Cuộc đời và những chuyến đi đầy ý nghĩa

Đoàn Thị Hạnh Nhân sinh ra và lớn lên tại Ninh Bình. Bà là sinh viên khóa 1965-1971 trường Đại học Y Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, Đoàn Thị Hạnh Nhân được giữ lại giảng dạy tại Bộ môn Ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội. Trong thời gian học tập và công tác bà tích cực tham gia công tác Đoàn và từng đảm nhiệm vai trò là Phó Bí thư Đoàn trường. Năm 1978, bà được cử sang Bungari làm nghiên cứu sinh và đi sâu vào nghiên cứu miễn dịch, labor. Từ năm 1983, bà về công tác tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho đến khi nghỉ hưu.

 

PGS.TS Đoàn Thị Hạnh Nhân trong một chuyến khám chữa bệnh tại địa phương

Trong thời gian công tác tại Bộ môn Ký sinh trùng, Đoàn Thị Hạnh Nhân được GS Đỗ Dương Thái trực tiếp hướng dẫn nghiên cứu về miễn dịch. Ngoài công tác nghiên cứu, giảng dạy bà còn tham gia các chuyến công tác khám chữa bệnh cho nhân dân ở một số tỉnh. Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong số những chuyến công tác của bà là đợt đi thực tế năm 1976 tại huyện Nghĩa Hưng, Nam Định cùng GS Đỗ Dương Thái. Bà kể: Ở huyện có một gia đình gồm 5 người, bố mẹ mới chết vì bị mắc bệnh sán lá gan, để lại ba người con cũng đang mắc căn bệnh này, trong khi hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, không có điều kiện chữa trị. Lúc này, GS Đỗ Dương Thái quyết định đưa ba anh em lên Khoa Nhi, Bệnh Viện Bạch Mai điều trị. Hồi ấy, Y tế của ta chưa có thuốc chữa sán lá gan ở người, Viện Sốt rét chỉ có 3kg thuốc dùng cho thú y do Liên Xô viện trợ. Giáo sư Thái đành phải nghiên cứu tìm cách cứu người, ông đã hướng dẫn bác sĩ Đoàn Thị Hạnh Nhân pha chế thuốc và dùng biện pháp xông bơm trực tiếp vào gan bệnh nhân, thuốc không ngấm qua máu, không ảnh hưởng đến ruột. Chính sáng kiến trong khó khăn này đã cứu sống được 2 anh em, còn một bé gái do bệnh quá nặng nên không qua khỏi.

Với PGS.TS Đoàn Thị Hạnh Nhân thì cuộc đời là những chuyến đi đầy ý nghĩa. Cùng đồng nghiệp bà đã đi tới những vùng miền xa xôi, hẻo lánh của Tổ quốc để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trong không khí cởi mở của buổi làm việc đầu tiên, PGS.TS Đoàn Thị Hạnh Nhân đã trao tặng Trung tâm một số tài liệu liên quan tới quá trình học tập, công tác của mình. Và còn rất nhiều những câu chuyện về nghiên cứu, khám chữa bệnh ở Hòa Bình, Thanh Hóa…sẽ còn được bà chia sẻ với cán bộ nghiên cứu của Trung tâm trong những buổi làm việc tiếp theo.

   

 

Nguyễn Thị Loan

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam