lý và những khó khăn trong quá trình tự học ngoại ngữ của bản thân, với đề tài “Các chỉ tiêu sinh lý lâm sàng và sinh hóa ở trâu Việt Nam khỏe mạnh và trong những bệnh lý khác nhau ở gan”, PTS Hồ Văn Nam đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ và được Hội đồng bảo vệ đánh giá cao. Luận án không chỉ là cơ sở, gợi mở cho các nghiên cứu khác về Trâu mà còn là tài liệu khoa học đầu tiên và bài bản nhất viết về đặc điểm sinh lý và lâm sàng của con trâu ở Việt Nam. Với những thành công bước đầu đó, TS Hồ Văn Nam đã hướng dẫn nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh trong nước và ngoài nước tiếp tục đi sâu nghiên cứu về Trâu.

Buổi đầu tiên trò chuyện với GS.TSKH Hồ Văn Nam và được nghe những câu chuyện về cuộc đời, về quá trình nghiên cứu khoa học của ông đã giúp chúng tôi hiểu thêm về những đóng góp của các nhà khoa học trong lĩnh vực Nông nghiệp đối với nền khoa học nước nhà.

Bích Phương