Là một trong số những học trò của Giáo sư Nguyễn Minh Chương, nhà giáo Nguyễn Văn Tuấn luôn hết mực nể phục tài năng và phẩm chất của “ông thầy tôi”. Và, qua những câu chuyện của ông, chúng tôi đã có thêm nhiều tư liệu quý giá như để dẫn lời cho một câu chuyện đẹp và hết sức cảm động về một nhà toán học tuổi đã cao nhưng vẫn say mê với công việc đào tạo và nghiên cứu.
Giáo sư đón chúng tôi tại ngôi nhà nhỏ với khoảng sân trước mặt trồng nhiều cây cảnh xinh xắn, ngát hương. Đó là nơi Giáo sư Chương nghỉ giải lao sau những giờ làm việc miệt mài bên bàn giấy, trăn trở ưu tư với phương trình đạo hàm riêng. Ông bảo “chăm sóc cây cảnh là thú vui tao nhã, xả stress rất tốt lúc mệt mỏi”. Nụ cười hiền hậu và thân thiện, vị giáo sư già mái tóc bạc phơ, dáng người thấp đậm ân cần, niềm nở tiếp khách. Quả thực, ở cái tuổi 83, giọng nói của vị giáo không còn hào sảng và vang vang như thời trẻ, song trí tuệ mẫn tiệp, niềm đam mê nghiên cứu khoa học và tình yêu với Toán học thì vẫn như xưa. Hiện ông vẫn chủ trì đề tài khoa học với lý thuyết cao có ứng dụng rất rộng, đặc biệt đối với lĩnh vực công nghệ cao không dây. Cùng với đó, ông vẫn hướng dẫn, giúp đỡ học trò của mình làm luận án NCS. Tôi tự hỏi “không hiểu thứ sức mạnh nào giúp ông duy trì được sinh khí tốt đến vậy!”. Trong căn phòng làm việc chỉ có sách và sách của ông, mọi thứ được sắp xếp rất ngăn nắp và cẩn thận, Giáo sư Nguyễn Minh Chương đã chia sẻ với chúng tôi những câu chuyện thú vị, mà tự thân nó đã là những điểm nhấn hết sức quan trọng trong suốt hành trình gắn mình với Toán học của vị giáo sư hàng đầu Viện Toán học Việt Nam.
Sinh ra trên đất võ Bình Định, từ nhỏ Nguyễn Minh Chương đã sớm bộc lộ năng khiếu và sự ham thích với những con số. Tuổi thơ gắn với những tháng ngày cơm đùm, cơm nắm đi học trường làng, trường huyện, phấn đấu cho những hoài bão của riêng mình. Tốt nghiệp phổ thông, Nguyễn Minh Chương được Ty Giáo dục Liên khu V cử đi học Toán sư phạm cao cấp tại Nam Ninh (Trung Quốc). Năm 1954, hòa trong dòng người tiến vào tiếp quản thủ đô có thầy giáo Nguyễn Minh Chương. Năm 1955, ông xung phong về trường Văn hóa Quân đội để dạy học và đặt những dấu ấn đầu tiên trong sự nghiệp Toán học của mình.
Năm 1960, thầy giáo Nguyễn Minh Chương được phân công công tác tại Khoa Toán trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đến năm 1964, ông đi làm NCS tại trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (Liên Xô), một trong những trung tâm khoa học và văn hóa lớn của thế giới. Bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ năm 1968, khi ấy Nguyễn Minh Chương mới 37 tuổi, ông về nước tiếp tục giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Mười năm sau đó, một lần nữa ông quay trở lại xứ sở bạch dương làm thực tập sinh cao cấp và bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ khoa học năm 1983. Ít lâu sau, với mong muốn mang những kiến thức chuyên sâu phục vụ cho sự nghiệp giáo dục khoa học công nghệ, ông đã chuyển công tác về Viện Toán học Hà Nội.
Tôi luôn mơ những giấc mơ đất nước giàu đẹp và phồn thịnh, thế nên tôi đã dành cả cuộc đời mình để cống hiến vì lý tưởng đó. Mong rằng thế hệ kế cận sẽ tiếp tục tạo ra được đột biến để các ngành KHKT nói riêng và đất nước nói chung sẽ sớm sánh ngang được với các nước bạn.
Nói về ông, những cột mốc thời gian chỉ nên tính bằng những gì ông đã làm được. Điều khiến ông tự hào nhất không phải là những danh hiệu, mà là những học trò mà ông đã cất công trui rèn, cho họ đôi cánh để bay xa hơn, góp phần đưa ngành Toán học của Việt Nam trở thành một trong những thế mạnh lớn nhất. Mặc dù, trong câu chuyện ấy, thấp thoáng ưu tư về những sứ mệnh chưa hoàn thành, những nỗi niềm còn đau đáu mong mỏi giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của đất nước ngày càng phát triển. Nhưng ở đó vẫn là khao khát cống hiến đến cùng tận, mà đến ngay bây giờ, khi đã qua độ “bát thập cổ lai hy”, ông vẫn còn đang theo đuổi từng ngày, từng giờ.
Ông trông chờ một xã hội đổi mới, hiện đại hóa – công nghiệp hóa theo đúng tâm nguyện của người thầy vĩ đại của dân tộc – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuổi đã cao, biết thời gian dành cho mình không còn quá nhiều, ông từng nói với các học trò rằng: “Chặng đường trồng người không bao giờ có điểm dừng, nhưng chỉ cần còn sức là còn đi”. Và quả thật, điều đó là lẽ sống của ông.
Nhà toán học cao tuổi, với vũ khí là một trái tim nóng và một bộ óc thông thái hằng ngày vẫn ngồi bên chiếc bàn làm việc nhỏ, liên hệ với các học trò bằng chiếc máy điện thoại cố định đặt ở góc bàn. Sự giản dị tuyệt đối ấy làm chúng tôi, thế hệ trẻ càng thêm xúc động khi được chứng kiến hình ảnh này. Học trò của ông ở khắp mọi miền đất nước, hầu hết đều thành danh và giữ những cương vị quan trọng, nhưng bài học ông để lại cho lớp trẻ, những mầm xanh ươm vào đất, vào sự nghiệp trồng người vinh quang sẽ vươn lên thành những cây lớn để một mai tiếp bước ông, những nhân tài sẽ xuất hiện và kế sự nghiệp của thế hệ ông, tất cả đều vì một giấc mơ, đặt trọn niềm tin vào tương lai tươi sáng của quê hương mình.
Phạm Anh – Thu Hiền
Nguồn: www.trithucvaphattrien.vn