Cụm công trình Sốt rét và Penicillin

Việc nghiên cứu ra chất kháng sinh vào những năm 20 của thế kỷ XX, được coi là một phát hiện có ý nghĩa to lớn đối với y học thế giới. Nhờ khả năng tiêu diệt vi khuẩn hoặc kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn một cách đặc hiệu, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, kháng sinh được ví như thần dược giúp chữa trị vết thương hiệu quả. Vào thời điểm chất kháng sinh Penicillin được điều chế thành công và sử dụng rộng rãi, bác sĩ Đặng Văn Ngữ là trưởng Labo thí nghiệm Ký sinh trùng, trường Y khoa – Dược khoa Đông Dương (tiền thân của trường Đại học Y Hà Nội ngày nay). Ông đã công bố hàng chục công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, trong đó có việc phát hiện loài muỗi mới – muỗi Bắc Kỳ.

Năm 1943, ông được cử đi tu nghiệp tại Nhật Bản với tiêu chuẩn: Là người có trình độ cao, đại diện xứng đáng cho nền Y học của Pháp tại Việt Nam. Tại đây, ông phân lập được Penicillin có tác dụng kháng sinh cao, tạo được vòng vô khuẩn lớn. Lúc này Việt Nam đang thiếu trầm trọng kháng sinh phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Dù sự nghiệp khoa học đang phát triển rất thuận lợi, năm 1949, ông quyết định về nước tham gia kháng chiến, với hành trang chỉ có vài bộ quần áo, ít sách vở và giống nấm kháng sinh.

Điều chế Penicillin kết tinh

Trên đường về nước, khi dừng chân ở Thái Lan, bác sĩ Đặng Văn Ngữ nhận được lời khuyên nên về vùng kháng chiến ở Nam Bộ. Khi ấy, ông đã chuẩn bị các giống nấm kháng sinh để làm Penicillin và Streptomycin. Trong khi chờ đợi chỉ thị của Trung ương, ông nghiên cứu nuôi nấm Penicillin với nước dừa, nguyên liệu sẵn có, rất phổ biến ở miền Nam. Ông đã mua một số dụng cụ thí nghiệm làm từ thủy tinh nhằm chuẩn bị lập một phòng nghiên cứu về kháng sinh ở miền Nam. Không chờ đợi có đầy đủ phương tiện, ông bắt tay ngay vào công việc với những dụng cụ thô sơ và nguyên liệu sẵn có: Không có bàn, ông và đồng nghiệp bầy mễ làm việc, cân thiếu chính xác thì các ông đo bằng lối so thể tích… Trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn ấy, ông và đồng nghiệp đã sản xuất được gần sáu vạn đơn vị Penicillin kết tinh dạng bột trong tháng 5 năm 1950. Đây được coi thành tựu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Sau một thời gian làm việc tại Khu IV, bác sĩ Ngữ được cử ra Việt Bắc để tiếp tục công việc giảng dạy, nghiên cứu. Tại An toàn khu, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ nghiên cứu và phổ biến cách sản xuất kháng sinh Penicillin. Việc sản xuất Penicillin kết tinh là một công việc đòi hỏi thời gian lâu dài, do vậy không thể đáp ứng được nhu cầu cấp thiết, ngày càng tăng của quân đội và nhân dân. Bác sĩ Ngữ và các giáo sư của trường Y đều nhận ra rằng nếu dùng để chữa trị tại chỗ các vết thương phẫu thuật nhiễm trùng thì nước lọc Penicillin có tác dụng và hiệu lực hơn cả Penicillin kết tinh.

Trong điều kiện kháng chiến khó khăn, thiếu thốn việc sản xuất nước lọc Penicilline tưởng đơn giản mà lại là vấn đề rất phức tạp. Trước đó, tại Việt Nam, người Pháp dù có đầy đủ phương tiện nghiên cứu hiện đại nhưng cũng chưa làm được. Giống nấm Penicillin mà bác sĩ Ngữ đem từ Nhật Bản về bị tạp nấm rơi vào, không còn công hiệu nữa dù ông đã cẩn thận cất chúng ở nơi được coi là sạch sẽ nhất Việt Bắc.

Không nản chí, mỗi ngày, ông kiên trì cấy hàng trăm nấm để thử với vi trùng. Đêm nào, ông cũng mong trời nhanh sáng để xem công hiệu của nấm. Công việc lặp đi lặp lại và tiếp diễn trong ba tuần liền nhưng kết quả vẫn làm ông thất vọng. Ông trằn trọc, mất ngủ và chưa bao giờ lo lắng đến thế, nhất là lúc nghĩ về sự tin tưởng của Bác và sự chờ đợi của hàng nghìn thương bệnh binh đang cần cứu chữa. Có lúc, ông định viết thư báo cáo tình hình với cấp trên nhưng rồi lại thôi. Nhất định phải hoàn thành nhiệm vụ, ông tự nhủ.

Một hôm, ông bật dậy lúc 3 giờ sáng và đi kiểm tra nấm. Ông đã vui đến trào nước mắt khi thấy tất cả nấm đã có công hiệu, vi trùng không xuất hiện được gần nấm. Ông cũng phát hiện, nấm Penicillin không mất hoàn toàn, do nhiệt độ không đủ, nấm chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, khi vi trùng mạnh dần thì nấm không còn công hiệu nữa. Phát hiện nguyên nhân, ông nhanh chóng tìm cách khắc phục, nuôi được nấm tốt và mạnh như cũ.

Luôn tâm niệm, càng khó khăn, gian khổ, càng phải sáng tạo để khắc phục hoàn cảnh, không có môi trường tổng hợp gồm nhiều hóa chất để sản xuất nước lọc Penicillin, bác sĩ Đặng Văn Ngữ và đồng nghiệp hướng dẫn các trạm sản xuất thay bằng môi trường sinh lý học như nước thân ngô, nước cám, nước rơm… vừa đỡ tốn kém lại hiệu quả. Những ý tưởng sáng tạo ấy đến với ông rất tự nhiên. Hàng ngày, trên đường đi làm qua những ruộng ngô mới bẻ còn trơ lại thân cây, bác sĩ Ngữ nói đồng nghiệp: Thân cây ngô ở đâu cũng có, mà tại sao để lãng phí thế này? Tại sao ta không nghiên cứu dùng nước thân cây ngô làm môi trường nuôi cấy Penicillin để sản xuất nước lọc Penicillin thay thế bột tinh? Với cách làm việc ấy, ông và đồng nghiệp còn có nhiều sáng tạo hiệu quả khác: làm cồn từ sắn, dùng xác nấm kháng sinh Streptomycin tán thành bột chữa bệnh thiếu máu, phân hóa đậu tương bằng nấm để tạo ra thuốc tiêm giữ sức cho thương binh khi mổ… Trong trưng bày này, chúng tôi giới thiệu đến quý vị cuốn sổ ghi chép về việc nuôi cấy nấm Penicillin của bà Tôn Nữ Thị Cung, vợ Giáo sư Đặng Văn Ngữ đồng thời là thành viên phòng điều chế Penicillin của trường Đại học Y.

Sau khi nghiên cứu thành công nước lọc Penicillin theo phương pháp lên men bề mặt, vấn đề quan trọng tiếp theo là làm sao để việc sản xuất Penicillin được phân tán thành nhiều tổ, gắn liền với các đơn vị của bộ đội? Và các lớp học điều chế nước lọc Penicillin ra đời, thu hút được các dược sĩ, bác sĩ, sinh viên y khoa… Trạm sản xuất nước lọc Penicillin tại các Phân viện Quân y trên Liên khu Việt Bắc, Liên khu 3 và 4 được thiết lập rồi lan tỏa ra từng nhóm về địa phương, đến tận những nơi hẻo lánh. Các xưởng thủy tinh cũng tích cực làm việc không nghỉ để sản xuất nhiều chai bẹt, tức chai Roux phục vụ làm Penicillin theo ý kiến của bác sĩ Đặng Văn Ngữ. Loại chai bẹt này chuyên dùng để nuôi cấy mô/nấm và giúp tạo ra lớp váng lớn để tiết nhiều dịch Penicillin, sau đó loại bỏ lớp váng, lọc lấy dịch để sử dụng. Hiện tại, cách sản xuất Penicillin này không được áp dụng để sản xuất Penicillin do hiệu suất lên men thấp. Ở Việt Nam loại chai bẹt Roux không được sử dụng phổ biến nữa nên chúng tôi đã tái hiện loại chai bẹt này như quý vị có thể quan sát trong tủ kính.

Song song với việc huấn luyện trực tiếp, “Tập san Penicillin” của trường Đaị học Y khoa được phát hành hàng tháng cũng là một công cụ hữu hiệu để phổ biến kiến thức về các cơ sở ở địa phương. Kết quả, nước lọc Penicillin được đưa ra phục vụ trực tiếp, kịp thời cho thương binh một cách rộng rãi, hiệu quả. Trong chiến dịch Lý Thường Kiệt ở Nghĩa Lộ (Sơn La) và Yên Bái, báo cáo của Xưởng Dược phẩm XFI cho rằng 80% thương binh đã trở về đơn vị sau khi dùng nước lọc Penicillin. Thời gian chữa trị vết thương được rút ngắn. Có nhiều trường hợp trước đây rất dễ bị cưa chân, cưa tay do nhiễm trùng nhưng nhờ nước lọc Penicillin mà vết thương nhanh liền, không bị hoại tử.

Việc Giáo sư Đặng Văn Ngữ nghiên cứu, sản xuất thành công kháng sinh Penicillin chỉ bằng những dụng cụ thô sơ trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn được coi là thành tích kỳ diệu chưa ai làm được. Điều này có ý nghĩa đặc biệt lớn lao, góp phần đắc lực cho công cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ sau này.

Về nghiên cứu muỗi sốt rét

Việt Nam là nước nhiệt đới nên lưu hành nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có sốt rét. Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã chú trọng đến công tác điều tra cơ bản về sốt rét. Khi còn học tập tại Nhật Bản từ năm 1943 đến 1949, trong bức thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng năm 1949, ông đã đề cập đến vấn đề này: phong thổ nước ta là kiện tướng rất lợi hại… Vị tướng phong thổ đã dùng đạo binh Sốt rét rừng giúp ta đuổi bọn Pháp ra khỏi bờ cõi. Nhưng ta cũng nên nhớ rằng vị tướng ấy là vị tướng rất hay trở mặt nếu ta không biết dùng nó.

Sau thành công trong việc nghiên cứu và sản xuất Penicillin, bác sĩ Đặng Văn Ngữ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng khác là nghiên cứu phòng chống sốt rét. Năm 1957, ông trở thành Viện trưởng sáng lập Viện Sốt rét (nay là Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương) và là Chủ nhiệm Chương trình tiêu diệt bệnh sốt rét ở miền Bắc. Trước đó, ông đã điều tra, nghiên cứu các loại muỗi trong đó có các loài gây sốt rét từ vấn đề lâm sàng, sinh thái học đến các vấn đề kinh tế xã hội, môi trường… Đây là cơ sở cho việc nghiên cứu tiêu diệt bệnh sốt rét ở miền Bắc sau này.

Quý vị có thể quan sát vào bản đồ phân vùng sốt rét ở miền Bắc và miền Nam ở đây. Trong giai đoạn 1956-1958, GS Đặng Văn Ngữ đã phân vùng sốt rét ở miền Bắc thành 7 vùng dựa vào sinh địa cảnh, dịch tễ học và sự phân bố của muỗi truyền sốt rét –  An.minimus:

Vùng 1: vùng đồng bằng, không có An.minimus tại chỗ, không có sốt rét lưu hành.

Vùng 2: vùng nước chảy đồi thấp, độ cao từ 100-200m, có An.minimus tại chỗ, sốt rét lưu hành nhẹ.

Vùng 3: vùng nước chảy núi đồi, độ cao từ 200-400m, có An.minimus mật độ thấp, sốt rét lưu hành vừa.

Vùng 4: vùng nước chảy núi rừng, độ cao từ 400-800m, có An.minimus với mật độ cao, sốt rét lưu hành nặng.

Vùng 5: là vùng cao nguyên, sốt rét lưu hành nhẹ.

Vùng 6: vùng núi cao trên 800m, không có sốt rét lưu hành.

Vùng 7: vùng ven biển nước lợ, có An.subpictus, sốt rét lưu hành khi nặng khi nhẹ.

BS Đặng Văn Ngữ đã chỉ đạo tiến hành khảo sát, điều tra toàn diện bệnh sốt rét trên miền Bắc. Đồng thời các Ủy ban tiêu diệt sốt rét từ cấp trung ương đến địa phương được thành lập để thực hiện cuộc điều tra bệnh sốt rét lớn chưa từng có. Nhờ sự viện trợ của Liên Xô, tính đến năm 1960-1961 có trên 3.000 điểm điều tra với 646.277 người được khám lách, 435.370 người được thử máu, 319.087 nhà được điều tra muỗi… Nhiều đoàn cán bộ được cử đến các tỉnh vùng Tây Bắc, đến Thanh Hóa, Nghệ An… để nghiên cứu sâu tình hình dịch bệnh; phân vùng sốt rét và tổ chức tiêu diệt sốt rét. Tại vùng sốt rét tiến hành phun thuốc diệt muỗi DDT với liều lượng 2 gram trên mét vuông. Mỗi bình phun chứa được khoảng 10 lít nước thuốc.

Dựa trên kết quả cuộc điều tra trên, bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã cùng đồng nghiệp khái quát những yếu tố gây bệnh, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch tiêu diệt sốt rét. Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Bửu, nguyên Viện phó Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng đồng thời là thành viên Chương trình tiêu diệt bệnh sốt rét, đến năm 1964, tỉ lệ sốt rét ở các địa phương đã giảm trung bình 15 đến 20 lần, có nơi tỉ lệ chỉ còn 0,01%. Kết quả này là vô cùng đáng mừng bởi trước đó nhiều vùng nông thôn, miền núi có tới 90% dân số mắc bệnh.

Công cuộc chống sốt rét ở miền Bắc đã có kết quả rất đáng mừng, nhưng bác sĩ Đặng Văn Ngữ vẫn chưa thể an tâm, khi ở nhiều vùng trên chiến trường miền Nam, rất nhiều người hy sinh không chỉ vì bom đạn mà còn vì bệnh sốt rét đang hoành hành dữ dội. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhân dân ta. Thêm vào đó, nếu không ngăn chặn bệnh sốt rét từ bên kia vĩ tuyến 17 thì không thể đảm bảo được thành quả của công cuộc chống sốt rét tại miền Bắc. Và ông quyết định đề đạt cấp trên xin vào chiến trường miền Nam để nghiên cứu và chữa trị sốt rét tại chỗ. Nhiều lần Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch trao đổi cân nhắc về chuyến công tác này và gợi ý nên cử cán bộ trẻ có kinh nghiệm vào nghiên cứu tình hình trước. Nhưng sự cấp bách của nhiệm vụ cùng quyết tâm khó lay chuyển của Viện trưởng Viện Sốt rét, cuối cùng cấp trên chấp thuận nguyện vọng của ông.

Để chuẩn bị cho chuyến công tác đường trường, vừa chuẩn bị nội dung, phương tiện nghiên cứu, bác sĩ Đặng Văn Ngữ vừa rèn luyện sức khỏe. Ông tập bỏ thói quen đi giày da để đi dép cao su. Với nhiều người, có lẽ việc này chẳng có gì đáng nói nhưng với người lúc nào cũng mang giày da bất kể mùa nóng, mùa lạnh như ông thì cũng trở thành vấn đề. Mỗi tối, ông còn tập vác balo gạch đi quanh nhà, dần dần đi quãng đường xa hơn…

Khoảng cuối năm 1966, Giáo sư Đặng Văn Ngữ cùng 12 cán bộ của Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng được bí mật đưa lên Lương Sơn (Hòa Bình) huấn luyện và rèn luyện sức khỏe. Ở tuổi 56, lại là lãnh đạo một Viện nghiên cứu, nhưng ông từ chối sự ưu tiên trong việc mang vác đồ và luôn nghiêm túc, gương mẫu trong luyện tập. Tết Nguyên đán năm 1967, tranh thủ thời gian ngừng bắn, cả đoàn bắt đầu di chuyển bằng ô tô vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) rồi đi bộ vào Trị Thiên – Huế.

Trước chuyến đi B, bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã kịp lên thăm mộ vợ ở Việt Bắc. Chuyến đi này, ông mong có dịp về thăm quê hương Thừa Thiên Huế, thăm mẹ già và những người ruột thịt sau bao năm xa cách. Chuẩn bị lên đường, ông không quên viết thư báo tin cho các con đang học tập ở xa. Trong thư gửi con gái Đặng Nguyệt Quý ngày 1 tháng 2 năm 1967, khi đó đang học ở Liên Xô, ông viết: Ba rất phấn khởi vì công việc rất cần thiết và cấp bách. Sau khi con đi, Ba vào Vĩnh Linh nghiên cứu trong 4 tháng và thấy có thể sản xuất được thuốc để tiêm phòng sốt rét, Ba sẽ đi B để sản xuất thuốc ấy trên một quy mô lớn hơn. Triển vọng rất nhiều nhưng khó khăn cũng rất nhiều. Ba sẽ cố gắng. Đã có lần, ông tâm sự với con, rằng khi nào tiêu diệt hết sốt rét ở cả hai miền Bắc Nam, ông có chết cũng không ân hận.

Theo Giáo sư Nguyễn Ngọc Lanh, nguyên Phó Chủ nhiệm bộ môn Sinh lý bệnh, trường Đại học Y Hà Nội, một trong những học trò của Giáo sư Đặng Văn Ngữ kể rằng: Giáo sư Đặng Văn Ngữ đã ấp ủ và nghiên cứu một loại vaccine từ thoa trùng muỗi (là một thế hệ mới của ký sinh trùng sốt rét) để phòng sốt rét, muốn ứng dụng ngay tại chiến trường. Đó chính là “ý tưởng sớm nhất về vaccine phòng sốt rét trên thế giới”. Có lẽ vì thế dù vào vùng bom đạn nguy hiểm nhưng đoàn đi B không nghĩ đến cái chết mà tràn đầy phấn khởi với niềm tin nghiên cứu thành công vaccine phòng, chống sốt rét.

Thiếu thốn, bom đạn nguy hiểm là thế, nhưng ông vẫn yêu cầu các thành viên phải dựng nhà, làm phòng thí nghiệm sao cho khang trang, ngăn nắp để thuận tiện cho việc nghiên cứu. Với lòng quyết tâm, dù các bác sĩ, kỹ thuật viên, y tá không biết cách dựng nhà nhưng cuối cùng vẫn làm được.

Ngày cuối cùng của tháng 3 năm 1967, đoàn công tác hết gạo ăn, 10 người được cử đến một Trung đoàn cách đó nửa ngày đi bộ để gánh gạo, chỉ còn lại bác sĩ Đặng Văn Ngữ và 2 nữ kỹ thuật viên. Sáng hôm ấy, trong bữa cơm với các đồng nghiệp, ông chia cho mọi người phần thức ăn của mình và đưa mỗi cán bộ nam một điếu thuốc lá quân lực. Ông vẫn luôn quan tâm đến mọi người như thế.

Đoàn 10 người ngủ lại Trung đoàn một đêm. Sáng sớm ngày 1 tháng 4, trên đường trở về, họ bắt cá rồi đem nướng để dành phần ngon nhất mang về cho bác sĩ Đặng Văn Ngữ. Nhưng đau xót thay, có ai ngờ, trận bom B 52 ngày hôm ấy đã cướp mất ông và hai nữ kỹ thuật viên cùng một chiến sĩ liên lạc. Ông hy sinh tại cánh rừng gần quê nhà, bỏ lại bao dự định công việc còn dang dở, và không kịp về thăm mẹ như đã thầm hứa trước mộ vợ.

Trong hoàn cảnh chiến trường, cũng như bao chiến sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc, bác sĩ Đặng Văn Ngữ nằm lặng lẽ tại Trường Sơn suốt hai mươi năm cho đến khi được một tiều phu phát hiện và đưa về Nghĩa trang liệt sĩ vô danh xã Phong Mỹ, Huế. Đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh – con trai  Giáo sư Đặng Văn Ngữ được biết, sở dĩ cha ông và những người hy sinh không được lập bia mộ là để tránh quân địch phát hiện hoạt động nghiên cứu của ta khi ấy. Đến năm 2000, gia đình mới tìm được và đưa ông về nghĩa trang họ Đặng trên núi Ngự Bình (Huế). Trong một bài viết của mình, ông Đặng Nhật Minh chia sẻ: Cha tôi đã chia sẻ đến tận cùng số phận của đất nước, của nhân dân mình cho đến khi ông ngã xuống trên rừng Trường sơn trong một trận bom B 52 như bất cứ một người lính nào đã ngã xuống trên suốt dải đất này vì sự nghiệp cao cả và thiêng liêng của Tổ quốc.