Cụm công trình Nghiên cứu nội khoa tập hợp 14 công trình, như: Giải đáp bệnh tim mạch (1962), Điều trị học (2 tập, 1970), Bệnh học nội khoa (2 tập, 1973), Bệnh cao huyết áp (1982)… được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II, năm 2000. Đó là kết quả của tình yêu, sự đam mê với người bệnh và khoa học của Giáo sư Đặng Văn Chung trong gần nửa thế kỷ.
Giáo sư Đặng Văn Chung luôn nỗ lực và không chờ đến khi có đầy đủ trang thiết bị, máy móc… mới làm việc. Năm 1954, khi Hà Nội mới giải phóng, khoa Nội bệnh viện Bạch Mai thừa hưởng một di sản nghèo nàn và tổ chức cán bộ giảng dạy chỉ có mình Giáo sư Đặng Văn Chung. Ông bắt tay tay ngay vào việc tổ chức bệnh phòng, xây dựng chương trình đào tạo cán bộ giảng dạy mới có thể bắt đầu giảng dạy ngay cho sinh viên. Trong lúc chưa có máy móc, dụng cụ đủ để chẩn đoán, ông không khoanh tay ngồi chờ, ông đã hệ thống hóa triệu chứng lâm sàng đơn giản, phối hợp với máy móc đơn giản để đề ra tiêu chuẩn chẩn đoán mà địa phương có thể thực hiện được, để giải quyết điều trị cho bệnh nhân.
Giáo sư Đặng Văn Chung chủ yếu chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng chính xác, phối hợp với một số xét nghiệm cận lâm sàng đơn giản có thể chẩn đoán đúng nhiều bệnh phức tạp mà hiện nay phải dùng tới các máy móc hiện đại. Kết hợp giữa giác quan lâm sàng với vài biện pháp thăm dò đơn giản như X quang, điện tâm đồ và cách tiếp cận lâm sàng giải phẫu chặt chẽ, Giáo sư Đặng Văn Chung đã mô tả bệnh hẹp van tim hai lá rất chi tiết nhằm đưa ra những tiêu chuẩn cho việc mổ tách van. Những chẩn đoán đó đã góp phần làm lên thành công của ca mổ tim đầu tiên do Giáo sư Tôn Thất Tùng thực hiện vào năm 1958. Sự kiện này gây tiếng vang lớn không chỉ trong nước mà cả thế giới vì được nhiều nước biết đến. Ông tiếp tục nghiên cứu sâu về nguyên nhân thấp của hẹp hai lá, đặt thành vấn đề dự phòng cho cộng đồng, và truyền đạt những kiến thức đó ra khắp nước, khiến nhiều bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa, nghèo nàn và hẻo lánh cũng được hưởng nhiều thành tựu của y học. Sau Giáo sư Tôn Thất Tùng cùng các phẫu thuật viên của Việt Nam tiếp tục mổ cho hàng nghìn ca nữa, cũng qua sự chẩn đoán của Giáo sư Đặng Văn Chung. Chính vì vậy, Giáo sư Tôn Thất Tùng từng nói : Tôi không thể yên tâm mổ tim mà không có chẩn đoán của Giáo sư Đặng Văn Chung.
Sưu tập ghi chép của Giáo sư Đặng Văn Chung về các bệnh: tim mạch, Goute, Takayasu…Những phát hiện đầu tiên, đề xuất phương pháp chữa trị của Giáo sư Đặng Văn Chung về bệnh goutte, tim to, hạ đường huyết do u tụy, những tiêu chuẩn hẹp van tim hai lá có chỉ định mổ tách van, sử dụng chất chiết từ lá trúc đào để điều trị bệnh suy tim… được giới y học đánh giá là đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Những công trình ấy còn là khởi đầu cho các công trình tiếp theo của các đồng nghiệp và học trò của ông. Năm 1961, sinh viên Phạm Gia Khải, sau này là Giáo sư, tiến sĩ, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam; Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam được phân công theo dõi một bệnh nhân rất béo và thường xuyên lên cơn động kinh. Khi thăm khám, ông Khải biết người bệnh này hay đói và phải ăn nhiều để tránh lên cơn co giật. Ông trình bày trường hợp này với Giáo sư Chung và được Thầy cho mượn một quyển sách để tham khảo về vấn đề này. Trong một buổi sinh hoạt chuyên môn thường kỳ của khoa Nội, do Giáo sư Chung chủ trì, ông Khải trình bày trường hợp bệnh nhân động kinh nêu trên. Xét nghiệm đường huyết của bệnh nhân rất thấp nên ông chẩn đoán nhiều khả năng là do u tụy nội tiết… Sau đó bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức, Giáo sư Tôn Thất Tùng phẫu thuật, lấy được khối u ở phần đuôi tụy, bệnh nhân khỏi hẳn động kinh, xuống cân, trở lại bình thường.
Về bệnh tăng huyết áp, từ chỗ đề xướng, điều tra tỉ lệ bệnh, hướng dẫn luận án cho nhiều sinh viên tốt nghiệp, Giáo sư Đặng Văn Chung đã đặt vấn đề phòng bệnh, bàn luận về thuốc chữa. Nhờ khả năng lâm sàng tinh tế, Giáo sư Đặng Văn Chung đã phát hiện nhiều trường hợp tăng huyết áp thứ phát có thể giải quyết được triệt để bằng phẫu thuật như tăng huyết áp do thận, do u tuỷ thượng thận, do u thượng thận,… Khi chẩn đoán những bệnh liên quan đến huyết áp. Chiếc máy đo huyết áp luôn là người bạn đồng hành đáng tin cậy của ông.
Kính thưa quý vị, việc được đào tạo một cách cơ bản từ thời bác sĩ nội trú, sau đó lại được tu nghiệp ở Pháp đã giúp Giáo sư Đặng Văn Chung có vốn kiến thức rất toàn diện và trình độ ngoại ngữ cao. Nhờ vậy ông có thể tiếp cận được nhiều tài liệu y học của thế giới. Cũng do vậy mà ông còn viết bài để đăng ở tạp chí in bằng tiếng nước ngoài và tham gia hội thảo quốc tế. Bài viết về hội chứng aldosterone tiên phát của Giáo sư Đặng Văn Chung và đồng nghiệp và Bài viết về hoại tử gan thận cấp của Giáo sư Đặng Văn Chung được đăng trên tạp chí của Tổng hội Y học Việt Nam Revue médicale vào năm 1974 và1980.
Chắc hẳn, các thế hệ học trò và nhiều bệnh nhân của Giáo sư Đặng Văn Chung vẫn thường nhớ về Giáo sư Đặng Văn Chung như hình ảnh một ông tiên mặc áo blouse trắng cùng với chiếc ống nghe đeo ở cổ. Giáo sư Nguyễn Khánh Trạch, người học trò thân thiết của ông từng chia sẻ: Chiếc ống nghe ấy trở nên thần kỳ bởi các nước dùng phương tiện hiện đại để chẩn đoán, còn Thầy không có phương tiện gì, chỉ có ống nghe, nghe khắp nơi như tim, bụng, lưng, cổ mà tìm ra bệnh. Cũng với cái ống nghe ấy, người khác nghe không phát hiện được gì, nhưng Thầy nghe là biết ngay được đó là bệnh gì. Chiếc ống nghe mà quý vị thấy ở đây đã đồng hành cùng Giáo sư Đặng Văn Chung trong nhiều năm khám chữa bệnh.
Giáo sư Đặng Văn Chung không chỉ có nhiều kinh nghiệm và kiến thức toàn diện mà ông còn rất cẩn thận, tỉ mỉ trong mọi công việc, ông đặc biệt quan tâm đến việc đối chiếu giữa triệu chứng lâm sàng với giải phẫu bệnh. Khi còn công tác ở Bệnh viện Bạch Mai, đã thành thông lệ, Giáo sư Đặng Văn Chung thường chủ trì các buổi giao ban ở giảng đường C. Những buổi giao ban đã giúp các bác sĩ và sinh viên học được nhiều điều, có vấn đề tưởng như đơn giản nhưng không phải ai cũng biết. Ông cho học trò đối chiếu giữa lâm sàng với giải phẫu bệnh nhằm phân tích nguyên nhân dẫn đến chẩn đoán đúng đắn hoặc sai lầm của bác sĩ lâm sàng. Để có thể đối chiếu giữa lâm sàng với giải phẫu bệnh, Giáo sư Đặng Văn Chung đã tự tay mổ hàng ngàn thi thể. Ông mổ ban ngày, có khi mổ cả ban đêm, với một niềm say mê. Ông cũng hướng dẫn cho học trò thực hiện công việc này. Ông tìm thấy ở những thi thể đó biết bao nhiêu kinh nghiệm, bài học quý giá. Ông muốn những thi thể xấu số đó nói lên tiếng nói của sự thật vô cùng quý giá để giúp ích cho đời.
Mỗi học trò của Giáo sư Đặng Văn Chung từng được theo chân ông đi khám cho bệnh nhân đều không thể quên từng thao tác mẫu mực và cách hỏi bệnh ân cần, tỉ mỉ của ông. Nghe bằng ống nghe, đã là hiếm có người chuẩn xác bằng, nhưng thao tác sờ và gõ cũng vô cùng chuẩn xác và thị phạm. Giáo sư Đặng văn Chung từng đặc biệt lưu ý học trò rằng: Cần máy móc nhưng máy móc cũng có thể sai, chưa kể đến người sử dụng chuyên môn kém sẽ đưa ra các con số khác nhau, dẫn đến kết quả sai. Bác sĩ cần vận dụng mọi kiến thức để chứng minh con số máy móc cung cấp là đúng, mới được dùng. Bên cạnh đó, người thầy thuốc cần rất cụ thể ở mọi khâu công việc, từ hỏi bệnh đến ghi chép hồ sơ bệnh án. Ông đặt người bệnh ở vị trí trung tâm nên luôn khám bệnh rất tỉ mỉ, không bỏ sót một chi tiết dù là nhỏ nhất, kết hợp với kinh nghiệm lâm sàng tích lũy trong nhiều năm. Ông luôn tư duy một cách cụ thể, đi từ đầu đến tận cùng vấn đề. Ông thấy rằng: Thật là vô lý và không thích hợp khi ta thấy công tác phòng chữa bệnh không có sự đóng góp ý kiến chia sẻ trách nhiệm của bản thân người bệnh mà họ phải gánh chịu toàn bộ hậu quả. Sự đóng góp của bệnh nhân là cần thiết vì không ai biết rõ tình hình bệnh tật của mình hơn bản thân người bệnh, chỉ có họ không đủ khả năng diễn tả… Muốn làm được điều đó, thầy thuốc cần biết tâm lý và có thái độ đúng mực với người bệnh để họ trở thành cộng sự của mình. Ông luôn có thái độ ân cần, đặt ra nhiều câu hỏi để có được đầy đủ tiểu sử bệnh tật và các triệu chứng của người bệnh và người thân của họ rồi ghi chép cẩn thận. Do vậy, hầu hết các bệnh án của bệnh nhân do Giáo sư Đặng Văn Chung điều trị đều rất dày, có bệnh án có thể ví như một công trình nghiên cứu đồ sộ và có giá trị khoa học cao. Bệnh án của bệnh nhân Nguyễn Văn Tấn, năm 1978 là một minh chứng rất cụ thể.
Hơn 60 năm cống hiến trong ngành Nội khoa, Giáo sư Đặng Văn Chung đã để lại di sản đồ sộ cho sự nghiệp y học đất nước. Không chỉ là một bác sĩ tài năng, ông còn là nhà sư phạm y học hiếm thấy. Các công trình nghiên cứu về bệnh goutte, tim to, hạ đường huyết do u tụy, những tiêu chuẩn hẹp van hai lá có chỉ định mổ tách van, sử dụng chất chiết từ lá trúc đào để điều trị bệnh suy tim… đến nay vẫn còn nguyên giá trị.