Bằng phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, kết hợp các yếu tố khoa học và cách mạng, lý luận và thực tiễn, GS.VS Nguyễn Khánh Toàn khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, sự thắng lợi tất yếu của cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam… Cụm công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.
GS Nguyễn Khánh Toàn sinh năm 1905 ở Nghệ An trong gia đình có truyền thống hiếu học. Năm 1923, ông thi đỗ trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Thời gian này, bầu không khí yêu nước của sinh viên và thanh niên diễn ra rất sôi nổi. Các tờ báo Nhân đạo, Người cùng khổ và nhiều sách chính trị lọt vào trong trường học ngày càng nhiều. Những năm 1924-1925, nhiều sự kiện diễn ra làm sục sôi tinh thần yêu nước của học sinh, sinh viên. Mở đầu là sự kiện Phạm Hồng Thái ném bom Toàn quyền Merlin ở Quảng Châu do các báo: Trung Bắc tân văn, Thực nghiệp dân báo, Khai hóa nhật báo đưa tin. Tiếp đến là sự kiện đòi ân xá Phan Bội Châu diễn ra vào tháng 6-1925 của học sinh, thanh niên Hà Nội khiến Toàn quyền Đông Dương Varenne phải đưa vụ án ra xét xử công khai... Trước tình hình đó, Nguyễn Khánh Toàn thấy rằng: Thanh niên, học sinh ngày càng chú ý đến thời cuộc, họ bàn tán, thảo luận thời sự. Họ vớ được gì đọc đấy, chưa phân biệt vàng thau… Giống như người cùng khổ đi đường xa trong lúc nắng hạn, đang khát gặp giếng uống nước giếng, gặp ao uống nước ao, gặp suối uống nước suối.
Mùa hè năm 1926, Nguyễn Khánh Toàn chuẩn bị ra trường sau ba năm đèn sách thì được Hiệu trưởng Favier mời đến làm việc và thông báo trường sẽ không cho phép ông thi tốt nghiệp. Tuy sau đó ông vẫn được thi nhưng bị trường đánh trượt. Cuối tháng 9-1926, Nguyễn Khánh Toàn vào Sài Gòn lập nghiệp. Ông làm Chủ nhiệm tờ báo Le Nhaqué – với ý thách thức người Pháp khi gọi dân Việt Nam một cách khinh bỉ là Người nhà quê hay Đồ nhà quê. Báo mới ra được 1 số ngày 11-12-1926 thì bị Thống đốc Nam Kỳ ra lệnh đình bản. Ông bị bắt giam và xử 1 năm tù án treo. Không lâu sau, Nguyễn Khánh Toàn được luật sư Phan Văn Trường mời làm chủ bút cho báo L’Annam. Tháng 6-1927, do tổ chức lễ truy điệu trí sĩ Lương Văn Can và báo đăng những thông tin về chủ nghĩa cộng sản, Nguyễn Khánh Toàn cùng các ông Hà Huy Giáp, Trần Huy Liệu… bị bắt giam. Đầu năm 1928, nhóm các ông bị đưa ra xét xử, Nguyễn Khánh Toàn bị kết án 2 năm tù treo. Lúc này, Nguyễn Khánh Toàn đệ đơn xin đi Pháp và được Thống đốc chấp thuận ngay. Khoảng tháng 3-1928, ông sang Pháp.
Ở nơi đất khách quê người, Nguyễn Khánh Toàn được nhóm Việt kiều là Dương Bạch Mai, Nguyễn Thế Thành giúp đỡ nhiệt tình. Nhờ đó, ông được Đảng Cộng sản Pháp giới thiệu sang Liên Xô học tập ở Trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông (gọi tắt là Trường Phương Đông). Tháng 10-1928, Nguyễn Khánh Toàn sang Liên Xô – đất nước xã hội chủ nghĩa, nơi đã phất cao ngọn cờ, tiên phong ủng hộ các nước thuộc địa đấu tranh giải phóng dân tộc, xóa bỏ áp bức bóc lột. Đó cũng là nơi mà nhiều thanh niên nhiệt huyết như ông, luôn ao ước được sống và học tập để tìm con đường giải phóng dân tộc, cứu giúp đất nước mình.
Sau gần một năm học tập ở Trường Phương Đông, Nguyễn Khánh Toàn được Đông Phương Bộ, Quốc tế Cộng sản chuyển lên làm nghiên cứu sinh ngành Sử học. Trong quá trình học, ông còn tham gia giúp việc cho Quốc tế Cộng sản, Quốc tế Công hội đỏ, Quốc tế Thanh niên…, làm công việc phiên dịch tài liệu tiếng Việt (trong nước gửi sang) sang tiếng Nga và ngược lại. Bên cạnh đó, ông còn viết bài về vấn đề Việt Nam cho các báo, tạp chí như Nhân đạo, Thư tín quốc tế, Quốc tế Cộng sản… Năm 1933, ông Nguyễn Khánh Toàn là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ luận án tiến sĩ ở Trường Phương Đông với đề tài “Chiến tranh nông dân ở Đông Dương vào thế kỷ 18 – Khởi nghĩa Tây Sơn”. Công trình này là cơ sở để sau này ông viết cuốn sách Vài nhận xét về thời kỳ từ cuối nhà Lê đến nhà Nguyễn Gia Long (1954).
Sau một thời gian dài hoạt động tích cực ở Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Khánh Toàn lên đường về nước qua đường Trung Quốc vào năm 1939. Tại Tây An, ông được bạn là Chu Ân Lai khuyên: “Anh hãy đi vào vùng căn cứ của chúng tôi – Diên An, chờ khi nào có điều kiện thuận lợi hãy về”. Theo gợi ý đó, ông đến Diên An và được nhận nhiệm vụ dạy Nga văn, Trường Trung Quốc nữ tử đại học. Gần 6 năm làm công tác giảng dạy, tháng 9-1945, đất nước độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với Đảng Cộng sản Trung Quốc để Nguyễn Khánh Toàn về nước cùng đồng chí Nguyễn Sơn để nhận nhiệm vụ mới.
Cuối tháng 10-1945, ông Nguyễn Khánh Toàn về nước chờ phân công tác. Trong thời gian đó, ông lên lớp giảng lý luận chính trị cho cán bộ được tổ chức ở Hà Đông. Không chỉ vậy, ông còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ tin tưởng giao giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) vào tháng 11-1946 nhằm giải quyết nhiệm vụ cấp bách là “Diệt giặc đói – giặc dốt – giặc ngoại xâm”. Cùng với Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, ông đã xây dựng Đề án cải cách giáo dục vào các năm 1950 và 1956 theo tinh thần của Bác Hồ: Phải kết hợp học với hành; một ngày chia làm hai buổi: buổi sáng học chữ ở lớp, buổi chiều học sinh giúp gia đình trong công việc sản xuất ở đồng áng. Ngay trong những năm tháng đất nước chiến tranh, công cuộc cải cách giáo dục vẫn được thực hiện hiệu quả, góp phần đào tạo bước đầu đội ngũ cán bộ phục vụ nhiệm vụ cách mạng cũng như công cuộc xây dựng đất nước sau này.
Không chỉ là một nhà quản lý, GS Nguyễn Khánh Toàn còn là nhà khoa học lớn với các công trình nghiên cứu xuất sắc, chứa đựng giá trị tư tưởng văn hóa lớn, mang đậm dấu ấn tư duy mác xít như: Giáo dục Dân chủ mới (1947); Đại cương về văn học sử Việt Nam (1948), Xung quanh vấn đề giáo dục thiếu nhi (1960); Ảnh hưởng của cách mạng tháng Mười đối với Việt Nam (1962) Cách mạng và khoa học xã hội, (1987)… Tiêu biểu nhất là hai công trình gồm, Vài nhận xét về thời kỳ từ cuối nhà Lê đến nhà Nguyễn Gia Long, tuy độ dày chỉ 59 trang, nhưng cuốn sách rất có giá trị về lý luận, lịch sử, trong đó ông đã tổng kết và khẳng định con đường đúng đắn của cách mạng Việt Nam. Chỉ có con đường làm cách mạng phản đế và phản phong, thiết lập chính quyền cách mạng nhân dân mới có thể giành độc lập dân tộc. Như GS Văn Tạo nhận xét: Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên dưới chế độ mới, mang tầm khái quát và tính lý luận về lịch sử Việt Nam trong gần 4 thế kỷ. Nó phân tích đặc điểm kinh tế xã hội ở đất nước kém phát triển, chỉ ra nguyên nhân chủ nghĩa tư bản chậm ra đời, so sánh với chế độ phong kiến các nước khác, từ đó nhận thức về yêu cầu của cách mạng Việt Nam thế kỷ 20”. Trong bối cảnh cả nước tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ cách mạng là xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, GS Nguyễn Khánh Toàn đã dầy công nghiên cứu và cho ra đời hai tập Vấn đề dân tộc trong cách mạng vô sản. Bộ sách đưa ra những cơ sở lý luận rất vững chắc, nhằm lý giải vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, để từ đó có thể đi sâu nghiên cứu các vấn đề khác. Đối với những người giảng dạy và nghiên cứu lịch sử chuyên về vấn đề dân tộc và cách mạng vô sản như GS Đinh Xuân Lâm thì hai tập sách Vấn đề dân tộc trong cách mạng vô sản được coi là sách gối đầu giường.
Trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng và giáo dục nước nhà, GS.VS Nguyễn Khánh Toàn để lại cho hậu thế nhiều công trình có giá trị, thấm đượm tính Đảng, tính khoa học và tư duy mác xít sâu sắc. Ông cùng với các nhà khoa học như GS Trần Huy Liệu, GS Trần Phương… đặt nền móng xây dựng và phát triển khoa học xã hội ở Việt Nam những ngày đầu thành lập. Như GS Vũ Khiêu đã trân trọng, tôn vinh, ông là một “Giáo sư đỏ” và “đã sống trọn lẽ sống, xứng đáng một cuộc đời” để phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
Chân dung GS.VS Nguyễn Khánh Toàn