Cùng chung tay lưu giữ di sản của các nhà khoa học Việt Nam

Nhằm nhìn lại chặng đường 5 năm và định hướng hoạt động trong thời gian tới của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Trung tâm đã tổ chức buổi họp Hội đồng cố vấn dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng GS.TSKH Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục.

Hội đồng cố vấn chuyên môn thành lập ngay khi Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam mới ra đời (năm 2008), với sự tham gia của các nhà khoa học uy tín thuộc nhiều lĩnh vực: GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, GS.TS Nguyễn Anh Trí (Y học), PGS.TS Chương Thâu (Lịch sử), GS.NSND Nguyễn Trung Kiên (Nghệ thuật), GS.TSKH Nguyễn Quang Thái (Kinh tế), PGS.TS Đặng Văn Bài (Lưu trữ), GS.TSKH Đỗ Trần Cát (Vật lý), GS.TS Nguyễn Phùng Hồng (Khoa học an ninh),…

Sau phần báo cáo hoạt động 5 năm của Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam do Giám đốc chuyên môn PGS.TS Nguyễn Văn Huy trình bày, các thành viên trong Hội đồng đều đánh giá cao công việc hết sức có ý nghĩa và giàu tính nhân văn của Trung tâm. Đồng thời, các thành viên thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho hoạt động của Trung tâm trong thời gian tới.

“Trong 5 năm qua, điều quan trọng nhất của Trung tâm là đã tạo dựng lòng tin và nhận được sự ủng hộ của các nhà khoa học và gia đình nhà khoa học” – PGS.TS Nguyễn Văn Huy (đứng) nhấn mạnh

Theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng, trang web của Trung tâm cần giới thiệu, phổ biến rộng hơn để thu hút nhiều người đọc, phải có nhiều bài viết hay, huy động nhiều người giỏi tham gia và là nơi để các nhà khoa học đóng góp ý kiến.

Còn GS.TSKH Nguyễn Hoa Thịnh và GS.TS Nguyễn Phùng Hồng gợi ý Trung tâm nên nghiên cứu, sưu tầm thêm nhiều lĩnh vực khác hơn nữa, trong đó có các nhà khoa học quân sự đóng góp cho các cuộc kháng chiến của dân tộc và các nhà khoa học chuyên ngành an ninh. GS.TS Nguyễn Phùng Hồng hy vọng trong 5-10 năm nữa, Trung tâm sẽ là điểm hẹn, nơi thu hút nhiều người quan tâm bởi những di sản văn hóa có tính chất chính trị, xã hội và bền vững của các nhà khoa học.

Theo GS.TSKH Đỗ Trần Cát, để phát huy được vị thế, vai trò của mình, Trung tâm cần trở thành nơi thiết thực đáp ứng nhiều đối tượng, không chỉ nghiên cứu, sưu tầm các nhà khoa học cao tuổi mà cần chú ý đến những nhà khoa học trẻ, cố gắng sưu tầm những gì "có thể bây giờ chưa là di sản, nhưng tương lai sẽ trở thành di sản".

Với tư cách là người sáng lập Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn GS.TS Nguyễn Anh Trí ghi nhận các ý kiến đóng góp của Hội đồng và hy vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ hơn nữa từ các thành viên để nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, sưu tầm của Trung tâm. Hiện nay, với đội ngũ hơn 30 cán bộ nhân viên, lực lượng của Trung tâm đang phải "căng ra" để sưu tầm, nghiên cứu, lưu giữ và bảo quản di sản của các nhà khoa học Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng nhà khoa học đã tiếp cận được vẫn rất nhỏ bé. Để đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, Trung tâm rất cần sự góp sức của các nhà khoa học, trước tiên là các thành viên trong Hội đồng với tư cách là “cầu nối” đến các nhà khoa học khác. Đồng thời, bản thân các thành viên trong Hội đồng cần tạo điều kiện cung cấp hồ sơ khoa học cho Trung tâm và viết những câu chuyện, ký ức về lịch sử cuộc đời của chính mình, lịch sử ngành khoa học mà mình cống hiến.

Kết thúc cuộc họp, GS.TSKH Phạm Minh Hạc kiến nghị: Qua 5 năm hoạt động, Trung tâm đã có những thành quả lớn đáng được khích lệ. Để tiếp tục thực hiện tốt những mục tiêu đề ra trong năm 2014 và những năm tiếp theo, các thành viên trong Hội đồng hãy cùng chung tay với Trung tâm bằng nhiều cách khác nhau. Phấn đấu đưa Trung tâm Di sản và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam không những là bảo tàng, nơi lưu giữ các di sản ký ức của nhà khoa học mà còn là nơi cung cấp nguồn tư liệu để nghiên cứu về lịch sử các ngành khoa học ở Việt Nam. Có như vậy những giá trị di sản của các nhà khoa học Việt Nam mới được lưu giữ và phát huy tốt nhất.

 Phương Chi